nhận ra hai
bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp
cái dòng chảy xiết của sinh tồn. Để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi
dưỡng cơ thể. Đói và khát không ngừng thôi thúc nó phải chuyển động. Thế
mà cơn đói chưa bao giờ được thỏa, và nỗi khát cũng chưa từng lắng dịu.
Các nguồn tài nguyên có vẻ bất tận trong tầm nhìn, nhưng lại khan hiếm
trong tầm với. Điều nó phải học hỏi để làm là phân phối các nguồn tài
nguyên ấy một cách hợp lý.
Trước khi học cách làm này, nó phải biết học cái gì. Nó được thuyết
phục để tin tưởng thế giới này do ai tạo ra, và được tạo ra thế nào. Mặt
khác, đời sống con người lại tưởng như vô nghĩa. Sống và chết một cách
ngẫu nhiên, phi lý, và vô mục đích. Nếu Thánh kinh không có sách Sáng
thế, có lẽ người ta không thể biết được diện mạo thế giới sẽ như thế
nào, tốt hơn hay xấu hơn, khi họ nghĩ về hôm nay. Tuy nhiên, một vấn đề
như thế, những người phật tử để qua một bên.
Ngày xưa một vị tăng trẻ tên Màlunkya đã hỏi thách đức Thế tôn,
muốn xem Ngài biết hay không biết thế giới này là thường hay vô thường,
hữu hạn hay vô hạn; thân thể và linh hồn có phải đồng nhất hay không;
v.v… Thay vì giải thích thế giới được tạo ra thế nào, và tạo ra để làm
gì, Đức Phật đã khuyến cáo vị tu sĩ trẻ đừng phí thì giờ của mình cho
những câu hỏi ở ngoài tầm nhận thức con người, mà nên tập trung nổ lực
để nhận thức những điều kiện thực tiễn của chính mình. Ngài đưa ra một
thí dụ: Một người bị bắn trúng một mũi tên độc. Ông ta không có thì giờ
để hỏi mũi tên ấy từ đâu đến, được làm bằng loại gỗ gì, và ai đã bắn nó.
Việc quan trọng thúc bách nhất ông ta phải làm trước hết là nhổ mũi tên
độc ra và chữa trị vết thương. Sống còn là ưu tiên một, điều khác tính
sau.
Trong một bản kinh, khi giải thích cho một tu sĩ bà la môn nghe về
ý nghĩa thật sự, và cách thức tế lễ, một đại tế quan trọng của đạo bà la
môn bấy giờ, Đức Phật dẫn dụ một câu chuyện trong quá khứ. Có lần một vị
vua muốn tổ chức một lễ đại tế để cầu phúc lợi cho vương quốc mình. Vua
hỏi ý kiến một vị tu sĩ cao nhất. Vị này đã giảng dạy cho vua phải làm
gì trước tiên. Vương quốc ấy bấy giờ đang khốn khổ vì nghèo đói và bất
ổn, trộm cướp và giặc dã hoành hành. Nếu làm cho dân chúng có công ăn
việc làm thì sự trộm cướp và nỗi loạn sẽ giảm thiểu.
Như chúng ta thấy, tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho ổn định và
thanh bình của xã hội, vì vậy sự phát triển của nó bao hàm việc mở rộng
sự hành đạo. Khía cạnh này trong giáo lý đức Phật rất thường bị bỏ qua,
mà hầu như hoàn toàn chỉ chú trọng đến hành xử đạo đức. Sự hoàn thiện
đạo đức dĩ nhiên là mục đích cao qúi của sự tu tập trong Phật giáo,
nhưng bị bỏ đói thì không ai tài nào hành thiền được. Điều này được ám
chỉ đến trong một câu nói của đức Phật: “mọi chúng sinh đều do thực phẩm
mà tồn tại”. Theo quan điểm hiện đại, lời dạy này có thể được xem là bối
cảnh kinh tế của Phật giáo.
II. Sản xuất cái gì: Giáo lý về dinh dưỡng
Vậy thì, hẵn phải có kinh tế học Phật giáo. Nó không những dạy con
người cách thức kiếm sống theo chánh pháp, nghĩa là hợp pháp và lương
thiện, mà còn dạy cách xử dụng lợi nhuận thế nào để có lợi ích cho bản
thân và người khác. Vì vậy nó không được bỏ qua vấn đề sản xuất và tiêu
thụ.
