27/08/2012 15:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 174638
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong truyền thống Phật giáo, Lễ Vu Lan là ngọn nến hiếu hạnh thắp sáng giữa đời thường để cho ai có mắt thì được thấy, có trí thì được sáng tỏ, có tâm thì cảm và có tình, thì tình thêm sáng đẹp, rộng và sâu.
Ngọn nến Vu Lan đã trải qua bao đời thắp sáng mọi hiện hữu để cho ta thấy những ý nghĩa như sau:


*Ngày Tăng Tự Tứ
Ngày rằm tháng bảy, ngày Tự tứ của Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ, các Tỷ kheo thành viên của Tăng tịnh tu trau dồi giới định tuệ. Ngày này chính là ngày các Tỷ kheo Tăng tập hợp tại giới trường để làm lễ Tự tứ.

Tự tứ, tiếng Phạn là pravāraā và Pāli pavāraā. Hán phiên âm là bát hòa la và dịch là Tự tứ, Thỉnh thỉnh hay Tùy ý...

Tự tứ, nghĩa là tự thân vị Tỷ kheo buông ra lời thỉnh cầu vị đồng tu, đồng học, được Tăng sai làm người Tự tứ, chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình từ ba trường hợp thấy, nghe và nghi, sau ba tháng an cư.

Thỉnh thỉnh, nghĩa là thỉnh cầu vị đồng phạm hạnh được Tăng sai làm người Tự tứ chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình, sau ba tháng an cư, trong ba trường hợp thấy, nghe và nghi.

