Mùa Tết của Cha


Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 144 & 145 | PHAN MINH ĐỨC
29/01/2014 20:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 1563
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



T

mua-tet-cua-chaNgày trước, cứ mỗi độ gió đông về là cha tôi bắt đầu chuẩn bị cho mùa Tết. Những khuôn in bằng gỗ được lấy ra chùi rửa sạch sẽ; giấy đỏ hồng đơn, hồng điều, và mực tàu được cha tôi mua về. Nghề của cha tôi là nghề thời vụ, mùa nào việc đó. Ngày thường cha tôi làm rẫy làm vườn, mua trái cây về chợ bán, đến Tết lại làm nghề liễn nêu.

Theo phong tục cổ truyền, ngày Tết người ta đều dựng nêu trước nhà; dựng nêu thì phải có tấm bùa treo trên đầu cây nêu; ngày nay, chẳng hiểu phong tục này có còn rơi rớt lại ở một vài miền quê nào chăng? Những lá bùa dựng nêu; những tấm liễn thờ ông Táo, thần Tài, Thổ thần; những câu đối Tết thông dụng được in bằng giấy đỏ mực đen hàng nghìn bản đem bỏ mối cho những người bán dạo trong dịp Tết; vẫn là một nghề có trong nhà tôi từ thời nội tôi còn sống, đến khi nội qua đời thì cha tôi tiếp tục giữ cho tới sau này.

Tháng Mười âm lịch bắt tay vào công việc, đến tháng Mười Một có hàng bỏ mối và bán dạo cho người dân trong thôn quê, tháng Mười Hai mang ra chợ bán, đó là chương trình cho mùa Tết của cha tôi.

Dựng nêu là tục lệ có từ rất lâu đời trong dân gian, được xem là nét văn hóa cổ truyền. Vào đêm giao thừa đón chào năm mới, người dân quê treo tấm bùa nêu với ba quả cau tầm vung, ba lá trầu, vài tờ vàng bạc trước cửa chính nhà mình; người ta tin rằng lá bùa sẽ làm cho ma quỷ không dám đến quấy phá, những điều xấu không xâm phạm nhà cửa, lá bùa mang đến sự bình an trong gia đạo. Nội dung lá bùa nêu là sắc lệnh của Thái Thượng Lão Quân, vị được dân gian tin tưởng là giáo chủ của Đạo giáo; bên trên có hai chữ Sắc lệnh, bên dưới là đồ hình bát quái và đồ hình tứ tung ngũ hoành (bốn vạch sổ xuống, năm vạch nằm ngang), bốn góc xung quanh các đồ hình ấy là bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lấy trong Kinh Dịch; hai bên đạo bùa là đôi câu đối, một bên ghi Tân xuân đại kiếtnghĩa là chúc năm mới được nhiều tốt lành lớn, bên kia ghi Trấn trạch bình an nghĩa là giữ gìn nhà cửa được bình an; có nơi còn in thêm vào lá bùa nêu hình ảnh con cọp và cho đấy là thần Bạch hổ. Dân gian còn có tín ngưỡng thờ Thổ thần, Táo quân, Tài thần, ông Địa, các vị thần độ mạng như Cửu Thiên Huyền Nữ, bà Chúa Tiên, bà Chúa Xứ, Quan Công… với quan niệm rằng các vị ấy sẽ mang lại sự bình an và thịnh vượng cho gia đình. Cứ đến cuối năm thì người ta sửa sang chỗ thờ phụng, thay bài vị mới, cúng quần áo giấy và dán đôi liễn mới cho các vị ấy.

Về nghề liễn nêu của cha tôi, quá trình thực hiện phải trải qua nhiều việc. Việc đầu tiên là xếp và rọc giấy, phải tính toán sao cho một lần có thể rọc được nhiều tờ, rọc không hao giấy, không cần phải lấy khuôn đo kích cỡ để đỡ mất thời gian; công việc này thì mẹ tôi phụ trách. Dễ nhất nhưng “ngán” nhất là việc mài mực, anh em tôi thay phiên nhau phụ trách việc này. Cây mực tàu cứng như đá được ngâm vào tô nước nóng cho bớt cứng, rồi cầm mài vào một miếng ngói có độ nhám đặt trong tô nước cho cây mực mòn dần. Mài xong một cây mực rất lâu, đến lúc đứng lên thì lưng đau, tay mỏi. Mực mài sẵn cũng có bán ở chợ, nhưng độ sánh thì không bằng mực cây mài ra, mà lại loãng, cho nên cha tôi chỉ chuộng mực cây.

Việc đòi hỏi công phu tỉ mỉ là việc in, việc này cần phải nhanh và khéo. Phải nhanh để đảm bảo về số lượng, khéo để đảm bảo về phẩm chất. Khéo ở chỗ không bị lem, nét mực đều, không quá đậm cũng không quá nhạt, không chỗ đậm chỗ nhạt. Trước tiên dùng cọ quét mực vào khuôn in, rồi dùng giẻ lau khuôn, kế đến đặt giấy vào, phải đặt cho ngay ngắn, sau đó thì dùng một miếng xơ mướp chà lên, phải chà nhẹ và đều để in đầy đủ chữ và nét chữ không mất mực. Trong nhà chỉ có mẹ tôi là người in khéo nhất. Lá bùa dựng nêu khổ lớn nên in không khó lắm, nhưng những tấm bài vị cúng mồng ba Tết bé cỏn con thì in mới khó. Mỗi tấm chỉ bằng hai ngón tay nên khi in thường bị lem luốc nếu như quét mực không khéo và không lau khuôn sau mỗi lần quét mực. Những tấm bài vị này sau khi in xong, để cho khô lại phải viết ở phía sau lưng phần chữ Việt dịch ra từ chữ Hán ở phía trước. Phải dịch phần nội dung bài vị (tên vị thần hành binh, hành khiển cai quản trong năm) cho người mua biết mà khấn vái ông gì ông gì lúc cúng mồng ba Tết.

Mẹ tôi kể, ngày xưa lúc mang thai tôi cũng nhằm mùa Tết, mỗi đêm mẹ tôi phải ngồi in bùa dựng nêu cho đến tận khuya. Lúc ấy nhà nghèo lại đơn chiếc, tôi là con đầu lòng còn nằm trong bụng mẹ nên đâu có ai phụ giúp mẹ việc nhà.

Mùa đông sắp hết và Tết cũng gần kề, hình ảnh mẹ tôi ngồi in liễn nêu, hình ảnh cha tôi bán liễn nêu ở chợ cứ hiện về trong tâm trí tôi. Trong ký ức tôi mãi lưu lại những kỷ niệm ân tình muôn thuở, và chắc chắn sau này tôi sẽ kể cho các con mình nghe về những kỷ niệm đó. Nghề làm liễn nêu bây giờ không còn nữa, nhưng những hoài niệm về những con người làm nghề ấy sẽ còn mãi không thôi…

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 144 & 145 | PHAN MINH ĐỨC


Âm lịch

Ảnh đẹp