Con người, thường biết đến như là một hợp thể tinh vi và phức tạp
này của vật chất và tinh thần, là động lực đầu tiên và nguyên nhân cứu
cánh của mọi hoạt động của con người. Thực tế, con người cần thực phẩm
vật chất để duy trì thân thể vật lý của nó, và cần thực phẩm tinh thần
cho sự phát triển tâm linh. Dù tiến hóa cao đến đâu trong suốt dòng lịch
sử, con người có vẻ vẫn phải bắt đầu đời sống từ phôi thai, mà ngay
trong khoảnh khắc đầu tiên thụ thai nó chỉ là một giọt vật chất. Vấn đề
phải chăng đời sống con người bắt đầu từ phôi thai là vấn đề tranh luận
của tôn giáo và đạo đức, kinh tế học không quan tâm. Nhưng với chủ đích
ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến phôi thai như là người tiêu thụ độc lập.
Về căn bản, con người cần lương thực vật chất cho đời sống vật chất
của mình. Nhu cầu này bắt đầu từ khoảnh khắc mới có tri giác cho đến khi
lâm chung.Vào thời kỳ đầu tiên của cuộc đời, con người chưa có khả năng
sản xuất, vì vậy nó phải sống nhờ vào nền kinh tế cấp dưỡng. Nói theo
kinh tế học, nó là kẻ đi vay. Cái gì nó đã vay hôm qua, hôm nay nó phải
trả. Và cái gì hôm nay nó làm, ngày mai sẽ được hoàn báo. Đó là quy luật
hoạt động, và sự hoàn báo ấy đặt cơ sở trên giáo lý về nghiệp.
Bây giờ, vần đề đặt ra là: con người cần cái gì để nó có thể tồn
tại và phát triển? Trước hết, với tư cách là một sinh vật, nó chỉ cần
lương thực vật chất. Khi tiến hóa thành một động vật, nó cần thêm một
loại lương thực nữa: lương thực tiếp xúc. Đến một trình độ tồn tại cao
hơn, là một con người, nó cần 4 loại lương thực cả thảy: lương thực vật
chất, lương thực tiếp xúc, lương thực tinh thần, và lương thực nhận
thức. Điều này được nói đến trong một bản kinh: “đây là 4 loại thức ăn
dùng để duy trì các chúng sanh nào đã sanh khởi, hoặc để hỗ trợ các
chúng sanh nào đang tìm chỗ sanh ra. 4 loại gì ? đoàn thực, thô hoặc tế;
thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư thực, và thứ tư là thức thực.”
III. Sản
xuất cho ai: các giai tầng tồn tại
Trong mỗi giai đoạn phát triển, nhận thức khởi lên ngay khi có sự
tương tác giữa ngoại cảnh và giác quan. Nhưng ở trình độ thấp, nhận thức
xuất hiện còn yếu đến độ khó nhận biết được thế giới. Ở trình độ này,
nhận thức chỉ là một ý chí tồn tại mù quáng.
Khi các giác quan đạt đến độ chín chắn, hình ảnh thế giới được phản
chiếu rõ ràng và rành mạch hơn, và nhận thức về nó có luận lý hơn, hệ
thống hơn. Ở một cấp độ cao hơn trong tiến trình nầy, nhận thức phát
triển thành tự ý thức, nhận biết sự tồn tại của thế giới bên ngoài cũng
như sự tồn tại của chính mình. Nhận thức như là loại thức ăn thứ tư cần
thiết cho giai đoạn tiến hóa này.
Sự phát triển tinh thần tùy thuộc vào sự tích lũy các kinh nghiệm.
Nếu việc xử lý sự tích lũy này bị hỏng, thì sự hoạt động của các giác
quan không tạo ra một hiệu quả tốt nào cho trí óc. Điều này có nghĩa,
các dữ kiện như là thức ăn tinh thần đã không được cung cấp đầy đủ, hoặc
cấu trúc giác quan đã từ chối loại thức ăn này. Ta có thể gọi loại lương
thực thứ ba này là lương thực cho tư tưởng. Còn lương thực để duy trì và
phát triển văn minh là nhận thức.
