Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám
hối nghiệp chướng. Vấn đề này trong giáo lý nhà Phật, có Kinh sách nào
nói và nói như thế nào thưa Đại đức?
Trong 5 giới căn bản của người Phật tử tại gia, giới sát được đặt
lên hàng đầu. Người Phật tử là không được giết hại, mà ngược lại phải
phóng sinh. Trong đạo Phật có nhiều Kinh nói về việc phóng sinh.
Ví dụ như trong Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ
mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất
cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà
sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình.
Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là
giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả
gió lửa là bản thể của mình.
Cũng trong kinh Phạm Võng có dạy: “Mỗi một chúng sinh đều là anh em,
thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem
nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời
gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt,
bị giết, bị ăn thịt... vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự;
không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú".
Vào những dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy hay những dịp
cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta hay tổ chức phóng sinh
chim, cá. Theo Đại đức, phóng sinh như thế nào là đúng cách?
Muốn biết phóng sinh như thế nào cho đúng cách thì trước hết nên hiểu chữ phóng sinh là thế nào?
Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị
bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng
sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu
chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng
sống.
Tại sao phải phóng sinh? Nói một cách đơn giản, phóng sinh tức là
cứu chuộc mạng sống chúng sinh, trưởng dưỡng lòng từ bi trong ta.
Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam bảo và sám hối
nghiệp chướng. Vì vậy, khi phóng sinh cần có lễ quy y, sám hối cho con
vật; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ. Không nên nặng phần hình
thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột
ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được
ta phóng thích.
Hiện nay, có một số ý kiến không tán thành vấn đề phóng sinh vì
việc này chẳng khác nào gián tiếp giết chết các con vật, bởi một số kẻ
xấu vì sự phóng sinh của chúng ta mà bắt và hành hạ những con vật có
khi là đến chết. Đại đức nghĩ sao về ý kiến này?
Cuộc đời cần lắm tình thương và hạnh phóng sinh chỉ là một trong
những cách thức làm cho tình thương hiện hữu trong cuộc đời. Tình
thương không thôi thì vẫn chưa đủ mà đòi hỏi phải có nhận thức đúng về
hiện thực, về việc làm cụ thể.
Tuy nhiên hiện nay một số người làm theo mà không hiểu rõ ý nghĩa của
nó nên làm mất hình ảnh trung thực, trong sáng. Đó là lỗi của một số
người thiếu hiểu biết, tôi không muốn đề cập. Từ đó mà sinh ra những ý
kiến không hay, chứ việc phóng sinh không có gì là không tán thành.
Người mua con vật phóng sinh thì có phước báu còn người
đánh bắt thì phải có tội. Vậy người mua phóng sinh có phước trên cái
tội của người đánh bắt phải không thưa Đại đức?
Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là
nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn
nhất”.
Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh
mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn”. Người phóng sinh
tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp
các tai nạn.
Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp
Chánh pháp, lợi lạc nhiều thứ…Còn việc bẫy chim, bắt cá, nuôi cá bán
phóng sinh là có tội không thể chối cãi được. Ai làm tội thì chịu, ai
làm phước thì hưởng không thể lẫn tránh đâu được.
Với số tiền phóng sinh lớn, nếu đem vào bệnh viện hoặc bố thí cho người nghèo khổ thì phước đức nào lớn hơn thưa Đại đức?
Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi
thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân
lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tính Phật, đều có thể
thành Phật. Cho nên công đức cũng rất lớn, nếu phóng sinh đúng nghĩa.
Việc thiện thì việc làm nào cũng là hạnh của Phật dạy, đều tốt cả,
ta cũng không nên so sánh cặn kẻ quá thì không hay. Người hợp với bố
thí, cấp dưỡng thì cứ làm, người thích phóng sinh thì cứ làm, không thể
bắt họ làm việc mà họ không thích, mặc dù đó là việc làm thiện. Chính
điều đó mà không thể cho cái này hay hơn cái kia mà do cảm nhận của từng
người.
Đến với chân lý không phải chỉ có một con đường. Cần phải vận dụng
nhiều con đường, nhiều phương tiện phù hợp với sức lực, hoàn cảnh, điều
kiện… để hành trình đi đến chân lý không tiêu tốn quá nhiều thời gian,
sức lực, đau khổ và hy sinh.
Theo Đại đức, việc phóng sinh có liên quan gì đến việc báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên?
Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện Phật dạy: “Chúng
sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng
sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của
chư Phật.”
Như vậy, việc phóng sinh đúng cách cũng có thể đem lại công đức lớn
lao, nhân công đức này mà hồi hướng cho người mất thì họ cũng hưởng
được phần nào lợi lạc. Nhiều người không biết phóng sinh, nhưng vì
người mất mà phóng sinh là việc làm lợi lạc không nhỏ.
Xin cảm ơn Đại đức!
Theo Từ Bi - Infonet