10/02/2013 14:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 77880
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSGN - Lễ Phật đầu năm với tâm an lạc là một niềm vui, và điều quan trọng là phải giữ niềm vui ấy suốt những ngày còn lại trong năm

Lễ ai, ai lễ?

Đầu năm lúc giao thừa, người người đổ về các chùa đi lễ. Họ cầu mong gì? Đã có ai thống kê hay tìm hiểu xem họ cầu mong gì trong năm mới. Cầu gia trạch hay bổn mạng bình yên chăng? Chắc không nhiều. Phần lớn là mong cầu một năm phát đạt và thịnh vượng như những lời thường chúc nhau trước và trong Tết. Thế thì Đức Phật trong chùa ấy có thực sự đem lại bình yên hay an khang thịnh vượng? Dù vì bất kỳ động cơ gì, thì trước tiên chúng ta cũng nên tập lễ, đi lễ và sau đó hiểu ra tại sao cần phải lễ. GS Cao Huy Thuần, trong lời tựa tập sách “Hạnh đức của Bồ-tát Phổ Hiền” của HT.Thích Trung Hậu đã giải thích ý nghĩa của việc lạy và khi ta cúi đầu nghĩa là “…vất cái ngã mạn ấy đi. Vất luôn câu hỏi “tại sao phải lạy?. Càng cúi sát, càng rạp mình, ngã mạn càng mất... Khi tôi lạy mà lòng an vui, Ngài (Phổ Hiền) biết. Khi tôi lạy mà lòng bất an, Ngài cũng biết, mà còn biết rõ hơn nữa. Thân tôi chạm đất như vậy là ở năm điểm. Ở điểm thứ nhất, tôi biết: tôi không sát sinh… thứ hai: tôi không trộm cướp… thứ ba: tôi không nói dối… thứ tư: tôi không tà dâm và thứ năm: tôi không say rượu... Sám hối thì cúi rạp mình xuống, vất hết ngã mạn đi, bởi vì còn ngã mạn thì không biết hổ thẹn”.

Có người chất vấn, đã hiểu là “Năng lễ sở lễ tánh không tịch” thì tại sao trong Phổ Hiền thập nguyện, nguyện đầu tiên phải là “Lễ kính chư Phật”. Vì sao? Phật là ai? Phật ở đâu? Phật chính là tâm. Hữu tình chúng sanh có Phật tánh, vô tình chúng sanh có pháp tánh. Vậy thì "lễ kính chư Phật" chính là lễ kính Phật tánh của tất cả chúng sanh, không chỉ riêng của mình. Chúng ta đối với người, với sự vật đều phải cung kính. “Phật pháp kiến lập trên cơ sở tâm cung kính, phải cung kính với hết thảy, bình đẳng cung kính, thanh tịnh cung kính” (Thích Trung Hậu, Hạnh đức của Bồ-tát Phổ Hiền). Trong mười đại nguyện, nguyện thứ nhất là căn bản. Chỉ cần thực hiện được lễ kính thì chín điều sau này đều viên mãn.

Học Phật là học lễ kính. Lễ kính là tánh đức, cái chúng ta vốn sẵn có. Hiện tại ta mê hoặc điên đảo, khởi lòng kiêu căng ngã mạn, đánh mất tánh đức. Học Phật chính là khôi phục tánh đức ấy. Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”; phàm các hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi thì gọi là “chúng sanh”. Chúng ta nghĩ coi: Có pháp nào chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra hay không? Chỉ có hư không mới chẳng phải là do các duyên hòa hợp sanh ra. Thân thể của chúng ta, giá nến, lư hương, đều là do các duyên hòa hợp sanh ra, đều gọi là chúng sanh. Kinh Hoa nghiêm có một câu mà chúng ta thường tụng đọc nhưng có khi không để ý: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Tình là hữu tình chúng sanh, chỉ động vật, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới. Vô tình là vô tình chúng sanh, chỉ thực vật, khoáng vật. “Đồng viên chủng trí” là thành Phật. Khi nào vô tình thành Phật vậy? Y báo chuyển theo chánh báo. Ngày nào chúng ta thành Phật, liền nhận thấy sơn hà đại địa, hết thảy cỏ cây, vi trần thảy đều thành Phật cả. Khi kính Phật tánh của tha nhân, ta kính cả chính mình. Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tôn kính ông Phật trong mình, đó là tu. Chúng ta nhớ Thường Bất Khinh Bồ-tát “nguyện nhữ tương lai tác Phật”, nghĩa là không dám khinh ai, vì các người tương lai sẽ làm Phật. Khi ta lập nguyện “Nhất giả lễ kính chư Phật”, sẽ không dám khinh thường ai, không dám nói nặng ai, bởi vì sỉ nhục hay trách móc người là tự sỉ nhục chính mình, vì ai cũng có Phật tánh cả. Làm được vậy, chúng ta mới tinh tấn tu học. Tu mà chìm đắm trong ngã mạn, biên kiến, không thấy Phật tánh nên cứ nặng lời trách người khác cho đã miệng, cho đã tức v.v... thì vô hình chung đâu còn hạnh tu nữa.

