9 phút ở thế giới bên kia
Giáo sư bác sĩ George G. Ritchie
(25.9.1923 – 29.10.2007) từng là chủ tịch của Học viện Trị liệu đa khoa
Richmond, từng là trưởng khoa Tâm thần học của Bệnh viện Towers, người
sáng lập và và chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Thế giới (Universal Youth
Corps, inc) trong gần 20 năm.
Năm 1967, ông làm bác sỹ tư ở Richmond,
và vào năm 1983 ông chuyển đến Anniston, Alabama làm trưởng khoa Tâm
thần học tại Trung tâm y tế khu vực Đông Bắc Alabama, Hoa Kỳ. Ông trở về
Richmond vào năm 1986 để tiếp tục làm bác sĩ tư cho đến khi nghỉ ngơi
vào năm 1992.
Vào tháng 12.1943, George Ritchie đã
chết trong một bệnh viện quân đội ở tuổi 20 vì bệnh viêm phổi và đã được
đưa vào nhà xác. Nhưng kỳ diệu thay, 9 phút sau ông bắt đầu tỉnh dần và
sống trở lại. Ritchie đã viết về Trải nghiệm cận tử (NDE) của ông trong
cuốn sách “Trở lại từ ngày mai”, đồng tác giả với Elizabeth Sherrill,
kể về những điều đáng kinh ngạc mà ông đã chứng kiến khi trong trạng
thái ở bên ngoài thân xác xuất bản lần đầu năm 1978. Cuốn sách của ông
đã được dịch sang 9 thứ tiếng khác nhau.
Bác sĩ George Ritchie đã kể lại rất chi
tiết những gì mà ông đã trải qua trong suốt khoảng thời gian ông chết.
Đó là vào khoảng đầu tháng 12/1943, khi Ritchie được chuyển tới một bệnh
viện tại trại Barkeley, Texas, Hoa Kỳ để điều trị bệnh viêm phổi.
Ông không biết là mình bệnh nặng tới mức
nào. Ông luôn chỉ nghĩ tới việc bình phục cho mau chóng mà lên xe lửa
tới Richmond, Virginia để nhập học trường y trong chương trình đào tạo
bác sĩ quân y của quân đội. Theo lịch hẹn, vào lúc 4 giờ sáng ngày
20/12, xe quân đội sẽ đến đưa ông ra nhà ga để tới trường.
Vào đêm ngày 19.12.1943, bệnh của
Ritchie trở nên nặng hơn. Ông bắt đầu sốt và ho liên tục. Ông đã lấy gối
bịt miệng lại để đỡ làm ồn và ảnh hưởng đến người khác. 3 giờ sáng ngày
20, Ritchie cố gắng đứng dậy và thay quần áo đợi xe đến. Nhưng ông đã
không thể làm được điều đó, và bất tỉnh ngay sau đó.
“Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang
nằm trong một căn phòng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Một ngọn lửa nhỏ
cháy trong một ngọn đèn ở bên cạnh. Tôi nằm đó một lúc, cố gắng nhớ lại
là mình đang ở đâu. Thình lình tôi ngồi bật dậy. Xe lửa! Mình trễ chuyến
tàu mất!”, ông Ritchie chi biết.
Giờ đây tôi biết rằng những gì mình sắp
mô tả sẽ nghe rất lạ thường… tất cả những gì tôi có thể làm là kể lại
những sự kiện đêm đó đúng như những gì mà chúng đã xảy ra. Tôi nhảy ra
khỏi giường và tìm bộ đồng phục của tôi khắp phòng. Không có trên thành
giường: tôi dừng lại, nhìn chằm chằm. Một người nào đó đang nằm trên cái
giường mà tôi vừa mới rời khỏi.
Tôi tiến lại gần thành giường trong ánh
sáng lờ mờ, rồi đột ngột lùi lại. Anh ta đã chết. Hàm răng khép hờ, làn
da màu xám ngắt thật kinh khủng. Rồi tôi nhìn thấy chiếc nhẫn trên bàn
tay trái của anh ta là chiếc nhẫn của hội sinh viên Phi Gamma Delta mà
tôi đã và đang đeo trong suốt hai năm qua.
