30/04/2013 16:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 64091
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tự Đức, vị vua thứ tư của triều đại nhà Nguyễn, là một nhà thông thái, học cao hiểu rộng; chắc chắn là ông đã được thọ giáo với nhiều vị minh sư tài ba lỗi lạc. Ấy vậy mà ông đã so sánh công lao dạy dỗ của mẹ chẳng khác chi công thầy.


Mẹ người thầy bị lãng quên

 Trong bài biểu tạ ơn mẹ nhân dịp mừng Đức Từ Dũ thượng thọ ngũ tuần, vua Tự Đức viết: “Nuôi con ăn là mẹ vậy, dạy con học cũng mẹ vậy; mẹ là thầy vậy”. Đây là một nhận xét đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Trong Kinh Thi, phần Tiểu nhã có nhắc đến chín chữ cù lao để nói đến công ơn của cha mẹ, ghi rõ: “Mẫu hề cúc ngã…, dục ngã… (Mẹ nuôi ta… dạy ta…)”. Xem ra như vậy mẹ cũng là một người thầy theo đúng theo chức năng và cả ngữ nghĩa. Thế thì người thầy đó đã dạy cho chúng ta những gì? Đố ai mà kể xiết được. Từ thuở vừa biết “ầu ơ”, mẹ đã dạy ta thói ăn, nếp ngủ. Lớn lên chút nữa, lại dạy ta thế đứng, dáng đi. Đến lúc nói năng bập bẹ, mẹ lại phải dạy từng câu từng lời, cho đến lúc trưởng thành, người còn phải dạy cả cách đối nhân xử thế… Không ai hiểu con bằng mẹ; nên mẹ là người thầy tài ba nhất trong việc giáo dục con cái.

Có lẽ ngày xưa mẹ của thầy Mạnh Tử là người phụ nữ đã biết áp dụng khoa tâm lý vào việc dạy con sớm nhất. Nhà ở gần nghĩa địa, Mạnh Tử bắt chước đào chôn, khóc lóc. Thấy thế bà mẹ nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Dời nhà đến chợ, thầy Mạnh lại bắt chước thói mua bán đảo điên. Mẹ thầy lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến gần trường học. Từ đó Thầy Mạnh bắt chước học trò lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mới vui mừng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được”2. Chính nhờ ở gần trường học mà Mạnh Tử bắt chước học hành siêng năng và sau này trở thành bậc thầy của thiên hạ. Lịch sử cũng không thiếu những người đã trở thành vĩ nhân là nhờ công lao giáo dục của người mẹ: Bà Letizia Ramolino, mẹ của hoàng đế Napoléon là một người quả quyết, nghiêm khắc và cần cù. Chính Napoléon đã thừa hưởng của mẹ tinh thần ham làm việc và nếp sống trật tự nghiêm ngặt. Vua Tự Đức đã học được ở bà Từ Dũ tính tiết kiệm, siêng năng và lòng nhân từ, độ lượng. Sử chép rằng: Khi mẹ dạy điều gì, ông đều chép vào một cuốn sổ nhỏ gọi là Từ huấn lục. Xem thế đủ biết nhà vua đã chịu ảnh hưởng sự giáo dục của mẹ đến mức nào. Trong Gia huấn ca, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ người mẹ phải dạy gì khi con vừa “biết chơi, biết chạy” Đừng cho chơi cầm gậy, trèo cao – Đừng cho chơi búa chơi dao -/ Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao có ngày…”.

Giáo dục là chuyện khó. Bước đầu lại càng khó hơn; mà cái buổi ấy lại ở trong tay người mẹ. Mẹ là người thầy theo ta đi trọn cuộc đời, là cô giáo siêng năng nhất, cần mẫn nhất. Mẹ không có ngày nghỉ lễ, nghỉ hè. Lại không màng đến huy chương, tưởng lục. Vậy mà trong thực tế, công lao ấy lại không mấy được người đời nhắc nhở, tôn vinh. Con nên người, thì chẳng nghe ai nhắc nhở đến công lao của mẹ. Nhược bằng con hư thân mất nết, thì thế gian sẵn sàng đổ  lên đầu người mẹ đáng thương “Con hư tại mẹ”! Phải chăng vì hiệu quả giáo dục ấy không được chứng minh cụ thể bằng “tỉ lệ tốt nghiệp” hay bằng cấp, học vị?

Chúng ta đã có Ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh công lao của đội ngũ thầy cô giáo, lại có cả Ngày Tình nhân để tôn vinh tình yêu lứa đôi. Người Tây phương lại có cả Ngày của Mẹ (Mother’s Day). Nhưng ở nước ta chưa có được một ngày lễ tôn vinh Mẹ. Ngoại trừ những người theo đạo Phật, họ có được mùa Vu lan Báo hiếu. Thiết nghĩ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta nên dành một phút suy tư và kính cẩn dâng lên đấng sinh thành một nén hương lòng, để tưởng nhớ đến công lao biển trời của mẹ, Người Thầy Đầu Đời đã dẫn dắt ta đến con đường thành đạt hôm nay. ■

Chú thích:

1.       Chín chữ Cù lao (Sinh, cúc, dục, phủ, xúc, trưởng, cố, phúc, phục)

2.       Trích từ Cổ học tinh hoa (Mẹ hiền dạy con).

http://vanhoaphatgiaoblog.com/van-hoa/me-nguoi-thay-bi-lang-quen.html


Âm lịch

Ảnh đẹp