07/02/2012 19:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 131204
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không chỉ lễ xôi gà, heo quay, nhiều người còn chuẩn bị cả mũ áo, tiền vàng... để dâng Phật với mong muốn lễ càng to thì tài lộc càng nhiều trong năm mới. Một số vị hòa thượng cho rằng, theo triết lý của nhà Phật thì đó là một quan niệm sai lầm.


Tâm thành cao hơn lễ lớn

Theo thượng tọa Thích Giác Hiệp (giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam) thì đi lễ chùa chính là một nét đẹp văn hóa xưa nay của người Việt. Đi lễ là để cung kính Phật, nghĩ về đức hạnh của Người, để từ đó học và làm theo. Đạo Phật cũng dạy con người làm thế nào để chế ngự được các trạng thái như tham, sân, si (gốc rễ của sự đau khổ) để có được cuộc sống hạnh phúc an lạc. Người nào làm được như vậy thì sẽ tự tạo phúc cho bản thân.

Còn nếu chỉ biết khấn vái suông, chuẩn bị lễ vật tiền vàng, mà không biết sửa mình sống cho tốt thì cũng không thể có được hạnh phúc. Cũng theo thượng tọa Thích Giác Hiệp, tuy đạo Phật truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, nhưng không phải ai cũng hiểu hết được những triết lý sâu xa của nhà Phật. ở nhiều vùng quê, có rất nhiều tín ngưỡng dân gian phát triển song song, thậm chí pha trộn với Phật giáo.

 

Thượng Tọa Thích Giác Hiệp

Việc phân biệt đâu là tín ngưỡng dân gian, đâu là đạo Phật cũng không phải đơn giản nên mới sinh ra không ít lầm tưởng. Vì thế, một số vùng, người ta mới đem cả xôi gà, thủ lợn lên chùa. Theo thượng tọa Thích Giác Hiệp thì đi lễ chùa, chỉ cần chuẩn bị các phật phẩm như xôi, hoa, quả để đặt lễ là đủ. Nhiều chùa, quy định mỗi người dân đến hành lễ chỉ nên đốt một nén nhang cũng không nên làm trái. Không phải cứ đốt một nắm nhang nghi ngút khói là Phật mới biết đến.

Tiền công đức là chút thành tâm của khách thập phương, các phật tử cũng nên để vào hòm công đức. Đây là tiền để giúp nhà chùa xây dựng, tu sửa, chăm lo nơi thờ Phật. Nhiều người cứ nghĩ đây là tiền dâng Phật nên gặp đâu để đấy, thậm chí để cả ở tay, chân Phật, lòng các vị La hán... Một số người còn nghĩ tiền có xuất Phật mới biết, hoặc bỏ ra một đồng là có thể thu lộc về được nhiều đồng. Đó là những quan niệm sai lầm.

Liên quan văn hóa lễ chùa đầu năm, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (quyền phó chủ tịch thường trực, Hội đồng trị sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết đầu xuân năm mới, chùa chiền là nơi được đông đảo người dân chọn lựa. Bất cứ ai đến với chốn cửa Phật đều có mong muốn một năm mới tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, việc đi lễ chùa của người dân hiện nay cũng còn nhiều điều phải suy nghĩ. Không ít nơi, người dân chen lấn, xô đẩy, tiện gì mặc đấy. Nhiều cô gái đi vào chùa mà mặc quần ngắn trên gối, áo thì hở nách, ăn nói ồn ào, thậm chí là thiếu văn hóa... làm mất hết thuần phong mỹ tục.

Không phải cứ lễ to là "lộc" nhiều

Theo thượng tọa Thích Giác Hiệp, khi đi lễ chùa người dân cần lưu ý: “Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường; không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ quanh khu vực Phật điện, tam bảo. Khi vào Phật đường, nên đi vòng quanh tượng Phật, khu vực tam bảo, đi từ phải sang trái, niệm tên Phật "A di đà phật". Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít dù nhiều. Ngoài ra, không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay...”.

Viện trưởng Viện văn hóa và phát triển Việt Nam Lê Quý Đức cho rằng,  tất cả những hành vi như mặc quần áo hở hang, ăn nói vô văn hóa, xả rác nơi đình, chùa... là không thể chấp nhận được. Cuộc sống hiện đại xô bồ ngày nay đã làm cho không ít nét đẹp của văn hóa truyền thống dần bị mai một. Còn đâu những cảnh cô gái Hà Nội mặc áo dài, thướt tha, cầm bó hoa sen đi dâng lễ ở chùa vào ngày rằm, mồng một.

