có đầu mà không có kết: Một
hài nhi vừa mới ra đời đã vươn dạy, đi đứng quen thuộc, tuyên bố lời dị thường,
rồi sau đó không lẽ lại rùng mình ngã trở lại vào vòng tay nâng đỡ của thường
nhân? hay là gì khác (chẳng thấy kể ra)? hay chỉ tan vào hư ảo như lúc nó xuất
hiện?
Đức Thích Ca nếu có dịp trở
lại ghé thăm thế giới của chúng ta, chắc ngài cũng phải quở: “Đạo của ta là đạo
của sự thật, đạo của trí tuệ, thế mà các ông không thấy sự giới thiệu của các
ông khởi đầu về ta là hư ảo, là thần thoại như vậy chẳng phải là mâu thuẫn lắm
sao?”
Nay với khung cảnh tiến bộ,
hiện đại của xã hội, cộng đồng, trình độ của các Phật tử đòi hỏi phải giải thích
các giáo pháp của Phật theo chiều hướng có quy luật và duy lý, ta nên xem tất cả các giải thích thần thoại
về Đức Phật như là một loại lịch sử bên lề, thích hợp với thời đại mà con
người còn lo ngại bóng tối và hứng thú với những chuyện dị thường, thì sự trưng
dẫn chuyện tích phải cung ứng những giá trị đại loại như vậy để tồn tại, thích
hợp và phát triển trong khung cảnh đó. Vậy nay đã đến lúc chúng ta phải có bổn
phận tách biệt vị thầy của trí tuệ ra khỏi những chuyện hoang đường, có đầu mà
chẳng có kết như xưa đã từng làm, bằng cách giải thích hình cảnh bẩy bước hoa
sen một cách hợp lý, hầu mang lại cho nó một giá trị mô phạm thích hợp, và xứng
đáng làm biểu tượng đẹp đẽ ngay nơi tiền diện của các chùa. Song song với việc
biến nó thành một trình tự theo đúng với quy luật nhân quả: Ai gieo một chủng tử Phật Pháp nơi đất tâm
là đã thành một vị tiểu Phật vừa mới ra đời (cũng đồng nghĩa là thành một
Phật tử), sau đó tin sâu, theo học một cách chuyên cần, rồi sau cùng cũng sẽ đạt
được quả Phật (cái ta giải thoát), biến cái ta vô minh, mờ tối khi xưa trở thành
một cái ta quý giá, trên trời dưới đất không có gì quý bằng.
***
Mỗi năm gần đến ngày Phật Đản,
trên mạng lại xuất hiện một số bài viết về đề tài này nhằm giới thiệu Đức Phật
và nhân đó quảng bá Phật Pháp, tùy cái “thấy” khác nhau của người viết. Tựu
trung tất cả đều dựa trên những chuyện tích cũ của Đức Phật là ngài mới sinh ra
đã trỗi dạy, đứng và đi trên bẩy hoa sen hiện ra trước mặt, dừng ở hoa sen thứ
bẩy, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và tuyên bố lời dị thường.
Chấp nhận và lướt qua sự
giới thiệu thần thoại này với sự dễ dãi, thì ngay sau đó lại đối mặt với nhiều
mâu thuẫn hiển nhiên, dẫn đến bế tắc như nêu trên trong “Lời nói đầu” mà ta không
cần dông dài liệt kê ra đây.
Với những mục đích trên đây,
phật tử Ngẫu Hồ xin được trở lại đề tài, với sự giải thích cẩn trọng hơn về thức
thứ bẩy và thức thứ tám đã dùng để liên kết bẩy bước hoa sen trong dịp kính mừng
Phật Đản 2556, nhằm vào tháng tư 2012 dương lịch:
- Nhằm đưa Đức Thích Ca ra khỏi sự gán ghép, kiên cưỡng không
cần thiết, và chấm dứt vĩnh viễn sự liên kết ngài với khởi đầu bằng một chuyện
huyễn hoặc, mơ hồ, vì ngài đã và mãi mãi là một bậc thầy về trí tuệ của nhân loại.
- Sự hiểu đúng giá trị, ý nghĩa của câu chuyện bẩy bước
hoa sen, rồi phổ biến nó đến những Phật tử chưa hiểu là đóng góp một pháp lành
vào điều dạy của Đức Thích Ca “Theo ta mà không hiểu ta là hủy báng ta”.
- Nhằm đề phòng những sự hiểu biết sai lạc, sẽ dẫn đến
biến tấu, hạ thấp giá trị của chánh pháp.