Theo truyền thống Phật giáo, như được thuật lại trong kinh
Aggaññasutta, thuở đầu tiên, con người thu thập các nguồn thiên nhiên
dùng làm thực phẩm và áo quần, “sống nhờ một loại lúa chín tự nhiên
không cần nấu”. Chúng ta có thể tưởng tượng ra rằng nguồn thiên nhiên
được đề cập đến ở đây mà những người tiền sử thu thập là thứ không thể
tích trữ, “thứ gì họ thu lượm được trong buổi chiều cho bữa ăn chiều sẽ
mọc lại và chín vào buổi sáng; thứ gì họ thu lượm được trong buổi sáng
cho bữa ăn sáng sẽ mọc lại và chín vào buổi chiều.” Phải đến một giai
đoạn tiến hóa nhất định nào đó về sau con người mới bắt đầu nẩy lên
trong đầu óc mình cái ý tưởng: “Tại sao ta phải thu lượm lúa vào buổi
chiều cho bữa ăn chiều và vào buổi sáng cho buổi săn sáng?” Ý tưởng tích
lũy dẫn đến sự đầu cơ. Dần dần sự đấu tranh giữa các đối thủ trong cộng
đồng khởi lên, và xã hội nguyên thủy của loài người bắt đầu một khúc
quanh mới bị lôi cuốn vào xung đột xã hội.
Theo lẽ thông thường,
người ta cho sự tích lũy trong thời tiền sử là bị thúc đẩy bởi tính làm
biếng của con người. Khi trí óc phát triển đủ để quyết định phải thu
thập cái gì và thu thập cách nào có lợi cho tác nhân của nó, bấy giờ con
người phải đối diện với sự hạn chế về thời gian. Nó phải phân phối thời
gian của mình một cách tối ưu giữa lao động và nhàn rỗi. Nó phải học
cách chọn lựa. Trên phương diện này chúng ta đưa cả sự tiêu dùng và nghỉ
ngơi vào thời gian nhàn rỗi. Đến một mức độ tiến hóa cao hơn, thời gian
nhàn rỗi được dành trọn cho việc hưởng thụ 4 loại thức ăn. Bánh mì, và
những thứ tương tự, được tiêu thụ để duy trì cơ thể sinh học và trạng
thái ổn định của nội tạng. Nhìn và nghe được dùng làm xúc thực để tích
lũy kinh nghiệm nhờ đó tăng cường khả năng phán đoán và chọn lựa giữa
cái tốt và cái xấu. Suy nghĩ và ước muốn được nuôi dưỡng bằng tư thực,
loại lương thực thứ ba, mà nhờ phẩm tính của nó hoạt động của con người
cất cánh hướng đến mục đích tối hậu. Hơn nữa, tương lai của con người
tùy thuộc vào những gì nó đang làm trong hiện tại. Nói theo kinh tế học,
con người phải học cách phân phối các tài nguyên qua thời gian.
Niềm vui thích nghe và nhìn khi nhàn rỗi, được thiên nhiên thụ động
in dấu lại, không còn đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu tích lũy các kinh
nghiệm để dùng làm nguồn năng lượng cho việc thúc đẩy cấu trúc tinh thần
hoạt động. Các vật liệu dùng làm xúc thực phải được sản xuất thành các
món hàng hóa. Dầu vậy, thực phẩm vật chất cần thiết để duy trì cơ thể
sinh học không thể bị cắt giảm. Vì thế, con người hoặc phải tăng gấp đôi
thời gian làm việc, hoặc phải cải thiện kỷ năng sản xuất. Con người thời
tiền sử, được nói đến trong bản kinh dẫn trên, đã tăng gấp đôi sản phẩm
của nó, nhưng không một ám chỉ gì cho thấy nó đã xoay xở cách nào để làm
được như vậy.
IV. Phương thức sản xuất
Mặc dầu bị huyền thoại hóa dưới hình thức truyện cổ tích được bản
kinh kể lại bằng loại phương ngữ, một số mô hình kinh tế thực sự có thể
đã được cấu trúc dựa vào tác nhân thời tiền sử. Kẻ đối tác của nó trong
một hệ thống kinh tế khác là Robinson Crusoe, người khởi đầu cuộc sống
của mình trên một hải đảo hoang vu, ở đó trong những ngày đầu của mình,
anh chàng chỉ có độc nhất sự lao động của chính bản thân nhờ xử dụng hai
bàn tay và những thứ thiên nhiên giới hạn xung quanh anh ta cung cấp.
