mà sẽ càng quyết tâm học và đỡ đần bố mẹ
tôi. Chỉ có một con đường thôi, đó là tiếp tục đi tới.
Xin chào quý báo và các độc giả gần xa!
Xin tự giới thiệu tôi năm nay 24 tuổi, sang Mỹ định cư được hơn ba
năm theo diện kết hôn. Thời gian gần đây tôi có theo dõi diễn đàn bàn về
cuộc sống người Việt ở Mỹ và tôi cũng muốn trình bày một số suy nghĩ
của mình. Tôi xin mạn phép tự cho mình là một thanh niên trẻ (24 tuổi),
còn nguyên gốc vì ở Mỹ chưa lâu, chưa bị Mỹ hóa.
Điều trước tiên tôi muốn nói đó là mọi sự so sánh đều rất khập
khiễng. Chúng ta không thể đem mức sống của một quốc gia giàu mạnh hàng
đầu thế giới là Mỹ ra so với một nước còn bị coi là nước thế giới thứ ba
như ta. Nếu bạn muốn hít một bầu không khí trong lành hơn, muốn gắp
miếng đồ ăn cho vào miệng mà không phải suy nghĩ liệu mình có đang nuốt
thứ hóa chất độc hại nào vào bụng không, thì đến Mỹ bạn sẽ được toại
nguyện. Đó là tôi chỉ nói đến hai thứ nhu cầu tối thiểu nhất của con
người là: ăn và thở. (Dĩ nhiên người bên này còn làm to chuyện hơn về ba
cái vụ ăn uống, ví dụ như là e ngại thực phẩm biến đổi gen, cổ súy dùng
hàng organic - là những thực phẩm trong quá trình nuôi trồng không dùng
phân hóa học, không biến đổi gen, không hoóc môn…).
Nhưng thôi, như tôi đã nói, chúng ta chẳng thể so sánh đời sống vật
chất của ta với Mỹ được. Tôi muốn nói nhiều hơn về những khía cạnh khác
của cuộc sống nơi đây.
Mỗi người chúng ta sang đây ai cũng có mục tiêu riêng của mình, theo
cá nhân tôi (chứ đối với người khác thì tôi không biết), đạt được những
mục tiêu đó là đã thấy thỏa mãn, hạnh phúc. Ví dụ, chồng tôi ở Mỹ vì
anh kiếm được tiền ở Mỹ, vì anh không hòa nhập được với văn hóa làm ăn ở
Việt Nam. Còn tôi sang Mỹ vì cần được ở bên cạnh chồng, muốn được thụ
hưởng nền giáo dục của Mỹ, và tôi muốn con mình được chăm sóc với những
điều kiện y tế tốt. Dĩ nhiên, hạnh phúc bao giờ cũng có cái giá của nó.
Nếu như ở Việt Nam sinh con có ông, có bà, có người giúp việc phụ giúp
thì ở đây, tất cả mọi thứ chúng tôi phải tự lo lấy. Rồi tôi đã có gia
đình, có con nhỏ, mà vẫn muốn học thì tôi phải thức khuya hơn, phải dậy
sớm hơn, phải gồng lên hơn... Nhưng tôi hiểu tại sao phải như thế và tôi
chấp nhận.
Đối với các ông bố, bà mẹ bỏ hết tất cả, bỏ tài sản, địa vị... ở
Việt Nam sang đây làm lại từ đầu bằng những công việc mà họ cho rằng là
“thấp hèn trong xã hội” chỉ với một lý do là “vì tương lai của con”, thì
xin hỏi họ còn than thở gì nữa? Con của họ đã được đi học ở Mỹ với học
phí của một công dân Mỹ, không ít trong số đó còn xin được trợ cấp chính
phủ, mượn nợ để học... Chẳng phải họ đã đạt được điều mình muốn đó sao?
Đừng vì tự ái, vì cái tôi của mình quá lớn mà cứ tủi hổ vì công việc
của mình. Mình cần phải biết người, biết ta khi ngoại ngữ không có, kiến
thức giới hạn, thì chúng ta làm những gì tốt nhất với khả năng của mình
thôi. Công việc nào cũng là công việc, và chê bai, xếp hạng công việc
chính là sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Nói đến kỳ thị, tôi thấy có rất nhiều bài cho rằng ở Mỹ kỳ thị chủng
tộc rất lớn. Tôi thì nghĩ rằng sự kỳ thị nói chung là bản chất của con
người, nó tồn tại khắp nơi chứ chẳng riêng gì Mỹ, nó không đúng và loài
người luôn muốn loại trừ (ví dụ: bằng pháp luật). Chúng ta, ngay cả khi ở
trong nước, có là kỳ thị không khi dùng những từ ngữ như “dân Bắc”,
“dân Nam”... Nhiều khi chúng ta quá vô tư để có thể nhận ra rằng chính
mình cũng đang kỳ thị người khác.
Ở nước Mỹ, cho dù thực tế mỗi người suy nghĩ thế nào, vấn đề phân
biệt đối xử luôn được đặt nặng. Những vụ kiện về phân biệt màu da, phân
biệt chủng tộc, phân biệt kỹ năng, phân biệt đủ thứ (nói chung là
discrimination) vẫn diễn ra ầm ầm mỗi ngày. Có bài viết rằng nếu người
bản xứ và người châu Á/Việt Nam cùng nộp đơn xin việc thì họ sẽ nhận
người bản xứ. Nhưng mà ở Việt Nam, câu chuyện sinh viên tỉnh lẻ tốt
nghiệp đại học đi xin việc cũng "trầy da tróc vẩy" vì không có cái hộ
khẩu (chứ chẳng phải vì khác màu da), cũng chẳng hiếm. Mà hơn nữa, các
công ty bên này (đặc biệt là những công ty lớn) rất sợ dính vào các vụ
kiện về phân biệt đối xử.
