13/11/2013 09:51 (GMT+7)
Số lượt xem: 2094
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sau cái đêm vì tham tiền mà đi đào trộm ngôi mộ cổ giữa cánh đồng rồi sợ “vãi linh hồn” khi gặp dòng nước 5 màu xanh đỏ tím vàng chảy ra từ áo quan, nhóm thanh niên đào trộm mộ tự nhận mình đã “tàn đời”.


Một người trong nhóm liên tiếp gặp tai ương, gia đình ly tán bỏ làng đi lang thang không biết còn sống hay chết; người dật dờ sống với cảm giác luôn có những “bóng ma” bám mình.

“Ma ám” chỉ là những lời đồn thổi, nhưng sự dằn vặt lương tâm đến phát điên thì có thật với những chàng trai lỡ dại có hành vi táng tận lương tâm này...

Ngôi mộ bí ẩn

Nằm bên dòng sông Nhuệ, làng Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có cuộc sống luôn bình lặng như dòng Nhuệ Giang hiền hòa chảy quanh làng. Thế mà cách đây hơn chục năm, đã xảy ra một vụ án " khủng khiếp" còn được kể cho đến tận bây giờ. Không có đốt nhà giết người, không máu chảy đầu rơi, nhưng đó là tội ác thuộc loại táng tận lương tâm: Đào trộm mồ mả, làm cho người chết cũng không được yên thân.

Bấy giờ, trên cánh đồng làng ở sát chân đê từ lâu đã hiện diện một ngôi mộ không người thân thích cũng chẳng có bia đá ghi tên tuổi. Theo các cụ cao niên trong làng thì đó là ngôi mộ cổ đã có từ hàng trăm năm nay. Không nắm rõ xuất xứ nhưng các cụ cả quyết người nằm dưới mộ là một vị quan thời xưa trên đường công cán về qua đây thì mắc bạo bệnh qua đời.

Cũng có lời đồn thổi rằng vị quan đó rất giỏi về phong thủy, qua đây thấy nơi này có thế đất đẹp nên quyết định "hóa", rồi sai gia nhân chôn mình theo đúng phương vị "tựa núi nhìn sông", để sau này có thể phù hộ cho con cháu được phát đạt. Tất cả những lời đồn đại giống như thần thoại ấy đều dẫn đến một điểm chung là ngôi mộ của vị quan nên có lẽ dưới mộ sẽ có rất nhiều cổ vật và đồ quý.

Nhưng chỉ là đồn đoán vậy thôi, truyền thống ngàn đời của dân tộc là tối kỵ việc xúc phạm nơi ở của người đã khuất nên ngôi mộ vẫn cứ sừng sững giữa đồng, tưởng như sẽ mãi mãi cùng năm tháng.

Cho đến năm 1999, có hai gã thanh niên sinh ra và lớn lên ở làng trong cơn quẫn bách vì nợ nần cờ bạc đã “ngắm nghía” đến những của cải nằm trong ngôi mộ cổ. Đó là 2 chú cháu họ Nguyễn Minh T (SN 1977) và Nguyễn Duy T (SN 1975).

Cổng vào ngôi làng nơi có nhóm thanh niên phát điên sau khi đào trộm mộ.

Một buổi chiều mùa đông năm 199 gió lùa hun hút, mưa lay lắt bay, lợi dụng tiết trời rét mướt nên người đi làm đồng thưa thớt, hai chú cháu lỉnh kỉnh mang theo nào cuốc, nào xà beng, nào búa, men theo bờ ruộng áp sát ngôi mộ. Có sự tính toán từ trước nên hai gã không hề vội vã.  Cứ vắng người là hai chú cháu chồm lên cuốc đất vạt cỏ. Có bóng người lại nằm bẹp xuống chân mộ náu mình.

Đến sẩm tối, phần nấm của ngôi mộ đã bị đánh bay. Hai gã trộm buông cuốc nghỉ lấy hơi, cũng là để chờ trời tối hẳn.

“Kho báu” ảo, sợ hãi thật

Khoảng 6 giờ chiều mùa đông cảnh vật đã ngập trong màn tối, cánh đồng tịnh không còn một bóng người. Hai gã trộm lúc này mới bắt đầu đào, cuốc hối hả. Chẳng mấy chốc cái nắp áo quan trăng trắng đã lộ ra, lạ thay đã bị mẻ một góc to tướng.