Hàng hóa được sản xuất bằng hỗn hợp lao động và các yếu tố thiên nhiên
cung cấp dĩ nhiên là không thể tích trữ được. Trong toàn bộ thời gian bị
hạn chế vào ban ngày, ngay cả được phân chia một cách hợp lý và cân xứng
giữa làm việc và nghỉ ngơi, anh ta cũng buộc phải cắt bớt quỹ thời gian
chi tiêu cho việc thu thập lương thực để chi cho việc dựng lên một túp
lều. Trong vô thức, đầu óc anh ta đã thiết lập giới tuyến của khả tính
sản xuất mà nó phân phối một cách tối ưu các nguồn tài nguyên khan hiếm
của mình.
Ẩn dụ Robinson Crusoe có khả năng giúp chúng ta diễn dịch ra cách
gia tăng năng suất của người tiền sử: tăng gấp đôi lượng lúa gạo thu
lượm được đủ tiêu dùng cho hai ngày thay vì chỉ một ngày. Xét hàm số sản
xuất, nếu những thứ khác luôn được giữ nguyên: đất và lao động trong bối
cảnh hiện tại không đổi, thì một sự thay đổi trong kỷ thuật sẽ làm thay
đổi sản phẩm.
Liên hệ đến điều này, dựa vào lý thuyết Phật giáo về 4 loại thức
ăn, thì nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng thuộc loại thực phẩm vật lý, giả
như ở trong một nền kinh tế dài hạn, khi đạt tới đơn vị cuối cùng của
tính hữu dụng tới hạn của nó, sẽ luôn được giữ nguyên suốt một thời kỳ
rồi rớt xuống cùng với sự hủy diệt của đời sống con người vốn lệ thuộc
quy luật thế giới vật chất. Ba loại thức ăn khác, cơ bản trước hết được
xem chỉ là thức ăn bổ túc cho thực phẩm vật lý, sẽ giảm thiểu khi cơ
thể, cái mà nó hỗ trợ, hủy hoại.
Trong câu chuyện về người tiền sử nêu lên ở trên, nó kể rằng khi
người ta giành giật nhau thu gom lúa gạo để tích trữ cho tiêu dùng trong
tương lai, thì lúa gạo chín tự nhiên không cần nấu biến mất, và một loại
lúa gạo mới đòi hỏi con người phải làm lụng để sản xuất thay thế nó. So
với hoàn cảnh của Robinson Crusoe như các nhà kinh tế ưa dùng, trong đó
mọi thứ gì nó có thể có được trong tay đều là những yếu tố do thiên
nhiên cung cấp, không một dụng cụ gì có sẵn ngoài sự lao động của chính
bản thân để sản xuất những thứ cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu tối
thiểu, anh ta buộc phải chọn lựa hoặc tiêu thụ đến hết mọi thứ kiếm được
trong ngày nay, hoặc giảm bớt một phần để dành cho ngày mai; trong
trường hợp người tiền sử, họ không để dành bằng cách cắt giảm tiêu dùng
hôm nay cho tiêu dùng ngày mai, mà bằng cách tăng thêm lượng sản phẩm
nhờ vào việc cải thiện hiệu năng sản xuất.
Trong hoàn cảnh hiện nay, theo quan điểm Phật giáo như đã phát biểu
trong bản kinh dẫn trên, ta có thể thừa nhận rằng ngay từ đầu con người
thấy sự gia tăng trong sản phẩm là lựa chọn tốt nhất của mình, trước khi
tưởng tượng ra được bất cứ một kiểu mẫu kinh tế nào khi đối mặt với giới
hạn của môi trường và sự khan hiếm của các phương tiện ngoại tại để thỏa
mãn nhu cầu của mình.
