29/03/2012 16:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 166842
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ...



Nhìn một cách khách quan, trong những năm gần đây một số nước châu Á đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế của nước ta cũng có những sự phát triển và thành tựu đáng kể.

Các nhà kinh tế cho rằng, một trong những bài học lớn của khoa phân tích kinh tế là thừa nhận sự phát triển kinh tế bằng những yếu tố đơn thuần kinh tế. Nhưng vấn đề không phải vậy, thiết nghĩ ngoài những yếu tố về tự nhiên và kinh tế, còn có một yếu tố khác nữa cực kỳ quan trọng, đó là văn hóa tâm linh với những hệ quả tâm lý và xã hội của chúng. Có thể xem đây là một trong những nhân tố làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế nước nhà từ điểm nhìn văn hóa Phật giáo.

Có thể nói, nét chung của nền văn hóa mà chúng tôi đề cập là Phật giáo, là thành phần Phật giáo trong nền văn hóa của các nước này. Tất nhiên là còn có những thành phần văn hóa khác, như đạo Khổng ở Trung Hoa, Thần đạo ở Nhật. Thế nhưng, nét chung xưa nhất cho nền văn hóa các nước hữu quan vẫn là Phật giáo. Cũng có thể nói văn hóa Phật giáo đã hòa quyện vào trong mỗi nền văn hóa dân tộc mỗi nước, khó mà tách bạch rõ ràng được trong sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội...

Khi phát biểu như vậy, không phải ai cũng đồng thuận quan điểm này. Đối với những người chưa tìm hiểu sâu đạo Phật, khách quan cho rằng đạo Phật với một triết lý chủ trương diệt dục, làm sao thúc đẩy để phát triển kinh tế, cũng như kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nếu nhìn không sâu, đôi khi chúng ta cũng thấy hình như Phật giáo chống đối trực tiếp lại mọi thành tựu kinh tế và kỹ thuật khoa học. Cho rằng: Tâm linh của Phật giáo trái ngược với cái vật chất; hướng nội trái ngược với hướng ngoại và kỹ thuật; sự tìm hiểu bản thân trái ngược với sự tìm hiểu kỹ thuật và kinh tế thị trường; sự tìm hiểu kiến thức về thế giới, sự cải tạo bản thân trái ngược với sự cải tạo bối cảnh và môi trường; tinh thần hỷ xả, xả ly trái ngược với động cơ hành động; lý tưởng cuộc sống xuất gia trái ngược với sự dấn thân nhập thế; sự đoạn trừ dục vọng trái ngược với lòng ham muốn cuộc sống tiện nghi, lợi nhuận, quyền lực, thành công, sự phát triển; sự an tịnh nội tâm trái ngược với nhiệt tình hành động v.v…

Thực ra, Phật giáo trước hết là một thực thể tổng hợp văn hóa, quyết định thái độ của con người đối với thế giới, đối với những người khác và đối với bản thân mình. Cốt lõi của Phật giáo là triết lý duyên sinh và nhân quả nghiệp báo. Không ai có thể sống một mình, con người có vô số mối quan hệ gắn liền với cộng đồng, xã hội, môi trường sống.... Điểm đáng nói, Phật giáo còn chủ trương con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Và như thế, suy cho cùng, mục đích của đạo Phật có mặt ở đời là diệt khổ, nghĩa là đem đến hạnh phúc cho số đông mọi người.

Hệ quả: Phật giáo đề cao cuộc sống tri túc; Tinh thần tập thể trong mọi quyết định quan trọng; Tinh thần vô ngã, sự hy sinh cho lợi ích chung; Tính duy lý, sự phân tích tâm lý với thái độ bình thản, đối với mình cũng như mọi người; Ý thức sâu sắc về thời gian, về cuộc đời vô thường, niềm tin ở sự tiến bộ không có giới hạn; Ý thức sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm và kiến thức cho mọi người; Ý thức không xem người đồng sự là phương tiện (nhằm đạt mục đích của mình). Từ những quan điểm nói trên cho chúng ta cái nhìn viễn cảnh phát triển kinh tế nước nhà, góp phần giải quyết lạm phát, bình ổn giá cả thị trường tăng đột biến, góp phần giúp mọi người có một đời sống bình an.