Khi Bồ-tát Phổ Hiền “nhất giả lễ kính chư Phật”, Ngài không riêng chỉ lễ kính các Đức Phật trong mười phương thế giới, mà là tất cả muôn loài chúng sanh.

Chúng ta hãy đọc lại đoạn kinh văn sau:

Thiện Tài bạch rằng:

- Thưa Đại thánh! Thế nào là lễ kính cho đến hồi hướng?

Phổ Hiền Bồ-tát bảo Thiện Tài rằng:

- Này Thiện nam tử! Nói “lễ kính chư Phật” là: [Đối với] chư Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong tất cả hết thảy cõi Phật tột cùng pháp giới, hư không giới, mười phương ba đời, tôi do sức hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm tín giải, như đối trước mắt, đều dùng thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh, thường tu tập sự lễ kính. Nơi mỗi một Đức Phật, đều hiện thân như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, mỗi một thân lễ khắp chư Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật.

Hư không có tận, sự lễ kính của tôi mới tận. Vì hư không chẳng thể tận nên sự lễ kính này của tôi chẳng có cùng tận. Như thế cho đến chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự lễ kính của tôi mới tận. Nhưng chúng sanh giới cho đến phiền não chẳng có cùng tận, nên sự lễ kính này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng hề gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán).

Lễ kính sao cho tròn đạo Hiếu

Ngày xuân lễ Phật, khi cúi lạy, ngoài việc thanh lọc cảm xúc, tạp niệm, lằng lòng gột rửa sân si, phiền não, chúng ta phải luôn nhớ hai vị Bồ-tát tại nhà: Cha và Mẹ. Vì sao?

Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng là hiếu kính; hiếu kính đến mức viên mãn rốt ráo là lễ kính chư Phật. Trong Đại thừa giới kinh, Đức Phật khai thị rõ ràng: “Hiếu thuận phụ mẫu, sư tăng, hiếu thuận với hết thảy chúng sanh. Hiếu gọi là Giới”. Giới luật Đại thừa tạo dựng trên cơ sở hiếu đạo.

Vì sao chúng ta phải học Phật? Vì chúng ta muốn viên mãn tột cùng đạo Hiếu, vì biết tận hư không, khắp pháp giới chỉ là chính mình mà thôi!

Ngày ngày lễ kính

Không cứ là ngày xuân mà mỗi ngày, trong các thời kinh sáng hay tối, chúng ta cũng phải dùng tâm kiền thành cung kính lễ Phật, sau đấy, dùng cái tâm đó đối đãi người khác. Bất luận đối đãi cha mẹ, người nhà, quyến thuộc, bằng hữu, đồng sự, hết thảy người thiện kẻ ác trong xã hội, đều dùng một tấm lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, cung kính để đối đãi, đó là hạnh Phổ Hiền. Ngoài con người ra, cũng phải dùng cái tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính để đối đãi hết thảy vạn vật. Dù hữu tình hay vô tình. Mọi thứ quanh ta là chư Phật, từ cái khăn cho đến giá kinh, chuông mõ… đều phải ngay ngắn, sạch sẽ, thể hiện lòng cung kính đối với mọi thứ vô tình. Nói như thi sĩ Bùi Giáng:

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn…

Nếu chỉ có đêm giao thừa hay những ngày đầu xuân, chúng ta sợ xúi quẩy nên luôn luôn phải ráng vui, cố cười thì sao không sống những ngày còn lại trong năm cũng cùng tâm thức ấy? Nếu có thể dùng cái tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, cung kính để đối đãi với người và sự vật thì vĩnh viễn chẳng sanh phiền não, trong tâm luôn an lạc. Hiện tại sao nhiều người chẳng hạnh phúc, là vì trong tâm họ luôn phân biệt kẻ này tốt, người kia xấu, phải chi mình có xe này nhà kia, suốt một ngày từ sáng đến tối chấp trước, phiền não vọng tưởng không ngơi nghỉ thì làm sao hạnh phúc, sung sướng cho được? Như đã nói trên, khi nào thân, ngữ, ý nghiệp thanh tịnh, mới tu tập sự lễ kính (thân, ngữ, ý nghiệp chẳng hề mệt chán). Chẳng những với người mà cả đối với vật. Tâm thanh tịnh là chân tâm, trong tâm thanh tịnh chẳng có thị phi nhân ngã, phân biệt, chấp trước. Bồ-tát dùng tâm thanh tịnh để tu tập lễ kính thường chẳng gián đoạn.

Phổ Hiền Bồ-tát khuyến khích chúng ta phải gìn giữ cái tâm ban đầu vì “Hư không giới tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Hư không giới chẳng thể tận, chúng ta phát nguyện tu đại hạnh Phổ Hiền cũng chẳng thể thoái chuyển. Ngài nhấn mạnh: “Chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự lễ kính của tôi mới tận”. Trên thế gian này, con người ngày càng đông đúc, phiền não tăng trưởng theo cấp số nhân, chúng sanh giới chẳng tận. Chỉ có tu học tinh tấn, phiền não mới vơi bớt, trí huệ mới tăng trưởng. Phiền não của chúng sanh nếu vô tận, theo Phổ Hiền Bồ-tát lễ kính, đương nhiên cũng chẳng có ngày cùng tận.

Hỏi tên rằng biển xanh đâu

Thưa rằng ấy mộng ban đầu đã xa.

(Bùi Giáng)

Không chỉ đầu xuân mà hàng ngày lễ kính: “Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn” (Phổ Hiền). Đấy là bí quyết công phu. “Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề chán mệt”: Phải tịnh hóa thân khẩu ý. Thân, thấy ai cũng phải lễ kính; khẩu: cân nhắc ngôn từ lời nói; tâm: nhu hòa, thanh tịnh, bình đẳng, và trên hết: cung kính. Nhờ thế chúng ta sẽ không thấy chán đời, thân không mệt mỏi, tâm chẳng buồn phiền.

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn và hết cả da xương…

 (Bùi Giáng)

Hay nói như Kahil Gibran:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương.

Trong đời sống hàng ngày luôn giữ tâm thanh tịnh, tâm hoan hỷ, tâm vị tha, vì chúng sanh thì dù công việc có khó khăn đến mấy, chúng ta cũng luôn có đủ nghị lực và sức mạnh tinh thần để vượt qua mà không thấy mệt mỏi, chán nản. Đó là kết quả của công phu tu học và lễ kính. Từ đó mở ra những cảnh giới vô tận mà mỗi hạnh nguyện đều bao trùm hư không pháp giới.

Thế nên, lễ Phật đầu năm với tâm an lạc là một niềm vui, và điều quan trọng là phải giữ niềm vui ấy suốt những ngày còn lại trong năm vì lễ kính chư Phật là lễ kính chính tâm mình, sống chánh niệm, xa rời vọng tưởng... Được như vậy thì thân, ngữ, ý nghiệp luôn thanh tịnh.
Nguyên Cẩn

http://giacngo.vn/nguyetsan/phatgiaovaxahoi/2013/02/10/12D641/


Âm lịch

Ảnh đẹp