Bước ngoặt quan trọng nhất trong tiến trình nhận thức của con người có lẽ là khi
chúng ta bắt đầu nhận thức về chính bản thân mình.
Thay vì đặt
những câu hỏi về thế giới quanh ta, mỗi chúng ta đều có một thời điểm bất chợt
nào đó quay nhìn lại chính mình và đặt ra những câu hỏi đại loại như “Ta là ai?”,
“Tại sao ta sinh ra và chết đi?”, “Đời sống của ta có ý nghĩa gì?”...
Khi nhận thức về chính bản thân mình, chúng ta luôn vấp phải
những trở ngại hầu như không thể vượt qua. Chẳng hạn,
mọi phương thức hình thành các khái niệm mô tả mà ta đã từng áp dụng cho thế
giới vật chất đều trở nên không phù hợp để mô tả về bản thân chúng ta. Khi nhận thức về một sự vật, ta luôn có thể thấy được sự vật ấy hình
thành từ bao giờ, hình thành như thế nào, tồn tại trong bao lâu và sẽ hư hoại
trong những điều kiện nào. Nhưng với tâm thức chúng ta
thì hoàn toàn khác. Chúng ta không thể nói được là ta
đã bắt đầu hiện hữu từ bao giờ. Tuy có mối tương quan với thể xác vật lý,
nhưng ít người trong chúng ta tin rằng tâm thức ta chỉ bắt đầu hiện hữu từ lúc
thể xác này sinh ra và sẽ biến mất hoàn toàn sau khi thể xác này tan rã. Có
nhiều lý do để chúng ta không thể chấp nhận một quan niệm như vậy, nhưng ngay cả
khi ta chấp nhận thì điều đó dường như lại sẽ làm nảy sinh hàng loạt nghi vấn
khác...
Một trong những ưu thế lớn nhất của con người là chúng ta có ngôn ngữ và chữ
viết. Nhờ đó mà kiến thức và kinh nghiệm của mỗi chúng ta đều có thể chia
sẻ với tất cả những người cùng thế hệ cũng như lưu lại cho nhiều thế hệ về sau.
Đồng thời, ta cũng thừa hưởng được vô số những kiến thức và kinh nghiệm của biết
bao thế hệ trước đây.
Trong chuỗi trao truyền đó, đã có quá nhiều dữ kiện khiến ta
không thể chấp nhận được giả thuyết về một tâm thức đoạn diệt, nghĩa là chỉ giới
hạn hoàn toàn trong kiếp sống này. Gần đây nhất là hiện tượng tái sinh có
chủ định của các vị Lạt-ma Tây Tạng. Không chỉ được nhiều người trực tiếp chứng
kiến, các hiện tượng này còn được ghi chép cụ thể, kèm theo nhiều hình ảnh và có
cả các đoạn phim cho phép người xem có thể kiểm chứng được tính xác thực của sự
việc. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận được rất nhiều trường
hợp đặc biệt của những trẻ em có khả năng nhớ lại chính xác một số chi tiết
trong đời sống trước đây của chúng. Mặc dù khoa học
hiện nay vẫn chưa giải thích được một cách cụ thể về nguyên nhân dẫn đến những
trường hợp này, nhưng việc bác bỏ những sự kiện hiển nhiên như thế là điều không
thể được.
Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng ta không chấp nhận các sự kiện nêu trên và
nhất định tin rằng đời sống con người chỉ giới hạn trong phạm vi của một kiếp
sống, thì việc tìm ra một ý nghĩa cho sự hiện hữu của mỗi chúng ta trong cuộc
đời lại càng trở nên khó khăn hơn. Lẽ nào chúng ta chỉ sinh ra
và chết đi như một sự ngẫu nhiên? Và nếu như thế thì sự nỗ lực hoàn thiện
bản thân hay xây dựng cộng đồng nào có ích lợi gì, vì tất cả rồi sẽ không còn ý
nghĩa gì cả khi ta đã đi qua hết những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời này.
Chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi, có lẽ chúng ta đã có thể hoàn toàn mất đi tất cả
những động cơ cần thiết cho đời sống.
Và như vậy, trong một chừng mực nào đó thì đây là một cách suy nghĩ hết sức
tai
hại.
Trở lại với vấn đề ý nghĩa cuộc sống, hầu hết chúng ta hẳn không ai có thể hài
lòng với cái vòng luẩn quẩn “ăn
để sống và sống để ăn”. Khả năng nhận thức về cuộc sống và chính bản thân mình
giúp ta thấy được nhiều ý nghĩa và mục tiêu cao cả hơn là việc chỉ đơn thuần
kiếm sống qua ngày. Vì thế, việc đi tìm một lý tưởng cho đời
sống hầu như có thể xem là bản năng tinh thần của hết thảy mọi người.
Chúng ta khó lòng hình dung được một con người với khả năng tư duy nghiêm túc
lại có thể chấp nhận một cuộc sống không mục tiêu, không lý tưởng.