Trong đời sống kinh tế thị trường, ai cũng biết muốn phát triển phải tăng cường đầu tư. Muốn đầu tư, phải tiết kiệm vốn. Tỷ lệ tiết kiệm vốn tùy thuộc thái độ đối với sự hưởng thụ. Người Phật tử hiểu đạo, sống theo đạo hẳn nhiên phải thực hành một nếp sống đạm bạc, tri túc, và cần siêng năng lao động theo tinh thần Bát chánh đạo. Huống chi, truyền thống của Phật giáo xưa nay được các thiền sư khuyến giáo cho mọi người là “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm thì một ngày không ăn). Rõ ràng Phật giáo đề cao tinh thần tự chủ, độc lập trong vấn đề sinh tồn và phát triển cá nhân và tạo ra cơ sở đóng góp cho cộng đồng. Hơn nữa, ý niệm sâu sắc về cuộc đời vô thường cũng thúc đẩy người Phật tử sống biết đủ, đạm bạc và có một cái nhìn một cách tích cực và thiết thực.

Một trong những giá trị của đạo Phật đóng góp cho đời là giá trị thiết thực hiện tại: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính tại đây”. Do đó, người Phật tử luôn ý thức sâu sắc đối với tầm quan trọng thực tiễn hiện tại khiến cho mình năng động hơn, tỉnh táo hơn, làm việc hết mình trong hiện tại. Người Phật tử cần chú trọng đến hành động hiện tại hơn là kết quả của lao động hiện tại, một sự hành động không có chấp thủ, nếu dùng một khái niệm Phật giáo quen thuộc.

Cuối cùng là Phật giáo luôn đề cao về sự ý thức khả năng tiến bộ không giới hạn của con người, sống và làm việc theo tinh thần duyên khởi tính, khiến người Phật tử làm việc khẩn trương tối đa, và luôn luôn học hỏi ở người khác giỏi hơn mình. Học hỏi rất chăm chỉ, người Phật tử thấy không cần phải phát hiện lại những điều mà người khác đã tìm ra được, qua một quá trình lao động khó nhọc.

Cho nên, khi người Phật tử trong vai trò lãnh đạo tối cao của công ty, người đó không nên xem công nhân như là phương tiện mà chính là mục đích của công ty mình phụ trách, thì điều đó không có nghĩa hy sinh mục đích cho phương tiện mà xem mục đích như là nội hàm, trong tất cả mọi phương tiện được sử dụng để đạt tới mục đích đó. Vận dụng nguyên tắc này, hệ quả, công nhân rất mực trung thành và tự hào với công ty của mình, thậm chí sẵn sàng tự nguyện chịu giảm lương để công ty có thể khởi động lên và làm ăn có lãi. Tất nhiên khi công ty phát triển, đời sống cá nhân và gia đình họ đều tăng thêm thu nhập. Và để đền đáp lại, công nhân làm việc thêm giờ tự nguyện, sẵn sàng hiến dâng những sáng kiến ở mọi cấp, chứ không phải từ cấp lãnh đạo công ty mà thôi.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các quyết định trong Tăng già Phật giáo bao giờ cũng phải được tất cả mọi thành viên Tăng già tán đồng thì mới có hiệu lực. Có người hỏi, nếu vẫn có một thiểu số phản đối thì làm thế nào? Phương pháp cho đến nay vẫn là mở rộng thành phần tham dự, thí dụ mời Tăng sĩ của các tu viện ở gần tham gia thảo luận, làm rõ vấn đề rồi bỏ phiếu, cho đến khi nào đạt được sự nhất trí hoàn toàn mới thôi. Sự nhất trí tương đối không khó lắm trong các hội nghị Tăng chúng là do Tăng già vốn có truyền thống cởi mở, vô ngã, không cố chấp. Hình như càng mở rộng thành phần tham dự, thì càng có thêm dữ kiện hơn, nhiều thông tin hơn để đạt sự nhất trí.

Thiết nghĩ, trong các công ty, thành phần lãnh đạo cũng cần tham khảo các ý kiến tập thể công nhân trên tinh thần thống nhất mới đi đến quyết định quan trọng. Kết quả là giữa các thành viên của cộng đồng, không có ganh đua mà là tinh thần hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung của cộng đồng. Kết quả là có nhiều sáng kiến hay, xuất phát từ cấp dưới khi người ta sống tình nghĩa với nhau.

