11/11/2013 20:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 1408
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mở đầu bài viết này là đôi lời trao đổi với một bạn đọc đã phản hồi bài viết ““Phật giáo ở đâu…”: Câu hỏi muộn màng (Bài 3)”.

  

 Về thời điểm đạo Tin Lành  truyền giáo ở Tây Nguyên, chúng tôi theo TS  Nguyễn Khắc Đức: “Đặc điểm của đạo Tin Lành trong vùng đồng  bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc ở nước ta hiện nay”, tạp chí Công tác tôn giáo, tháng 10 – 2013, trang 13 – 15. Đây là bài nghiên cứu mới nhất về đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Theo đó, “ở Tây Nguyên, từ năm 1926, CMA (Christian and Missionary Alliance - Hội Truyền giáo Ki tô) đã bắt đầu có các hoạt động truyền giáo Tin Lành vào các tộc người thiểu số”. Do vậy, nên trong bài viết của tôi có ghi chú cụ thể năm 1926.

Với thời điểm này, có thể nói đạo Tin Lành sớm bắt đầu việc truyền đạo ở miền núi, chỉ 15 năm sau ngày có mặt tại Đà Nẵng (1911), được coi là thời điểm đạo Tin Lành bắt đầu truyền vào Việt Nam. Thời điểm này là sớm hơn rất nhiều so với Phật giáo, đã được truyền đến Việt Nam gần 20 thế kỷ.

Nhưng dù là theo lịch trình truyền đạo Tin Lành mà bạn đọc đưa ra (“Tin lành đến Tây Nguyên từ những năm 1940”), thì kết luận của chúng tôi về những lần chậm trễ của Phật giáo trong hoạt động hoằng pháp ở miền núi và cao nguyên đối với đồng bào dân tộc ít người vẫn đúng. Lần chậm trễ lần thứ hai của Phật giáo ứng với lần chậm trễ đối với đạo Tin Lành, trong khi lần chậm trễ thứ nhất là so với  đạo Ca tô La Mã, lần chậm trễ thứ ba là so với chính Phật giáo.

Đánh dấu những lần chậm trễ tiếp theo sau nữa sẽ được trình bày tiếp đây được đưa ra chủ yếu bằng việc so sánh hoạt động của Phật giáo Việt Nam với sinh hoạt tôn giáo và bối cảnh chung về chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa.

SAU NĂM 1975, CŨNG NHƯ Ở MỌI VÙNG KHÁC TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM, VIỆC TRUYỀN ĐẠO Ở TÂY NGUYÊN TẠM GIÁN ĐOẠN, ít ra là ở hoạt động bề mặt. Còn trong bí mật, hoạt động này vẫn tiếp tục. Ở Tây Bắc, tình trạng này bắt đầu từ năm 1954. Ở cả Tây Bắc và Tây Nguyên, tình trạng này kéo dài đến khoảng nửa sau thập niên 1980.

Nhìn chung, bước phát triển của Tin Lành  ở Tây Nguyên và Tây Bắc có chững lại trong thời gian được nói tới ở trên. Ở miền núi phía Bắc, theo TS Nguyễn Khắc Đức (bài viết đã dẫn), thì mãi tới những năm 80 thế kỷ XX, chỉ có một bộ phận người Dao ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) theo đạo Tin lành từ trước.

LẦN CHẬM TRỄ THỨ TƯ của Phật giáo Việt Nam đối với việc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và cao nguyên đã diễn ra trong bối cảnh như vậy. Thời điểm bắt đầu lần chậm trễ thứ 4 này là từ cuối năm 1981, thời điểm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sẽ có ý kiến cho rằng đánh dấu lần chậm trễ thứ 4 của Phật giáo Việt Nam bằng thời điểm từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một yêu cầu quá cao, do đó quá sớm, không thể phù hợp. Từ đó, xin có một số bàn luận dưới đây như sau:

Không nên quan niệm hoạt động hoằng pháp đặc biệt như đưa ánh sáng Phật pháp đến đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cao nguyên là việc hễ nói là bắt đầu ngay, hễ bắt đầu là có kết quả ngay. Sự phức tạp và khó khăn của hoạt động hoằng pháp đặc biệt này đòi hỏi nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm nghiên cứu, chuẩn bị. Đặt vấn đề ngay sau sự kiện thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 là không sớm.