Vấn đề tất yếu theo sau là, sự tiêu thụ vật chất có tính hữu ích
tới hạn của nó, nhưng nhu cầu con người thích hợp với sự tiến hóa cao
hơn nhiều thì không giới hạn, vì vậy, con người phải sắp xếp giảm bớt
thời gian làm việc cho sự gia tăng hàng hóa vật chất để có thể dành
nhiều thì gian hơn cho sự nuôi dưỡng kiến trúc tinh thần và địa tầng tâm
thức. Theo hệ quả luận lý, không phải chỉ sự giàu có nơi số lượng vật
chất, mà trong một mức độ nào đó được đánh giá là sự tăng trưởng kinh
tế, nhưng chính phẩm chất của sự tiêu thụ trong lãnh vực tinh thần, được
cung cấp bằng thực phẩm dành cho kiến trúc tinh thần và địa tầng tâm
thức, là cái biểu thị sự tiến bộ xã hội và sự nâng cao tiêu chuẩn cuộc
sống. Tuy nhiên điều này không có nghĩa, sản xuất vật chất nên được bỏ
lơ, trái lại, nó phải làm điểm tựa cho sự tiêu thụ trong lĩnh vực tinh
thần. Vì vậy, tăng trưởng vật chất phải tương xứng với phát triển tinh
thần.
Thật ra, trong việc xử lý vấn đề khan hiếm, quả thật không đúng
chút nào khi cho rằng, như một số nhà kinh tế từng tuyên bố, cách giải
quyết của Phật giáo là “thay đổi bản chất và mức độ các ham muốn…” Nghĩa
là giảm bớt ham muốn và nhu cầu của họ.
Khỏi cần bàn luận, nhất định khoa học kinh tế ấy được lập mô hình
theo khung sườn đầu óc phương Tây.
Mặc dù những thành tựu vật chất như được nhìn thấy hiện nay ở
phương Tây từ thời chủ nghĩa thực dân cho đến cuộc chiến chống khủng bố
ngày nay, văn minh phương Tây có vẻ chứng tỏ ưu thế của mình đối với
cách hành xử kinh tế của phương Đông, tiến bộ kỹ thuật của nó đã cải
thiện tiêu chuẩn cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa dân chúng
được hạnh phúc hơn. Thay vào đó, sự thành tựu đầy kinh ngạc về khoa học
và kỹ thuật đang đẩy nhân loại đến bờ vực hủy diệt hàng loạt.
V. Sản xuất và tiêu thụ
Một bản kinh kể rằng trong thời xa xưa, hoặc trong thời kỳ dân
chúng đạt đến sự phát triển cao nhất theo truyền thuyết, chỉ có 3 loại
nhu cầu: ham muốn, đói khát và tuổi già. Thời gian trôi qua, khi xã hội
con người bị xung đột một cách khốc liệt, thêm nhiều loại nhu cầu khác
xuất hiện. Theo kinh Esukàrì sutta, vào thời đức Phật, của cải được phân
loại theo 4 phạm trù, y theo đó xác định giai cấp xã hội. Theo đó, của
cải của một người là toàn bộ những gì anh ta sở hữu. Nó là phương tiện
người ấy kiếm sống. Khái niệm của cải này gợi lên những ý niệm về sản
xuất và tiêu thụ theo cách hiểu của kinh tế học hiện đại, trong một
chừng mực nào đó. Tuy nhiên đức Phật đã đề xuất lấy Pháp tối thượng làm
của cải tối hậu mà nhân loại được khuyến khích tìm kiếm. Pháp tối thượng
nói đến đây gồm 7 yếu tố hay thành phần của của cải: chúng là niềm tin,
đạo đức, tàm, quý, học thức, bố thí và minh triết, trong đó yếu tố thứ
sáu, tức bố thí hay thí xả, đạt được nhờ hào phóng bỏ của ra để làm từ
thiện, hàm ý sở hữu của cải vật chất. Bởi vì một người, một người giàu
có chẳng hạn, chỉ có thể cho người khác cái gì mà nó có. Vì thế, các
thành phần này của sự giàu có phải được xem là các nhân tố sản xuất ra
hàng hóa có phẩm chất cao nhất. Tuy nhiên, hầu hết những tác giả viết về
kinh tế có lẽ không dễ tán thành một định nghĩa khá lý tưởng như thế về
giàu có, bởi vì theo giả định của họ, giàu có được định nghĩa là gồm hai
thứ tài sản thực (nhà cửa, xe cộ, máy truyền hình, và những thứ lâu bền
khác) và tài sản tài chánh (tiền mặt, tài khoản tiết kiệm, cổ phần, trái
phiếu, chế độ bảo hiểm và lương hưu) mà chủ hộ sở hữu.
