09/02/2012 20:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 200485
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thế giới loài người luôn phải đối mặt với những thảm họa do thiên nhiên gây ra: bảo lụt, động đất, núi lửa, sống thần … là những vấn đề con người phải thường xuyên nhận lãnh suốt theo chuỗi lịch sử phát triển của mình. Và ngày hôm nay, mức độ thảm khóc của những điều này đang tăng dần lên do vì có sự góp mặt của những tác nhân tiêu cực do chính con người tạo ra.



                     Bên cạnh những thảm họa thiên nhiên như thường thấy, sự ô nhiểm không khí, cạn kiệt nguồn nước ngầm, đất đai xói mòn, sa mạc hoá, biến đổi khí hậu và đánh mất hệ sinh thái là những thảm họa kinh hoàng khác mà nhân loại đang đối mặt. Những thảm họa đó đang diễn ra khắp nơi, ai cũng biết cũng thấy, nhưng vì nhu cầu cuộc sống và vì phát triển kinh tế, thiên nhiên ngày càng bị con người đối xử tệ bạc, bất chấp những rủi ro khóc liệt hơn mà họ sẽ hứng chịu.


Từ những thập niên trở lại đây, khi vấn đề về môi trường được cảnh báo là càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn, nhiều cá nhân và tổ chức khắp nơi đã lên tiếng kêu gọi, tìm kiếm và đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn những việc làm gây tổn hại thêm cho môi trường.


Về phía Phật giáo, nhiều cá nhân và tổ chức cũng đã có những tiếng nói và đưa ra những giải pháp tích cực cho vấn đề này. Những bài viết và bài giảng của những nhân vật nỗi tiếng Phật giáo như ngài Dalai Lama, H.T. Nhất Hạnh, Tỳ-kheo Bodhi, Ni sư Chứng Nghiêm… liên quan đến vấn đề môi trường đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông; và những phong trào bảo vệ môi trường do các Tăng Ni, Phật tử khởi xướng cũng đã hoạt động tích cực trong những thập niên trở lại đây ở Srilanka, Thái Lan, Đài Loan, và Nhật Bản…


Là những cá nhân và tổ chức thuộc Phật giáo, những giải pháp cho việc bảo vệ môi trường được đưa ra thường dựa trên triết học và đạo đức học Phật giáo từ những truyền thống Phật giáo khác nhau. Những giáo lý như Duyên khởi, Nhân quả, Duy thức, và ngay cả tư tưởng Thiền học đã được khai triển để ứng dụng cho vấn đề này.


Nhưng dù đứng ở nền tảng giáo lý nào và giải pháp đưa ra là gì, thì cái nhìn chung của Phật giáo về môi trường thiên nhiên là cái nhìn “bất nhị”, xem con người với môi trường thiên nhiên - bao gồm rừng núi, sông biển, khí trời cho đến các loại động thực vật khác nhau - là không hề tất rời nhau; tất cả hỗ tương và đan xen trong một vòng quay nhân quả phổ quát. “Lưới trời Đế thích” trong kinh Hoa Nghiêm, một thuật ngữ Phật giáo chỉ cho sự tương quan của hiện tượng giới trong vũ trụ, nay giá trị của nó vượt qua khỏi phạm vi triết học trừu tượng để ứng dụng thực tế hơn vào những vấn đề xã hội. Giáo lý tái sinh và nghiệp báo không chỉ dừng lại ở phạm vi giải thích sự có mặt của con người, sự không đồng nhất giữa các cá nhân, mà khía cạnh đạo đức của nó được đẩy mạnh hơn bao giờ hết để con người ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với tha nhân và môi trường sống.


Phật giáo được xem là tôn giáo có nền triết học mà sự ứng dụng của nó vào những vấn đề môi trường là có ý nghĩa vượt trội khi so sánh với những tôn giáo khác. Tinh thần tôn trọng sự sống, yêu mến thiên nhiên, đề cao sự bình đẳng giữa các loài sống là những giá trị của Phật giáo được đón nhận cho vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Khi những tôn giáo Nhất thần xem các loài sống khác như là những phần thưởng được Thiên chúa ban tặng để phục vụ con người, dẫn đến một cái nhìn “nhị nguyên” mà nó tất yếu phân chia con người và những loài sống khác như là hai phần đối lập, thì cái nhìn của Phật giáo về con người và môi trường được xem là một tôn giáo có thái độ “thân thiện” đối với môi trường. Đó không phải là cái nhìn chủ quan của những người Phật tử, mà là cái nhìn chung của nhiều người, trong đó có cả những sử gia Tây phương theo Thiên chúa giáo (Damien Keown, 2005, tr. 39).