Xét bối cảnh lịch sử thời điểm đầu thập niên 1980, chúng ta sẽ thấy những nét chính, hình thành môi trường cho Phật sự quan trọng này.

Đến năm 1975, cục diện tôn giáo mới ở Tây Nguyên, với những hệ quả chính trị xã hội của nó sau gần 50 năm truyền đạo Tin Lành ở đây đã hình thành với những vấn đề rất rõ ràng. Sự bất ổn ở Tây Nguyên sau 1975 với hoạt động FULRO mang trong nó cả những vấn đề tôn giáo. Những nhà hoạch định chính sách đã thấy tác dụng của nước cờ tôn giáo ở Tây Nguyên và không khó để tiên lượng những khả năng di động tiếp theo của các quân cờ. Đạo Tin Lành phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm khoảng cách văn hóa với người Kinh, đa số theo đạo Phật ngày càng rộng lớn. Vấn đề tôn giáo Tây Nguyên hiện nguyên hình một cố gắng chia rẽ dân tộc.

Trong bối cảnh đó, từ năm 1981, với bước thống nhất Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam hợp tác đầy đủ toàn diện với nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mục tiêu phấn đấu đoàn kết dân tộc. Phật giáo có thể phát huy vai trò là tôn giáo truyền thống dân tộc, là nhân tố góp phần vào sự nghiệp đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội, nhất là trong bối cảnh thống nhất, quan hệ với chính quyền chuyển sang một giai đoạn mới tốt đẹp.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ không thấy hết được vấn đề, không thấy được những thuận lợi Phật giáo có được trong giai đoạn mới, khả năng Phật giáo có thể góp phần nhiều hơn vào sự nghiệp đoàn kết dân tộc và từ đó đưa hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam lên một bước phát triển mới.

Quan điểm giới hạn trong một tổ chức chỉ Phật giáo người Kinh có ở miền Nam cho tới năm 1981, từ sau năm 1981 đã phát triển lên một tầm nhìn mới, Phật giáo Việt Nam còn bao gồm các dân tộc Khmer, Hoa. Tuy nhiên, lại chỉ dừng ở giới hạn đó, không đi đến tầm nhìn Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, có thể góp phần vào sự nghiệp đoàn kết các dân tộc. Không có được quan điểm này Phật giáo Việt Nam sau thành tựu thống nhất không thấy viễn cảnh Phật giáo Việt Nam phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có mặt trong các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam và trở thành nhân tố đoàn kết các dân tộc.

Nếu chưa thể triển khai trong thực tiễn, thì ít ra, về mặt lý luận, thời cơ để xác định vai trò mới của Phật giáo Việt Nam đã có ngay từ năm 1981, từ đó tạo ra tình thế mới thuận lợi cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam.Tiếc rằng cơ hội đó đã bị bỏ qua. Phật giáo, tôn giáo đã là nhân tố đoàn kết dân tộc Kinh vẫn bị đặt ngoài các sinh hoạt tôn giáo ở Tây Nguyên. Cũng không đi tới một thành quả nào trong nghiên cứu lý luận, cũng như đã không có một sự chuẩn bị nào hết, dù là nhỏ nhoi, khiêm nhường, đơn giản.

