Lời Tựa
Cuộc sống sau cửa tử và sự hiện hữu của không gian
bốn chiều [2] là hai nan đề đã làm điên đầu bao triết gia, tâm lý gia,
và các học giả về bản chất con người. Có nhiều quan điểm khác biệt đã
được nêu lên, nhưng tựu trung, tất cả đồng ý rằng chúng ta đều phải
chết. Thêm vào đó, người hấp hối thường có những cử chỉ lạ lùng như thể
họ đang sống trong một thế giới nào khác mà chúng ta không cảm nhận
được.
Lúc đó, dường như họ đang sống trong ảo tưởng. Thế nhưng, nếu quan
sát một cách tường tận, chúng ta có thể sẽ thấy rằng những "ảo tưởng"
đó tuy khó tin nhưng có thật. Nhiều năm trước đây, là một nhà sư, tôi
chứng thực được điều đó khi đứng cạnh giường của một người đang hấp hối.
Kinh nghiệm này đã chấn động tinh thần tôi đến độ sau đó tôi phải bỏ
công tìm tòi học hỏi thêm các khái niệm về chư Thiên trong Kinh Tam Tạng
Phạn ngữ .
Qua lời thỉnh cầu của chư Phật tử bốn phương, tôi xin
viết lại câu chuyện trên với hy vọng rằng câu chuyện này sẽ trả lời
được phần nào các thắc mắc đó. Nơi đây, tôi xin cám ơn sự khích lệ và
đóng góp vào cuốn sách nhỏ này của các Ngài Thiền sư Munindra, Tiến sĩ
Arabinda Barua, Giáo sư Sunil Barua, và Bà Krishna Barua.
Tỳ Kheo Rastrapal
Câu
chuyện tôi sắp kể ra đây xảy ra vào năm 1957. Lúc đó tôi thọ giới tỳ
kheo được bốn năm. Tôi hoan hỉ hăng say học Phật Pháp. Trong đó, có câu
chuyện về Phật tử Dhammika trong quyển Chú giải Kinh Pháp Cú làm tôi
quan tâm hơn cả.
Cư sĩ Dhammika là một Phật tử tín tâm thời Đức
Phật còn tại thế. Toàn thể gia quyến ông thực hành Phật Pháp rất nghiêm
túc. Khi thọ bệnh, và nhận thấy mình sắp từ giã cõi đời, ông thỉnh cầu
Đức Phật cho phép Tăng chúng đến tụng kinh bên giường bệnh. Lời thỉnh
cầu của ông được Đức Phật chấp nhận. Ngài cử một số chư Tăng đến gia
thất ông, và chư Tăng bắt đầu trì tụng Kinh Tứ Niệm Xứ.
Khi chư
Tăng đang tụng kinh, thình lình ông la lớn: "Ngừng lại! Ngừng lại!".
Nghe vậy, chư Tăng rất lấy làm ngạc nhiên. Vì nghĩ rằng ông Dhammika yêu
cầu đừng tụng kinh nữa, chư Tăng bèn ngưng tụng và trở về tinh xá trình
với Đức Phật.
Đức Phật hỏi sao chư Tăng về sớm vậy. Chư Tăng
thưa rằng đó là vì cư sĩ Dhammika yêu cầu ngưng, và do đó chư Tăng quay
trở về tuy chưa tụng hết bài kinh. Đức Phật nói rằng mọi người đã hiểu
lầm ý người bệnh. Ngài giảng giải thêm rằng ý của ông ta hoàn toàn khác
hẳn. Ông muốn chư Thiên đang đem xe đến đón ông về thiên giới hãy ngừng
lại, đừng đưa ông đi vội, vì ông đang nghe kinh. Ông ta không hề có ý
yêu cầu chư Tăng ngưng tụng kinh.
Trong Tam Tạng Kinh Điển và
trong các sách Chú Giải, tôi cũng từng đọc được nhiều câu chuyện về sự
xuất hiện của chư Thiên và ngạ quỷ trong giờ phút lâm chung, tùy thuộc
vào nghiệp quả đã làm trong suốt cuộc đời của người hấp hối. Tôi rất
thắc mắc, vì những câu chuyện này đi ngược lại với đường lối tôi lý luận
lúc đó. Tôi tìm đến Hòa Thượng Jnanishwar, một học giả uyên thâm về
Phật học trụ trì tại một ngôi chùa nổi tiếng ở vùng Unainpura tại quốc
gia Bangladesh, và trình lên Ngài nỗi thắc mắc của mình. Ngài bèn niệm
bài kệ sau:
"Niraye aggikkhandho ca petalokanca andhakam,
tiracchanayoninca mamsakkhandhanca manusam,
vimanam devalokamhi nimittam panca dissare."
