Trái tim một nhà sư viễn xứ


Nguyễn Thị Ngọc Trâm
29/11/2010 19:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 5369
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hôm ấy chùa Lương Phước ở ấp bình Trung – xã Bình Trung – huyện Châu Thành – Tiền Giang làm lễ an vị Phật, biết Thượng tọa Thích Phật Đạo - trụ trì chùa Đại Bi Tâm ở Thụy Điển về nước, chùa đã mời thầy đến dự.


Vừa làm lễ phóng sinh xong, thầy Thích Phật Đạo nghe một một chú tiểu của chùa Lương Phước chắp tay trước Thượng tọa Thích Phật Đạo thưa:

-  Bạch thầy, phòng khám bệnh từ thiện cho người nghèo của chùa muốn gặp thầy nhờ giới thiệu tên các loại thuốc của thầy tặng ạ.

Nghe vậy thầy Phật Đạo liền quay trở ra, các Phật tử còn chen chúc đứng bít lối đi nên thầy không biết giầy dép mình ở đâu và cứ thế trở ra cổng chùa với đôi chân trần nhẹ lướt trên đoạn đường lởm chởm đá răm tới phòng khám từ thiện cách chùa gần trăm mét.
 
Trước đó vài ngày, Thầy đi thăm Bửu Hương tự là đền thờ Đức cố Quản (thợ rèn Trần Văn Thành tức Bảy Thừa) ở huyện Châu Phú tỉnh An Giang. Tại đây có thờ người anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Xe tới chân cầu Vàm kênh Vịnh Tre phải dừng lại để đi bộ sang bên kia con kênh. Nắng trưa như muốn sấy khô da đầu của thầy mà bước chân thầy vẫn thoăn thoắt với nụ cười hoan hỷ.

Cái nắng nóng dường như tiêu tan khi thầy Phật Đạo gặp một ông già 107 tuổi râu tóc như cước ngồi thư thái trên chiếc võng vải mắc bên ngoài hiên miếu thờ lò rèn Bảy Thừa, ông lão từng là ông Từ trông coi ngôi miếu này.

Với lòng quý trọng Bảy Thừa nên ông thường tới đây. Thầy Phật Đạo và ông chuyện trò thân mật cứ như bạn xửa xưa mới gặp lại.

Trước khi chia tay, thầy biếu ông lão vài trăm ngàn và tặng thêm chuỗi vòng đeo tay bằng đá thạch anh rất to và hơi nặng màu xanh lý không quên dặn dò ông phải giữ cẩn thận kẻo làm rớt.

Cứ như vậy, qua mỗi miền, mỗi vùng đất gặp người khó thì thương, gặp người nghèo thì giúp đỡ.

Sau chuyến đi thiện nguyện cứu trợ bảy tỉnh miền Trung trong tháng 11/2009 rồi ở lại Việt Nam ba tháng, thầy Phật Đạo không ngại đường xá xa xôi, thực hiện những chuyến đi miền Tây, miền Bắc, miền Đông thăm những danh tích, thắng cảnh để tận mắt thấy sự chuyển mình của Việt Nam.

Ở đâu có chùa là cùng các chư Tăng, Ni, Phật tử tụng kinh, như tại chùa Lương Phước Tiền Giang, chùa Thất Sơn trên Núi Cấm – An Giang, chùa Giám tỉnh Hải Dương, chùa Bảo Đức – Thái Bình. Chùa Đại Tòng Lâm – Bà Rịa Vũng Tàu, thiền viện Thường Chiếu, chùa Viên Thông – Đồng Nai, chùa Quan Âm, chùa Đồng Tâm, chùa Tiên Long, chùa Phước Thạnh – TP Hồ Chí Minh…

Mặc dù Thượng tọa dừng chân nghỉ ở đâu nhưng những thông điệp về hạnh nguyện của thầy nhanh chóng lan tỏa, bà con kéo tới cầu thỉnh thầy thuyết Pháp để được tu học trên bước đường giải thoát.

Tại nhà bà Hai ở huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp có nhiều gia đình ở tận Cần Thơ, An Giang cũng tìm đến. Có Phật tử từ Quảng Ninh biết Thượng tọa đang ở Hà Nội cũng về tận nơi thỉnh thầy về an vị Phật.

Tại Hà Nội, nhiều gia đình có cả ba thế hệ xin Thượng tọa làm lễ quy y, có gia đình quy y 12 người, có cả chàng trai đang sống ở CHLB Đức về Hà Nội thăm gia đình, có cả thanh niên từng nghiện ma túy nhiều năm cũng quỳ trước bàn thờ Tam bảo xin thọ ngũ giới.

Có người đã tuổi lục tuần xưa nay chưa hiểu gì về Phật Pháp thường nhạo báng các chư Tăng, Ni, sau khi nghe Thượng tọa thuyết giảng cũng đỉnh lễ xin quy y.