Tuy vậy, dù Phật giáo có cái nhìn “bất nhị” giữa con người với môi trường và các loài sống khác, và những giá trị đạo đức liên quan đến vấn đề này được tìm thấy trong rất nhiều kinh điển, thì một số nhà môi trường học lại không cho rằng lĩnh vực đạo đức học của Phật giáo có thể ứng dụng được vào việc giải quyết vấn đề môi trường hiện tại, vì Phật giáo luôn chủ trương một loại đạo đức “thoát khổ”, chú trọng vào việc giải thoát khổ đau cá nhân. Và cái nhìn của Phật giáo về môi trường thường bị ghán ghép với thuyết hình nhân, xem việc bảo vệ thiên nhiên là chỉ để phục vụ cho con người, mà không phải chung cho các loài khác (Damien Keown, tr. 40).

Xem đạo đức học Phật giáo là một loại đạo đức “thoát khổ” thì không sai, nhưng cho rằng nền đạo đức học này không liên quan gì đến việc bảo vệ môi trường thì lại không hợp lý. Nói chung, Phật giáo luôn chú trọng đến việc đào luyện tâm thức cá nhân, xem đó như là mấu chốt quan trọng trong việc đạt đến giải thoát, giác ngộ. Nhưng xem việc đào luyện tâm thức không có sự tác động nào vào đời sống xã hội là điều hoàn toàn sai lầm. Xã hội và môi trường sống, từ cách nhìn của Phật giáo, không có gì khác hơn ngoài sự mở rộng tâm thức con người và cộng đồng người; một sự kết hợp của biệt nghiệp và cộng nghiệp. Theo Duy thức học thì đó không có gì khác ngoài sự phản chiếu của tâm thức.


Trong Phật giáo, không thể nhìn đạo đức học như là một lĩnh vực tách biệt ra khỏi những lĩnh vực khác như triết học và tâm lý học. Đạo đức theo Phật giáo không chỉ được nhìn từ gốc độ tốt và xấu dựa trên hành vi, mà nó còn phải được phân tích qua trạng thái tâm ý. Việc liên hệ đạo đức học Phật giáo cho vấn đề môi trường như vậy không chỉ là những giải pháp cho việc ngăn chặn những hành vi bên ngoài, mà là sự chuyển đổi suy nghĩ và tâm thức con người, để từ đó con người có một thái độ thân thiện hơn đối với môi trường thiên nhiên.


Khi nói đến vấn đề đạo đức môi trường thường có ba vấn đề quan tâm được đặt ra: trước hết đạo đức phải là một vấn đề phổ quát, một vấn đề chung của toàn thể loại người, nó không giới hạn nơi khu vực và vùng địa lý; thứ hai, đạo đức không chỉ giới hạn nơi đời sống hiện tại mà còn tính đến những thế hệ tương lai; và thứ ba, đạo đức vượt qua ranh giới loài người, tức đạo đức phải tính đến những loài không thuộc con người như muông thú, cây cối và hệ sinh thái (Padmasiri de Silva, 1998, tr. 15).


Đề cập đến đạo đức phổ quát, thoát ra khỏi vùng địa lý là để mọi người có một trách nhiệm chung trong vấn đề môi trường. Để những nước có nền công nghiệp phát triển phải chịu trách nhiệm về sự ấm nống toàn cầu và những biến đổi khí hậu mà họ là chủ nhân đã gây ra trong quá khứ (và cả hiện tại). Và các nước nghèo - vì muốn phấn đấu cho bằng các nước phát triển, cũng ra sức khai thác các nguồn tài nguyên, và ra sức thải khí các-bon-nic vào tầng trời bởi so bì rằng họ phải có những quyền như những nước giàu đã làm trước đây - cần phải tuân thủ những nguyên tắc về bảo vệ môi trường trong những hoạt động kinh tế vì lợi ích chung của toàn địa cầu. Đạo đức tính đến thế hệ tương lai, tức để tránh tình trạng khái thác tài nguyên một cách vô tội vạ, dẫn đến sự cạn kiệt và thế hệ tương lai không còn gì để “khai thác”, và cũng để giảm tối thiểu những tác hại mà hậu thế phải gánh chịu do thế hệ hiện tại tạo ra. Và đạo đức phải tính đến muông thú, cây cối, tức để cân bằng hệ sinh thái và tôn trọng quyền sống của mọi loài.

