Kết quả thăm dò cho thấy 54%
người Anh cho biết họ sẽ ở bên cạnh hoặc nói chuyện điện thoại với người
thân yêu; 13% người ngồi chấp nhận hậu quả sắp đến với một ly rượu
Champangne; 9% chọn dùng thời gian ấy cho chuyện “sex”; 3% ngồi cầu
nguyện; 2% cho biết họ sẽ ăn món ăn ngậy mỡ mà bình thường họ phải
kiêng; 2% tuyên bố họ sẽ gây ra những hành động cướp phá và số còn lại
thì đưa ra những ý kiến khác…
Đã có bao giờ chúng ta tự đặt ra cho
mình câu hỏi này? Thật vậy trong một thế giới mong manh đầy bất ổn, mọi
khả năng thảm họa từ thiên nhiên hay từ con người đều có thể xảy ra bất
cứ lúc nào. Chúng ta không thể biết chắc điều gì xảy ra vào ngày mai và
thậm chí cũng không thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra với chúng ta trong
một giờ sắp tới…
Ấn
tượng với cuộc thăm dò, tôi thường đặt câu hỏi này với các bạn trẻ đồng
nghiệp của mình và có lần tôi mang câu hỏi này vào một diễn đàn của bạn
trẻ trên mạng xã hội hỏi các bạn ấy. Và rồi tôi nhận được nhiều câu
trả lời thật thú vị… Đại đa số các bạn trẻ đều cho biết, họ sẽ dành
khoảng thời gian quý báu cuối cùng này cho những người thân yêu nhất
hoặc làm những việc mà trong đời sống bình thường dù có nhiều cơ hội
nhưng vì nhiều lý do chưa kịp làm…
Tôi thật băn khoăn vì tại sao đa số
người và cả tôi, khi được hỏi lại có suy nghĩ giống nhau là đợi đến lúc
cuối cùng mới dành khoảng thời gian quý báu ấy cho những người thân
yêu?. Phải chăng còn gì quý giá hơn là khoảng thời gian thiêng liêng và
sau cùng nhất của mình. Cái đó mới đủ xứng đáng để thể hiện tấm lòng của
mình với người thân yêu. Dù lý giải như thế nào đi nữa thì cũng dễ dàng
nhận thấy là mối quan hệ tình cảm của con người là cái quan trọng nhất
vượt lên trên cả tiền bạc, vật chất và danh vọng trong đời thường… Và có
lẽ do mọi người bị cuốn hút và chạy theo những nhu cầu trước mắt hằng
ngày, mà quên mất điều quan trọng nhất đối với mình, rất có thể đến một
lúc nào đó bất ngờ chúng ta vĩnh viễn không còn cơ hội để thực hiện…
Rồi trên chuyến tàu về quê cuối năm,
trong âm thanh xình xịch đều đặn của những chiếc bánh sắt lăn tròn trên
đường sắt. Ngồi đối diện với tôi là một nhà sư cao tuổi. Tranh thủ trên
tuyến đường còn dài, tôi gợi chuyện và lại hỏi nhà sư sẽ làm gì trong 60
phút cuối cùng ấy…Nhà sư trầm ngâm một lúc, rồi từ tốn nói rằng: “Mỗi
chúng ta đều có nghiệp lực rất sai khác nhau, nếu đợi đến lúc ấy e là
quá trễ…Tại sao phải chờ đến giây phút cuối mới giật mình, hoảng hốt
nghĩ xem mình nên làm điều gì…Cõi Ta bà thật mong manh nhưng đầy vẻ đẹp
và hấp dẫn, không nhận ra điều quan trọng của cuộc sống chỉ là do ta
không biết tận hưởng sự có mặt của mình mà thôi…Nếu ta biết tận hưởng
những gì đang diễn ra trong ta, quanh ta, chúng ta sẽ không đánh mất
điều gì cả…. Mọi cái đã có sẵn ngay bây giờ và ở đây, cái quan trọng của
cuộc sống chẳng gì khác hơn đó chính là cái đang là… Khi thường xuyên
thực hành được sự có mặt và tận hưởng cuộc sống bây giờ và ở đây, chúng
ta sẽ không cần tìm kiếm thêm một điều gì nữa và chẳng có giây phút nào
là cuối cùng cả…”
Và cũng ngay lúc đó tôi nhìn qua cửa sổ
toa tàu. Ánh sáng thanh khiết của một ngày mới rực rỡ đang chiếu xuống
cánh đồng bát ngát hiền hòa…Những bông lúa trĩu hạt hồn nhiên đắm mình
trong nắng sớm. Đoàn tàu vẫn ầm ầm lao đi, tạo ra những cơn gió chuyển
động hai bên làm đung đưa nhành lúa mới. Hạt lúa phản chiếu tia nắng tạo
nên những ánh sáng vàng đẹp đẽ lạ thường, vẻ đẹp ấy hình như tôi chưa
từng cảm nhận được bao giờ…
Hoàng Dũng Hùng
(Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 7)