Thế nhưng, mọi lý tưởng hay quan điểm sống dường như đều phải xuất phát từ nhận
thức cơ bản nhất về chính bản thân ta, dựa trên mối quan hệ phân biệt giữa bản
thân và thế giới chung
quanh. Chính vì vậy mà nhân loại đã nảy sinh ít nhất là hai quan điểm khác biệt
nhau như đã đề cập đến trong chương trước: duy tâm và duy vật.
Những người theo quan điểm duy vật không thể bác bỏ
hoàn toàn quan điểm duy tâm, vì có những sự thật hiển nhiên đã từng xảy ra nhưng
họ không thể giải thích được. Nhưng ngược lại thì những người
duy tâm cũng không thể thuyết phục được những người duy vật, vì những gì họ tin
nhận đã không được chứng minh cụ thể bằng cái gọi là “những quy luật khách quan”.
Và do đó, tình trạng “đường ai nấy đi” trong cuộc tranh cãi bất phân thắng bại
này có lẽ sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng không có hồi kết thúc.
Nhưng từ một góc nhìn khách quan và toàn diện hơn thì các quan
điểm duy tâm hay duy vật thật ra đều không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề
quan trọng nhất của đời người, không giúp chúng ta nhận chân được ý nghĩa thực
sự của cuộc đời. Hơn thế nữa, có vẻ như việc chạy theo
các ý tưởng về duy tâm hay duy vật còn khiến cho rất nhiều người trong chúng ta
bị lệch hướng.
Đức Phật đã gián tiếp chỉ cho ta thấy sự lệch hướng này khi ngài hoàn toàn không
đề cập đến duy tâm hay duy vật mà chỉ nhấn mạnh vào sự phân tích và nhận hiểu về
chính tâm thức con người. Như đã nói, cả hai quan điểm duy tâm và duy vật đều
dựa trên ý niệm căn bản đầu tiên là phân biệt giữa chủ thể nhận thức và đối
tượng nhận thức. Xuất phát từ sự phân biệt này, mọi hành vi
ứng xử của ta đều hình thành xoay quanh một “bản ngã” được xem là trung tâm điểm
và quan trọng nhất. Nói cách khác, dù là duy tâm hay duy vật
thì “cái ta” vẫn là quan trọng hơn “người khác”, vẫn cần phải được quan tâm
trước tiên. Và như vậy, sự khác biệt về quan điểm chỉ
có thể dẫn đến những cung cách hành xử có phần nào đó khác biệt nhau, nhưng về
nền tảng cơ bản thì lại không có gì khác biệt.
Và cái nền tảng cơ bản được xây dựng trên quan điểm về một
“bản ngã có thật” đó chính là đầu mối của mọi sự khổ đau và bất ổn mà chúng ta
luôn tự chuốc lấy về mình. Mọi sự công kích hay gây hại nhắm đến cái “bản ngã” đó đương nhiên
được xem là đang nhằm vào ta, đang tấn công ta, và vì thế ta cần có những phản
ứng thích hợp để tự bảo vệ.
Nhưng liệu cái “bản ngã” mà ta mặc nhiên thừa nhận đó có thực
sự chính là ta?
Đức Phật đã quán chiếu rõ về điều này và bằng kinh nghiệm thực chứng của bản
thân, ngài dạy rằng cái “bản ngã” đó là hoàn toàn không thật có.
Hơn thế nữa, sự nhầm lẫn cho rằng “bản ngã” đó thật có lại chính là nguyên nhân
dẫn đến tất cả những ưu phiền khổ não trong đời sống. Trong kinh Pháp cú,
đức Phật dạy rõ ý nghĩa này:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não.
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?
(Kinh Pháp cú, kệ số 62, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Khi ngay từ nền tảng cái “ta” đã là không có, thì làm gì có những hệ quả tiếp
theo
như “vợ con của ta”, “tài sản của ta”...? Và khi tất cả những thứ “của ta” đó vốn đã là không có, thì dựa vào
đâu ta có thể khởi tâm tham đắm, vướng mắc?
Như thế, mọi ưu sầu khổ não sẽ không còn lý do để sinh khởi, mở ra một cuộc sống
ung dung tự tại mà không cần đến bất kỳ một phép mầu hay sự cứu rỗi nào.
Tiếc thay, một chân lý sáng tỏ như thế nhưng lại có rất ít người trong chúng ta
có thể thực sự nghiêm túc nhận hiểu và làm theo.
Vì sao vậy?
Đó là vì sự nhận hiểu về một “bản ngã thật có” đã ăn
sâu trong tâm thức chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp, đến nỗi ta hầu như đã mặc
nhiên xem đó như một phần nhận thức không thể thay đổi! Hơn
thế nữa, suy luận thông thường của chúng ta dường như rất ít khi chạm đến những
điểm vốn là hoàn toàn không hợp lý trong sự hình thành khái niệm về bản ngã.
Như đã nói, mọi sự vật, hiện tượng đều do nhân duyên tạo thành.
Cái được gọi là “ta” đó cũng không là ngoại lệ.