 Pravāraā, Ngài Nghĩa Tịnh dịch là Tùy ý sự, ở trong Căn bản nhất thiết tỳ nại da, cũng có nghĩa tương tợ như vậy.
Cầu thnh vị chỉ điểm lỗi lầm trong lễ Tự tứ, vị chỉ điểm phải có đầy đủ năm phẩm chất, gồm:
-      không có thiên ái.
-      không có sân hn.
-      không có sợ hãi khi chỉ điểm những lỗi lầm của người.
-      không có si mê, mù quáng.
-      Phải biết đúng thời chỉ điểm, ai là người đã chỉ điểm và ai là người chưa chỉ điểm.
Lễ Tự tứ của chúng Tăng là lễ mà vị Tỷ kheo cầu thỉnh vị Tỷ kheo có đầy đủ năm chất liệu không thiên ái, không sân hận, không sợ hãi, không si mê, biết ai đã tự tứ và ai chưa tự tứ, do Tăng tác pháp bạch nhị yết ma sai cử. Khi Tăng tác pháp yết ma để sai cử vị Tỷ kheo có đủ năm đức nầy làm vị chỉ điểm lỗi của vị Tỷ kheo cầu thỉnh trong ba trường hợp Thấy – Nghe – Nghi, sau ba tháng an cư trong lễ Tự tứ. Vị Tỷ kheo cầu thỉnh chỉ điểm và sau khi đã được vị chỉ điểm, chỉ điểm lỗi lầm một trong ba trường hợp Thấy – Nghe – Nghi, cho vị cầu thỉnh, nếu vị cầu thỉnh thấy có tội, thì liền như pháp mà sám hối, khiến cho giới thể trở lại thanh tịnh.
Truyền thống thỉnh cầu những người khác chỉ điểm những lầm lỗi của mình cho mình là một truyền thống cao quý và cực kỳ văn minh trong Phật Giáo.
Mình muốn mình tốt hơn, đẹp hơn, khách quan hơn, dễ thương hơn, thì mình phải cầu mong người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình. Bản thân mình chỉ có thể tiến bộ, khi nào mình biết cầu xin người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình một cách thành khẩn.
Ở trong gia đình có tiến bộ và văn minh, khi những thành viên trong gia đình biết cầu mong những người đàng hoàng trong gia đình, chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình một cách thành khẩn.
Một xã hội chỉ có tiến bộ và văn minh, khi nào những tổ chức trong xã hội, hay những người có quyền lực trong chính quyền, biết cầu mong người dân chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình qua “trưng cầu dân ý”. Người dân cũng chỉ có thể tiến bộ và văn minh, khi nào người dân biết cầu thỉnh những nhà chức trách chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình.
Như vậy, pháp Tự tứ là pháp mà bản thân của các Tỷ kheo muốn tiến bộ trên con đường Giới Định Tuệ, sau ba tháng an cư, họ cầu thỉnh Tăng chỉ điểm những lầm lỗi của họ cho họ, qua ba trường hợp Thấy, Nghe và Nghi, để cho bản thân Tỷ kheo cầu thỉnh có cơ hội sám hối và chỉnh sửa để hoàn thiện đạo đức tự thân và thăng hoa trên Thánh đạo.
Do đó, trong Phật giáo, lễ Tự tứ là truyền thống cầu thỉnh người khác phê bình những lầm lỗi của mình cho mình. Truyền thống nầy có thể không thích ứng cho một xã hội tri thức hoang dại hay một nền tín ngưỡng rừng rú, nhưng nó lại là một truyền thống tốt đẹp, tạo thành nền đạo đức và văn minh nhân loại.
Một xã hội người, thực sự có văn minh, khi nào các thành viên tự ý thức những lỗi lầm của mình và biết mời người khác chỉ điểm những lỗi lầm của mình cho mình, để chỉnh sửa.
Nên, ngày rằm tháng bảy, ngày Tự tứ của Tăng là ngày, mà tự thân của mỗi Tỷ kheo, tự mình cầu thỉnh Tăng chỉ điểm những lầm lỗi của mình cho mình. Chính sự cầu thỉnh nầy mở ra cho vị Tỷ kheo một đời sống hoàn hảo trong hiện tại và vững bước tiến tới tương lai.
*Ngày Phật Hoan Hỷ
Ngày rằm tháng bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, vì sao? Vì Ngài rất vui lòng, khi thấy các thầy Tỷ kheo sau ba tháng an cư đang thực hành pháp Tự tứ và mọi người muốn thăng hoa đời sống tâm linh của mình ở trong Giới, Định và Tuệ.
Đức Phật hoan hỷ, vì các thầy Tỷ kheo thăng hoa đời sống của mình ở trong Giới, Định, Tuệ, và tự thân của các vị Tỷ kheo, sau khi đã thực hành pháp Tự tứ cũng rất hoan hỷ, vì những lỗi lầm của mình đã được Tăng chỉ điểm đúng pháp và tự thân của vị Tỷ kheo cũng đã thấy những lầm lỗi của mình do Tăng chỉ điểm là đúng pháp và cũng đã đúng như pháp mà sám hối một cách hoan hỷ, khiến vị Tỷ kheo luôn luôn được sống ở trong Tăng thể hòa hợp và thanh tịnh.
Tỷ kheo sống đúng bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, ấy là biểu hiện chánh pháp hiện hữu giữa thế gian, làm ruộng phước cho trời người gieo trồng những hạt giống phước đức một cách có ý nghĩa. Và Phật pháp nương nhờ nơi đức thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, mà được duy trì và tuyên dương rộng rãi ích lợi nhân thiên.
Vì vậy, ngày Tăng hòa hợp thanh tịnh tự tứ là ngày Phật rất hoan hỷ và cũng là ngày mà các Tỷ kheo Tăng cũng rất hoan hỷ, vui mừng, vì nhận thêm một tuổi của giới đức đạo hạnh.

