25/01/2011 21:17 (GMT+7)
Số lượt xem: 3842
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cộng đồng người Việt Nam ở Lào được hình thành cách đây khoảng 100 năm và hiện nay có khoảng 20.000 - 30.000 người Lào gốc Việt và người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Lào, trong đó đa số theo đạo Phật. Hiện ở Lào có 11 ngôi chùa Việt, tập trung chủ yếu ở thủ đô Viêng Chăn, Luông Prabang, Savannakhet và Champasak.


Mặt trước chùa Phật Tích

Phần lớn chùa Việt ở Lào được xây bằng gạch, có mái cong. Một số ngôi chùa còn được xây bằng bê tông cốt thép, nhiều tầng, bề thế vững chãi. Chùa được thiết kế và trang trí thuần Việt với đầy đủ các bàn thờ theo cách bài trí “tiền Phật, hậu Thánh”. Có thể kể ra những cái tên như chùa Bảo Quang, chùa Diệu Giác ở Savannakhet; chùa Long Vân, chùa Trang Nghiêm ở Parkse, Champasak; chùa Bàng Long ở Viêng Chăn và đặc biệt là chùa Phật tích, mới được xây dựng trên diện tích 1.300 m2, cao 7 tầng với tổng kinh phí 450.000 USD, do bà con trong cộng đồng và các tổ chức tự nguyện đóng góp.

Người Việt ở Lào rất nặng lòng với quê hương, tự hào về nền văn hóa truyền thống dân tộc nên ngoài việc xây nhiều trường Việt, duy trì sinh hoạt trong gia đình theo tập quán Việt Nam, họ xem chùa là điểm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Đại Đức Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật tích cho tôi biết, chùa Việt tại Lào được sinh hoạt rất đều đặn. Vào các ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng, tăng ni, phật tử cùng nhiều bà con trong cộng đồng lại đến chùa thắp hương niệm Phật. Chùa Việt ở Lào có giá trị bảo tồn và phát huy văn hoá Việt trên đất khách quê người, giúp cho bà con Phật tử nói riêng, bà con trong cộng đồng người Việt nói chung có thêm một điểm sinh hoạt văn hoá tinh thần, gặp gỡ nhau trong những ngày lễ, nhất là khi Tết đến, xuân về.

Chị Biền Thị Kỷ, một doanh nhân thành đạt tại Viêng Chăn tâm sự với chúng tôi: Chị sinh ra và lớn lên tại Lào nhưng gia đình vẫn giữ nếp sinh hoạt của người Việt. Lúc còn ở Xiêng Khoảng, chị cùng gia đình hay đi chùa.

Lên lập nghiệp tại Viêng Chăn, gia đình cũng gắn bó với chùa. Với chị, chùa là nơi linh thiêng giúp con người hướng thiện, lại cũng là điểm gắn kết tình cảm bà con trong cộng đồng. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Phụ nữ cộng đồng người Việt tại Viêng Chăn, chị tích cực với công tác cộng đồng, động viên bà con, nhất là chị em, dạy con cái nếp sống của người Việt, đi chùa đều đặn.

Tụng kinh niệm Phật là nếp sinh hoạt thường xuyên của bà con người Việt ở Lào.

Chùa cũng là nơi thể thiện tấm lòng của cộng đồng người Việt ở Lào đối với bà con quê nhà lúc gặp khó khăn. Mới đây, khi biết đồng bào miền Trung bị lũ lụt, chùa Phật tích đã phối hợp với Thành hội Viêng Chăn vận động bà con ủng hộ đồng bào được trên 158 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt. Cảm động hơn là các nhà sư và bà con đã vượt cả ngàn cây số về nước, tận tay trao gửi tấm lòng cho bà con vùng lũ.

Anh Hoàng Diểu, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào cho biết, trong xây dựng phong trào bà con hướng về Tổ quốc, Tổng hội rất coi trọng việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con. Chùa là nơi giáo dục truyền thống yêu thương đùm bọc nhau, làm việc thiện, hướng về Tổ quốc rất hiệu quả, nhất là đối với lớp trẻ.

Trong hàng chục ngàn bà con người Việt ở Lào, không chỉ có những người cao tuổi năng tới chùa mà cả những bạn trẻ cũng rất quan tâm đến địa chỉ này. Em Nguyễn Văn Quang (tên Lào là Sayphon Khunsi huong), sinh viên năm thứ 3 khoa Luật, Đại học Quốc gia Lào cho biết, em và các bạn hay đến chùa Việt, không chỉ vì truyền thống gia đình mà còn bởi ở đây, các em có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt và hiểu hơn về phong tục tập quán và văn hóa Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là nhiều người Lào cũng sinh hoạt tại chùa Việt. Đơn giản là vì họ rất quý Việt Nam, muốn hiểu hơn về cái hay, cái đẹp của văn hóa và con người Việt Nam.

Chính quyền địa phương và Trung ương của Lào cũng rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở Lào. Việc Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Lào Somsavath Lengsavath đến dự và cắt băng khánh thành chùa Phật tích tại Viêng Chăn hôm 19/11/2010 là một ví dụ.

Ai xa quê mới thấu hiểu hết nỗi nhớ quê da diết, nhất là những lúc Tết đến, xuân về, của những người con xa xứ. Tiếng chuông chùa ngân vang hay một bữa cơm chay nhà chùa cũng đủ làm ấm lòng những người con đang mưu sinh nơi xa.

Đối với bà con người Việt ở Lào, chùa chính là hình ảnh quê hương, một điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần, nơi bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt, đoàn kết hai dân tộc Việt - Lào.

Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào – Nguồn: baotintuc.vn)

Âm lịch

Ảnh đẹp