Có nghĩa là:
"Ai
bị đọa xuống Địa Ngục sẽ thấy lửa; ai bị đọa làm ngạ quỷ sẽ thấy xung
quanh mình tối tăm; ai sinh làm thú vật sẽ thấy rừng rú, súc vật và
muông thú; ai sinh làm người sẽ thấy thân nhân đã khuất; và ai sinh lên
cõi Trời sẽ thấy cung điện trên Thiên giới. Thường thường, năm hình ảnh
này sẽ hiện ra cho người hấp hối." [3]
Ngài Hòa Thượng đã cố công
giải thích câu kệ trên cho tôi rất cặn kẽ, nhưng tôi vẫn không đồng ý
cho lắm. Phải có một kinh nghiệm thực chứng nào đó họa may mới có thể
thuyết phục tôi hoàn toàn tin tưởng vào câu kệ trên.
-oOo-
Sau đó không lâu, tôi đã chứng thực được điều mình đang mong mỏi.
Lúc ấy, tôi đang ở tại một ngôi chùa trong làng Tekota thuộc hải cảng
Chittagong, nằm trong quốc gia Bangladesh. Một ngày kia, khi đi học về
từ ngôi trường đại học cách chùa khoảng năm dặm, tôi cảm thấy rất mệt
mỏi và muốn lên giường nằm nghỉ chốc lát. Bỗng đâu, có một cư sĩ ở làng
bên đến chùa nhờ tôi đi thăm người anh rể tên là ông Abinash Chandra
Chowdhury, vì ông này đau nặng và đang cơn hấp hối. Ông Chowdhury được
năm mươi sáu tuổi, và là một Phật tử tín tâm, ai cũng biết đến tâm đạo
của ông ta. Tôi đứng dậy và đi theo vị cư sĩ đến nhà người anh rể của
ông ấy.
Đến nơi, tôi thấy nhà ông đã đông đủ bạn bè thân quyến.
Tất cả đều nhường lối cho tôi tiến đến gần người hấp hối. Ông ta đang
nằm trên một tấm nệm trải trên sàn. Lúc ấy khoảng 8:30 tối. Có người
mang ghế lại mời tôi ngồi. Cả nhà trở lên im lặng khi tôi sửa soạn tụng
kinh. Ai nấy đều hồi hộp vì trước đó, tôi đã từng ngỏ ý trong các bài
thuyết pháp rằng tôi ước ao được kiểm chứng lại năm hình ảnh thường hiện
ra trước giây phút lìa đời của người sắp chết. Giờ đây, giây phút quan
trọng được mong chờ này đã đến.
Tôi bắt đầu tụng kinh. Sau khi
tụng xong vài bài, tôi nghe người hấp hối thì thào một cách thành kính
những chữ "Phật - Pháp - Tăng, Vô thường - Đau khổ - Vô ngã" và "Từ - Bi
- Hỷ - Xả". Thế rồi, tôi nhận thấy ông ấy suy nhược hẳn đi. Để nhìn ông
ta cho rõ, ngõ hầu chứng minh câu kệ về năm hình ảnh nọ, tôi yêu cầu
mọi người cho tôi ngồi xuống sàn, cạnh người sắp quá vãng. Mọi người
liền tuân theo ý tôi ngay.
Người hấp hối nằm nghiêng về phía tay
trái đối diện tôi. Tôi đặt bàn tay phải của mình lên cánh tay phải của
ông ta và hỏi thăm sức khỏe. Ông trả lời rằng giây phút lìa đời đã đến,
và không còn hy vọng gì sống thêm nữa. Tôi cố gắng an ủi ông rằng ông
mới có năm mươi sáu tuổi và không thể nào chết sớm như vậy. Suốt đời ông
đã làm rất nhiều việc thiện, nêu lên bao nhiêu gương sáng cho mọi người
trong làng, cho nên cuộc đời ông không thể bị vắn số như vậy được.