*Đức Lớn Của Tăng
Ngày rằm tháng bảy, đánh dấu một sự kiện quan trọng, ấy là năng lực Từ bi chuyển hóa của Tăng.
Nhân lúc, Tôn giả Mục Kiền Liên tu tập đạt được thần thông rất lớn, liền nghĩ đến mẹ và muốn cứu mẹ thoát khỏi khổ luân. Tôn giả đã dùng đạo nhãn của mình nhìn khắp lục đạo chúng sinh để tìm mẹ, và thấy mẹ mình đang ở trong thế giới của ngạ quỷ, chịu bao hình khổ đói khát.
Tôn giả xúc động, thương mẹ liền vận thần thông đưa bát cơm dâng mẹ, khi đưa bát cơm vừa đến tay mẹ, thì mẹ lấy tay trái che lại và tay phải bốc cơm để ăn, nhưng khi đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than đỏ.
Tôn giả thấy như vậy, Ngài rất đau khổ, bèn đem sự kiện đó về bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy về nhân quả nghiệp báo của mẹ cho Tôn giả Mục Kiền Liên nghe, sau đó Đức Phật dạy cho Tôn giả phương pháp cứu mẹ. Đức Phật dạy Tôn giả rằng, ngày rằm tháng bảy, ngày Tăng tự tứ, Tôn giả nên cầu thỉnh các vị Tỷ kheo Tăng trong ba tháng an cư có đầy đủ phẩm hạnh, về tại nhà mình thiết lễ trai Tăng cúng dường và cầu thỉnh đức thanh tịnh của Tăng, chú nguyện cho mẹ của ngươi, khiến tâm thức mẹ của ngươi, nương nhờ đức thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, mà được chuyển hóa, khiến các khổ của mẹ ngươi sẽ được đình chỉ và chấm dứt. Không những mẹ ngươi, mà những tội nhân xung quanh cũng được ảnh hưởng duyên lành này, mà các khổ cũng được tạm thời ngưng lại.
Tôn giả Mục Kiền Liên vâng theo lời dạy của Đức Phật, ngày rằm tháng bảy, cung thỉnh Tỷ kheo thanh tịnh Tăng, thiết lễ trai Tăng cúng dường, kính nhờ chư Tăng chú nguyện để cho mẹ Tôn giả thoát ly khổ báo của loài ngạ quỷ và sanh vào cõi trời với đầy đủ phước báo.
Những chúng sinh đang chịu khổ trong các ác đạo nhờ năng lực chú nguyện của chúng Tăng trong ngày rằm tháng bảy, mà những nỗi khổ đau được đình chỉ. Vì vậy, ngày Vu Lan cũng còn gọi là ngày xá tội vong nhân.
Qua câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ, chúng ta học được điều gì ở nơi câu chuyện ấy và chúng ta ứng dụng câu chuyện ấy, như thế nào vào đời sống của mỗi chúng ta?
Tại sao lần đầu tiên Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ không thành công, mặc dầu Tôn giả đã chứng được thần thông?
Tại vì Tôn giả, tuy tu chứng được thần thông, nhưng chưa quán triệt được nhân duyên nghiệp quả của mẹ, và chỉ nghĩ tới nỗi khổ của mẹ mình, mà không nghĩ tới những người cùng cảnh ngộ như mẹ mình. Và vì do ỷ lại vào sở đắc của mình, khiến cho lòng hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả không thành công. Không thành công là do ỷ lại khả năng tu học của mình mà đơn phương hành hoạt, thiếu năng lực hòa hợp và thanh tịnh của Tăng.
Lần thứ hai, Tôn giả cứu mẹ thành công là nhờ vào sự giáo hóa của đức Phật. Đức Phật dạy cho Tôn giả phương pháp cứu độ mẹ bằng cách phải nương nhờ uy lực thanh tịnh và hòa hợp của chúng Tăng. Nhờ sức mạnh nầy mới có khả năng chuyển đổi những hạt giống từ nơi tâm thức mê lầm của mẹ sang hướng giác ngộ.
Nên, bấy giờ Tôn giả Mục Kiền Liên không những cung thỉnh chúng Tăng để cúng dường cầu nguyện cho mẹ mình, mà còn cầu nguyện cho cả pháp giới chúng sanh, những người đang khổ đau như mẹ mình, cũng đều nương nhờ ân đức chú nguyện của chúng Tăng mà được siêu thoát.
Lần này, Tôn giả cứu mẹ đúng theo lời Phật dạy, nên không những Tôn giả cứu được mẹ, mà còn cứu hộ đến những tội nhân đồng cảnh ngộ như mẹ mình nữa.
