29/01/2012 14:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 79548
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Mỗi khi năm mới đến, chúng ta lại thường chúc nhau những điều tốt đẹp. Có một lời chúc rất phổ biến là chúc “phát tài”.

 

Là những người con, người học trò của Đức Phật, chúng ta đều nên tìm hiểu, học tập và thực hành theo lời dạy của Thế Tôn để cuộc sống được an vui nhờ đạt được những cái “tài” chân thật.

 

 

“Phát tài” nên được chúng ta hiểu như thế nào, “tài” này có phải chỉ là “tiền tài” không?

 

Chúng ta quan sát trong cuộc sống, thấy được rằng tiền bạc nếu dễ đến thì cũng rất dễ đi, hoặc nếu ta tham lam muốn cất giữ thì tiền tài sẽ chẳng mang lại ích lợi gì hơn là những thứ trang sức vô dụng. Không những thế, tiền bạc còn có thể gây ra rất nhiều vấn đề nan giải nếu chúng ta bị kẹt vào đó, coi nó là một mục đích sống, lấy việc kiếm tiền làm thú vui hoặc để mua những thứ bên ngoài giúp chúng ta thỏa mãn những mong cầu hưởng thụ.

 

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy chúng ta về bảy loại tài sản của những người phát tâm Bồ Đề, tu tập để sống hạnh phúc và hướng tới giải thoát.

 

Bảy loại tài sản đó là:

 

1. Tín tài: là lòng tin của chúng ta đối với những lời Phật dạy, tin vào sự chứng ngộ của Thế Tôn, tin vào các pháp môn mà ngài tùy căn cơ mà thuyết dẫn, tin vào khả năng phá mê khai ngộ của chính mình và của tất cả chúng sinh.

 

2. Giới tài: là sự thực tập tinh chuyên của chúng ta theo giáo pháp của Đức Phật, như tu thập thiện nghiệp đạo, giữ trọn năm giới, phát tâm thực hành theo bốn lời thề nguyện, áp dụng lục hòa và lục độ trong đời sống, v.v...

 

3. Tàm tài: là biết hổ thẹn khi chính mình có những suy nghĩ, lời nói hay hành động không phù hợp với đạo lí, trái phạm các lời dạy bảo quý báu của Thế Tôn, gây ra tổn thất cho chúng sinh và cho chính mình, buông lung để cho tâm Bồ Đề thối chuyển...

 

4. Quý tài: là biết phản tỉnh, e ngại và tránh làm những điều bất thiện, biết nhận lỗi khi phạm sai lầm đối với người khác hay các chúng sinh khác. Tàm và Quý luôn đi đôi, bổ trợ cho nhau.

 

5. Văn tài: là có tâm chuyên chú học hỏi, thường tiếp nhận lời dạy của thầy tốt và bạn hiền, giữ gìn và phát huy những điều hay đã được học để nâng cao phẩm hạnh, cải thiện đời sống cho mình và cho người.

 

6. Thí tài: là thành tâm chia sẻ những gì mình nhận thấy là mang lại lợi ích cho chúng sinh, thực tập bố thí Ba-la-mật để không còn thấy mình có được/mất, thì cái “tài” nhận được là vô biên vô lượng. Nói rằng nhận được mà chẳng hề có thêm, nói rằng cho đi mà không hề hao hụt, nhờ đó mà Thí tài luôn luôn viên mãn.

 

7. Tuệ tài: là trí tuệ đạt được khi chuyên cần tu tập, đạt được không bằng cách thu vào mà bằng cách bỏ bớt những phiền não, lậu hoặc đã tích tụ, trả lại cho mình không gian của tuệ giác chân thật vốn có.

 

*

* *

 

Khi chúng ta có được bảy loại tài sản này thì đời sống không còn ưu tư, không còn sợ hãi. Những tài sản này không giống với tiền tài, ta sẽ không lo chúng bị hủy hoại, bị tiêu tán, bị trộm cướp, hay bị xâm hại bởi các thế lực thù địch.

 

Có được những tài sản này thì đời sống của chúng ta không bao giờ còn bị thiếu thốn, không bao giờ ta cảm thấy khổ đau. Thế Tôn đã dạy cho chúng ta muôn vàn pháp môn để thực tập, cũng đều là nhằm mục đích này.

 

Đây là những loại tài sản mà chúng ta cũng cần phải tích lũy, nhưng không tích lũy bằng cách giấu kín và giữ cho riêng mình. Càng chia sẻ, càng phát huy lợi ích cho chúng sinh thì kho tài sản của chúng ta sẽ càng thêm rộng lớn và đầy đủ.

 

Tuy không được kể đến trong bảy loại tài sản nói trên, nhưng qua vô số lời dạy của Đức Phật trong suốt những năm vân du giáo hóa chúng sinh, Thế Tôn cũng đã nhắn nhủ cho chúng ta rằng tình thương cũng là một phần của bảy loại tài sản ấy. Chúng ta tìm thấy lời khuyên dạy của Thế Tôn về tình thương trong rất nhiều phép thực tập như “tứ hoằng thệ nguyện”, “thập thiện nghiệp đạo”, “lục hòa”, “lục độ”, “tứ vô lượng tâm”...

 

Nay chúng ta cùng nhau tiếp bước Thế Tôn, sống trong tinh thần từ bi, bình đẳng, thảnh thơi đi trên con đường của tuệ giác mà ngài đã chỉ bày.

 

Và rồi mỗi năm chúng ta lại chúc nhau “phát tài”, mà không còn cần phải nghĩ tới “tiền tài” nữa. Chúng ta hãy nguyện cùng nhau chuyên cần tu tập để khai thác và phát huy được bảy loại tài sản nói trên, hướng tới sự đoạn diệt những khổ đau liên miên trong cõi đời này, để mỗi bước chân của chúng ta đều an nhiên trong cảnh giới Cực Lạc!

 

 

Trúc Thanh 

 

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3937&SubID=2&ID=2


Âm lịch

Ảnh đẹp