Nếu như khi phân tích bất kỳ đối tượng nào của thế giới hiện tượng, ta đều nhận
ra đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau, thì khi phân tích về
“cái ta”, ta cũng có thể nhận thấy một điều tương tự.
Bằng khả năng quán chiếu sâu xa và phân tích chính xác, đức Phật đã mô tả sự cấu
thành của mỗi một chúng sinh không gì khác hơn là sự kết hợp của 5 thành phần,
được gọi là 5 uẩn (蘊 - skandha), bao gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và
thức uẩn.
Chữ uẩn (蘊), dịch từ Phạn ngữ skandha, hàm nghĩa là
“tích tập, chứa nhóm lại”. Vì thế, các uẩn tự chúng đều là những “hợp thể”
do nhiều yếu tố cấu thành. Chẳng hạn, sắc uẩn là một hợp thể của những âm thanh,
hình sắc, mùi hương, vị nếm... kết hợp với các giác quan của chúng ta như mắt,
tai, mũi, lưỡi... Mỗi một yếu tố trong đó đều là điều
kiện cần thiết để tạo thành cái gọi là sắc uẩn.
Mỗi chúng sinh được tạo thành từ sự kết hợp của 5 uẩn.
Trong đó, sắc uẩn chỉ chung tất cả những yếu tố thuộc về sắc chất, như hình sắc,
âm thanh... trong khi 4 yếu tố còn lại không thuộc về sắc chất..., không thể
nhận biết qua các giác quan.
Sắc uẩn cũng bao gồm cả bản thân các giác quan như mắt, tai,
mũi, lưỡi... và đối tượng của chúng, vì tất cả đều do vật chất cấu thành. Đây
chính là những gì mà những người theo quan điểm duy vật có thể quan sát được và chấp nhận.
Thọ uẩn chỉ các cảm thọ sinh khởi khi thân tâm ta tiếp xúc với các đối tượng bên
ngoài, như lạc thọ (cảm xúc vui thích), khổ thọ (cảm xúc khó chịu, không ưa
thích), xả thọ (cảm xúc không khổ, không vui)...
Tưởng uẩn chỉ sự nhận biết phân biệt đối với các đối tượng sau khi tiếp xúc, như
phân biệt được đó là sự vật dài ngắn, lớn nhỏ, xanh vàng trắng đỏ... cho đến
phân biệt đó là thiện ác, tà chánh... Cơ chế hoạt động của
tưởng chính là dựa vào sự truy tìm trong ký ức những hình ảnh, thông tin... của
quá khứ có liên quan đến đối tượng, rồi qua đó xác định và khởi lên sự phân biệt.
Hành uẩn chỉ chung tất cả mọi hoạt động tâm lý hay phản ứng của tâm thức, được
sinh khởi sau khi tiếp xúc và phân biệt đối tượng, như ưa thích, chán ghét, ngợi
khen, chê bai... Hành là yếu tố phức tạp vì có phạm vi đề cập
rất rộng và có khả năng làm nhân cho các hoạt động khác của thân và tâm, trong
khi các uẩn như sắc, thọ và tưởng chỉ là những hiện tượng hiện hữu mà không tạo
nhân. Chính vì thế, hành uẩn có hai vai trò phân biệt như sau:
Hành uẩn có vai trò là quả, khi những phản ứng của tâm thức là kết quả được tạo
thành do những điều kiện, những yếu tố khác;
Hành uẩn có vai trò là nhân, khi những phản ứng của tâm thức trở thành điều kiện
dẫn đến các hành vi, hoạt động của thân, khẩu, ý. Trong ý nghĩa này, các hoạt
động của thân, khẩu và ý chính là sự biểu hiện của hành uẩn, là kết quả sự tác
động của hành uẩn.
Thành phần cuối cùng trong 5 uẩn là thức uẩn, chỉ chung
công năng của thức (sự nhận biết) được biểu hiện ở các giác quan, như ở mắt có
nhãn thức, ở tai có nhĩ thức... cho đến ý thức.
Sự phân tích toàn bộ kết cấu thân tâm của mỗi chúng sinh thành 5 uẩn là một nhận
thức khái quát hết sức quan trọng, bởi nó bao gồm được tất cả những yếu tố thực
sự tham gia cấu thành cái hợp thể chung được gọi là “ta”, trong đó có cả các
thành phần hữu hình lẫn vô hình. Hơn thế nữa, sự phân tích này giúp ta thấy rõ
rằng mọi sự biểu hiện qua tư tưởng, lời nói và hành vi mà ta vẫn xem như là một
“cái ta” có thật, tồn tại độc lập với thế giới quanh ta, thì thật ra chỉ là một
chuỗi tiếp nối những phản ứng vật lý và tâm lý nảy sinh theo quy luật nhân quả.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, do tác dụng thúc đẩy của các phản ứng tâm
như tham, sân, si... chúng ta nảy sinh sự tác ý, hướng các ý tưởng, lời nói hay
hành vi của mình theo sự hiền thiện hay xấu ác, do đó mà tạo thành nghiệp quả
nối dài
không
dứt.
http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3183&SubID=4&ID=7