Đã thành thông lệ, vào tháng Giêng nhiều chùa nhận làm lễ
dâng sao giải hạn. Nhiều người vẫn bỏ tiền bạc và công sức để hi vọng
giải được “hạn” do sao xấu chiếu mệnh mình trong năm mới nhưng có rất
ít người trong số đó hiểu thực chất ý nghĩa của sao chiếu mệnh và việc
làm lễ dâng sao có giải được "hạn" hay không...
Dù cuối năm bận nhiều việc nhưng chị Ngọc vẫn tìm đến chùa Kim Sơn ở
đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) để đăng kí làm lễ cầu an dâng sao giải
hạn trọn gói cho yên tâm bởi theo chị, nếu không giải hạn mà nhỡ có
chuyện gì xảy ra thì ân hận cả đời.
Hai vợ chồng cùng tuổi Kỷ Mùi, dò bản giải nghĩa sao chiếu mệnh, chị
Minh Ngọc thấy năm nay mình là sao Thái Dương và chồng là sao Kế Đô,
theo bảng kê đây là hai sao không tốt nên chị Ngọc đã nghĩ ngay tới
việc phải tìm một chùa nhận làm lễ cầu an dâng sao giải hạn thì may ra
mới vượt qua được nhiều đại nạn được báo trước của năm nay.
Cầu an cần thành tâm và sống có ích - Ảnh: TL
Các chùa ở Hà Nội nhận làm lễ cầu an dâng sao giải hạn hầu hết có giá
thấp nhất là từ 100-300 ngàn đồng/sớ cầu an cho cả gia đình, lễ giải
hạn là 100 ngàn đồng/người bao gồm các khâu từ viết sớ cho đến lễ vật
rồi kêu cầu, thân chủ chỉ cần ghi rõ tên tuổi của từng thành viên trong
gia đình và nộp tiền cho nhà chùa là xong. Đến ngày làm lễ nhà chùa sẽ
hẹn trước các gia chủ có mặt để ngồi làm lễ. Tối thiểu để làm lễ, mỗi
gia đình gồm 5 thành viên cũng phải chi ít nhất là 1 triệu đồng.
Tại Hà Nội, chùa Phúc Khánh được cho là linh thiêng và làm lễ giải hạn
cầu an có tiếng nên cứ mỗi lần chùa làm lễ cầu an giải hạn, hàng nghìn
người tập trung làm lễ, số lượng người đông đến nỗi đứng tràn cả ra
đường, có nhiều người chậm chân phải vái vọng từ... cầu vượt Ngã Tư Sở.
Tương tự tại các chùa ở trung tâm TP như Quán Sứ, Trấn Quốc, số lượng
người đến làm lễ dâng sao giải hạn cũng đông nghìn nghịt. Tại chùa Nam
Đồng, nhận làm lễ giải hạn đầu năm nộp 300 ngàn đồng, giải hạn cả năm
nộp 700 ngàn đồng. Nếu trong gia đình có người mà sao xấu chiếu mệnh
thì phải kèm theo hình nhân thế mạng. Ngoài khóa lễ đầu năm, hằng tháng
nhà chùa còn làm lễ giải hạn cho các gia đình đã đăng ký.
Nhiều người khi được hỏi về ý nghĩa của tập tục này và việc làm lễ liệu
có giải hết hạn sẽ gặp trong năm thì cũng tỏ ra băn khoăn nói rằng làm
để cho yên tâm, có thờ có thiêng ít ra là giải quyết vấn đề tâm lý.
Nhiều người còn quả quyết rằng làm lễ để lòng thanh thản, nhẹ nhõm từ
chính thiện tâm của mình, khi chứng kiến tại lễ giải hạn thầy viết sớ,
đọc sớ, đốt sớ và thực hiện nghi lễ phóng sinh cũng là làm điều phúc,
cùng với đó việc ngồi làm lễ cũng như được một khóa thiền đầu năm.