Thế
rồi tôi hỏi ông có muốn thọ trì Ngũ Giới và nghe thêm kinh không. Ông
ta bằng lòng. Sau khi cho ông thọ giới, tôi tụng kinh và nhận thấy ông
ta lắng nghe với tất cả lòng thành kính. Khi ngừng tụng, tôi muốn biết
ông có thấy hình ảnh nào không. Suốt thời gian tôi ngồi cạnh, cặp mắt
ông ta nhắm nghiền. Cứ mỗi khoảng thời gian ngắn là tôi nhắc lại câu hỏi
của mình. Ông ta cho biết rằng ông không nhìn thấy gì cả.
Khoảng
11:30 tối, đôi môi ông bắt đầu mấp máy. Những người đứng cạnh giường
nhận ra rằng ông đang nói thấy cây Bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức
Phật thành đạo. Có lẽ ông ta thấy cây Bồ đề vì đang nhớ lại chuyến hành
hương của mình tại Bồ đề Đạo tràng. Tôi hỏi ông còn thấy gì khác. Ông
nói một cách ngạc nhiên rằng hai vị sinh thành ra ông cũng ở đó và đang
dâng hoa lên Vajrasana (Kim Cương Tọa) dưới cội cây Bồ đề. Ông ta nói
như thế đến hai lần. Tôi nhờ ông hỏi song thân ông có muốn thọ Ngũ Giới
không. Ông ta trả lời có và hai người đang chắp tay nhận giới.
Sau
khi truyền Ngũ Giới cho song thân ông, tôi lại hỏi ông xem hai vị ấy có
muốn nghe kinh không. Khi được trả lời rằng có, tôi bèn tụng bài Từ Bi
Kinh. Tôi cảm thấy rất kích động với những diễn tiến vào lúc đó, vì
chúng đã xảy ra giống câu kệ về năm hình ảnh nọ. Những người xung quanh
cũng bị kích động không kém vì họ đang chứng kiến một sự kiện không thể
ngờ.
Theo như lời kệ, tôi hiểu rõ ràng rằng hình ảnh cha mẹ quá
vãng cho tôi biết ông sẽ tái sinh làm người và trong điều kiện sống rất
cao đẹp, vì có hình ảnh của cây Bồ đề cùng với song đường. Thế nhưng,
tôi cảm thấy với đức tin trong sạch, ông xứng đáng lên cõi cao hơn. Tôi
tiếp tục hỏi ông còn thấy gì nữa.
Một lúc sau, tôi nhận thấy ông
ấy có sự thay đổi. Hình như ông ta bắt đầu lo lắng cho cuộc sống trần
thế và yêu cầu họ hàng giải nợ cho ông. Tôi hỏi ông thấy gì. Ông trả lời
một cách yếu ớt rằng ông thấy một bộ tóc dài. Lúc ấy khoảng 1:40 sáng.
Tôi hỏi: "Ông có thấy mắt không?" thì được trả lời rằng: "Không, vì bộ
tóc đen phủ kín từ đầu đến gót."
Tôi không biết hình ảnh ma quái
này có nghĩa gì, nhưng cũng đoán chừng rằng nếu ông ta chết vào lúc này
thì sẽ tái sinh vào một cảnh giới thấp, nên tôi bắt đầu tụng kinh để xua
đuổi con ma. Quả nhiên công hiệu, vì khi tôi hỏi con ma còn đó không,
ông nói con ma đã biến mất. Ít lâu sau, khi tôi nhờ Hòa Thượng
Jnanishwar và Hòa Thượng Silalankara giải thích, cả hai đều nói rằng nếu
qua đời vào lúc bấy giờ ông ta sẽ tái sinh làm ngạ quỷ.
Hình
như ông vẫn còn quyến luyến sự sống trên cõi thế gian vì ông nài nỉ
thân nhân cất giữ tấm nệm dưới giường ông nằm cho người con trai duy
nhất mang tên là Sugata Bikash Chowdhury. Người con trai này còn kẹt ở
xa, tận tỉnh Durgapur thuộc Ấn độ. Ông không muốn tấm nệm bị hỏa thiêu
theo xác ông theo tục lệ của nhiều Phật tử ở hải cảng Chittagong thuộc
quốc gia Bangladesh. Sau đó, ông bị kiệt sức rất nhiều.