Khi đề cập đến đạo đức Phật giáo đối với vấn đề môi trường là đề cập đến cách nhìn của Phật giáo đối với những gì không thuộc thế giới con người như rừng, muông thú, hệ sinh thái, thiên nhiên; và quan điểm của Phật giáo đối với việc phát triển kinh tế là như thế nào. Và có hai nguyên tắc trong đạo đức học Phật giáo được đặt ra ở đây liên quan đến vần đề này là lòng từ bi và tránh gây hại (ahimsa). Nhưng trước khi đi vào bàn luận đạo đức Phật giáo đối với môi trường, chúng ta cần biết rằng vấn đề môi trường là một vấn đề của ngày hôm nay, chứ không phải là một vấn đề được đặt ra từ thời đức Phật. Không có những lời Phật dạy liên hệ một cách trực tiếp đến vấn đề này. Do đó ở đây chúng ta chỉ có thể xem xét những hàm ý của giáo pháp đức Phật đối với môi trường thiên nhiên, và thái độ hành xử của người Phật tử đối với những gì không thuộc thế giới con người là như thế nào.


Trước hết là thái độ của Phật giáo đối với rừng. Từ thời điểm Phật giáo vừa được hình thành, rừng đã là một nơi rất thân thiết đối với đời sống tu tập của các Tỳ-kheo. Dù có những tự viện được thành lập và đời sống cộng đồng của các tăng lữ trong những tự viện đó đã phổ biến, thì cũng có những vị tăng chọn lối sống độc cư thiền định trong rừng; và rừng được xem như là một nơi “khả ái” cần được tôn trọng và bảo vệ. Đối với các Tỳ-kheo, có một số điều luật được đặt ra, khuyên họ không nên làm hại đến cây cỏ, và làm dơ bẩn nguồn nước. Trong một vài bản kinh, nhưng cây cổ thụ được xem là nơi cư ngụ của các thần linh (cụ thể là trong các Jakata). Và các Tỳ-kheo sống theo hạnh không gây hại được khuyên nên tránh những hoạt động gây tổn hại cho những sinh linh khác, dù hữu hình hay vô hình.


Việc an cư mùa mưa của chư tăng ngoài việc dành một thời gian nhất định để phát triển đời sống tâm linh, còn gồm cả mục đích không gây hại cho những loài sinh vật khác trong thời kỳ nảy mầm, sinh sôi phát triển. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa thì khuyên dạy rằng người Phật tử không được phóng lửa đốt phá núi rừng. Và trong quá khứ, chính vị vua Phật tử Asoka đã đưa điều này vào trong chính sách cai trị của mình, ngăn cấm việc đốt phá rừng một cách bừa bãi. Vì việc đốt phá rừng bị xem là hành vi gây hại cho nhiều loài sống, dẫn đến làm tổn phước cho bản thân và cộng đồng. Thái độ yêu mến thiên của Phật giáo còn thể hiện qua việc lựa chọn nơi chốn xây dựng chùa viện. Vào thời đức Phật, các tinh xá (chẳng hạn như Kỳ Viên và Trúc Lâm) đều toạ lạc tại những khu rừng, hoặc vườn rừng. Và truyền thống này được thừa kế mỗi khi Phật giáo được truyền bá đến những xứ sở khác nhau…


Ngày nay, những tăng sĩ Phật giáo ở Srilanka và Thái Lan, những người sống trong rừng, ngoài việc đang thực hiện một nếp sống và phương thức tu tập được truyền thừa từ truyền thống Phật giáo xa xưa, họ còn là những người bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Những đóng góp của họ trong việc ngăn chặn nạn đốt phá rừng được công nhận và được đánh giá rất cao ở những quốc gia này.