Tôi chạy vào đại sảnh, mong muốn thoát
khỏi căn phòng bí ẩn đó. Richmond, đó là điều quan trọng nhất – tới
Richmond. Tôi bắt đầu xuống đại sảnh để ra cửa bên ngoài. “Coi chừng!”
Tôi hét lên với một người phục vụ trong bệnh viện mà đang rẽ quay sang
chỗ tôi. Anh ta dường như không nghe thấy và cũng không nhìn thấy tôi và
một giây sau tôi nhận ra anh ta đã đi ngang qua chỗ tôi đứng như thể
tôi không có ở đó.
Thật lạ lùng. Tôi tới chỗ cánh cửa, tôi
có thể đi xuyên qua được và phát hiện ra là mình đang tiến về Richmond
rất nhanh chóng trong bóng tối bên ngoài. Đang chạy ư? Đang bay ư? Tôi
chỉ biết rằng mặt đất đã trở nên tối tăm và đang trượt qua trong khi
những ý nghĩ khác chiếm lấy tâm trí tôi, những suy nghĩ ấy thật đáng sợ
và khó hiểu. Người phục vụ đã không nhìn thấy mình. Nếu mọi người tại
trường Y cũng không thể nhìn thấy mình thì sao?
Bỗng dưng tôi thấy một con sông rộng,
rồi thấy cây cầu dài bắc qua sông để vào một thành phố. Tôi thấy một
tiệm giải khát, quán bia và một quán cà phê. Tại đây tôi đã gặp một vài
người lạ và liền hỏi họ về tên đường, tên thành phố nhưng chẳng có ai
thấy cũng như đáp lời tôi cả. Tôi nhiều lần đập tay lên vai một người
khi hỏi nhưng tay tôi dường như chỉ chạm vào một khoảng không vô định.
Sau đó tôi đi đến bên một người thợ điện đang loay hoay quấn dây điện
thoại vào một bánh xe lớn.
Vô cùng bối rối, tôi dừng lại bên một
buồng điện thoại và đặt tay lên sợi dây điện thoại. Ít ra thì sợi dây
nằm đó, nhưng bàn tay tôi không thể nào chạm vào nó. Tôi nhận thấy một
điều rõ ràng rằng: tôi đã mất đi thân xác của chính mình cũng cái bàn
tay mà có thể cầm được sợi dây kia và cái thân thể mà người ta có thể
nhìn thấy. Tôi cũng bắt đầu hiểu ra rằng cái xác trên chiếc giường đó
chính là của tôi, không thể hiểu sao lại tách ra khỏi tôi, và việc mà
tôi phải làm bây giờ là phải trở về nhập lại vào nó càng nhanh càng tốt.
Việc tìm đường quay lại khu căn cứ và
bệnh viện không có gì khó khăn. Thực sự tôi hầu như trở lại đó ngay tức
khắc khi tôi nghĩ đến nó. Nhưng căn phòng nhỏ mà tôi đã rời đi thì ở
đâu? Thế là tôi bắt đầu một trong những cuộc tìm kiếm kỳ lạ nhất đời:
cuộc tìm kiếm chính bản thân mình.
Khi tôi chạy từ khu nhà này sang khu nhà
khác, đi qua hết phòng này sang phòng khác lúc các bệnh binh đang ngủ –
những người lính đều trạc tuổi tôi, tôi nhận ra rằng chúng ta cảm thấy
lạ lẫm với chính khuôn mặt của mình như thế nào. Mấy lần tôi đã dừng lại
bên một người mà tôi cứ ngỡ là mình. Nhưng có điều chiếc nhẫn Hội sinh
viên không có, và tôi lại vội vã tiếp tục tìm kiếm của mình.
Cuối cùng tôi đi vào một gian phòng nhỏ
với ánh sáng lờ mờ. Một tấm khăn trải đã được kéo phủ lên xác người trên
giường, nhưng đẻ lộ ra đôi cánh tay của người đó nằm dọc ở bên ngoài.