Tôi hỏi
ông còn thấy những gì. Ông ta trả lời rằng ông thấy hai con chim bồ câu
đen. Tôi hiểu tức thì rằng đó là hình ảnh của thế giới loài thú, nơi ông
sẽ tái sinh. Lúc này đã 2:00 giờ sáng. Tôi không muốn ông thọ sinh làm
kiếp thú nên tiếp tục tụng kinh. Khi tụng xong vài bài, tôi lại hỏi ông
thấy gì. Lần này, ông trả lời rằng không thấy gì cả.
Tôi tiếp tục
tụng kinh. Một lúc sau, tôi hỏi ông có thấy gì nữa không. Tôi phải nhắc
lại câu hỏi nhiều lần. Cuối cùng, ông ta nói một cách ngạc nhiên rằng
ông thấy một cỗ xe từ thiên giới đang tiến đến gần. Mặc dù biết rằng
không một chướng ngại vật nào có thể ngăn cản được cỗ xe đó, nhưng vì
lòng tôn kính đối với chư Thiên, tôi yêu cầu thân quyến của người hấp
hối đứng xa ra, nhường chỗ cho cỗ xe đậu lại. Xong, tôi hỏi ông cỗ xe đó
cách xa ông bao nhiêu. Ông đưa tay ra dấu cho biết cỗ xe đó đang ở sát
cạnh giường.
Khi được hỏi có thấy ai trong xe không, ông ta trả
lời rằng có những vị thiên nam và thiên nữ trong xe. Tôi nhờ ông hỏi ý
chư Thiên có muốn thọ Ngũ Giới không, vì tôi được biết qua kinh điển
rằng chư Thiên rất vâng lời và kính trọng chư Tăng và các vị cư sĩ tại
gia có đạo tâm.
Khi được trả lời rằng có, tôi liền làm lễ truyền
Ngũ Giới cho chư Thiên và hỏi các Ngài có muốn nghe Từ Bi Kinh không.
Khi biết chư Thiên đồng ý, tôi bèn tụng hết cả bài kinh. Tôi lại hỏi chư
Thiên có muốn nghe Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta) không, và tôi tụng
bài này khi chư Thiên tỏ ý bằng lòng.
Khi tôi hỏi các Ngài có
muốn nghe thêm bài Linh Bảo Kinh (Ratana Sutta) không, thì người hấp hối
xua tay ra dấu rằng chư Thiên bảo không còn thì giờ nghe kinh nữa. Sau
đó, ông ta cho biết chư Thiên muốn tôi trở về chùa.
Tôi hiểu rằng
chư Thiên nóng lòng muốn rước người bệnh lên thiên giới, nhưng tôi tìm
cách ngăn cản để kéo dài sự sống cho ông ta trên mặt đất này. Tôi nhờ
ông mời chư Thiên lui gót vì chưa đến lúc ông ấy chết. Tôi lý luận rằng
ông ta mới có năm mươi sáu tuổi, cho nên tôi dám chắc rằng chư Thiên đã
lầm lẫn. Tất cả mọi người có mặt và cả tôi nữa sẵn lòng hồi hướng phước
báu của mình đến các Ngài để đổi lấy sự sống cho ông ta.
Tôi lại
hỏi người hấp hối còn thấy hình ảnh gì nữa không. Ông trả lời rằng song
thân ông còn quanh quẩn bên cây Bồ đề. Như vậy, chỉ có nghĩa là tâm ông
còn vướng bận cảnh trần rất nhiều và ông sẽ tái sinh làm người. Một lần
nữa, tôi đề nghị tất cả chúng tôi hồi hướng phước báu đến cha mẹ ông đã
quá vãng, và sau khi thọ hưởng rồi, hai ông bà phải ra đi như chư Thiên
đã ra đi vậy.
Theo dấu hiệu của người hấp hối thì hình như người
cha đồng ý, nhưng người mẹ thì không. Tôi tỏ vẻ nghiêm cẩn với bà mẹ vì
chư Thiên đã đồng ý với tôi thì hai người không nên từ chối. Tôi nói
rằng nếu hai người vẫn có hành động như thế, e rằng sẽ gây ra các hậu
quả không tốt cho hai người mà thôi. Tôi phải nói mãi họ mới chịu nghe.
Cuối cùng, cả hai biến mất.
Bây giờ thì không còn bóng hình nào
lảng vảng trong tâm người bệnh nữa. Trông ông ta thay đổi hẳn. Ông ta
hít một hơi dài và có nhiều sức sống. Khi có người cầm đèn đến gần để
soi mặt ông, ông ta nói: "Đừng lo nữa, tôi không chết đâu." Nhận thấy
ông đã khỏe hẳn, tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng.