 

Lễ chùa cần nhất sự thành tâm. Ảnh minh họa

“Tôi đã từng nghe rất nhiều phàn nàn về tình trạng: Có những cô gái khi cúi lễ bái Phật, do mặc áo hở hang đã bày ra tất cả những gì không đáng bày, có những chàng trai nói điện thoại oang oang khi lễ bái, có những cặp đôi ôm nhau âu yếm trước cửa chùa. Đối với khách du lịch nước ngoài thì khó có thể đánh giá họ về vấn đề ăn mặc vì họ vào chùa mang tính chất du lịch, vãn cảnh. Nhưng đối với những người dân trong nước, đặc biệt là giới trẻ, cũng phải có cách tuyên truyền để họ hiểu được cần phải ứng xử như thế nào ở nơi công cộng, đặc biệt là chốn linh thiêng”, ông Đức nói.

Ngày xưa lên chùa, người ta đều có tâm niệm cầu cho sự siêu thoát của những người đã khuất và cầu sức khoẻ, may mắn cho gia đình, bạn bè, cầu cho quốc thái dân an. Đình, đền, chùa còn là nơi hội tụ các lễ hội văn hóa truyền thống của các một vùng. Người ta lên chùa còn để gặp gỡ, giao lưu đàm đạo chuyện thơ phú; trai gái gặp gỡ, tâm tình chứ không chỉ đơn giản lên chùa vì tâm linh. Đấy là một nét đẹp của văn hóa dân tộc, cần phải giữ gìn, nâng niu. Còn hiện nay, việc lễ chùa nhiều khi bị dung tục hóa, thương mại hóa. Rất nhiều người lợi dụng dịp du khách lễ chùa đầu năm để trục lợi, như ăn xin, bói toán, trông xe, bán lễ lạt với giá cắt cổ, lừa đảo, trộm cắp...

Nhìn nhận về vấn đề rải tiền không tiếc tay, thậm chí gặp đâu rải đấy, phô trương sự giàu sang, ông Đức cho rằng, phải nhìn nhận ở hai phía. Nhiều người lo sợ rằng, mọi người làm mà mình không làm thì cũng không được, hoặc họ nghĩ rải càng nhiều tiền thì phúc lộc sẽ càng đầy. Một số người rải tiền chỉ đơn giản là tìm sự giải tỏa tâm lý.

Nhiều chùa người ta đã có biển cấm cắm nhang, rải tiền ở đây nhưng chính nơi đó lại là nơi người ta cắm nhang, đặt tiền nhiều nhất. Thậm chí, có người đi chùa chiền nếu chưa nhét tiền đến tận tay Phật là chưa yên tâm. Đó là những cách nhìn nhận sai lệch. Vì quan niệm của Đạo Phật là đến lễ chùa là để tìm sự giải thoát, thanh tịnh cho tâm hồn. Phúc đức nhận được nhiều hay ít là do con người có tu nhân tích đức nhiều hay không. Làm sao để những đồng tiền công đức đến đúng địa chỉ, tránh vứt bừa bãi, lãng phí ở các lễ hội, có một phần trách nhiệm thuộc về ban tổ chức. Ngoài hướng dẫn, giải thích cho du khách thì ban tổ chức nên bố trí hòm công đức ở những nơi thuận tiện, đông người qua lại.    

Những điều không nên

Thượng tọa Thích Giác Hiệp cho rằng, vào tam bảo bái Phật không nên đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường để lễ Phật (đó là vị trí Tối cao của trụ trì, nên quỳ lễ chếch sang bên một chút). Khi đi lễ chùa phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, quần áo hở hang. Vào chùa, nên dùng Phật danh "A di đà Phật" thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng: "Một tình trạng nữa cũng không thể không nhắc đến đó là việc mọi người rất vô tư chọn đủ loại thực phẩm để đội lên lễ chùa. Đi lễ chùa chỉ nên mua hoa quả, ví như hoa huệ, hoa sen. Các chùa thường có nhiều ban thờ, khu thờ, chính vì thế chỉ nên đặt 3 lễ tại ban thờ Tam bảo. Phật tử nếu có tâm muốn quyên góp tiền có thể để trong những hòm quyên góp chứ không nên nhét tiền ở khắp mọi nơi ở trong chùa hoặc đền".

Nguồn: Daophatngaynay


Âm lịch

Ảnh đẹp