Thuở xa xưa của nhiều thế kỷ trước, khi mà những máy móc chưa ra đời
thì con ngựa chính là phương tiện để di chuyển cũng như chuyên chở tiện
lợi và nhanh nhẹn nhất. Không biết cụ thể con ngựa có từ khi nào, xuất
xứ nơi đâu nhưng nếu xét riêng trong văn hóa Phật giáo thì ở hơn 25 thế
kỷ trước, cụ thể là từ 624 năm trước Tây lịch, năm Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni ra đời, tại xứ Ấn Độ, Nepal thì con ngựa đã trở thành một con vật
gần gũi.
Khi ấy, con ngựa cũng là con vật gắn liền với sự tích Thái tử Tất Đạt
Đa trên đường xuất gia cầu đạo. Cụ thể đó là con ngựa có tên Kiền Trắc,
hay còn gọi là ngựa Kiền (tên tiếng Phạn là Kanthaka) cùng người giữ
ngựa Sa Nặc đã đưa Thái Tử Tất Đạt Đa vượt hoàng thành Ca Tỳ La Vệ để
xuất gia ngay giữa một đêm trăng lạnh mùa xuân.
Sau khi chia tay Thái tử tại bờ sông Anoma thuộc Ấn Độ, ngựa Kiền Trắc
phát bệnh rồi chết, sau đó tái sinh lên cõi Trời làm tiên nhân.
Sau hình ảnh ngựa Kiền thì trong các bộ tạng kinh, đức Phật Thích Ca có
nhắc đến khoảng 2 lần nữa hình ảnh của con ngựa để liên hệ đến con
người, làm bài học giáo huấn hàng đệ tử. Chẳng hạn như trong Tương Ưng
Bộ kinh có bài kinh tên “Gậy thúc ngựa” chỉ về 4 loại ngựa hay, tương
đương với bốn hạng người biết “giác ngộ”. Trong Luật Tạng kinh Vinaya
Pikata thì có nhắc đến 8 loại ngựa chứng. Tám loại ngựa này cũng tương
ứng với những tâm tánh xáo động và bất tịnh cần sửa đổi của con người.
Tranh Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc xuất gia bên bờ sông Anoma sau khi chia tay ngựa Kiền và Sa Nặc
Mới đây người viết bài được ngồi trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Giác
Toàn - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Trụ trì Tịnh Xá Trung Tâm về các loại ngựa trong văn hóa Phật giáo.
Hòa thượng nói rằng, bài kinh về 4 loại ngựa tốt là bài kinh mà ông đã
nằm lòng từ thuở nhỏ mới xuất gia. Sau này, trên bước đường giảng pháp
cho các hàng Phật tử tại gia, ông cũng nhiều lần giảng về bài kinh này
cũng như hay trích bài kinh để lồng ghép vào các bài giảng khác để hướng
dẫn con người thức tỉnh.
Cụ thể, 4 loại ngựa hay trong bài kinh “Gậy thúc ngựa” như sau: Thứ
nhất, ngựa vừa chỉ thấy bóng roi đã chạy. Tương tự là hạng người khi
nghe có người hoạn nạn cách đây trăm dặm thì liền tỉnh ngộ, sau đó tu
tập và đạt kết quả. Họ ngộ ra rằng, cuộc sống là vô thường, người ta
hoạn nạn, già, bệnh, mất thì có một ngày không xa mình cũng y như thế.
Từ sự thấy biết vô thường đó, họ bắt đầu biết tỉnh thức trước các sự
kiện xung quanh mình, họ bớt tham, sân, si, họ biết thu thúc đời mình
chứ không lao theo tự ngã, dục lạc quá đà.
Hạng ngựa thứ 2 là không sợ bóng roi nhưng khi nhịp nhẹ roi trên lưng
thì sợ mà chạy. Hạng người thứ 2 cũng vậy, tức khi nghe thấy có người
hàng xóm mình hoạn nạn, ốm đau thì họ cũng giật mình thức tỉnh lo tu tâm
tánh. Hạng người thứ 3 thì giống như hạng ngựa khi bị đánh đau trên
lưng mới chịu chạy; đánh đau trên lưng tức là tới khi có người bà con
thân thuộc trong gia đình, là ông bà cha mẹ, anh chị em mình gặp hoạn
nạn, đau ốm thì họ mới giật mình tu dưỡng phục thiện.
Và hạng ngựa thứ 4 chính là ngựa chỉ chịu chạy khi bị gậy thúc đau đến
thấu xương. Tương tự ở người, có người khi thấy người hoạn nạn ở xa trăm
dặm thì thôi kệ, đến hàng xóm cũng xem là chuyện người khác không can
đến mình. Thậm chí ngay cả khi đến những người bên cạnh, ông bà cha mẹ
anh chị em, những người mà mình hằng ngày vui buồn cùng họ gặp hoạn nạn
mà mình cũng không để tâm. Đợi đến khi chính bản thân đau, như ngựa bị
roi gai đâm vào mình đau quằn quại thì mới hoảng hồn thức tỉnh!