Chúng
tôi đều bị kích động với những diễn tiến vừa qua. Lúc đó đã 5:00 giờ
sáng. Mọi người vừa trải qua một đêm không ngủ, nhưng không ai tỏ ra mệt
mỏi, vì sự kiện trên quá hấp dẫn và thu hút. Tôi từ giã mọi người, quay
trở về chùa, đi tắm, ăn sáng, và sau cùng lên giường chợp mắt.
Khoảng
10:30 sáng, nghe tiếng động ngoài phòng, tôi đi ra xem chuyện gì thì
thấy ông khách tối qua. Tôi hỏi ông nguyên do trở lại chùa thì được biết
ông ta đến đón tôi vì sau năm tiếng đồng hồ khoẻ mạnh, ông Chowdhury
lại bị đuối sức và cái chết lại cận kề.
Tôi vội vàng theo người
khách trở lại nhà ông Chowdhury. Trên đường, tôi gặp rất nhiều người
trong làng lũ lượt kéo nhau đi cùng hướng với tôi, và khi đến nhà ông
Chowdhury, tôi thấy rất đông người đứng chật cả nhà. Đó là vì tiếng đồn
về sự kiện xảy ra từ đêm trước. Mọi người rẽ ra nhường lối cho tôi tiến
đến giường bệnh.
Tôi ngồi bên cạnh người hấp hối hỏi thăm sức
khỏe. Ông ta trả lời rất yếu ớt rằng ông không sống được nữa. Tôi khuyến
khích ông và nhắc nhở ông những việc thiện ông đã làm trong đời. Lâu
lâu tôi lại hỏi ông có thấy ai không, nhưng ông ta không thấy gì cả.
Khoảng
11:20 sáng, một cụ lão tên là cụ Mahendra Chowdhury khoảng 86 tuổi nhớ
ra giờ ăn chót trong ngày của tôi sắp qua nên nhắc tôi độ ngọ. Tôi cương
quyết từ chối vì không thể rời giường bệnh vào lúc đó cho dù là để ăn
cơm.
Câu nói của tôi làm bầu không khí căng thẳng thêm vì ai cũng
chờ đợi những diễn tiến tiếp theo tối trước ra sao. Tôi lại hỏi người
hấp hối thấy gì không. Lần này, ông ta trả lời: "Có, chư Thiên lại đem
xe đến nữa."
Sự xuất hiện của chư Thiên ngay sau khi tôi từ chối
ăn trưa làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau này, khi tôi nhờ Hòa Thượng
Jnanishwar và Hòa Thượng Silalankara giải thích, cả hai đều nói rằng chư
Thiên chờ tôi đi độ ngọ, để khi tôi vắng mặt là chư Thiên đón ông ta về
trời ngay. Thế nhưng vì tôi không chịu bỏ đi, nên các Ngài đành đến
rước ông ta vậy.
Người bệnh cho tôi biết chư Thiên thỉnh cầu và
năn nỉ tôi trở về chùa. Khi tự hỏi tại sao, tôi bỗng hiểu sở dĩ các Ngài
ngần ngại không rước người bệnh đi khi tôi còn ở đó vì các Ngài mang ơn
tôi đã ban Ngũ Giới và tụng kinh cho các Ngài. Sau này, nhị vị Hòa
Thượng cũng nói thế.
Vì cảm thấy người bệnh không thể trốn tránh
cái chết được nữa, tôi nhờ ông thưa cùng chư Thiên rằng: "Xin chư Thiên
tự nhiên rước ông ta đi, cho dù tôi đang có mặt tại nơi đây. Tôi không
phản đối nữa. Tôi rất hoan hỉ cho phép ông ta ra đi." Sở dĩ tôi nói vậy
vì ông ta sẽ đi về thiên giới, rất xứng đáng với các công đức ông đã làm
và đó là điều tôi chân thành ao ước cho ông. Tiếp theo, tôi yêu cầu bà
vợ và thân quyến của ông nói lời giã biệt một cách vui vẻ.
Đây là
lúc mọi người sửa soạn cuộc hành trình cuối cùng trong đời của người
hấp hối. Trước khi ra đi, ông nói: "Thôi, tôi đi dây." Vẻ mặt ông rất
hân hoan và xán lạn.