Những người đi cắt sao giải hạn đầu năm cũng là để mua sự ân tâm. Chỉ
với những động tác mang tính tượng trưng, người ta tin rằng những ngôi
sao xấu đã bị cắt đi, lòng sẽ thanh thản, yên tâm làm ăn cả năm. Tuy
nhiên, nếu sùng bái một cách quá mức thì nó sẽ trở thành mê tín dị
đoan. Quá tin vào chuyện sao, hạn và bị nó ám ảnh thì chính họ sẽ bị
phân tán tư tưởng, rước sự lo lắng vào mình dẫn đến khó thành công ở
nhiều công việc trong cả năm và khi đó họ lại đổ do vận hạn của sao xấu
chiếu mệnh. Cũng bởi quá mê tín dẫn đến quá lo lắng hoảng hốt nên
nhiều người tung tiền ra mua đồ vàng mã đốt hàng loạt rất tốn kém và
lãng phí. Lại có gia đình tìm đến lễ giải hạn khoán trọn gói ở các điện
thờ tư nhân tốn đến hàng chục triệu đồng. Đây là việc rất cần xem lại.
Nhất là với nhiều người chưa ổn định tài chính mà cứ nháo nhác tốn kém
giải sao xấu thì chưa biết có giải hạn được không, chỉ biết là ngay
sau lễ giải hạn đã thấy gia cảnh lâm vào túng quẫn.
Hòa thượng Thích Thanh Dương (chùa Quán Sứ), cho rằng giải sao không
có trong giáo lý của Nhà Phật mà đây là tín ngưỡng của người dân Việt
từ ngàn đời. Người dân mong muốn gặp may mắn, an bình, công việc làm ăn
thuận lợi. Do vậy mới có những lễ cầu an cầu phúc đầu năm cho tất cả
các thành viên trong gia đình. Mỗi người đều có một sao chiếu mệnh,
người biết năm hạn của mình thì sẽ cẩn thận hơn những năm trước. Tuy
nhiên, không nên dựa hẳn vào những lễ nghi giải sao mà con người phải
có ý thức phấn đấu. Các lễ cúng sao giải hạn đều tạo cho con người niềm
tin, từ đó tiếp thêm sức mạnh về tinh thần. Điều này cũng rất quan
trọng, bởi tinh thần lạc quan sẽ giúp con người vượt qua khó khăn. Tuy
nhiên, sự nỗ lực của bản thân mỗi người vẫn là điều chính, còn sự cầu
mong trời Phật, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân chỉ là phụ trợ. Nếu
bản thân có suy nghĩ và hành vi xấu thì làm bao nhiêu lễ cũng sẽ không
giải được những "vận hạn" do chính người đó mang đến cho mình.
Cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, đã từng nói rất ý nghĩa thế này: Không có
ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai
họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật
tử cả. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân
quả của chính người ấy làm nên. 9 ngôi sao là do chính con người đặt tên
và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về
chúng. Phật dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời
rơi xuống hay dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu
và ý của con người tạo ra.
Theo kinh của Phật thì ngày rằm tháng Giêng chính là ngày mà chư
Phật ở trên cõi Cực Lạc xuống dưới trần gian này xem xét mọi việc để
“cân phúc cân tội” cho con người. Thế cho nên người xưa bảo rằng "Lễ
Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng" là như vậy.
Nhà Phật có câu: "Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì cứ
nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai của chúng ta
ra sao cứ nhìn cái nhân mà chúng ta đang gieo hiện tại". Điều này cũng
không có nghĩa là làm việc tội lỗi cứ ngày này đến cầu xin tha tội là
mọi tội ác được xóa bỏ. Chuyên làm điều xấu cho người khác thì đừng mong
nhận lại được điều tốt.
Bởi trên thực tế có người năm đó gặp phải sao xấu mà vẫn bình an vô sự
và ngược lại. Ở đây, ranh giới giữa khoa học và mê tín là rất mong manh
vì thế đòi hỏi ở người dân một sự sáng suốt, đừng quá mê tín mà mang
áp lực vào thân.
Theo: Pháp luật xã hội