27/08/2012 20:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 93004
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô/Não người thay buổi chiều thu/Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng”... Cứ mỗi độ tháng Bảy, mùa Vu lan báo hiếu, mẹ tôi thường lẩm nhẩm đọc lại “Văn tế chiêu hồn”...


Tháng Bảy năm nào cũng mưa, mưa giống như mưa từ muôn năm nào, đến giờ vẫn chưa ngừng tầm tã trút xuống. Nhớ khi xưa đi chợ về mẹ thường chép miệng bảo, tháng này ngâu vầy, hoa quả đẹp ngoài mà hỏng trong, phải mua thì mới mua, tôi thường cười, ngâu gì mà ngâu, trái sâu thì bỏ.

Sau này lớn lên chút mới hiểu, đời sống vẫn có những điều lung linh như thế, bao nhiêu đời, người ta cứ vẫn tin rằng, nước mắt Ngưu Lang- Chức Nữ gặp nhau ngày tái hợp duy nhất trong năm trên cây cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân Hà có thể làm lay động đất trời, làm cho hoa trái cũng hư hao.

Một năm có tiết mưa ngâu tháng Bảy là khó chịu nhất, mưa dai dẳng, mưa dạt dào, mưa ào ào không dứt, mưa chẳng cần biết thế gian đã ướt sũng từ lâu, cứ hết đợt này đến đợt khác, mưa như thi gan với người.

Trong tiết mưa ngâu tháng Bảy, người ta dường như không thích nhoai ra ngoài tụ tập như trong tiết hè, mà thường thu mình về gần gụi với gia đình, không hẳn là vì mưa trói chân, mà vì cái cảm giác thèm được nương tựa, thèm được vỗ về trong mùa Vu Lan báo hiếu, trong mùa cúng xá tội vong nhân.

Tôi có người bạn ra nước ngoài sinh sống đã nhiều năm, lần nào thư về cũng nhắc, ở nhà đến tháng ngâu rồi đây, sao mà tôi nhớ những mâm cháo lá đa cúng thí cô hồn đến thế. Người Việt mình ngóc ngách là vậy đấy, cái gỉ cái gì cũng gợi nhớ quê hương.

Tháng Bảy có ngày rằm thiêng liêng lắm, ngày xá tội vong nhân, ngày con cháu lên chùa cúng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình được siêu thoát về nơi tịnh độ, không còn những mắc mứu ở chốn ngạ quỷ, tới bát cơm bưng trên tay cũng hóa thành lửa đỏ như trong tích truyện về ông Mục Kiều Liên.

Mà để báo hiếu, giải thoát cho tổ tiên ông bà cha mẹ mình, không có cách nào tốt hơn là mở lòng ra với những cô hồn đói khát vật vờ thoát ra từ diệm khẩu, không người cúng viếng, không người xót thương.

 
Mân cúng rằm tháng bảy

Các bà, các mẹ chúng ta bao thế hệ nay thường hay dạy con thơ trong nhà: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Bảy”, để nhắc nhớ chúng lớn lên, sẽ không bao giờ quên cái lễ nghĩa giàu tính nhân văn như thế của người Việt. Nhớ để mà đối tốt với nhau hơn, trong thế giới âm dương quấn quýt lúc tỏ lúc mờ, một chút nghĩa tình có khi cứu được cả một đời đen bạc.

Nào ai biết được đến một lúc nguy nan nào đó, mình sẽ được cứu vớt, được trợ phù chỉ bởi vì một chút cháo thí cho oan hồn từ thủa xa xưa. Tin chẳng tin thì thôi, nhưng bao giờ mẹ cũng bảo tôi, làm được một việc gì tốt cho ai, dù chỉ nhỏ xíu thôi, cũng cứ cố mà làm.

Tôi ao ước trong sách học của trẻ nhỏ có thật nhiều những câu chuyện dạy chúng tình yêu thương gia đình, hiếu kính với ông bà cha mẹ. Sách hãy viết thật giản đơn, mộc mạc như những chuyện bà tôi, mẹ tôi thường kể với tôi khi xưa, truyện chú bé Tích Chu ham chơi làm bà biến thành con chim rồi hối hận vượt trăm sông ngàn suối để tìm nước tiên về cho bà uống để bà hóa lại thành người.

Tôi ước ao năm nào cộng đồng cũng tìm ra những người con hiếu thảo để tôn vinh, để thế gian được trông vào đó mà thấy tấm lòng mẹ cha thương con biển hồ lai láng đã không uổng phí.

Trong những tội lớn nhất của con người, là tội bất hiếu, người không hiếu kính với mẹ cha, không biết ơn ông bà tiên tổ mình thì chắc chắn, dù tài giỏi giàu có đến đâu, họ cũng chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho cuộc đời.

Chúng ta hàng ngày lạnh người với những vụ con giết mẹ cha, cháu giết ông bà, hoang mang không hiểu vì sao có những kẻ vô lương như thế lại từng được sinh ra từ một cung điện ấm áp trong lòng mẹ.

Chúng đã từng được bế bồng nâng niu trên tay, từng được hưởng một dòng sữa mát lành, được quạt nồng ấp lạnh và nâng đỡ những bước đi chập chững đầu tiên.

Đứa nghịch tử từng khiến mẹ cha đứt từng khúc ruột khi vấp ngã, một vết xước trên da cũng khiến cha mẹ xót lòng, vậy mà dám cầm dao đâm vào chính cha mẹ mình.

Tôi nhớ bà tôi thường bảo, Phật dạy chúng sinh “Phụng thờ cha mẹ là phụng thờ Ðức Phật”.  Ðức Di Lặc đã có bài kệ rằng: “Trên nhà có hai pho tượng Phật/Thương cho người đời không biết mà/ Tượng ấy chẳng dùng vàng son phủ/Cũng chẳng phải gỗ mít tạc ra...”

Đừng thờ phụng đâu xa, cứ chăm chỉ phụng thờ hai pho tượng Phật trong nhà mình là đủ. Một manh áo, một bát canh, một lời hỏi han ân cần khuya sớm mới là chữ hiếu, còn tất cả những điện thờ lộng lẫy, những mâm cao cỗ đầy khi cha mẹ đã khuất núi xuôi tay chỉ là của vô nghĩa phù du.

Tháng Bảy là tháng con cháu hướng về cha mẹ ông bà tiên tổ. Để mỗi người thấy sống lại trong lòng mình bóng cao vời vợi của những ngọn núi Thái Sơn, những suối nước nguồn  chưa bao giờ cạn chảy. Cái đức ấy bình lặng nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác, để duy trì và phù trợ nhân gian trước mọi sự đảo điên.

Nguồn: Phụ nữ today

http://phathoc.net/van-hoc-nghe-thuat/truyen-tuy-but/526253_tren_nha_co_hai_pho_tuong_phat.aspx


Âm lịch

Ảnh đẹp