Rõ ràng, những tư tưởng Phật giáo cơ bản giúp cho sự phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô. Thứ nhất là tư tưởng vô thường giúp cho người ta dễ thích ứng với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới, công nghệ và kỹ thuật mới. Tư tưởng đó của đạo Phật tương tự như (và thậm chí còn tiến xa hơn) tư tưởng của Héraclite, là sự vật không những thay đổi liên tục mà còn phải thay đổi. Và điều này không có nghĩa là phủ định truyền thống mà duy trì những cái gì vẫn còn có giá trị sống và tiến bộ trong truyền thống. Truyền thống không phải là một sự áp đặt của quá khứ, mà là một nguồn biện pháp và phương tiện đã được thử thách, có tác dụng thật sự đối với hiện tại và tương lai. Theo quan điểm này, đổi mới kỹ thuật là tất nhiên và tất yếu. Phải tán thành và phải tham gia vào đổi mới kỹ thuật. Nếu cần phải đổi nghề và đổi mới cả lối sống, nó cũng hoan nghênh. Nó giải thích và cho thấy trong những xã hội đó và cả những công ty ở trong đó đều có khả năng tiếp thu những chuyển hướng căn bản, khi cần thiết.

Một tư tưởng Phật giáo khác có liên quan là sự thay đổi trong bản thân khi cần thiết, để thích ứng với hoàn cảnh đổi mới. Đó là tư tưởng Phật giáo nỗ lực tối đa, cải thiện tối đa, đối với cá nhân cũng như đối với toàn xí nghiệp, công ty. Đấy là lí do của hiện tượng: sản phẩm tốt và rẻ của các tổ chức làm kinh tế. Những người lãnh đạo, không thắc mắc quá đáng về vấn đề thị trường, vì họ tin rằng một sản phẩm tốt và rẻ nhất định sẽ có thị trường.

Một đặc sắc nữa của tư tưởng Phật giáo là chủ thể hòa nhập vào khách thể, là một hệ quả của thuyết vô ngã Phật giáo. Người công nhân hay kỹ sư hòa nhập vào xí nghiệp, và công việc chuyên môn của họ. Do đó, năng suất làm việc của mọi người tăng lên rất nhiều.

Tôn chỉ cuả đạo Phật là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Các Phật tử hiểu đạo cần ý thức kẻ thù số một của nó là vô minh, nghĩa là không sáng suốt, không hiểu hay hiểu sai. Người công nhân và kỹ sư của xí nghiệp cũng vậy, họ xem học tập, nâng cao trình độ kiến thức và nghề nghiệp của mình là mối quan tâm số một của họ. Người công nhân và kỹ sư Phật tử cần có thái độ học suốt đời, bằng một chương trình bồi dưỡng có tổ chức.

Mặt khác, khoa học và kỹ thuật là mẹ đẻ của phát triển kinh tế. Nếu trong lịch sử tôn giáo thời phong kiến châu Âu, từng có sự chống đối lại tiến bộ kỹ thuật, thì đạo Phật không cố chấp, cởi mở và duy lý hơn. Đạo Phật lấy thuyết nhân quả làm một chủ thuyết nền tảng của nó, mà thuyết nhân quả chính là cơ sở của tư tưởng khoa học hiện đại. Nói cách khác, Phật giáo dễ dàng tiếp thu mọi tư tưởng và phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đạo Phật là tôn giáo điển hình không giáo điều và chống giáo điều. Phật tuyên bố: Ta không phải là kẻ giáo điều mà là một người phân tích (Kinh Soubha số 99). Tư tưởng chống giáo điều là một tư tưởng tiến bộ và thúc đẩy tiến bộ trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế.

Một đặc điểm nữa của tư tưởng Phật giáo là không bày tỏ lập trường đối với những vấn đề siêu hình, do đó đã tiết kiệm bao nhiêu là thời giờ và sức lực, dành cho tư duy và hành động sáng tạo. Tính thực tiễn đó của Phật giáo tiến xa tới chỗ biết và làm hợp nhất (Tri hành hợp nhất). Đó cũng là một khía cạnh của tư tưởng phi nhị nguyên của Phật giáo. Nó làm cho công tác lý thuyết có hiệu quả hơn, và công tác thực tiễn đúng đắn hơn.

Do đó, công tác giáo dục Phật giáo luôn chú trọng về vai trò lớn của ông thầy, của minh sư tức là ông thầy sáng suốt, hướng dẫn một hay là một số đệ tử, trong học tập cũng như trong mọi mặt khác của đời sống. Trong công ty, tập đoàn kinh tế cũng vậy, cũng cần chuyên gia, hay kỹ sư tài giỏi hướng dẫn một nhóm công nhân học nghề, tạo thành một tập thể sản xuất rất đoàn kết và hiệu quả.

Xem ra, nề nếp tư duy và công tác của đạo Phật cần có dấu ấn rõ nét trong tổ chức làm việc của các tập đoàn, công ty, xí nghiệp phát huy tác dụng như là những yếu tố phát triển kinh tế và sản xuất.