Từ những lời thuyết Pháp giản dị của Thượng tọa, thỉnh thoảng ứng dụng những câu chuyện của Đức Phật dạy trong kinh Pháp, dễ hiểu nhưng sâu sắc, nghe xong lòng ai cũng thanh tịnh như được Thượng tọa đã lấy hết đi chất độc hại từ lâu đã xâm chiếm trong tư duy sống của họ rồi cả già, trẻ, con nít cùng phát nguyện xá thầy xin quy y Tam Bảo.

Cho đến nay, những Phật tử này hàng ngày vẫn trì chú kinh Pháp. Còn anh bạn tên Bình sống ở Đức mang tấm chứng nhận quy y về Hamburg đóng vào khung treo nơi trang trọng nhất trong nhà.

Đến đâu, dù là chùa hay gia đình cư sĩ, Thượng tọa cũng được các thầy trụ trì và chủ gia cầu thỉnh thuyết pháp để hiểu hơn thế nào là Bồ Tát đạo đối với những người đang tu tập.

Dù người nghe có vài trăm người trong chùa hay chừng trên chục người trong gia đình cư sĩ thầy cũng giảng. Những bài giảng về “Ba La Mật”, “Bát Nhã Môn”, “Bình đẳng thắng trí”, “Tiếng nói hoa sen”, “Tìm hiểu ý nghĩa chữ tu”…

Lời Thượng tọa trong bài giảng “Hoa Khai Kiến Phật”:

Mỗi người là một ngọn đuốc, hãy tự  mình đốt đưốc mà đi.
Mỗi người có sẵn đèn lòng
Tự mình kiếm lấy chớ trông tìm ngoài
Chớ nên trông cậy vào ai
Phật, Tiền, Hiền, Thánh chính ngay tại mình

Thượng tọa đã truyền đạo vào đời rồi người đời thấm nhuần qua thuyết pháp của thầy lại tự đi vào đường đạo. Đó là cách thầy Phật hóa gia đình và Phật hóa cộng đồng.

Đi đâu thầy Phật Đạo cũng reo rắc tình thương chân thật với Phật tử gần xa. Từng bước chân, từng dòng suy nghĩ, ngồi đâu thầy không bao giờ ngừng nghỉ, hiến đến phút trót quỹ thời gian trong ngày giảng một cách có hệ thống về kinh điển của Đức Phật. Thế nào là cái không hình tướng, là hư không, là cái không trong đạo Phật. Thế nào là cái sinh diệt trong thế giới hình tướng. Thế nào là chân tâm của Phật Pháp. Thế nào là nhân qủa và luân hồi. 

Từng tháng, từng ngày, từng giờ như thế, Thượng tọa kiên trì đong đầy trí tuệ, tư tưởng của Đức Phật vào đời. Nước da trắng của thầy từng sống dưới trời Âu đã dần xạm nắng, mái đầu không tóc không nón gội nắng tắm gió đã rám nâu, má thầy hơi hóp lại. Nhưng nét cười vẫn hiền từ, sắc thái vẫn bao dung, từng bước đi vẫn an lạc, cặp mắt nâu vẫn trong sáng tinh huệ, giọng nói ấm rõ ràng từng lời truyền cảm thuyết phục người nghe trong mỗi lần thuyết Pháp.

Thượng tọa nói: “Nếu Phật hiện thân cho thầy những ước nguyện, thầy sẽ ước các Phật tử hãy thương yêu nhau, hỗ trợ nhau cùng tu, không đố kỵ, hẹp hòi, không nói lỗi của nhau, mỗi người phải như một bóng mát che chở cho người nghèo, làm thân cây là chỗ dựa cho bạn tu. Làm sao mọi người đều có tâm Bồ Tát, đều là Phật để cùng thoát khỏi sinh tử luân hồi, cùng tu tập tinh tấn sẽ được viên mãn”.

Có phúc duyên theo Thượng tọa hành hương mới thấy được trí huệ, phúc đức, lòng thành của của một vị chân sư với Phật. Phong cách đi, đứng, tư thế ngồi thuyết giảng toát lên rõ nét tâm hạnh của một vị Bồ tát khiến ai ai cũng phải tự điều chỉnh tư thế của mình để giữ lễ.

Gương mặt từ bi của thầy, chiều sâu trong ánh mắt của thầy ẩn chứa một kho báu của Phật pháp mà thầy đã công phu nghiên cứu suốt gần bốn thập kỷ qua.

Bao năm ròng, Thượng tọa Thích Phật Đạo không thể nhớ hết những chặng đường đi truyền đạo từ Pháp qua Anh quốc, từ Thụy Điển sang Mỹ rồi Canada, Việt Nam. Bước chân của Thượng tọa đã kết nối những trái tim, những vòng tay nhân ái của con người từ quốc gia này với con người của quốc gia khác. Nhân lên tiếng nói hòa bình, an lạc trong đại chúng.