Như chúng ta thấy, thông thường người ta phân biệt giữa hàng hóa
vật chất đáp ứng các thỏa mãn đời thường của con người, và hàng hóa cao
hơn dùng làm phương tiện nhằm đạt được các thỏa mãn lý tưởng .Vì kinh tế
học chỉ xử lý những chuyện trong thế giới này, thì hệ quả hợp lý theo
sau là họ chỉ quan tâm đến sự tiêu thụ vật chất.
Thật ra đức Phật chưa bao giờ phủ nhận nhu cầu về hàng hóa vật chất
được tiêu thụ cho những đòi hỏi duy trì đời sống sinh học của con người
là cái làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn. Trong kinh “Không mắc
nợ”, Ngài thừa nhận 4 thứ sung túc: lạc thú do có của, lạc thú do sử
dụng của cải hữu ích, lạc thú do không mắc nợ, và lạc thú do không có
lầm lỗi.
Trong đoạn này, các điều kiện sung túc không được cải thiện và tăng
thêm chút nào nếu chỉ dựa vào việc thu hoạch và tích lũy một lượng của
cải, cho dù đạt được một cách chính đáng bằng sự nổ lực và lao động của
mình. Của cải chỉ có ích lợi nếu nó mang lại cho con người sự vui thích
và hạnh phúc qua việc tiêu thụ vật chất lẫn phát triển tinh thần.
Trong một Kinh khác, có lần một người đi đến đức Phật xin Ngài dạy
cho giáo lý mà khi tuân thủ nó, những kẻ vốn là “những gia chủ, đang
hưởng thụ dục lạc thế gian, đang ràng buộc với vợ con…” có thể sống hạnh
phục, thanh bình và thịnh vượng trong đời sống hiện tại cũng như trong
tương lai. Bấy giờ, Đức Thế tôn đưa ra 4 điều kiện trước tiên dẫn đến an
lạc trong hiện tại. Chúng là sự chăm chỉ, sự phòng hộ, bạn tốt, và kiếm
sống chân chính.
Tóm lại, cách hành xử kinh tế đã được chỉ dạy như vậy. Sự chăm chỉ
hay siêng năng được nhấn mạnh. Nổ lực, năng động, chăm chỉ, siêng năng
(viriya, uṭṭhāna, padhāna, v.v…), đôi khi được hiểu như là dùng để diễn
tả cùng một trạng thái của tâm hay ý thức, mặc dầu các hoạt động tâm lý
của chúng có hơi khác biệt. Tuy nhiên, một cách tổng quát, chúng thường
diễn tả yếu tố quan trọng nhất trong sự tu tập, đó là sự chuyên cần
(appāmada). Đức Phật dạy: “Tỉnh giác là con đường đưa đến bất tử. Lười
biếng là con đường dẫn đến tử vong.”
Sự lơ là, bất cẩn, chây lười, nhác nhớm: Đây là những sức ỳ của tâm
hay ý thức. Nó dấy lên trong lòng người ta cái trạng thái miễn cưỡng làm
việc. Các nhà kinh tế cũng có thể gọi nó là sự nhàn rỗi đối lại với lao
động. Theo các nhà kinh tế định nghĩa, nhàn rỗi là một phạm trù hàng hóa
tiêu dùng có thể được đo lường bằng đơn vị thời gian. Khi được phối hợp
với hàng hóa tiêu thụ nó hình thành một bó hàng cho khách tiêu dùng lựa
chọn, vì theo định nghĩa này, nhàn rỗi chỉ cho bất kỳ thời gian nào đã
chi tiêu mà không làm việc trong thị trường lao động. Vì thế, khi một
công nhân cố gắng tăng thêm thu nhập, anh ta phải gia tăng chi tiêu lao
động, nghĩa là anh ta phải cắt bớt thời gian chi tiêu cho nhàn rỗi. Như
vậy, lao động là phí tổn cơ hội được trả giá bằng nhàn rỗi.
Với sự giúp đỡ của tiến bộ kỹ thuật, công nhân ngày nay có thể nâng
cao hiệu suất lao động để kiếm được một mức lương cao hơn mà không phải
cắt bớt thời gian dành cho nhàn rỗi. Tiêu chuẩn đời sống của anh ta được
gia tăng, thu nhập đạt đến tối đa. Anh ta vừa giàu có lại vừa rảnh rang
thụ hưởng lạc thú cuộc đời. Đó là đặc điểm của nền văn minh hiện đại mà
người ta phong cho cái tên là nền văn minh tiêu thụ vật chất được hình
thành trên mẫu hình kinh tế phương Tây.