Rõ ràng, nếu biết vận dụng triết lý Phật giáo vào trong lĩnh vực kinh tế thì có khả năng đưa đến sự phát triển đời sống cho mọi người dân. Nếu có thời gian chiêm nghiệm giáo lý của Đức Phật qua các lời dạy được ghi lại qua các bản kinh dạy về đời sống vật chất và tinh thần cho người Phật tử tại gia thì sẽ thấy Ngài hết sức quan tâm đến động cơ và nội dung đạo đức của mọi chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế. Trong khi đó, các nhà kinh tế học hiện đại lại rất coi nhẹ các vấn đề này. Đối với họ, mối quan tâm hàng đầu là lợi nhuận, là mức tăng trưởng kinh tế. Còn số lợi nhuận và mức tăng trưởng kinh tế đó đòi hỏi một trả giá như thế nào về mặt đạo đức và xã hội, thì họ không quan tâm hay là ít quan tâm.

Đức Phật khẳng định rằng mọi hoạt động của con người - kể cả hoạt động kinh tế cũng vậy, đều phải có nội dung đạo đức, nhằm tới hạnh phúc của bản thân cũng như cộng đồng. Bởi vì đồng tiền, không phải thâu góp bằng bàn tay đạo đức, sẽ là con dao hai lưỡi, sẽ giết chết người chủ của nó.

Xem ra, đồng tiền không thể là cứu cánh của nhân sinh, nếu xem đồng tiền là cứu cánh, nó sẽ làm cho con người tha hóa và thất vọng. Giá trị của đồng tiền là ở chỗ nó là phương tiện tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tiến bộ đạo đức và tâm linh con người.

Phật không bao giờ ca ngợi sự nghèo khổ. Trái lại, trong kinh Kutadanta (Trường Bộ Kinh) và kinh Chuyển luân thánh vương tu hành (Trường A Hàm), Phật giải thích là muốn trừ nạn giặc cướp và trộm cắp thì dùng hình phạt hay là bố thí đơn thuần đều không thể giải quyết triệt để. Qua vị Bà-la-môn chủ tế, ở triều vua Mahavijita, Phật giải thích là muốn loại trừ triệt để bọn giặc cướp ở trong nước thì: “Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, thì nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Những người nào trong quốc độ của nhà vua mà nỗ lực về thương nghiệp, thì nhà vua hãy cấp cho họ vốn đầu tư. Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về mặt quan chức, thì nhà vua hãy cấp cho họ thực phẩm và lương bổng. Và những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình và sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua nữa. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho trẻ con nhảy đùa ở trong làng, và sống với nhà cửa mở rộng”(Trường Bộ Kinh, trang 241-242)

Nói cách khác, chúng ta muốn dân giàu nước mạnh, mọi người đều an cư lạc nghiệp, thì phải có một kế hoạch phát triển kinh tế toàn diện hợp lý, đảm bảo cho nghề nông, nghề buôn bán phát triển, còn công nhân viên chức thì lương bỗng tốt.

 

Nói tóm lại, đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ. Không những kinh tế dồi dào, mà những điều quý báu nhất của nhân sinh như là sức khỏe dồi dào, thọ mang lâu dài, dung nhan sáng đẹp v.v… tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống đạo đức và trí tuệ. Trong kinh “Chuyển luân thánh vương tu hành”, Đức Phật dạy: “Các vị phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của cải dồi dào, uy lực đầy đủ...” (Trường A Hàm - 327. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành)

Trong tinh thần đó, chúng ta phát triển kinh tế là vì để cho tất cả mọi người đều được sống hạnh phúc trong một nước Việt Nam thái bình. Thế nên, việc thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế là vì hạnh phúc thật sự của người dân, vì sự giàu mạnh và độc lập thật sự của đất nước chúng ta, với một môi trường sống được bảo vệ tốt, những kho tàng tài nguyên thiên nhiên được khai thác và sử dụng hợp lý, vì lợi ích không những của thế hệ hiện nay, mà còn của các thế hệ mai sau nữa, với những giá trị văn hóa truyền thống thắm màu bản sắc dân tộc. Đó cũng triết lý sống Phật giáo đã cung cấp và góp phần giúp cho chúng ta xây dựng một đời sống kinh tế phát triển và tâm linh được thăng hoa trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.

Thích Phước Đạt

http://huongtubi.org/index.php?/chia-se/su-phat-trien-kinh-te-nhin-tu-triet-ly-phat-giao.html

Âm lịch

Ảnh đẹp