Và chiếc nhẫn tôi đang tìm nằm trên bàn tay trái của thân xác ấy. Tôi đã
cố gắng kéo tấm vải trắng ra nhưng không thể nào nắm được nó. Và lúc đó
là lần đầu tiên tôi nghĩ đến điều mà đã xảy ra với mình, đó chính là
cái mà nhân loại vẫn gọi là “cái chết”.
Trong thời khắc tuyệt vọng nhất ấy, căn
phòng bỗng sáng rực rỡ, một thứ ánh sáng lạ lùng tôi chưa từng thấy bao
giờ, và tôi như bị lôi cuốn theo nguồn ánh sáng ấy. Tôi đã trông thấy
những quang cảnh mà từ khi sinh ra cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ
được thấy, những quang cảnh mà tôi nghĩ rằng chỉ có thể ở thế giới bên
kia, và tôi không nhìn được rõ các sinh linh ở đó. Có vùng tối tăm u ám
nhưng có vùng lại chan hòa ánh sáng vô cùng tươi đẹp với các sinh linh
trông như những thiên thần.
Sau đó đột ngột vầng sáng đó giảm dần,
tôi muốn quay về. Trong phút chốc tôi lại thấy những căn phòng, những
thân xác bất động trên giường. Tôi tiến tới chiếc giường của thân xác
mình. Tôi như bị cuốn hút vào cái thân xác đó. Rồi, từ từ cử động được
những ngón tay, cuối cùng tôi mở mắt ra. Chỉ vài giây sau, một bác sĩ và
cô y tá đã ở trước mắt tôi, nét mặt rạng rỡ. Vậy là tôi đã sống trở
lại, đã thật sự hồi sinh…”
Những trải nghiệm không bao giờ quên
Thời đó, thuốc penicilline chưa được
phát minh nên việc chữa trị bệnh sưng phổi vô cùng khó khăn, 90 phần
trăm người bệnh khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vào buổi sáng ngày
20.12.1943 các bác sĩ ở bệnh viện đã xác nhận rằng George Ritchie đã
chết nên người ta chuyển xác ông vào nhà xác.
Tại đây một số thủ tục giấy tờ, giấy
khai tử và thủ tục chuẩn bị đưa người chết vào quan tài đã được tiến
hành, và người ta chuẩn bị thông báo đi các nơi rằng George Ritchie đã
chết. Không ai có thể tưởng tượng được rằng George Ritchie đã sống lại
và mang theo câu chuyện diệu kỳ để kể lại với mọi người nhưng trải
nghiệm của ông trong giây phút trái tim đã ngừng đập, khi mà mọi dấu
hiệu của sự sống đều không còn.
Những điều George Ritchie kể lại sau khi
sống dậy đã làm các bác sĩ trong bệnh viện kinh ngạc. Điều kỳ lạ đáng
lưu ý nhất chính là những gì Ritchie đã kể và ghi chép lại trong tập
nhật ký trong 9 phút chết đó về sau đều được chứng minh là có thực.
Một năm sau, Ritchie trở về trại
Barkeley và được gửi sang Âu Châu để phục vụ tại một bệnh viện quân y.
Trên đường xe chở Ritchie đi ngang qua thành phố mà một năm trước trong
khi bị coi là đã chết, Ritchie đã lui tới. Tiệm bán bia, tiệm cà phê,
cây cầu dài bắc qua sông, những con đường, những bảng hiệu, cả cái buồng
điện thoại năm xưa… tất cả đều có thật trong thực tế. Đó là thành phố
Vicksburg thuộc tiểu bang Mississipi, nơi mà chưa bao giờ George Ritchie
đặt chân đến.
George Ritchie sau này trở thành Viện
trưởng Viện tâm thần học ở Charlotsville, bang Virginia Hoa Kỳ, và suốt
đời ông không thể nào quên rằng mình đã có lần chết đi sống lại, cũng
như không thể nào quên các cảnh giới lạ lùng ở bên kia cửa tử. Ông mất
vào ngày 29.10.2007 tại nhà riêng ở Irvington, Virginia, Mỹ, hưởng thọ
84 tuổi.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật