Không thẹn với xuân kỳ


TT Thái Hòa mồng 2 Tết, Quý Tỵ
12/02/2013 16:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 101934
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Quý Chuộng  Sự Sống Năm tôi còn nhỏ, nghe mẹ tôi dặn dò mấy chị lớn tôi rằng, ngày mai mồng một tết, chiều nay là ba mươi, mấy đứa con ra vườn cắt rau khoai, rau răm, ngò tây, từng ô, nhổ cải, hái cà chua, đậu ô ve, mướp đắng, ớt... để ngày mai nấu cúng Tổ tiên đầu năm và cả nhà dùng ba ngày tết, ba ngày tết không được đứa nào ra vườn, hái trái cây, cắt  rau, hái mướp, nhổ cải... nghe chưa!


Nghe mẹ tôi dặn dò mấy chị tôi vào sáng ba mươi, khi đang ngồi vớt thùng bánh tét như vậy. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao vậy mẹ? Mẹ tôi cười và nói: “Mùa xuân là mùa của cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, con người tôn trọng xuân là tôn trọng sự đâm chồi nảy lộc của nó. Mùa xuân cây cỏ đâm chồi nảy lộc là mở đầu cho sự sống linh thiêng và cao quý của nó. Nó cũng biết đón xuân và sống với xuân như ta vậy chứ. Nên ta phải biết tôn trọng và bảo vệ sự sống cho nó ít nhất là ba ngày tết”.

Nghe mẹ tôi dạy, tôi thấy sự hiểu biết của mình về mùa xuân lớn lên tức thì, như ngày xưa Phù Đỗng Thiên Vương lớn lên tức thì, khi nghe chuyện đánh giặc Ân bảo vệ hồn thiêng sông núi của Tổ quốc vậy.

Ngày tôi đi xuất gia vào chùa, đón mùa xuân đầu tiên, sáng ba mươi tết, Thầy tôi cũng dạy Tăng chúng trong chùa in hệt như ngày ấy mẹ tội dặn dò mấy chị tôi vậy.

Mẹ và Thầy là người đầu tiên dạy cho tôi ý thức đích thực về mùa xuân, dạy cho tôi biết tôn trọng và bảo vệ mùa xuân. Tôn trọng và bảo vệ mùa xuân là tôn trọng và bảo vệ mầm sống nơi con người và muôn vật.

Bất cứ ai ở trên đời, không có tâm từ bi, làm tổn hại mầm sống của chính mình, của gia đình và người khác, cũng như của muôn vật là người ấy đã tự tiêu diệt tài lộc mùa xuân của đời mình.

*Cẩn Trọng Miệng Mồm

Người xưa đã dạy cho ta rằng: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Nghĩa là bệnh từ nơi miệng mà đi vào, họa từ nơi miệng mà đi ra.

Một thi hào nào đó đã nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thì tôi lại nói: “cái miệng là cửa ngõ của họa phúc”.  Chơi với tết, sống với xuân, ta phải cẩn thận ăn uống và nói năng, để tránh hiểm họa cho ta và cho nhiều người. Tránh được hiểm họa cho ta và cho nhiều người là ta đã đem lại mùa xuân cho ta, cho gia đình của ta và an bình xã hội.

Ta hãy suy nghĩ trước khi nói và phải quán chiếu trước khi ăn. Lời nói nào mà ta nghĩ rằng, không có tác dụng dẫn sinh những gì tốt đẹp cho ta và cho mọi người ở hiện tại và tương lai, thì ta không nói; hành động nào của ta không làm dẫn sinh những hạnh phúc và bình an cho ta, cũng như cho mọi người trong hiện tại và trong tương lai, thì ta không làm. Không nói và không làm như vậy, ta sẽ tạo ra được hạnh phúc cho ta, bình an cho nhiều người và mùa xuân nơi trần thế.

Trong đời sống, ta không ăn những thực phẩm chế biến từ những chất hóa học và không lạm dụng thức ăn, vật uống để kích thích hệ thần kinh vị giác của ta, nhằm tạo ra những xúc giác khoái khẩu nhất thời là ta tránh được nhiều bệnh hoạn cho ta và tránh được những phiền hà do ta tạo ra liên hệ đến nhiều người. Ta bệnh, mùa xuân đối với ta trở thành vô nghĩa; ta bệnh, mùa xuân đối với gia đình ta mất đi hương vị ngọt ngào, ấm êm và khiến cho mọi lời chúc tụng bình an đầu năm đối với ta và gia đình ta trở nên thèm thuồng và sáo rỗng.

Lời nói của ta có thể cướp mất mùa xuân của ta và nhiều người; và một lời nói của ta cũng có khả năng đem lại mùa xuân cho ta và nhiều người. Một lời nói có thể đưa tới danh giá cho ta và nhiều người, mà cũng có thể đưa tới mất hết danh giá của ta và nhiều người. Ý thức rất rõ giá trị của lời nói trong quan hệ đời sống và phẩm giá con người giữa xã hội đời thường, nên người xưa nói: “nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tán bang”. Nghĩa là một lời nói có thể làm cho quốc gia hưng vượng và một lời nói cũng có thể làm cho nước nhà tiêu vong.

Người có vị trí lớn ở trong gia đình và xã hội, thì càng cẩn trọng không những đối với việc ăn uống mà còn cẩn trọng nói năng đối với mọi người mà nhất là đối với trẻ thơ. Vì sao? Vì người lớn là người hiến tặng mùa xuân cho trẻ thơ và trẻ thơlà mùa xuân của người lớn.

*Coi Chừng Hồn Phách

Hồn là phần tinh thần hay là phần phi vật chấtnơi con người. Nó rất linh hoạt, sống động. Trong đời sống, con người đánh mất linh hồn là liền trở thành đời sống của ma quỷ và đều bị ma quỷ ám ảnh, đưa lối dẫn đường.Tính chất ma quỷnơi con người tiêu mất, gọi là hồn.

Nên, trong cấu trúc ngữ pháp chữ Hán, thì chữ hồn do ghép chữ vong và chữ quỷ mà tạo thành.Vong là mất. Quỷ là ma quỷ hay quỷ quyệt. Người xưa tin rằng, trong mọi vật thể đều có cái phi vật thể tồn tại. Trong cái vật chất có cái phi vật chất tồn tại. Trong mọi hình sắc đều có cái vô biểu sắc tồn tại. Trong cái quỷ quyệt, biến ảo có cái chân thật, sáng trong tồn tại. Cái tồn tại phi vật chất và chân thật sáng trong ấy, gọi là hồn hay gọi là linh minh hoặc anh minh.

Hồn thì tồn tại lâu dài, sống động, linh thiêng và vật chất thì tồn tại ngắn ngủi, thô lậu, cứng đờ. Hồn, trong tiếng Anh, người ta dùng từ soul để diễn tả. Soullà cái tồn tại phi vật chất ở nơi con người.

Phách là tiếng Hán, tiếng Việt gọi là vía. Phách hay vía là phần thể hiện của hồn và hồn là phần tinh tế, sáng trong, vô hình của phách.Phách là khí tiết thanh bạch, sáng trong biểu hiện cụ thể nơi đời sống con người do hồn tạo nên.Phách là phần tác dụng thực tế của hồn. Vì vậy, trong cấu trúc ngữ pháp chữ Hán, thì chữ phách do ghép chữ bạch và chữ quỷ mà tạo thành. Phách của con người mà thiếu minh bạch, trong sáng, thì đời sống của con người trở thành ma quỷ. Quỷ mà có sự thanh bạch, trong sáng, thì thành ra khí phách của con người. Phách như vậy, không thể thiếu trong đời sống con người. Phách hay vía, tiếng Anh dùng từ vital để diễn tả.Vital, có nghĩa là phẩm chất và giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người.

Trong đời sống con người, hồn và phách bị biến dạng, nghĩa là những phẩm chất và giá trị của con người bị biến dạng và định lượng theo giá trị của vật chất, qua cân đo, đong đếm, thì cũng kể từ đó, sự tư duy và nhận thức của con người bắt đầu bị đóng khung. Do tư duy và nhận thức của con người bị đóng khung,  khiến cho những gì do tư duy và nhận thức ấy đem lại, tạo thành sự suy thoái về hiểu biết và tâm hồn. Tâm hồn bị suy thoái là do sự suy thoái về hiểu biết. Suy thoái về hiểu biết và tâm hồn là sự suy thoái về khí phách. Một khi khí phách nơi một con người đã bị suy thoái, thì họ chỉ biết nói mà không chịu trách nhiệm về lời nói của họ. Họ nói như một người máy. Và một khi khí phách nơi một con người đã bị suy thoái, thì họ chỉ biết làm mà không chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Họ làm như một chàng robo.

Sự suy thoái về kinh tế là do sự suy thoái về trình độ văn hóa. Suy thoái về trình độ văn hóa là do sự suy thoái về trình độ đạo đức. Suy thoái về trình độ đạo đức là do suy thoái về trình độ tư duy và nhận thức. Suy thoái về trình độ tư duy và nhận thức là do sự suy thoái về tâm hồn. Tâm hồn bị suy thoái thì khí phách nơi con người mất dần đến chỗ vô cảm, vô tri.

Con người một khi đã chạy đua theo vật chất, bị vật chất làm cho mờ ám tâm hồn, khí phách vẩn đục, nhân cách khô kiệt, nét đẹp của sự sống con người không còn, thì đời sống con người trở thành hồn ma bóng quỷ.

Nên, cái đáng sợ nhất của con người, không phải là sự suy thoái về kinh tế mà sự suy thoái về đạo đức và tâm hồn. Suy thoái về tâm hồn và khí phách, con người sẽ gởi thân mình cho ma quỷ và ký thác hành động của mình cho bản năng và là cư dân sống chập chờn với hồn ma bóng nước.

Vì vậy, làm người ở trong đời, dù trải qua bao cuộc dâu bể phũ phàng, ta có thể chấp nhận mất mát tất cả, nhưng nhất định không để mất đi khí phách và tâm hồn. Vì sao? Vì mất tất cả, nhưng còn khí phách và tâm hồn là ta vẫn còn có tất cả những gì quý báu nhất của con người. Có khí phách và tâm hồn là ta có sự sống. Có sự sống là ta có mùa xuân và ta có khả năng tạo ra mùa xuân cho chính ta và hiến tặng mùa xuân của ta tạo rachomuôn loài.

Nên, trong mỗi độ xuân về, ta hãy đem khí phách và tâm hồn thanh bạch ấy, mà kính lễ tổ tiên huyết thống và tâm linh của ta, mừng tuổi cha mẹ ta, chúc tụng con cháu ta và xông đất đầu năm cho gia đìnhcủa những người mà ta thương yêu và quỳ trước bàn thờ Tổ quốc để dâng hương lên cúng dườnghồn thiêng sông núi mà không thẹn với xuân kỳ.

*Ý Tứ Và Thi Vị Trong Bài Thơ Xuân

Mỗi khi xuân về, tổ tiên của ta, có những vị không làm thơ, nhưng thơ xuân đã tỏa ra trongđời sống của họ rất tự nhiên, như hơi thở với không gian, như mùa xuân với nắng ấm. Trong ngày xuân, ta chỉ cần dành một chút thì giờ lặng yên cho chính ta, để ta có thể đọc và nghe bất cứ bài thơ xuân nào đang hiện ra trên lá, trên hoa, trên buồng cau, lọn trầu, nải chuối,trong tiếng chim hót, và trong tiếng gió xao, từ đôi cánh bướm bay vỗ chập chờn, trên những đóa hoa vừa mỉm nụhay vỗ bay trên muôn ngàn sự sốngđang mở phơi trước mắt ta.

Ta có thể đọc bài thơ Xuân Nhật Tức Sự của Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334) đời Trần, để cảm thụ ý tứ và thi vịtừ bài thơ xuân này.

Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả lân vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Xuân đã dệt ra cho đời một bức tranh gấm với nhiều bông hoa xinh đẹp. Bức tranh gấm ấy, Thiền sư Huyền Quang diễn tả qua thi vị “nhị bát giai nhân thích tú trì”. Nhị bát giai nhân là người đẹp độ tuổi mười sáu. Vì sao Thiền sư mượn hình ảnh này để diễn tả xuân? Vì đó là sức xuân hoàn hảo của độ tuổi con người. Thích là mũi kim thêu dệt; tú là gấm có nhiều màu sắc đẹp; trì là chậm rãi. Bức gấm đẹp nhiều màu sắc được dệt ra từ một phong thái làm việc thanh thản, từ tốn của người thợ dệt. Cũng vậy, bức tranh xuân giữa đời muôn màu sắc đẹp, được dệt nên từ phong thái làm việc nhẹ nhàng thanh thản, từ tốn của xuân.

Tử kinh hoa hạ chuyển Hoàng ly. Tử kinh hoa hạ là dưới táng hoa Tử kinh; chuyển Hoàng ly là chim Hoàng anh nhảy nhót từ cành hoa này qua cành hoa khác. Câu thơ này, Thiền sư diễn tả cảnh tượng xuân hồn nhiên của muôn vật, qua tiêu biểu hoa Tử kinh và sự nhảy nhót véo von vui tươi hồn nhiên của chim Hoàng anh .

Khả lân vô hạn thương xuân ý. Nghĩa là: Ôi, thương biết mấytình xuân ý! Câu này là nói lên sự cảm xúc của thi nhân khi trực nhận được tấm lòng chân thật, cũng như tài năng và sự hy sinh của xuân vô điều kiện đối với cuộc sống của muôn vật.

Tận tại đình châm bất ngữ thì. Nghĩa là xuân thêu bức tranh đẹp hoàn hảo cho muôn vật đến cả mũi kim đường chỉ cuối cùng, mà vẫn không hề nói năng chi cả. Chính đây là tấm lòng của xuân đối với muôn vật mà Thiền sư Huyền Quang đã cảm nhận và phát hiện ra tức thì, khi Người tiếp xúc với xuân qua hoa lá, chim muông, nắng ấm, vầng mây, con người và muôn vật,  khiến Thiền sưthươngvà quý tấm lòng đó của xuân, nên đã có bài thơ Xuân Nhật Tức Sự này.

Vì vậy, với bài thơ này, tôi tạm dịch:

Ngày Xuân Ngay Đó

Thanh thản xuân mầu dệt gấm hoa

Hoàng Anh thỏ thẻ dưới kinh già

Ôi, thương biết mấy tình xuân ý

Dâng hết cho đời chẳng nói ra!

Làm hết thảy thiện sự cho đời một cách hoàn hảo và hoàn hảo ngay nơi từng ý niệm nhỏ nhặt của người làm, để tạo ra cái đẹp cho cuộc đời như một bức gấm thêu, mà không hề thấy mình làm chi cả, đó là việc làm của những bậc đại sĩ mà trong bài thơ Thiền sư Huyền Quang gọi là xuân ý.

Nên, xuân ý là bậc đại sĩ của cuộc đời, quyện hòa cùng với rác rến bụi bặm, để tái tạo và chuyển hóa rác rến bụi bặm, thành hoa thơm trái ngon chođời.

Đại sĩ có thể là một người con gái mười sáu xuân thì, lặng lẽ dệt thành bức tranh diễm lệ cho đời, mà đời không hề hay biết và đại sĩ cũng có thể là một chàng trai tuấn tú, thông minh cũng độ chừng xuân ấy, đã âm thầm ôm ấp cái rét lạnh trong lòng đất hay cái rét lạnh trong trái tim con người, khiến những rét mướt mùa đông chuyển thành xuân ấm và những rét lạnh trong trái tim người tạo thành tố phát nhân văn.

Vì vậy, khi ta ngắm một bông hoa, một chồi non xanh mướt, hay một bức tranh kiều diễm là tức khắc ta phải thấy hồn xuân ngay trong đó, nên gọi là “xuân nhật tức sự”. Nghĩa là ngày xuân, ngay nơi muôn sự, muôn vật đang hiện hữu trước mắt. Nếu khi ta ngắm hoa mà chỉ thấy hoa, không thấy hồn xuân trong hoa, thì ta vẫn chưa tương phùng và hội nhập với ngàn hoa đâu nhé!

Bài thơ Xuân Nhật Tức Sự,các nhà nghiên cứu văn học có sự tranh cãi nhau về tác giả. Nhưng ở đây, ta không để tâm đến sự tranh cãi ấy. Bài thơ do Thiền sư Huyền Quang của Trúc Lâm Yên Tử đời Trần là tác giả hay do Ảo Đường Trung Nhân đời Tống là tác giả hay do ai đó làm tác giả cũng được, có gì quan trọng đâu mà tranh cãi. Quan trọng là “Khả lân vô hạn thương xuân ý, tận tại đình châm bất ngữ thì”.

Vậy, xin mời quý vị ăn mứt gừng và uống nước trà đi, thi vị và ý tứ của bài thơ xuân, vẫn mãi còn đó cho ta, trên mọi nẻo đường về!

 Chùa Phước Duyên – Huế,  Xuân Quý Tỵ

Thích Thái Hòa


Âm lịch

Ảnh đẹp