Tôi không viết bài này để ca ngợi nước Mỹ, nhưng tôi muốn cung cấp
cho bạn đọc những cái nhìn khác hơn về xứ cờ hoa. Không có xã hội nào là
hoàn hảo, cũng chẳng có chính phủ nào là hoàn hảo, bởi vì con người
chúng ta sinh ra đâu có hoàn hảo. Đúng, cuộc sống ở đây rất khắc nghiệt,
nó khiến con người ta phải luôn đi tới, luôn gồng mình lên mà “chiến
đấu”. Nhưng vì sao vậy? Là bởi vì người ta muốn có nhà, có xe, có đủ
thứ, và họ mua hầu hết theo cách trả góp. Nếu thu nhập ổn định thì không
sao, nhưng chỉ cần có chút trục trặc, ví dụ bị cắt giảm lương chẳng
hạn, thì mọi thứ chạy trật đường ray hết. Đó là cái giá phải trả cho nhu
cầu sắm nhiều hơn khả năng chi trả.
Nhưng ít ra, ở Mỹ, con người ta luôn có cơ hội để làm lại. Anh đổ
nợ, anh khai phá sản và 7 đến 10 năm sau đó, anh thành “cù bất cù bơ”,
chẳng ai dám cho anh mượn tiền, thuê nhà, rồi sau 10 năm “trừng phạt”
anh, người ta xóa bỏ hết những vết tích xấu trên hồ sơ tín dụng của anh
(credit report) và cho anh làm lại từ đầu. Vậy trong 7-10 năm đó anh làm
gì? Anh phải tiếp tục “chiến đấu” để mà sống sót chứ sao. Nó là cái giá
anh phải trả vì đã xù nợ người ta.
Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ dám chê bai nước Mỹ. Hãy nhìn
những gì Mỹ đã làm cho người nhập cư. Hàng năm họ mở cửa cho không biết
bao nhiêu người vào Mỹ, để rồi không ít trong số đó trở thành gánh nặng
của xã hội, không ít người xin trợ cấp chính phủ (khi bản thân họ chưa
đóng góp được gì nhiều cho cộng đồng). Rồi có biết bao nhiêu người cố
sống cố chết giấu cái bụng bầu 6-7 tháng sang đây với cái visa du lịch
chỉ để sinh con ở đây cho nó mang quốc tịch Mỹ? (Hỡi ôi cái luật Mỹ nó
là vậy!)
Việc nuôi dạy con cái lại là một chủ đề lớn hơn. Con tôi chỉ mới hơn
2 tuổi, nên tôi cũng chẳng dám chắc chắn điều gì. Nhưng tôi nghĩ, để
nuôi dạy con nên người đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ cha mẹ. Nhưng
điều đó cũng không có nghĩ là không thể, ngay cả việc dạy cho con nói,
viết được tiếng Việt. Tôi thấy có rất nhiều người Việt bên này dùng
tiếng Anh khi giao tiếp với con họ mặc dù chúng còn rất nhỏ (trong khi
họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt), tôi cũng không hiểu vì sao?
Nếu tôi là đứa con của ông bố, bà mẹ đã bỏ tất cả sang đây, chịu bao
nhiêu nhọc nhằn để cho tôi được ăn học ở Mỹ thì tôi sẽ không ngồi đây ủ
rũ, phân vân, tủi thân, hay hối hận mà sẽ càng quyết tâm học và đỡ đần
bố mẹ tôi (bằng vài công việc làm thêm). Chỉ có một con đường thôi, đó
là tiếp tục đi tới. Tất cả là để cho một tương lai khởi sắc hơn, để tôi
có thể là điểm tựa vững chắc nếu sau này gia đình tôi có quyết định trở
về Việt Nam sinh sống.
Thế hệ 8x như tôi, đặc biệt là lứa lớn lên ở Việt Nam, luôn hướng về
quê hương. Nhưng tôi cho rằng không cứ phải ở Việt Nam thì mới giúp
được đất nước. Mỗi người tùy vào hoàn cảnh của mình có thể đóng góp cho
quê hương bằng nhiều cách khác nhau. Tôi thì muốn lĩnh hội thật nhiều
những kiến thức của các nước giàu mạnh để tương lai tôi mong trở về và
truyền đạt nó cho những đàn em, đàn con cháu của mình ở trong nước.
Tôi viết bài này cũng mong động viên những người Việt ở xa quê đang
có cuộc sống chật vật hãy cố gắng lên, và hãy đùm bọc nhau để đi tới cái
đích của mình. Tôi rất cảm thông với họ khi có ai đó nói rằng “sao
không về Việt Nam đi, có ai bắt phải ở lại Mỹ đâu!”. Có mấy ai đủ can
đảm quay về và đối diện với những thị phi, những cái nhìn soi mói, với
cái mác “kẻ thất bại”? Tôi biết, không phải cứ ra đi thì nhất định phải
thành công, nhưng đủ bản lĩnh để vượt qua được cái miệng thế gian thì
không phải ai cũng làm được.
Quincy Nguyen