Không kịp suy nghĩ nhiều đến điều này, hai gã dùng xà beng và búa giáng xuống thật lực. Vừa nhìn thấy cỗ áo quan dài gần gấp đôi kích thước bình thường, hai gã trộm đã mừng “như mở cờ trong bụng”. Đúng là ngôi cổ mộ. Bởi quan tài được làm từ thân cây nguyên khối, khoét ở giữa giống hình chiếc thuyền, gọi là mộ thuyền, một đặc trưng khi chôn cất người chết của các gia đình quyền thế thời phong kiến.

Hai gã trộm như được tiếp thêm sức mạnh, lùa xà beng để nạy nắp ván thiên. Phần nắp dày có đến chục phân, được thợ mộc lành nghề làm mộng "chìm" nên rất chặt. Nhiều chỗ, hai gã trộm phải dùng lưỡi búa làm nêm, rồi tì xà beng theo mà bẩy. Trong lúc vội vã lại mệt mỏi, gã chú Minh T đã đánh trượt lưỡi xà beng, phá vỡ một miếng ở phần đầu, bên trái cỗ mộ thuyền.

Hì hục đến gần 3 tiếng đồng hồ, hai gã trộm cũng cạy xong được nắp ván thiên. Hai chú cháu nhảy ào xuống huyệt ngập nước thò tay khua khoắng. Không có gì cả. Chỉ dọc theo phần đầu của bộ xương, chúng mò được 6 chiếc bát mà phong tục chôn cất vẫn gọi là bát kê đầu. Có lẽ vì ngâm nước quá lâu nên thành bát đã có hiện tượng mủn nát.

Chán nản, gã cháu Duy T vớt vát: "Bộ xương màu xám lạ lắm. Hay là chú cháu mình nhấc thử lên xem có phải kim loại không, may ra còn được chút tiền". Thế là hai gã trộm hè nhau nhấc bộ xương lên khỏi mặt nước, để rồi thất vọng vẫn hoàn thất vọng.

12 năm sau, khi thuật lại câu chuyện với chúng tôi, gã thanh niên đào trộm mộ vẫn nổi gia ốc, mắt như lồi ra vì sợ hãi: “Đúng lúc ấy, tôi cảm thấy tóc gáy dựng đứng. Cảm giác ớn lạnh ập vào từ gót chân chạy dọc lên tận đỉnh đầu. Hình như có ai đó đứng sát sau lưng”. Gã quay phắt lại. Chỉ là màn đêm đen kịt.

Gã quát cháu đậy nắp áo quan, mặc cho thằng cháu đứng ngây người thắc mắc: “Ai đời kẻ đi đào trộm mộ lại "tử tế" đắp trả mộ bao giờ?”.

12 năm “ma ám”

Giờ đây, Nguyễn Minh T đang ngồi trước chúng tôi, kể lại câu chuyện dại dột ngày xưa. Dù rất giận vì gã đã phạm vào một tội ác tày trời nhưng nhìn nét mặt thất thần của gã, chúng tôi không khỏi thương cảm. Minh T nói rằng cảm giác có người đi sau lưng đã luôn ám ảnh gã suốt 12 năm nay. Và chừng ấy thời gian, gã không làm được việc gì ra hồn cho bản thân cũng như cho gia đình, bởi cảm giác bị trì kéo ấy.

Hôm đó, sau khi giao cho thằng cháu sáu chiếc bát để đi tìm người mua, Minh T trở về nhà tắm rửa. Tầm 9h30 tối, khi đang xỏ giày chuẩn bị đi chơi, gã bỗng rùng mình ngẩng lên. Sừng sững sau liếp cửa có hình bóng của 3 người đàn ông. Họ đều có bộ râu dài và mặc áo dài khăn đóng như thời phong kiến.

Minh T có cảm giác bị đè chặt dưới đất. Không thể nói cũng không thể cử động, gã chỉ ú ớ kêu cứu trong cổ họng. Minh T nói rằng có thể gã đã chết nếu mẹ gã không có mặt kịp thời. Thấy con trai nằm lăn dưới đất giãy giụa như trúng phong, bà mẹ vội dìu gã lên giường, giã gừng xoa bóp. Gã ốm liệt giường gần một tháng trời. Trong những cơn ác mộng của hắn luôn xuất hiện hình bóng 3 người đàn ông ấy.

Sau này Minh T mới biết hành trình đi bán “đồ cổ” của thằng cháu mình. Qua vài đầu mối, thằng cháu liên lạc được với một người chuyên buôn bán đồ cổ có biệt danh Thảo "đồ cổ" ở phố Lê Duẩn (Hà Nội). Tuy khẳng định là đồ cổ nhưng do hiện trạng bát đã bị mủn, con buôn chỉ trả cho 6 chiếc bát giá 60 ngàn đồng. Vào năm 1999, số tiền ấy cùng lắm chỉ đủ ăn 10 bát phở. Sợ bị hố, thằng cháu mang bát về. Trên đường về thì gã bị tai nạn xe máy, tuy không bị thương nặng nhưng toàn bộ “kho báu” đã vỡ vụn ra như đất.