Tôi bèn nâng đầu và vai ông, còn người khác
nắm chân. Chúng tôi đặt ông nằm ngửa cho thẳng thắn. Tôi nhỏ vài giọt
nước đường vào miệng ông. Tiếp theo, tôi đặt bàn tay phải của mình lên
ngực ông ta. Tôi cảm thấy còn rất nhiều hơi ấm. Người đang chết hình như
còn tỉnh thức và đang lẩm nhẩm những câu kinh nhật tụng.
Thế
rồi, ông ta giơ bàn tay phải lên như đang tìm kiếm một vật gì. Tôi không
hiểu ông muốn gì. Có người trong đám đông đề nghị có lẽ ông muốn sờ
chân tôi như đêm trước ông đã từng làm như vậy, vì tôi đang ngồi trên
sàn cạnh ông.
Tôi đưa chân phải của mình đến gần để ông ấy có thể
đưa tay ra sờ được. Khi sờ được chân tôi xong, trông ông có vẻ mãn
nguyện. Sau đó, ông giơ bàn tay vừa đụng vào chân tôi lên trán mình và
sau cùng xuôi thẳng tay đặt bên hông.
Tôi cảm thấy hơi ấm ở ngực
ông bớt dần. Khoảng một hay hai phút sau, cơ thể ông ấy giật lên và trút
hơi thở cuối cùng. Khi xác ông hoàn toàn lạnh, tôi rút tay về và nhìn
quanh. Mọi người xung quanh ngồi hay đứng đều hoan hỉ và an nhiên tự
tại.
Cả nhà không một tiếng khóc. Đó là một cuộc tiễn đưa người
chết rất hay, theo đúng lời tôi căn dặn trong các buổi thuyết giảng. Tôi
từ giã mọi người và bảo thân nhân bạn bè người chết bây giờ có thể tha
hồ khóc lóc, vì vào lúc này sự thương tiếc không còn ảnh hưởng đến người
quá vãng nữa.
-oOo-
Câu chuyện trên đã đánh tan mọi mối nghi ngờ từ trước về câu kệ diễn
tả năm hình ảnh xuất hiện trong trí người sắp chết do Hòa Thượng
Jnanishwar đọc và tôi cũng từng thấy những câu tương tự trong kinh điển.
Sau này, khi phân tích về cái chết của ông Chowdhury, tôi nhận ra rằng
mỗi giai đoạn đều có một hình tướng (nimitta) tương xứng với trạng thái
của tâm (citta).
Cảnh cây Bồ đề và cha mẹ đã khuất là kết quả của
nghiệp tướng (kamma nimitta). Đó là yếu tố quan trọng trong tâm thức do
thiện nghiệp gây ra. Thế nhưng, sau này, ông ta thấy người tóc dài và
hai con chim bồ câu hoặc hình ảnh ngạ quỷ. Đó là dấu hiệu của những việc
bất thiện ông đã làm.
Nghe kinh tụng đã xua đuổi được tư tưởng
bất thiện và kết quả là hình ảnh ma quái lẫn muông thú biến mất. Tâm trở
nên an tịnh nhờ nghe kinh kệ và thọ Ngũ Giới nên hình ảnh chư Thiên
xuất hiện. Cho đến phút cuối, trạng thái tâm trong sạch này mạnh hơn
hết. Tâm này còn mạnh hơn cả tâm khi thấy song thân. Hình ảnh cha mẹ đã
biến mất để cuối cùng con đường lên thiên giới hiển lộ cho người hấp hối
thư thái ra đi.
-oOo-
Kết luận câu chuyện này là giây phút cuối trong đời sẽ có ảnh hưởng
mạnh đưa chúng ta về cảnh giới cao hơn hay thấp hơn. Vì thế, bổn phận
của thân nhân người đang hấp hối là hãy nhắc nhở cho người đó những việc
thiện đã làm trong đời và tụng kinh niệm Phật luôn luôn. Chúng ta không
nên làm tâm thức người đó mê mờ qua sự khóc than hay khiến họ lo nghĩ
đến chuyện thế tục.