Trong khi đó, Tin Lành ở Tây Nguyên chuyển sang giai đoạn cầm cự. Họ không có được những thuận lợi về hoàn cảnh để truyền đạo như trước năm 1975, nhưng vẫn có thể tìm cách duy trì hoạt động tôn giáo như đã có được để chờ đợi thời cơ mới. Tin Lành đã cắm rễ được trong các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Điều đó có thể thấy rất rõ qua việc người dân tộc thiểu số Tây Nguyên giữ đạo Tin Lành trong những năm 1975-1986. Tôn giáo mới vẫn hiện diện ở Tây Nguyên trong những năm khó khăn kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau đó.

Thời gian Phật giáo Việt Nam bỏ lỡ trong lần chậm trễ là khoảng gần 10 năm, từ 1981 đến cuối thập niên 1980. Nhưng tại sao Phật giáo Việt Nam lại chậm trễ?

Thành quả thống nhất năm 1981 tuy là thành quả lớn, nhưng không toàn diện, vững chắc. Đây cũng không phải là thành quả của chỉ nội lực Phật giáo, mà vai trò tác động từ bên ngoài rất lớn. Những nhà lãnh đạo Phật giáo đã không có được tầm vóc, nhìn xa trông rộng, khai thác lợi thế đã có trong bối cảnh mới. Quý vị đã không thể đi xa hơn so với giới hạn đã có trước đây từ những tổ chức Phật giáo có trước năm 1981, ít ra là về mặt lý luận, để có thể đề ra thiết kế hoạt động hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số, xúc tiến các bước chuẩn bị cần thiết.

So với hoạt động của các tổ chức Tin Lành, phía Phật giáo tỏ ra yếu kém về tầm nhìn, thụ động trong tổ chức hoạt động, hạn chế về kỹ năng. Những cái đó tích tụ lại khiến phía Phật giáo ngay từ khâu nhận thức đã có vấn đề, nói chi đến việc triển khai các hoạt động cụ thể và đạt được kết quả từ những hoạt động đó.

Sau 4 lần chậm trễ, mà thực ra từ những năm 1970,  Phật giáo đã bị mất chỗ đứng ở Tây Nguyên, không đợi đến những thập niên sau đó. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiểu số hóa Phật giáo có cùng một nhịp độ diễn biến. Nó biểu hiện tình thế Phật giáo bị giới hạn, bị loại trừ, mà ở đây là đối với nhiều dân tộc ở một vùng rộng lớn của Tổ quốc, chẳng những ở các tỉnh cao nguyên, mà còn ở vùng miền núi tiếp giáp ở nhiều tỉnh đồng bằng.

Trên đây chúng ta chỉ mới đề cập đến việc hoằng pháp đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ở miền núi phía Bắc, chủ yếu là vùng Tây Bắc, giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986, Tin Lành chưa phát triển. Phật giáo phía Bắc còn đang trong giai đoạn hồi phục, sinh hoạt ở nhiều nơi còn chưa đạt trở lại mức trước chiến tranh, nên không thể làm gì đối với hoạt động hoằng pháp ở miền núi và cao nguyên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, tình hình lại rơi vào trạng thái là hoạt động truyền bá tôn giáo ở miền núi và cao nguyên phía Bắc chủ yếu là hoạt động truyền bá đạo Tin Lành thông qua phương tiện truyền thông là đài phát thanh sóng ngắn từ nước ngoài. Trong những năm 1980, kết quả của hoạt động này đã không được nhận thức một cách đầy đủ, với những tiên lượng, dự báo cần thiết. Thiếu sót này cũng là một nguyên nhân của sự chậm trễ của Phật giáo ở thời gian sau. Mà thực ra, chính là chậm trễ ngay trong thời gian này.

Như thế trong những năm 1980, Tin Lành vẫn âm thầm cắm rễ vào vùng Tây Bắc, dù đi sau vùng Tây Nguyên, có chậm hơn so với Tây Nguyên (vì không có 20 năm được Mỹ hậu thuẫn như ở Tây Nguyên), nhưng vẫn tiến triển. Tình thế này luôn đặt Phật giáo trong tình thế bị lùi lại phía sau, bị chậm trễ, muộn màng.

MT


Âm lịch

Ảnh đẹp