Qua việc cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên đã giúp cho chúng ta có cách nhìn xuyên suốt, là sự tu học tự thân thanh tịnh chưa đủ lực để làm lợi ích cho gia đình, xã hội và chúng sinh, mà chúng ta phải biết hiến dâng sự thanh tịnh, cũng như khả năng giác ngộ của chúng ta cho chúng sanh, để chúng sanh cũng có cơ hội thanh tịnh và giác ngộ như chính chúng ta. Chúng ta phải biết cứu mẹ chúng ta hay cứu giúp những người thân yêu của chúng ta bằng tâm, hạnh và nguyện bồ đề thanh tịnh và hòa hợp của Tăng thể, thì hiệu quả của sự cứu giúp mới có khả năng kết thành hoa trái giải thoát. Và chúng ta phải biết liên kết những cái đẹp, cái hay của nhiều người tạo thành năng lượng lớn, sức mạnh lớn cho sự thanh tịnh để chúng ta đi tới sự cầu nguyện có hiệu quả.
Nương vào tuệ giác lớn của Phật, chúng ta thấy rằng, chúng ta không chỉ có cha mẹ một đời, mà chúng ta còn có cha mẹ nhiều đời và liên hệ đến nhiều chủng loại chúng sinh, cho nên chúng ta không phải chỉ cầu nguyện cho mẹ ta, mà còn cầu nguyện cho tất cả chúng sinh cùng cảnh ngộ như mẹ ta đều được siêu thoát. Đó mới là sự cầu nguyện và báo ân có ý nghĩa xuyên suốt và thâm sâu.
Nếu ta có một chút chiêm nghiệm và nghĩ suy trong trầm tĩnh, ta sẽ nhận ra rằng, ở trong đời, không ai bỗng dưng trở thành kẻ có tội, và cũng không có ai ở trong thế gian này bỗng dưng trở thành người hiền thiện.
Ta trở thành kẻ có tội là bởi vì xung quanh chúng ta nhiều người gây tội, cho nên tác động qua lại, tạo thành duyên xấu khiến cho chúng ta rơi vào cảnh giới tội lỗi. Ta trở thành kẻ thánh thiện, vì nhờ có thầy ta, có cha mẹ ta, có những thiện hữu tri thức chịu khó nhắc nhở ta, tạo thành những duyên tốt cho ta và giúp ta trở thành thánh thiện.
Vì vậy, ở đời không có ai bỗng chốc trở thành kẻ tội lỗi hay thánh thiện. Tội lỗi hay thánh thiện cũng liên đới đến nhiều người. Vì vậy, làm được những gì tốt đẹp, chúng ta cũng biết ân và hồi hướng đến nhiều người, chứ không phải chỉ có ta hay người thân của ta. Đây là điều mà chúng ta cần phải học tập trong bài học hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên. Với bài bài học nầy, ta phải thành khẩn và biết cách liên kết những gì thanh tịnh và tốt đẹp lại với nhau, tạo thành nhân duyên lớn, năng lực lớn, giúp ta thành tựu được mục tiêu của ước nguyện.
Chỉ có Tăng mới có đức lớn. Đức lớn ấy, nếu ta biết quay về nương tựa sẽ có khả năng giúp ta thay đổi và chuyển hóa được những nghiệp chủng xấu ác nhiều đời.
*Giải Đảo Huyền
Trong truyền thống Ấn Độ, khi diễn tả sự đau khổ cùng cực của một người, là họ đưa ra hình ảnh của một người đầu bị treo ngược. Cho nên, Vu lan tiếng Phạn là ullambana hay avalambana, Hán phiên âm là ô lam bà noa, vu lan hay vu lan bồn và dịch là giải đảo huyền. Nghĩa là mở sợi dây cho người bị nỗi khổ treo ngược.
Ở Ấn độ, truyền thống báo hiếu trong dịp Tăng tự tứ đã có từ thời đức Phật, mà cụ thể là Tôn giả Mục Kiền Liên đã vâng theo lời Phật dạy thiết lễ cúng dường trai Tăng để cứu mẹ.
Ở Trung Hoa, bản kinh Vu Lan đã được dịch sớm nhất là từ Đại sư Pháp Hộ đời Tây Tấn, năm 265 đến 317, sau Tây lịch.
Đến đời Lương, vua Lương Võ Đế đã ứng dụng báo hiếu theo kinh nầy, tạo thành truyền thống báo hiếu trong dịp Vu Lan. Các vua của Trung Hoa vào đời Tùy Đường cũng thể hiện sự báo hiếu theo kinh Vu Lan này.
Ở Việt Nam, vào đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các vua chúa của các triều đại nầy, cũng đã thể hiện truyền thống báo hiếu này đối với tổ tiên của các bậc tiên vương. Và từ đó cũng lan tỏa ra mọi thành phần ở trong xã hội. Và truyền thống báo ân, báo hiếu như vậy đã được duy trì cho đến ngày nay.

*Hiếu Là Đạo
 Báo hiếu, báo ân không phải là lý thuyết, không phải là triết lý, mà nó đã trở thành hiện thực trong đời sống đạo đức tâm linh của mỗi chúng ta.
Nhiều vị làm văn hóa đề nghị rằng, đưa lễ Vu Lan vào lễ hội văn hóa, nhưng tôi thấy rằng, đề nghị đó không có gì mới mẻ và không có gì sâu sắc cho lắm.
Không có gì mới mẻ, vì lễ Vu Lan là một lễ truyền thống lâu đời của Phật giáo, gắn liền pháp an cư và pháp tự tứ của Tăng trong truyền thống Phật giáo Phạn Hán, và đã có một ảnh hưởng nhất định đối với nền đạo lý hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Và đề nghị ấy không có gì sâu sắc để đáng quan tâm, vì lễ Vu Lan không phải là lễ hội văn hóa, mà đối với dân tộc Việt Nam, lễ Vu Lan đã trở thành nếp sống hiếu nghĩa đạo đức tâm linh của cả dân tộc.
Hiếu nghĩa đặt nền tảng cho đạo đức tự thân, gắn chặt với đạo đức gia đình và xã hội; gắn chặt những điều tốt đẹp của con người giữa đời nầy và đời sau. Hiếu có khả năng đình chỉ mọi điều xấu ác cho tự thân của con người và xã hội. Hiếu có khả năng làm thay đổi con người từ thế giới mê lầm bước tới đời sống giác ngộ. Nên, Vu Lan là pháp học và pháp hành của mọi người con có hiếu thảo, chứ không phải chỉ là triết lý hiếu thảo của các triết gia hay đóng tuồng hiếu thảo của các nghệ sĩ ở nơi các sân khấu hoặc các diễn trường lễ hội.
Văn hóa chỉ là một mảng của cuộc sống mà không phải là tất cả. Hiếu là tất cả cuộc sống của con người mà không phải là một mảng. Hiếu là đạo và hiếu đã trở thành đạo lý của con người. Không có hiếu, ta không có đạo. Không có hiếu, ta sẽ không có tín ngưỡng, không có hiếu ta sẽ không có đạo đức, không có hiếu ta sẽ không có tâm linh, không có hiếu ta sẽ không có cha mẹ, không có dòng họ, không có xóm làng, không có hiếu ta sẽ không có quê hương, không có tổ quốc, không có đồng bào, không có hiếu ta sẽ không có cái đẹp của người trên và kẻ dưới; không có hiếu ta sẽ không có sự đối xử tốt đẹp giữa người sống và người chết. Không có hiếu xã hội loài người sẽ mất trắng đạo đức và tình nghĩa, vì chúng không còn có gốc rễ của cái đẹp. Gốc rễ của cái đẹp đã không có, thì làm gì có văn hóa? Văn hóa đã không có, làm gì có lễ hội văn hóa nhĩ!
*Ngọn Nến Vu Lan
Mùa Vu Lan lại trở về, ta có cơ hội nghĩ đến những điều dễ thương của cha mẹ, và làm cho chất liệu dễ thương ấy có mặt trong thân tâm ta và trong đời sống của ta. Như vậy, ta mới kế thừa được những gì tốt đẹp từ cha mẹ ta và từ nơi tổ tiên nội ngoại của ta.
Ở trong đời không có người cha nào, mà không từng có những hành động và cử chỉ đẹp đối với con cái. Vu Lan về, ta có cơ hội ngồi thật yên lắng, để nghĩ về cái đẹp của cha đối với mình và đối với mẹ mình, và mình ghi cái đẹp đó của cha mình ra trên một tờ giấy, qua từng nét bút thật trang trọng, và hứa sẽ nỗ lực biến cái đẹp của cha trở thành cái đẹp của mình trong hiện tại và trong tương lai. Ở trong đời không có bà mẹ nào, mà không từng có những hành động và cử chỉ đẹp đối với con cái. Vu Lan về, ta có cơ hội ngồi thật yên lắng, để nghĩ về cái đẹp của mẹ đối với mình và đối với cha mình, và mình ghi cái đẹp đó của mẹ ra trên một trang giấy, qua từng nét bút thật trang trọng, và hứa sẽ nỗ lực biến cái đẹp của mẹ trở thành cái đẹp của mình, trong hiện tại và trong tương lai. Nếu ta không kế thừa được những gì tốt đẹp từ cha mẹ ta, từ tổ tiên nội ngoại của ta, thì làm sao ta có thể trở thành người con cháu hiếu thảo ở trong gia đình và dòng họ, để có cơ sở trở thành những con người hữu ích cho xã hội? Ta không biết được cái đẹp của cha mẹ ta và ta không biết trân trọng những cái đẹp ấy, thì ta không bao giờ lớn lên trong cái đẹp làm người và trong cái đẹp của trời đất.
Thời đại chúng ta là đại công nghiệp, nên con người ngày nay đã bị công nghiệp làm cho bận rộn. Bận rộn đến nỗi, con người không còn có thì giờ để ăn và ngủ; bận rộn đến nỗi cha mẹ không còn có cơ hội ngồi chơi với con cái và con cái cũng không có cơ hội ngồi chơi với cha mẹ, để nghe những gì cha mẹ chia sẻ, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất trong thời đại công nghiệp của chúng ta!
Nếu ta làm nhà đạo đức, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà khoa học mà để cho tình nghĩa cha mẹ và con cái bị đánh mất đi trong đời sống của con người, biến con người trở thành vô cảm, thì không có gì tệ hại và tội lỗi cho bằng!
Nếu những nhà lãnh đạo đất nước mà thông minh, thì nên đưa ngày lễ Vu Lan trở thành quốc lễ và khích lệ quốc dân thể hiện sự hiếu kính đối với tổ tiên và cha mẹ đang còn sống cũng như đã qua đời, trong ngày lễ Vu Lan này, tạo thành một điểm nhấn đạo đức để giữ nước và dựng nước.  Mọi người dân sẵn sàng hy sanh thân mạng để giữ nước và dựng nước, vì trong hồn thiêng đất nước vốn có cha mẹ và tổ tiên của họ. Họ yêu đất nước qua tổ tiên, cha mẹ của họ, nếu không có cha mẹ tổ tiên của họ, họ không bao giờ có đất nước để yêu!
Hôm nay mùa Vu Lan lại trở về, tôi xin được chia sẻ những cảm niệm về Vu Lan của mình và mong rằng, Tăng Ni Phật tử chúng ta cùng nhau thực tập, thắp sáng ngọn nến Vu Lan, để bao oan khiên, nghiệt ngã giữa đời thường xóa sạch, để cho ý nghĩa Vu Lan trở thành hiện thực trong đời sống của mỗi chúng ta, và để chúng ta có thể trao truyền ngọn nến Vu Lan này, đến với các thế hệ con cháu của chúng ta trong tương lai.

                                                                                                     Thích Thái Hòa


Áo tôi vàng
em cài lên hoa trắng,
màu trinh nguyên
màu mẹ đã qua đời;
Tôi không khóc
khi áo cài hoa trắng,
vì trong hoa
tôi thấy mẹ tôi cười.

Áo tôi vàng
 em cài tình hoa trắng,
Tình trinh nguyên
 tình của mẹ ngày xưa.
Tôi không khóc
 khi nhận tình hoa trắng,
vì là hoa
ngày trước mẹ tôi yêu.

Áo tôi vàng
em cài lên hoa trắng,
giữa mùa trăng
hiếu hạnh nhớ về nguồn.
Tôi không khóc
 khi áo cài hoa trắng,
Vì mùa trăng
mùa mẹ bước lên ngôi.

Áo tôi vàng
em cài lên hoa trắng,
màu trắng thơm
màu mẹ đẹp tuyệt vời.
Tôi không khóc
khi áo cài hoa trắng,
vì trong hoa
tôi thấy mẹ ngàn nơi.

Áo tôi vàng
em cài lên hoa trắng,
đóa hoa xưa
ngày mẹ xới đất trồng;
Giữa những ngày
mưa chang và nắng quái;
giữa biển cồn
đời mẹ hóa thành bông.

Đời của mẹ
đã hóa thành hoa trắng,
hoa thơm tươi
hoa thanh bạch, mẹ ơi!
Tình của mẹ
là tình bông hoa trắng,
tình thiêng liêng
lồng lộng giữa đất trời.


LỜI THƠ DÂNG MẸ
Mẹ ơi,
mẹ đã về nguồn
chiều hoang liêu xuống
đau lòng lữ thân,
mẹ như
cánh bạc xa dần,
xa khơi biền biệt
bây giờ tìm đâu!

Cô đơn
cánh trắng mẹ nằm,
dáng thương chừ đã
ngàn năm rã rời.
Sương trăng
xuống phủ lưng đồi,
bâng khuâng tình mẹ
mắt vời vợi trông.

Mẹ ơi,
nhớ thuở trời đông,
thân con cảm lạnh,
ấm nồng mẹ nhen!
Lít liu
mờ ảo bóng đèn,
lắng nghe con thở
thâu đêm mẹ ngồi.

Mẹ ơi,
nhớ độ về ngôi,
mẹ nâng chéo áo,
mẹ kề môi thương,
mẹ đem
tâm sự đêm trường,
Mẹ khuyên con gắng
trọn đường con đi!

Mẹ tình
như ngọc lưu ly,
mênh mông biển cả
nay thì còn đâu,
chắp đôi tay lại
nguyện cầu,
Đất Thiên cõi Thánh,
mẹ an nhiên về!




LỜI MẸ RU
Đục trong
đời có đôi dòng,
thanh hương của mẹ
từ lòng đất ra.

Mẹ yêu
vượt mấy thiên hà,
mẹ yêu vượt cả
hằng sa mạch nguồn.

Mẹ yêu
thấm mát càn khôn,
mát đời con giữa
sóng cồn bể dâu.

Mẹ yêu
bắc một nhịp cầu
đưa con vượt khỏi
nỗi sâu thế gian.

Mẹ ru
tình ngập nắng vàng,
Mẹ ru tình ngập
ba ngàn đại thiên.

À ơi,
tình sạch ưu phiền,
bình yên từ cõi                              
chân nguyên vọng về...
À ơi, ơi à, à ơi...


Âm lịch

Ảnh đẹp