Đêm ấy về làng thì thấy ông chú đã ốm “thập tử nhất sinh”, thằng cháu táo tợn bực mình vì công sức thành công cốc, lại túng quá hóa liều nên tiếp tục mò vào chùa làng, trộm cắp được mấy đạo sắc phong, hai cái đỉnh đồng cùng một khúc trầm. Khi đang tiêu thụ những vật đó thì hắn bị bắt. Gã bị kết án 5 năm tù. Minh T cho biết đã lâu không gặp được thằng cháu. Gia đình thằng cháu giờ tan đàn xẻ nghé, bố mẹ chia tay, anh em ly tán, Duy T sau khi ra tù cũng bỏ làng đi đâu không rõ. Minh T quả quyết: “Nhà nó bị người âm “báo oán”.

Riêng với Minh T, gã cảm nhận sự “báo oán” hàng ngày. Mọi việc gã làm theo dự tính ban đầu đều rất suôn sẻ nhưng đến phút cuối cùng, vì một lý do nào đó sẽ lại đổ bể. Gã chứng minh rằng vào năm 2001 đã hùn vốn theo một số bạn bè đánh hàng điện lạnh. Mấy xe của bạn bè gã đều trở về bình yên, đem lại lợi nhuận không nhỏ. Chỉ riêng xe hàng của gã về đến Bắc Ninh thì gây tai nạn chết người. Xe bị giữ, hàng mất, bao vốn liếng cho vụ đi buôn hết sạch.

Rồi đơn giản như việc ăn uống hàng ngày. Ví dụ như gã nấu bát mì ăn liền, mọi thứ tinh tươm, chỉ việc mang đũa thìa ra để ăn. Nhưng rất nhiều lần, đến lúc chuẩn bị ăn thì gã quờ tay làm đổ. Đến nỗi bây giờ, hầu như Minh T chỉ ăn hàng, rất hiếm khi dám tự nấu nướng cho mình.

Nhưng tai ương nặng nề nhất giáng xuống Minh T là năm 2006. Sau khi dự đám giỗ ông nội, đi chơi với bạn bè, em trai gã (SN 1980) đã chết trong một tan nạn giao thông trên cầu Thăng Long. Khi đến nhận thi thể em, Minh T kinh hoàng bởi vết thương trên đầu em trai cũng ở phía bên trái, tròn vo, giống hệt như vết xà beng gã nện nhầm vào thành cỗ mộ thuyền. Không dám nói với người thân nhưng gã cứ ám ảnh rằng em trai "ra đi" thay cho gã. Rồi khi mời thầy về làm lễ cắt trùng (Theo quan niệm dân gian, gia đình có 2 người mất cùng ngày trong năm là bị trùng tang, phải làm lễ cắt trùng) ông thầy phán gã “có người âm đi theo, không làm lễ tạ thì mãi mãi không ngóc đầu lên được”.

“Tòa án” lương tâm

Đem theo ngờ vực về những liên tưởng “người âm báo oán”, chúng tôi tìm về thôn Từ Châu. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Thủy khẳng định chuyện ngôi cổ mộ có hình dáng mộ thuyền và đã từng bị đào trộm là có thật. Ông cũng cho rằng vùng đất có cổ mộ rất linh thiêng, nhiều người từng chứng kiến. Theo ông Thủy, cách đây ít năm khi xẻ đất đào mương gần cổ mộ để làm trạm bơm thủy lợi, người làng đã từng chứng kiến cảnh tượng không thể lý giải. Mạch nước ngầm khi đó chảy ra có 5 màu: đỏ như máu, tím biếc, đục lờ lờ như sữa, nâu óng ánh như kim cương và cuối cùng, trong suốt như nước suối. Những người tham gia làm thủy lợi đã phải dừng một ngày biện lễ tạ, rồi mới dám tiếp tục công trình.

Nhà ngay gần ngôi cổ mộ khi chúng tôi tìm đến, bà lão có tên Nhị kể câu chuyện chẳng rõ thực hư “không chỉ mình tôi, nhiều người làng cũng đã nhìn thấy “ngài” về". Theo bà Nhị, vào những đêm trăng thanh gió mát, hoặc thi thoảng vào giữa trưa những ngày đẹp trời, bà nhìn thấy bóng hình một ông quan cưỡi ngựa, theo sau là 3 người hầu, đi thong dong dọc bờ mương rồi mất hút gần nơi cổ mộ. Mỗi lần như thế, bà vẫn mang hương hoa vái vọng, mong ngài phù hộ cho xóm làng yên ấm, an vui. Chẳng rõ bà lão mê tín nên tưởng tượng, hay hoa mắt nên “nhìn gà hóa cuốc”?

