Chúng tôi nói căn cứ trên sự nhìn nhận và đánh giá trước các quan sát thực tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điển hình ngày 27/08/2011, báo mạng VN EXPRESS có đăng tin về
lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Báo ghi:
“ Lễ hội đâm trâu truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu…”
Hình ảnh chú trâu nghé tội nghiệp đang bị những người đàn ông vây bắt và cột cổ vào một trụ gỗ thật khiến người ta động lòng. Cái gì là việc “tế thần linh”? Chưa thấy được lợi ích nhưng điều chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là sự mê tín đến đau lòng.
Trong sự hò hét reo vui của những con người mê tín đến đáng thương, chúng ta còn chứng kiến những con người “văn minh” đang sẵn sàng chụp những tấm hình và quay những thước phim “ấn tượng” về diễn biến của lễ hội. Rồi những thước phim, những hình ảnh ấy được phổ biến cho gia đình, bạn bè và sẵn sàng làm tường thuật viên tình nguyện cho mọi người, trong niềm hân hoan như đã chứng kiến một “trận chiến” lịch sử. Chúng tôi thật sự nghi ngờ về hạt giống từ bi trong họ. Không biết nó còn ẩn sâu bên dưới tầng tầng lớp lớp của vô minh hay đã bị “ba con rắn độc”: tham, sân, si nuốt mất.
Thực lòng suy xét, chúng ta đã không “hướng dẫn” họ từ bỏ những hủ tục mang tính chất tàn bạo như vậy thì thôi, đằng này, những con người “văn minh” còn hùa theo và cỗ động như là các “fan” cuồng nhiệt, làm tăng thêm tính chất hung bạo của không khí buổi lễ. Chúng ta không đứng trên lập trường hay tư tưởng của một tôn giáo nào cả, vấn đề được nêu ra như vậy để xem lại phương diện đạo đức và tình thương của con người đối với thú vật.
Điển hình của lễ hội đâm trâu là hình ảnh chú trâu hằng ngày “một nắng hai sương” với bà con nông dân, chúng mang sức mạnh để cày bừa và phục vụ cho con người có chén cơm thơm dẻo. Thử nghĩ, dù anh có giàu sang như thế nào đi chăng nữa thì anh có ăn cơm hay không, anh có thọ ơn của con trâu hay không?
Nói như thế ta thấy quá xa vời nhưng sự thực là vậy và điều hiển nhiên nữa, nước ta là một trong những nước nông nghiệp thì sự cống hiến của con trâu là lẽ tất yếu.
Xét về phương diện tâm lý học, trong khi ta có mặt để tham dự lễ hội, không ít thì nhiều trong tâm tưởng của mỗi người đều muốn chứng kiến những cú đâm thật đẹp mắt và sự đau đớn của con trâu càng nhiều thì ta càng cảm thấy thích thú. Ta luôn có ý nghĩ “đâm mạnh vào”, “đâm cho chính xác”, “anh ta đâm tệ quá, nếu là tôi sẽ hay hơn”,… những ý nghĩ như vậy đều được xuất phát từ tâm ác của những hạt giống bất thiện.
Khi những hạt giống đó có điều kiện xúc tác như vậy thì lẽ dĩ nhiên là nó sẽ nảy mầm và phát triển một cách mạnh mẽ. Hệ quả của nó là bạo động, giết người, và xung đột, lớn hơn nữa sẽ dẫn đến chiến tranh.
Một lễ hội nữa mà tính chất tàn bạo và man rợ của nó đã khiến cho các nhà đạo học cũng như người có tình thương thấy bất nhẫn, đó là “Lễ Hội Chém Lợn Tế Thần” ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào ngày mồng 6 Tết âm lịch hàng năm.
Một con heo đang sống như vậy mà họ nhẫn tâm chém đứt đôi thân hình của nó. Xung quanh, hàng nghìn người đang cổ vũ, reo hò để không khí buổi lễ được diễn ra sôi động. Điều chúng ta cần quan tâm chính là thành phần tổ chức và tham gia lễ hội.
Họ không phải là những người thuộc các dân tộc thiểu số thiếu kiến thức, mà chính là một bộ phận của dân tộc Kinh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tại sao giữa một nền văn minh phát triển với các tiến bộ về khoa học kĩ thuật và sự phát triển huy hoàng của nền văn hóa nước nhà, lại còn tồn tại những hủ tục như vậy?
Ngay cả đài truyền hình quốc gia VTV4 cũng làm phóng sự trình chiếu trên tivi phát sóng ra nước ngoài khoe với người ngoài nước cái lễ hội truyền thống của dân tộc mà họ không biết rằng những người nước ngoài cho đó là “dã man mọi rợ” (Hoàng Liên Tâm – phattuvietnam.net). Không biết thần thánh phương nào lại nhẫn tâm chứng kiến và tiếp nhận những “lễ phẩm” dâng cúng đó!?
Hình ảnh những em nhỏ đứng vỗ tay reo hò lại càng làm chúng tôi xót xa, vô tình những người lớn tạo dựng hình ảnh để các em nuôi dưỡng hạt giống ác độc và thiếu từ bi.
Hơn thế nữa, khi những hình ảnh mang tính chất bạo động và tàn ác như vậy đập vào mắt các em thì chúng sẽ huân tập và trở thành bản năng như một “chương trình mặc định” khi tiếp xúc với mọi người trong một trường hợp nào đó. Họ đã được gì khi đánh đổi tình thương của mình đối với thú vật để lấy một cái gì đó xa xôi diệu vợi và hình như nó nằm đâu đó trong “miền đất hứa”.
Nhiều người sẽ nhận định rằng, việc giết chóc động vật để phục vụ nhu cầu ăn uống của con người vẫn diễn ra hằng ngày, và quy mô với số lượng động vật bị giết nhiều hơn trăm nghìn lần, so với lễ hội chỉ giết một hoặc hai con vật thì không đáng kể. Chúng tôi không phủ nhận ý kiến đó. Đứng về phương diện nhân quả, ai làm người nấy chịu, người sát sinh sẽ chịu quả báo chết yểu, đoản mạng, gia đình ly tán.
Nhưng điều mà chúng tôi muốn nói là việc phổ biến “truyền thống” không hợp thời và thiếu tình thương đến với thế hệ con cháu sẽ gây ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhân cách và bản tính “nhân chi sơ, tính bổn thiện”.
Nói lên quan điểm của bản thân và mong muốn mọi người chấp nhận là một điều không dễ. Đằng này, quan điểm đó lại mong muốn mọi người từ bỏ cũng như không ủng hộ những “truyền thống” đã quá lạc hậu nhưng vẫn được duy trì và “được” xem là “nét đẹp văn hóa” của địa phương, lại càng khó.
Mong muốn các cơ quan chức năng sơ nhìn nhận và mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ nét đẹp chung cho truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.