Tôn trọng sự sống là một điều rất được đề cao trong Phật giáo. Cấm sát sanh và làm hại thú vật là một trong những giới luật căn bản dành cho mọi Phật tử. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi và nghiệp báo, mà còn vì ý thức rằng mọi sinh loài đều có quyền sống bình đẳng và môi trường sống là dành cho tất cả mọi loài trên trái đất này chứ không phải dành riêng cho con người (David J. Kalupahana, 2008, tr.137-42). Thái độ của Phật giáo đối với các loài sống như vậy đã hình thành nên một quan điểm đạo đức hành xử đối với các loài không thuộc con người: con người cần từ bỏ quan điểm xem mình là sinh loài định đoạt tất cả những loài khác; cần phải xem mình và các sinh loài khác như là những “láng giếng” của nhau (Peter Harvey, tr. 185).


Chúng ta hãy đọc một đoạn này trong kinh Từ Bi để hiểu thêm quan điểm đạo đức của Phật giáo đối với mọi loài sống, “Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.” (kinh Từ Bi, bản dịch của H.T Nhất Hạnh).


Trong Phật giáo, thái độ tâm lý và đạo đức luôn liên hệ mất thiết với nhau. Nói cách khác là hành vi đạo đức cần y cứ nơi một tâm thức đầy từ bi và tĩnh lặng. Không gây hại cho các loài sống là một hành vi đạo đức, nhưng điều đó phải được phát xuất từ tâm từ bi thực sự. Và khi tâm từ bi đối với mọi loài được phát triển đến một tầm mức cao, đạo đức được thể hiện sẽ có hiệu quả một cách tự nhiên. Nó có thể cảm hoá và thu phục các loài muông thú. Điều này được chứng minh qua việc đức Phật thu phục con voi say Nalagiri, cũng như trường hợp voi và khỉ dâng cúng thực phẩm lên Ngài. Trong kinh có kể một câu chuyện rằng, có một vị Tỳ-kheo bị rắn độc cắn chết; và khi biết được sự việc này đức Phật đã dạy rằng, nếu vị Tỳ-kheo ấy có thái độ từ tâm đối với các loài rắn độc, thì vị ấy đã không bị rắn cắn chết. Những điều này không phải là huyền thoại khi ngày nay những vị tăng sống trong rừng ở Thái Lan, Miến Điện và Srilanka cũng có khả năng cảm hoá muông thú, ngay cả với những loài thú hung dữ như cọp báo (Peter Harvey, 2000, tr. 171).


Vần đế phát triển kinh tế bằng mọi giá là một trong những nguyên nhân làm suy thoái môi trường sống hiện nay. Bởi vì số lượng tài sản và mức độ tiêu thụ trở thành thước đo cho giá trị một đời sống, nên từ cá nhân đến cộng đồng mọi người ra sức phát triển kinh tế và ra sức tiêu thụ, biến quả đất thành một nhà máy và thị trường khổng lồ. Thái độ sống của những người theo chủ nghĩa đoạn diệt từ thời đức Phật, nay được con người hiện đại áp dụng sâu rộng vào trong đời sống. Nhưng chủ trương đời sống hưởng thụ của những người theo thuyết đoạn diệt ngày xưa không vi phạm vấn đề đạo đức bởi lối sống đó không gây hại cho người khác, thì nếp sống lạm dụng hưởng thụ ngày nay là một vấn đề của đạo đức học, bởi vì vấn đề tiêu thụ quá mức có liên hệ mật thiết đến việc làm tổn hại môi trường, làm tổn hại đời sống tha nhân và các loài khác.


Phật giáo luôn chủ trương một nếp sống giản đơn, tiết kiệm. Phát triển kinh tế phải đồng thời với việc phát triển đạo đức, phát triển tâm thức và phát triển sự nhận thức về con người và thế giới. Phật giáo không phủ nhận việc phát triển kinh tế, bởi sự thiếu thốn tài vật dễ đưa con người đến vi phạm những vấn đề đạo đức và làm băng hoại xã hội. Nhưng sự giàu có được xây dựng trên một đời sống phi đạo đức lại đưa xã hội đến băng hoại theo một cách khác. Kinh tế học Phật giáo do đó hướng đến sự cần kiệm, cân bằng, giản đơn và không gây hại (E. F. Schumacher, 1973, tr. 52).