Từ những bài giảng Phật Pháp của thầy Phật Đạo như những thông điệp thấm nhuần trong tâm khảm phật tử là mọi người sống hòa thuận với nhau, sống chung với những điều thiện thì thế giới không còn chiến tranh, không còn chết chóc, chia ly.

Nghe thầy tụng kinh thì Phật tử nào cũng có thể nương theo trì chú thường nhật. Giọng thầy ấm, vang, có bài kinh đọc như thơ,  tạo nên từng cung bậc trở thành nghệ thuật tụng kinh trong chánh điện rất phù hợp với điều kiện tu học ngày nay góp phần tăng thêm năng lực chuyển hóa của đạo Phật. Từ đó Phật tử có thể tự chuyển tâm của mình, ác niệm sẽ không tồn tại trong tâm mà trở thành thuần thiện.

Trong một lần sau thời đàn tràng tại chùa Châu An ngày 6 tết canh Dần 2010, Thượng tọa xúc động nói: “Thầy đi khắp nơi trên thế giới, nhận thấy không đâu bằng tình cảm của người Việt mình. Phật tử hết lòng chia sẻ với người nghèo, người người quan tâm tới nhau cùng tinh tấn tu tập. Đi khắp đất nước, nơi nào cũng có chùa. Phật tử thấm nhuần giáo lý của Đức Phật thì tham, sân, si không còn, điều thiện trong giới Phật tử càng ngày càng được nhân lên”.

Với mục đích hồi hướng lên Tam bảo cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cầu cho chúng sinh được sống trong thanh tịnh. Từ mùa thu năm 1999, Thượng tọa Thích Phật Đạo thực hiện một chuyến nghi lễ “Tam bộ nhất bái” trên 100 km, khi thì qua chặng đường chỉ có đồng ruộng không ai đi lại, khi thì qua những con đường của thành phố lớn.

Người dân bản địa đã tỏ lòng ngưỡng mộ phát tâm cùng thầy lễ lạy cho dù những người dân đó chưa hiểu nhiều về Phật giáo. Họ đã cùng ngồi chắp tay cầu nguyện cho thế giới an bình.

Qua cuộc phỏng vấn của một nữ phóng viên người Mỹ đăng tải trên mạng truyền thông, những Phật tử ở Châu Âu cho rằng người ta khó có thể đi bộ cả trăm cây số, việc “Tam bộ nhất bái” của tu sĩ  Phật Đạo đã làm cho họ tỏ lòng cảm phục và hiểu về đạo Phật hơn.
 
Người đời thường ví cặp mắt của các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo như cửa sổ để có thể nhận biết phần nào thế giới tâm hồn của người ấy thì cặp mắt của nhà sư cũng là cửa sổ cho ta thấy trí huệ, đức hạnh của một vị chân sư. Người ta cũng có thể thấy những ngôn ngữ ấy trong ánh mắt nâu hiền của Thượng tọa Thích Phật Đạo.

Thầy là con của một người gốc Đức nhưng thầy ra đời tại Việt Nam, giống cha nên thầy hảo tướng như người Châu Âu nhưng lại nói tiếng Việt trong sáng như người Việt.

Đặc biệt rất thông hiểu truyền thống văn hóa dân tộc Việt, vì má thầy là người Việt, tên khai sinh của thầy là Nguyễn Hồng Sơn. Với khả năng ứng khẩu thành thơ, khả năng về xướng âm, có chất giọng tốt, nếu không phát nguyện xuất gia thì Nguyễn Hồng Sơn của gần 4 thập kỷ trước có thể trở thành thi sĩ, nghệ sĩ, văn sĩ. Thế nhưng thầy đã chọn con đường chân tâm của Đức Phật mà trở thành tu sĩ.

Vâng, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của Thượng tọa Thích Phật Đạo. Đó cũng là lý do thầy đi đến đâu cũng được Phật tử kính quý và cảm phục – Cảm phục trái tim của một nhà sư viễn xứ.

Thượng tọa cứu trợ đồng bào miền Trung

Thượng tọa giảng pháp tại chùa Châu An

Thượng tọa giảng pháp tại chùa Phước Thạnh

Lễ an vị Phật tại chùa Thiên Trúc (Thái Bình)

Thượng tọa dự lễ phóng sinh tại chùa Lương Phước (Tiền Giang)

Tại chùa Kỳ Quang 2 (SG)

Tại tháp chuông chùa Linh Phước

Thượng tọa tam bộ nhất bái

 

 

 

 

 

Với Hòa thượng Thanh Từ tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Source : http://www.phattuvietnam.net/6/12393.html

Âm lịch

Ảnh đẹp