Con người ham muốn dục lạc không bao giờ chán chê. Theo một định
luật, tổng giá trị hữu ích của một món hàng tiêu thụ được tính bằng số
lượng của nó, nhưng đối với người tiêu dùng, phẩm chất của món hàng, từ
đó, tính chủ quan của nó, không thể bị bỏ quên. Thời gian tiêu thụ cũng
là một nhân tố tác động đến sự thay đổi tổng giá trị hữu ích. Một đơn vị
thời gian tăng thêm sẽ làm giảm bớt sự ưa thích hưởng thụ.
Đức Phật thừa nhận 4 nhu cầu: thực phẩm, quần áo, nhà cửa, thuốc
men. Chúng thuộc các yếu tố vật chất và được xếp vào loại dinh dưỡng vật
lý. Sự tăng trưởng kinh tế chỉ dựa độc nhất vào số lượng hàng hóa và
dịch vụ được sản xuất ra nhằm thỏa mãn sức tiêu thụ vật chất. Như vậy
bất kỳ một loại kích thích nào động viên tiêu thụ cũng làm tăng lượng
cầu.
Việc tập trung vào sản xuất và tiêu thụ vật chất này, thiếu các
loại dinh duỡng khác mà chúng ta gọi là các loại thức ăn tinh thần cần
thiết cho giá trị tối hậu của nhân loại, đã tạo nên tình trạng mất cân
bằng giữa tăng trưởng cơ thể và tinh thần. Ngày nay, với đà tiến bộ
ngoạn mục của khoa học, và với sự thành tựu có vẻ thần kỳ của kỷ thuật,
người ta hiểu biết nhiều về cách thức vật chất hoạt động, nhưng sự hiểu
biết của họ về cấu trúc tinh thần được cấu tạo thế nào và loại thức ăn
nào phải được dùng cho nó thì còn hạn hẹp một cách đáng buồn. Ngoại
tình, hiếp dâm, buôn lậu ma túy, bạo lực, vô số các bất ổn xã hội; tất
cả triệu chứng này của căn bịnh béo phì xã hội thật ra là kết quả của
tình trạng mất cân bằng trong sự phát triển kinh tế.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế trên thế giới ngày nay đã nâng cao
tiêu chuẩn sống của nhân loại lên một mức đáng kể. Tuy nhiên, sản xuất
quá độ và tiêu thụ quá độ dứt khoát kéo theo sự bất bình đẳng trong việc
phân phối của cải trên cán cân thế giới. Nhân đây, chúng ta nên tham
khảo một số lời dạy của đức Phật liên quan đến vấn đề đang thảo luận
này.
Trong một bản kinh, đức Phật chỉ dạy một gia chủ trẻ xử dụng hợp lý
lợi tức kiếm được bằng cách phân ra thành 4 phần: một phần dành cho các
nhu cầu bản thân, 2 phần dành chi cho việc kinh doanh. Phần thứ tư để
dành phòng những lúc cần đến. Bản dịch tương đương trong bộ A hàm tiếng
Hán kể nhiều chi tiết hơn, nó thêm hai phần phụ nữa: một để xây đền
miếu, và phần sáu để xây Tăng viện. Thật thú vị khi chú ý đến bản Hán
dịch bộ A hàm trong đó vai trò đền miếu thờ thần và Tăng viện ở Ấn độ cổ
có thể so sánh với các định chế kinh tế và xã hội ngày nay. Vào thời đức
Phật, hầu hết Tăng viện nguyên là những khu giải trí hoặc công viên do
các ông vua, hoàng hậu, những giới quí tộc hoặc giàu có sở hữu dâng
tặng. Về sau người ta cúng cho các đoàn thể tôn giáo hoặc giáo phái để
họ tu tập và giảng đạo. Việc hiến cúng một phần thu nhập của mình cho
các mục đích tôn giáo như đức Phật dạy cho vị gia chủ phải được xem là
một đóng góp cho các hoạt động văn hóa và giáo dục, một loại đầu tư vào
vốn con người.
VI. Kết luận
Nhiều tác giả viết về kinh tế học Phật giáo phê bình Adam Smith về
định lý “bàn tay vô hình” của ông, theo đó nếu một cá nhân hành xử trên
cơ sở lợi ích riêng của mình thì lợi ích xã hội sẽ được nâng cao.