Vấn đề tôn trọng và bảo vệ rừng, đấu tranh cho quyền muông thú, và giảm bớt vị trí con người trung tâm để cho mọi loài có thể chia sẽ những ích lợi giống nhau mà thiên nhiên ban tặng nơi quả địa cầu này được đặt ra đôi khi bị xem là điều hài hước khi người ta hình như ngày càng gia tăng thêm nữa thú vui hưởng thụ thịt chim muông, và lòng tham làm giàu từ việc khai thác và tiêu diệt không thương tiếc nguồn thiên nhiên vốn hữu hạn đang được thực hiện một cách vô trách nhiệm.


Theo Phật giáo, con người chỉ là một loài trong sự cộng hữu đa dạng của các loài hữu tình nơi một thế giới có điều kiện, dù vẫn có những niềm vui và hạnh phúc nào đó, thì thế giới ấy vẫn chất chứa nhiều đau khổ, không chỉ cho con người mà cho tất cả mọi loài. Con người là loài động vật tiến bộ nhất nhưng chính con người là loài đã gây ra nhiều khổ đau và thảm hoạ nhất cho những loài khác. Việc tôn trọng và đối xử với mọi loài, với thiên nhiên như đối xử với con người là điều rất khó khăn để thực hiện khi tập khí “con người bá quyền” vẫn còn sâu đậm trong mỗi cá nhân. Xem mọi loài đồng đẳng như nhau đôi khi trở thành xa vời và phi thực tế; đạo đức đối với muông thú và cỏ cây hẳn bị xem là huyễn hoặc khi mà con người vẫn còn thích gây khổ cho nhau. Nhưng nếu vậy mà không nỗ lực thực hành và không có những thái độ hợp lý thì một lúc nào đó vì thái độ coi thường và huỷ diệt các loài sống khác cũng là đang huỷ diệt chính bản thân mình.


Tiếng nói đạo đức của một tôn giáo có thể sẽ không được những những người lãnh đạo có trách nhiệm lắng nghe, nhưng tiếng nói ấy có thể lay chuyển phần nào tâm thức của những tín đồ theo tôn giáo đó. Một giải pháp của tôn giáo cho một vấn đề xã hội có thể sẽ không được chú ý đến, nhưng giáo dục tín đồ sống có đạo đức là trách nhiệm của những người lãnh đạo tôn giáo. Bắt đầu được khởi đi từ việc thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, bắt đầu từ việc giảm thiểu đi tham, sân, si, xã hội sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn khi tâm thức của mỗi cá nhân thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Theo cách nhìn của Phật giáo, sẽ không bao giờ có một xã hội tốt đẹp khi ở đó cộng tồn những cá thể chất chứa quá nhiều tham, sân, si - gốc rễ của những hành vi bất thiện có những chiều kích xã hội lớn lao (Padmasiri de Silva, 2005, tr. 4)


Như đã nói, khi mà việc cư xữ giữa con người với nhau vẫn còn chưa tốt được, khi mà việc bắn giết chim muông, vặt hoa bẻ cành diễn ra công khai và trở thành thói quen của nhiều người, thì việc yêu cầu phải sống có đạo đức với rừng, với loài thú là điều không phải dễ thực hiện. Tuy vậy, việc tìm kiếm thêm một giải pháp cho một vấn đề đang được báo động là điều cần thiết, và dù phạm vi chỉ dừng lại trên phương diện ngữ ngôn thì cũng cần thiết phải đặt ra./.


Sách tham khảo:


- Padmasiri de Silva, Environmental Philosophy and Ethics in Buddhism, ST. Martin’s Press, New York, 1998.


- Damien Keown, Buddhist Ethics: An Very Short Introduction, Oxford University Press, New York, 2005.


- E. F. Schumacher, Small is Beautiful. Economics as if People Mattered, Harper and Rowl Publishers, New York, 1973.


- Padmasiri de Silva, An Introduction To Buddhist Psychology, Palgrave Macmillan, New York, 2005.
- Peter Harvey, An Introduction to Buddhist Ethics, Cambridge, New York, 2000.


- David J. Kalupahana, Ethics in Early Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 2008.

 

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=2607&SubID=4&ID=7

Âm lịch

Ảnh đẹp