Dẫu giới hạn thức tỉnh của các hạng người nêu trong bài kinh này có
khác nhau nhưng họ đều được xếp vào nhóm những người hay, biết “giác
ngộ” được chân lý cuộc sống, dẫu có khi là khá muộn màng. Nhưng thà muộn
màng còn hơn có những người suốt cuộc đời của họ cứ lao theo những ham
muốn tiền tài, danh vọng, xa hoa, phù phiếm cho riêng bản thân mình; để
rồi đến ngày mọi thứ bỗng chốc hóa hư không!
Trái lại với 4 hạng người tốt trong bài kinh “Gậy thúc ngựa” trên thì
kinh Phật cũng chia các hạng người xấu, khó trị thành 8, tương ứng với 8
hạng ngựa hung dữ. Đó là những con người khi được bạn bè nhắc nhở và
phê bình, chỉ ra khuyết điểm của bản thân trong các cuộc họp thì tỏ thái
độ bất mãn, chống đối thay vì ghi nhận và cố gắng sửa đổi. 8 loại ngựa
ấy như sau:
1- Hạng người ưa cãi, chối bai bải được coi như giống con ngựa dữ bị
tra hàm thiếc và roi mà vẫn hục hặc không chịu bước đi. 2 - Hạng người
cứ đứng lầm lầm lì lì, không thèm ừ hữ, xác định xem khuyết điểm vừa nêu
là đúng hay sai. Người này cũng giống như con ngựa dữ dựa vào hai bên
gọng xe, không chịu đi. 3 - Hạng người thích trả đũa, bới móc trở lại
lỗi lầm của người vừa chỉ tội mình. Đây là hạng người giống như con ngựa
dữ ngã nhào xuống đất, xây xước đầu gối, làm gãy gọng xe.4 - Hạng người
chê bai người cử tội mình, cho là ngu dốt, không xứng đáng để mắt tới.
Họ như con ngựa dữ chạy thụt lui không chịu tiến bước.
5 - Hạng người đem lòng oán hận, thù vặt người chỉ lỗi mình. Đó là
người như con ngựa chạy bừa, bất kể đường xấu, làm cho xe hư bánh gãy
trục. 6 - Hạng người không sợ lầm lỗi, chẳng biết ngán ai, bỏ cuộc họp
ra ngoài. Họ giống như con ngựa dữ bất kể nài và roi, ngậm hàm thiếc
chạy càn mà vô phương cứu chữa. 7 - Hạng người tỏ thái độ giận dữ, khoa
tay múa chân, la hét và thốt ra lời thô ác... Người đó giống như con
ngựa dữ dựng ngược hai chân và sùi bọt mép. 8 - Hạng người bướng bỉnh
không muốn ai đụng chạm đến mình, nên khi bị phê bình liền cởi áo vứt ra
trước cuộc họp, lớn tiếng dọa từ bỏ đoàn thể... để vạ cho người xây
dựng mình. Họ cũng giống như con ngựa dữ lồng lộn bỏ đi khi nài quất roi
vì ngang bướng.
4. Có thế nói, 8 loại ngựa hung hăng này không mấy xa lạ, trái lại nó
luôn hiện hữu đầy đủ, lấp ló đâu đó trong tâm thức của mỗi con người
chúng ta, ít hay nhiều mà thôi. Không những thế, trong Phật giáo cũng có
câu “Tâm viên ý mã”, tức chỉ tâm con người như con khỉ, luôn nhảy nhót;
ý của người đời thì như con ngựa, thích chạy rong. Nếu không kiềm chế
được “con khỉ”, “con ngựa” ấy trong tâm mình thì rất dễ sinh chuyện,
cũng như khi con người mất bình tĩnh trong chốc lát đã có thể biến thành
tai họa.
Nói đâu xa, hằng ngày trên các trang báo mạng xuất hiện đầy rẫy những
tin tức về các vụ án mạng mà lắm khi nó chỉ xuất phát từ một mâu thuẫn
rất nhỏ, thậm chí chỉ là một câu nói vô ý hay một cái liếc nhìn. Nguyên
nhân chủ yếu của nó xuất phát từ sự mất bình tĩnh, thiếu kiểm soát bản
thân mà ra cả. Trong Kinh Di Giáo có nói đến ý này rằng: “Cũng như ngựa
dữ không cương, tức đưa người cưỡi đi thẳng xuống hố sâu”.
Trong cuộc sống hiện đại với bộn bề những lo toan về công việc mưu
sinh, người ta, nhất là những người trẻ ngày càng có ít đi thời gian
dành cho chính mình! Tâm ý họ hết mong cầu tương lai thì lại quay sang
tiếc hoài quá khứ.
Nếu trong “năm Ngựa” này, mỗi người dành nhiều thời gian hơn để nghĩ về
“con ngựa” ngay trong chính tâm ý của mình; để 4 con ngựa hay được phát
huy và quan trọng nhất là phải nhốt được 8 con ngựa hoang đàng kia vào
chuồng mà tra hàm thiếc. Khi làm được điều đó, mỗi người chúng ta sẽ có
được niềm an lạc và hạnh phúc viên mãn cả đời chứ không riêng gì trong
năm Giáp Ngọ 2014 này.