Sự thật không thể chối cải là tính vị kỷ này đang là động cơ thúc
đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà hầu hết các nước ngoài Âu châu và chư hầu
của nó thèm muốn. Như Smith đã xác quyết, nếu lợi ích bản thân của cá
nhân không được thúc đẩy, không một phát triển kinh tế nào có thể thực
hiện được. Để có một cái nhìn sát hơn vào bức tranh, chúng ta hãy đặt
hoàn cảnh này vào câu nói của Keynes: “Nó không tính phí tổn của tranh
chấp, mà chỉ nhìn vào các lợi ích của kết quả cuối cùng được giả định là
vĩnh cửu. Mục đích của đời sống là ngắt lấy những chiếc lá từ những cành
cao xa nhất, phương thức để thành tựu mục đích này thật chẳng khác nào
để cho những con hươu có cổ dài nhất mặc tình bỏ đói những con có cổ
ngắn hơn.”
Như vậy, các nguyên nhân gốc rễ cho tăng trưởng kinh tế, tốt hơn
hoặc xấu hơn như ngày nay chứng kiến, được bện chặt với lòng tham lam,
thù ghét và ảo tưởng. Xóa bỏ 3 độc tố này là mục đích tối hậu của đời
sống người phật tử. Tuy nhiên tính vị kỷ liên kết với các căn nhân bất
thiện như đã thấy rõ trong việc tối đa hóa lợi nhuận, nếu xét theo thái
độ tâm lý học Phật giáo, là lực thúc đẩy mọi hành động của con người.
Căn cứ trên giáo lý về dinh dưỡng, khi cơ thể sinh học còn tồn tại ngay
cả sau khi bậc thánh đã đạt đến trạng thái diệt hết các căn nhân bất
thiện, 4 loại thức ăn vẫn còn cần thiết cho đến khi bậc Thánh nhập vào
Niết-bàn, vì cơ thể được cấu thành bởi 5 uẩn đi đến chỗ tan rã hoàn
toàn. Trong phối cảnh này, một hệ thống kinh tế nào đó vẫn còn tồn tại
để cung ứng các nhu cầu cho vị ấy. Đối với những ai chọn đi theo con
đường dẫn đến giải thoát tối hậu, đến thành tựu Niết bàn, đức Phật dạy
cách xả bỏ tuyệt đối các dục lạc thế gian. Đối với những ai còn bị ràng
buộc trong ngũ dục, Ngài thuyết cho họ giáo lý về cuộc sống bình thường
để họ có thể sống bình yên và hạnh phúc ngay trong đời hiện tại cũng như
trong tưong lai. Giáo lý cho đời sống sau thật đơn giản: Bố thí và trì
giới. Để có thể tu tập bố thí, anh ta phải có một số của cải nào đó.
Như vậy, hành xử kinh tế của một Phật tử tại gia là một hành động
có mục đích nhắm đến việc thu thập của cải cụ thể cho tiêu thụ vật chất
và tích lũy phước đức cho đời sống mai sau. Liên quan đến hành động có
mục đích này, nền tảng cho sự gia tăng của cải của một Phật tử tại gia
được dạy là phải bao gồm mười hạn mục: đất đai, vốn liếng, con cái, tôi
tớ, gia súc, niềm tin, đạo đức, học tập, bố thí, và trí tuệ. Vì vậy, các
điều kiện tăng trưởng kinh tế phải là một sự cân bằng giữa tiêu thụ vật
chất và phát triển tinh thần.
Tuy nhiên, kinh tế học Phật giáo, nếu có, chỉ có thể thực hiện được
với điều kiện, mục đích trong đời sống này của một cá nhân phải được xác
lập, và việc làm của nó phải được hướng dẫn bởi đạo đức, bất kể lý
thuyết về vị kỷ hay động cơ lợi nhuận có thành vấn đề hay không. Trong
phương diện này, lời đức Phật dạy về chánh mạng hy vọng đóng góp nhiều
nguyên tắc chỉ đạo cho các nghiên cứu kinh tế.
Việt
dịch
Thích
Nguyên Giác
bản tiếng Anh
http://www.phatviet.com/tuesy/Buddhistfoundationofeconomics.htm