Mới đây nhất, tại TP HCM xảy ra vụ "xe điên" gây tai nạn liên hoàn làm 2
người chết, 17 người bị thương. Trong khi đó, một số người đi đường
không những không ra tay cứu giúp mà còn xông vào "hôi của" lấy hết tài
sản của nạn nhân.
Chị Hồng Hà, bị thương nặng nhất trong số nạn nhân còn
sống đã bị mất toàn bộ số tài sản để trong cốp xe. Một phụ nữ khác tử
vong do vết thương quá nặng, song đến 3 ngày sau gia đình mới hay tin
vì toàn bộ túi xách đựng giấy tờ tùy thân đã bị lấy mất.
Theo dõi thông tin vụ tai nạn thương tâm trên, nhiều độc giả đã gửi thư đến báo VnExpress.net
bày tỏ thái độ phẫn nộ với những kẻ "hôi của máu lạnh" kia. "Không còn
gì để nói nữa, sao mà người ta lại có thể hành động như vậy? Thật đúng
là không còn chút lương tâm nữa. Tình người dường như đã bị quên đi
mất", bạn Tran Hung viết.
Còn những người đã từng tận mắt chứng kiến các vụ tai
nạn tương tự thì cho rằng "đó là chuyện thường ngày ở huyện", bởi vẫn
diễn ra nhan nhản đâu đó chốn thị thành.
Đã 2 năm qua, người Sài Gòn vẫn chưa hết ám ảnh về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại quận Thủ Đức.
Nạn nhân là anh Nguyễn Thành Trung, một cán bộ công an, bị xe tải đâm
đứt đôi người. Đoạn video clip do một người dân quay lại hiện trường
cho thấy, anh Trung bị xe tải cán ngang hông, dập nát nửa thân dưới.
Mặc dù vậy, anh vẫn tỉnh táo, thậm chí còn nhờ mọi người gọi điện về
cho gia đình. Song ngay sau đó nạn nhân qua đời, trước khi xe cấp cứu
đến hiện trường.
Đoạn video dài 5 phút này được phát đi trên Internet
đã dấy nên làn sóng dư luận kịch liệt lên án những người đi đường lúc
đó chỉ đứng nhìn mà không ra tay cứu giúp nạn nhân.
Một điển hình khác về thái độ "mạnh ai nấy sống" ở
chốn thị thành, xảy ra vào ngày 23/7 tại Cầu Giấy (Hà Nội). Hàng trăm
người đi đường bình thản đứng nhìn hai cha con anh Nguyễn Công Vinh tay
không chống trả bọn cướp mà không ai vào cuộc giúp đỡ.
Chốn thị thành, đất chật người đông
nhưng các mối quan hệ lỏng lẻo và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Ảnh: Thi Ngoan
Anh Vinh kể, hai cha con anh đang đứng đón xe buýt thì
bị một thanh niên móc ví. Khi tên này chuyền tay chiếc ví cho đồng
bọn, anh Vinh phát hiện và chộp được tay của hắn. Ngay lập tức đồng bọn
kẻ cướp lao vào đánh khiến con trai anh gãy hai chiếc răng. Có hàng
trăm người đứng xem mà không ai ra tay giúp đỡ. Cuối cùng anh Vinh đành
buông tay để mặc bọn cướp tẩu thoát cùng với chiếc ví.
Mới đây, ngày 25/10 cơ quan tố tụng huyện Năm Căn (Cà
Mau) đã điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối
với êkip bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực Năm Căn đã để xảy ra cái chết của bệnh nhân Dương Thị Thu Huyền (16 tuổi).
Khoảng 3h sáng ngày 28/6, người dân trong xóm phát
hiện Huyền thương tích đầy người nằm bất tỉnh trên đường nên đưa đi cấp
cứu. Đến bệnh viện, các bác sĩ ở đây đã từ chối cho nạn nhân nhập viện
chỉ vì không đủ tiền. Mãi đến khi có người thân đến bảo lãnh, bệnh
viện mới tiến hành cấp cứu qua loa mà không khám toàn diện, bỏ sót dấu
hiệu bệnh lý và chẩn đoán không đúng bệnh. Cuối cùng là cô gái trẻ đã
tử vong vào rạng sáng hôm sau.
Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người bức xúc đập
phá bệnh viện, đưa thi thể thiếu nữ diễu hành trên phố để bắt đền, gây
rối trật tự công cộng... Hàng chục người bị bắt, trong đó 34 người bị
đề nghị truy tố.
Liên quan đến vụ việc này, bác sĩ Nguyễn Duy Tú (bệnh
viện đa khoa khu vực Năm Căn, người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh
nhân) đã bị cách chức phó trưởng khoa phụ sản và điều sang làm công
tác khác. Ngoài ra 2 bác sĩ tham gia hội chẩn và 2 điều dưỡng cũng bị
kỷ luật cảnh cáo.
Nhìn nhận về thái độ vô cảm của con người đã và đang
diễn ra ở khắp nơi, mọi lĩnh vực hiện nay, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa
Bình cho rằng, Việt Nam đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn
minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế
mà xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tính
huyết thống, lối sống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau bị nhạt nhòa đi,
trong khi trình độ văn minh tiến bộ vẫn chưa định hình rõ ràng.
"Dường như bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn của các
giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp
đâu đấy. Mặc dù cái tốt không phải là mất nhưng nó không đủ sức mạnh
thắng thế trong đám đông, không lấn át được những kẻ cơ hội đục nước
béo cò", ông Bình nói.
Thế nhưng để xảy ra tình trạng này, ông cho rằng một
phần là do sự thể hiện yếu kém của lực lượng chức năng. Họ xuất hiện
không kịp thời hoặc với lực lượng quá mỏng không đủ để dẹp yên tình
trạng hỗn loạn. Từ đó, những người chứng kiến không dám giúp đỡ nạn
nhân và không tố cáo kẻ xấu vì sợ dây dưa, vướng vào vòng lao lý, sợ bị
tra hỏi và sợ bị liên đới, mất thời gian…
Chiếc xe tải chở đầy tương ớt lật nghiêng tại quốc lộ 1A
(đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bị người qua đường "hôi của". Ảnh: Nguyên Khoa
Tuy nhiên, ông Bình khuyên mọi người không nên đánh
mất niềm tin, bởi hiện tượng tiêu cực này sẽ giảm đi khi mà chức năng
hệ thống, thiết chế, chức năng trong xã hội định hình rõ ràng hơn. "Như
trong vụ tai nạn, nếu lực lượng cảnh sát, dân phòng dẹp ngay thì làm
gì có chuyện hôi của. Không chỉ dẹp mà còn hô hào, động viên lòng tốt,
tính hướng thiện cả cộng đồng. Ở đây phải có vai trò lực lượng chức
năng, các thành tố mà làm đúng công việc của mình thì sẽ triệt tiêu
được cái xấu", ông Bình lý giải.
Trên phương diện khác, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hùng Nguyễn và Cộng sự (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, sự
vô cảm là một khái niệm không có gì mới, nó xuất hiện từ khi có con
người, nó tồn tại ở các mức độ khác nhau cùng với sự phát triển của xã
hội. Ngay từ thời hái lượm, con người đã có sự vô cảm khi mặc nhiên
giành giật thức ăn trước sự đói khát của đồng loại hoặc bỏ chạy khi
đồng loại gặp nguy hiểm…
Tuy nhiên khi xã hội phát triển, qua từng thời kỳ, con
người đã được dạy biết cách nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, nhờ vậy
sự vô cảm dần được kiểm soát. Người ta gọi đó là xã hội văn minh.
"Xã hội Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự vô cảm vẫn
tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển và còn mãi. Có điều, chúng ta sẽ
mãi tìm cách kiểm soát, khống chế sự vô cảm này. Và một trong những
công cụ xã hội quan trọng đó là luật pháp", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý việc luật hóa những
ứng xử của con người trong xã hội cần phải cân nhắc thật kỹ để thực sự
khuyến khích cái tốt, hạn chế cái xấu. Thế nên cần có một nghiên cứu
dài hơn từ nhiều ngành khoa học xã hội để tìm ra nguyên nhân cốt lõi
mới mong giải quyết được vấn đề.
"Đây không phải là việc một sớm một chiều, song chúng
ta sẽ làm được. Vấn đề ở đây là các nhà hoạch định chính sách không nên
chỉ quá chú trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị mà bỏ
qua mục tiêu xây dựng một xã hội đích thực mà trong đó tình người có
thể dễ dàng hiện diện ở khắp nơi. Một xã hội phát triển mà thiếu phần
người, xã hội đó sẽ què quặt, bởi các mục tiêu kinh tế, chính trị (dù
cực kỳ quan trọng) cũng chẳng biết để làm gì khi con người sống không
ra sống, sự vô cảm có cơ hội bùng phát tràn lan", ông Hùng đúc kết.
Thi Ngoan - Thái Hưng