Ngôi mộ cổ sau ngày bị đào trộm thì chính quyền xã thậm chí đã cắt cử người canh trạm bơm “kiêm nhiệm” luôn nhiệm vụ gìn giữ ngôi cổ mộ để làng khỏi xảy ra những chuyện động trời. Ông lão thủng thẳng: “Giờ khỏi mất nhiều công canh gác như trước. Có cho tiền cũng chẳng ai dám đến”. Bởi sau vụ "dòng nước có 5 màu", ai cũng sợ “xanh mắt mèo”. Ngôi mộ cổ giờ nằm an nhàn giữa mương nước, trông xa như một hòn đảo nhỏ. Thậm chí người làng còn không dám trồng trọt gì quanh đấy, sợ “phạm vào ngài”.

Trở lại câu chuyện với Minh T, gã đào trộm mộ năm nào luôn cho rằng mình còn được sống bởi hai lý do. Thứ nhất, lúc bạt nấm, nắp mộ lộ ra đã bị mẻ một góc. Theo Minh T thì cổ mộ đã bị đào phá từ trước rồi và những kẻ “nhanh chân” đã luồn tay qua lỗ hổng và khoắng hết các vật quý. Chú cháu gã chỉ là kẻ đến sau, chẳng kiếm chác được gì nên “nhẹ tội” hơn. Lý do nữa là chú cháu gã đã thành khẩn đậy lại nắp áo quan. Minh T kể rằng, nắp áo quan gắn với phần thân bằng mộng chìm, tháo ra được nhưng đóng lại thì rất khó. Chú cháu gã đã phải dùng búa đánh vỡ hết các thó gỗ ở chân mộng, và phải rất vất vả mới đậy được nắp áo quan như cũ.

Chẳng biết an ủi như thế nào, chúng tôi chỉ biết động viên gã “dù sao anh cũng còn may mắn khi sự việc chưa nghiêm trọng đến mức cơ quan chức năng vào cuộc điều tra; hành vi xâm phạm mồ mả của anh sau 12 năm đến nay mới phát hiện thì đã hết thời hiệu truy cứu”. Minh T nhỏ nhẹ nói gã đang rất ăn năn hối cải. Gã nói rằng chỉ mong ai đó chỉ cho cách sửa lễ để về tạ tội với người trong ngôi cổ mộ. Gã không dám tự tay biện lễ bởi theo gã, nếu làm không đúng cách thì tội còn nặng hơn nữa.

Ám ảnh về tội ác đã dằn vặt khiến Minh T trở thành người không bình thường như thế. Nhiều người làng biết chuyện thì cho rằng chẳng có con ma nào theo những thanh niên này “báo oán”, mà chỉ có quy luật cuộc đời: Cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. 12 năm nay đi tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn mà chưa thấy bình yên, nên chính những day dứt lương tâm đã dằn vặt những kẻ phạm tội “tày đình” này sống trong cảnh “sống dở, chết dở”.

Nhà sử học Lê Văn Lan

“Ngay từ thời phong kiến, các nhà làm luật xưa đã có những hình phạt rất nghiêm khắc với tội danh đào trộm mồ mả, xúc phạm đến thân thể người chết.

Bộ luật Hồng Đức được ban hành vào khoảng thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tông, ở điều 443 đã quy định về tội danh này. Theo đó, tội trộm cắp đồ vật nơi mồ mả và tội xâm phạm mồ mả, hài cốt, có thể bị đánh trượng hoặc xử lưu đày. Những trường hợp nghiêm trọng như xâm phạm mộ phần của vương tôn quý tộc, đào mồ mả với mục đích trả thù đê hèn, hoặc có hành vi hành hạ thi thể người đã khuất, luật Hồng Đức quy định có thể xử phạm nhân tội chặt đầu.

Sau đó mấy trăm năm, tháng 7 năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812) bộ luật Gia Long ra đời cũng phán xử rất nghiêm khắc với tội danh này. Theo đó, “kẻ nào xóa bỏ hay đào một nấm mồ, một ngôi mộ đến mức nhìn thấy quan tài hoặc quách thì phạt 100 trượng, đày đi xa 3.000 dặm. Kẻ nào mở quan tài đến mức thấy thi hài sẽ bị xử thắt cổ””

Theo Pháp luật & Thời đại


Âm lịch

Ảnh đẹp