Tôi cũng hiểu thêm rằng cho dù mộ đạo hay làm
việc thiện đến đâu chăng nữa, chúng ta không thể đạt được giải thoát
hoặc lên cõi Niết bàn. Mọi hành vi thiện chỉ có thể giúp chúng ta tái
sinh lên cõi an vui như cõi trời hoặc Phạm thiên chẳng hạn. Chỉ khi hành
thiền Tuệ Quán (vipassana-bhavana) chúng ta mới thoát khỏi được mười
kiết sử (dasa samyojana) và đạt được bốn quả Thánh đưa đến Giải Thoát.
Bốn quả Thánh đó là Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A-la-hán.
Ba
kiết sử đầu tiên là thân kiến (sakkaya-ditthi), hoài nghi (vicikiccha),
và giới cấm thủ (silabbata-paramasa) chỉ vượt qua được khi đạt quả Nhập
Lưu. Ai đã đạt được quả vị này sẽ không tái sinh vào bốn khổ cảnh: Địa
Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, và A -tu-la [3]. Không những thế, các Ngài
không tái sinh quá bảy lần. Khi lâm chung, các Ngài chỉ thấy hình ảnh
cõi người hay cõi trời mà thôi.
Ai hành thiền tiến xa hơn nữa sẽ
đạt được quả vị Nhất lai khi kiết sử thứ tư là dục ái (kamaraga) và thứ
năm là sân hận (patigha) đã bị suy yếu. Các Ngài chỉ còn tái sinh thêm
một lần mà thôi. Hình ảnh hiện ra khi hấp hối cũng là hình ảnh cõi người
hay cõi trời.
Người nào hành thiền và diệt được hoàn toàn kiết
sử thứ tư và thứ năm, nghĩa là dục ái (kamaraga) và sân hận (patigha),
sẽ không tái sinh lại cõi người nữa. Các Ngài sẽ tái sinh vào thiên giới
gọi là Tịnh Cư Thiên, và sẽ nhập Niết bàn sau đó. Những vị này chỉ nhận
được hình ảnh chư Thiên khi hấp hối.
Khi hành thiền nếu tiến
được xa hơn, chúng ta có thể đạt được quả A-la-hán khi loại trừ năm kiết
sử còn lại. Đó là sắc ái (rupa-raga), vô sắc ái (arupa-raga), mạn
(mana), trạo cử (uddhacca), và vô minh (avijja). Các Ngài đã đạt được
quả vị cuối cùng, và khi lìa cõi đời sẽ không thấy hình ảnh gì cả.
Niết
bàn là đích cuối cùng do Đức Phật tìm thấy qua thiền Tuệ Quán. Các đệ
tử của Ngài đi trên con đường do Ngài chỉ dạy, và phải nhờ thiền Tuệ
Quán mới đạt đến Niết bàn. Những hình ảnh hiện ra chỉ là những ánh đèn
khi mờ khi tỏ tạm soi kiếp sống con người. Mục tiêu cuối cùng, ngọn đèn
sáng thật sự ở cõi Niết bàn, chỉ đạt được qua thiền Tuệ Quán mà thôi.
-oOo-
Chú thích
[1] Lời người dịch: Nguyên bản "Five Visions of a
Dying Man", tác giả Hòa Thượng Rastrapal, thuộc loạt sách Lá Bồ đề, số
150 (Bodhi Leaves No. 150) do Hội Ấn tống Kinh sách Phật giáo (Buddhist
Publication Society) tại Tích Lan xuất bản, năm 2000.
[2] Lời
người dịch: Chiều thứ tư thuộc về thời gian, ba chiều kia là chiều
ngang, chiều dọc và chiều sâu. Thế giới chúng ta đang sống có ba chiều.
Theo giả thuyết, nếu được sống trong không gian bốn chiều, chúng ta có
khả năng đi ngược về quá khứ hay tiến thẳng đến tương lai rất dễ dàng.
[3]
Lời người dịch: Tỳ kheo Tịnh Đức có bình luận thêm rằng nếu người hấp
hối thấy máu, đâm chém hoặc hình ảnh nào có sắc thái giận dữ thì sẽ tái
sinh trong cõi A-tu-la. Có hai loại A-tu-la (Asuras): A-tu-la Thiên và
A-tu-la thọ khổ.
-oOo-
*Vài điều sơ lược về tác giả
Hòa Thượng Rastrapal hiện đang
dạy thiền và là vị trụ trì tại Trung Tâm Thiền Học Quốc Tế
(International Meditation Centre) tại Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), thuộc
Ấn độ.
Hòa Thượng Rastrapal
Hải Trần dịch Việt
http://www.thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=10