- Nhằm tạo thiện cảm, tâm phục cho những người ở ngoài văn
hóa Phật giáo, trong ngay lần tiếp xúc đầu tiên với Phật giáo, đồng thời giúp
cho mọi người dù ở trong hay ở ngoài văn hóa Phật Giáo khi nhìn thấy hình cảnh của vị tiểu Phật đứng trên hoa sen, thì ai ai
cũng thọ hiểu trong sự hoan hỉ.
Biết bao trang sách biện
giải, biết bao lý luận tỷ giảo để sau cùng cũng để chỉ ra
cái tối hậu giải thoát
này, vậy mà nó được gói ghém trọn vẹn
trong hình cảnh bẩy bước hoa sen mà ta lại đem giải thích nó sai hẳn với giá trị
thật của nó, cùng lúc biến Đức Thích Ca thành một nhi thần mới sinh, xuất xuất,
nhập nhập, giống như trong một chuyện đồng bóng, nhập hồn, xuất hồn tầm thường
thì thật là đau lòng.
Sau đây là phần chi tiết:
Một người bất kể ai,
khuynh hướng nào, tuổi tác bao nhiêu, khi được tiếp xúc với Phật Pháp, bỗng dưng
bùng vỡ một cái “thấy”, thì ngay đó, mình trở thành một vị tiểu Phật vừa mới sinh
ra đời. Hàm nghĩa một chủng tử Phật vừa mới được gieo nơi đất tâm của mình (tức
thức thứ tám hay còn gọi là A Lai Da thức, hay còn gọi là ngã thức). Thành một
vị tiểu Phật vừa mới ra đời, cũng đồng nghĩa là thành một Phật tử sẽ quyết tâm đi
tìm hiểu thêm về giáo pháp.
Theo thiển ý, đây là một
giải thích mang tính chiêu dụ rất trang trọng, rất tâm lý. Người nghe được ví mình
là một vị tiểu Phật sẽ làm cho họ phấn chấn, hãnh diện, tuy thế, cũng nên giải
thích sau đó, là thành một vị tiểu Phật không có nghĩa là đã thành đạt được quả
vị Phật ngay. Tiểu Phật được dụ cho một mầm hạt vừa đã được gieo trồng và phải
được chăm sóc một cách đúng mức, kỹ lưỡng, thì sau đó, hạt mầm mới nảy lên thành
cây (cây Phật) được.
Trở lại, tại sao tôi lại
nhấn mạnh đến sự bùng vỡ một cái thấy là vì muốn ám chỉ một cái thấy gây kinh
ngạc, một cái thấy chưa bao giờ mình tiếp xúc được từ trước đến giờ, nhờ đó mà
sau sẽ đem đến sự chuyển hóa nội tâm, biến cái tâm lang thang, không định hướng
trước đây của ta, nay thành một khuynh hướng rõ nét: khuynh hướng Phật tử và ngang
đây ta trở thành một Phật tử, có niềm tin sâu vào Phật pháp.
Sự chăm sóc mầm Phật để nên
cây là dụ cho công lao tìm học một cách nghiêm túc các pháp Phật, sự lớn lên dần,
vững chãi của cây với thời gian dụ cho sự thấm nhập các pháp cao hơn (chiều cao
của cây và sự đâm rễ sâu hơn). Cây càng cao, rễ càng sâu, tư duy Phật pháp càng
trưởng thành, dần dần hoa sen đầu tiên đã bắt đầu ló dạng.
Đức Thích Ca đã dùng hoa
sen để biểu trưng cuộc sống và giáo lý của ngài (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa), vì
thế, hoa sen thường được dùng trong các chuyện tích của Phật giáo, ám chỉ đặc
biệt của sự không nhiễm ô, vì hoa sen tuy xuất hiện và trưởng thành trong bùn
tanh tạp chất, vẫn đứng thẳng lên và tỏa hương thơm tinh khiết.
Bùn tanh tạp chất là dụ
cho đời thường, trần gian; hoa sen đứng thẳng lên từ bùn, dụ cho hình ảnh một hành
giả Phật tử sống trong đó, mà không bị ảnh hưởng, lôi cuốn, trì kéo bởi những cám
dỗ, lậu uẩn, mà vẫn hướng đến giải thoát cao thượng.
Hoa sen giải thoát đầu tiên
là nhãn thức, giờ đây đã thành tựu rõ rệt, mà một khi một căn thức được giải
thoát thì các căn thức còn lại sẽ được giải thoát. Đây là lời giảng khẳng định
của Đức Thích Ca trong kinh Lăng Nghiêm cho ngài A Nan. Các đạo hữu Phật tử có
thể tìm thấy trên các website của Phật giáo hay ngay trên Thư Viện Hoa Sen cũng có đầy đủ.
Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân,
ý và mạt na thức, đã được thanh sạch, tượng trưng cho bẩy hoa sen thơm ngát. Đứng
và đi được trên bẩy hoa sen, dụ cho sự làm chủ được các thức tình này, tức là
giải thoát rốt ráo, trọn vẹn. Việc đứng trên thức thứ bẩy mới tuyên bố lời
chung kết là được dụ cho sự sạch hết hoàn toàn các lậu uẩn vi tế, tiềm ẩn sâu
xa nơi tâm thức, vì thức thứ bẩy nằm sâu hơn ý thức như sự giải thích dưới đây.
Khi bẩy thức được giải thoát, thì thức thứ tám là ngã thức (tức là A Lai Da thức)
cũng được giải thoát thành hoa sen thứ tám, vô hình, vô tướng. Đây cũng chính là
Chân Ngã tôn quý nhất trần gian, được tượng trưng bởi câu:
“Trên trời, dưới đất, chỉ có ta (ngã) là tôn quý.”
Dịch từ câu:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”
Ta (ngã) trong đây, chính
là Chân Ngã, chính là Phật Tánh của mỗi hành giả Phật tử sau
khi đã “xong việc nhàn ca”.
Tóm lại, khởi đi từ một chủng
tử Phật, thành một vị tiểu Phật mới ra đời, công phu kiên cố, để sau cùng đạt
được quả Phật, thì cái ta trong lời tuyên bố chung kết nọ mới có ý nghĩa là cái
Ta giải thoát (Phật tánh). Đó chính là cái mục tiêu tối hậu của tất cả các hành
gỉa tu theo Phật nhắm đến.
Vì là Phật tánh, nên trên trời, dưới đất mới không gì
quý bằng. Ý nghĩa này đã thật rõ ràng.
Sau đây, tôi xin được bổ túc
một cách tóm tắt về thức thứ bẩy và thức thứ tám. Đây là hai thức nằm sâu hơn ý
thức, nên hơi khó thấy. Xin được dùng 2 thí dụ làm đơn cử có thể nêu lên được
hai thức này:
Thí dụ 1: Anh A đã thay
xong quần áo để sẵn sàng đi làm, anh thấy trên bàn có chùm chìa khóa, anh vơ lấy,
sau đó, anh đi tìm cái cặp da, ra tới cửa, tính xỏ chân vào giầy, nhưng lại nhớ
tới chưa lấy chìa khóa, anh hốt hoảng đi tìm, vì do hốt hoảng phóng chiếu chế
ngự trên ý thức (thức thứ sáu) nên quên là mình đang cầm chùm chìa khóa trong
tay, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ phải đi tìm chìa khóa, mắt dáo dác nhìn khắp nơi
trong sự căng thẳng và hoảng hốt, sợ trễ giờ đi làm.
Trong trường hợp này, thức
thứ sáu nhớ đến chùm chìa khóa mà hoảng hốt đi tìm. Thức thứ bẩy “chạy” đây đó
giúp thức thứ sáu đi tìm chùm chìa khóa (thức thứ tám). Bạn nghĩ sao? Khi nào
thì anh A tìm thấy chùm chìa khóa? Câu trả lời là, chỉ khi nào anh A ngưng đi tìm,
thì nhìn thấy ngay chùm chìa khóa đang trong tay mình.
Vậy khi hỏi thức thứ 8 nằm
ở đâu, thì cũng tương tự như ta đang đóng diễn cái hoạt cảnh trên đây, cái ta đang
hỏi, nó chính là cái đang là. Chính cái sinh diệt, cái tâm phan duyên, cái tâm
chạy theo sống trong trần cảnh, còn được gọi là ngã thức, hay A Lai Da thức, nó chẳng ở trong, nó chẳng ở ngoài.
Khi ta sinh ra một niệm ưa thích, thì nó chính là cái ưa thích đó, và ngược lại,
khi ta chê bai, thì nó chính là cái chê bai đó. Nó theo ta và xuất hiện cùng tất
cả nơi pháp giới mà ta có mặt cho đến ngày chung cuộc của ta tức là khi ta nhắm
mắt lìa đời, thì nó trở thành nghiệp thức đưa ta về với duyên mới!
Thí dụ 2: Một người nhận
được một cú điện thoại và họ dùng điện thoại di động nói chuyện, đang trong câu
chuyện, họ nhớ là cần phải đi chợ, và theo thói quen, khi ra bên ngoài, là phải
mang theo điện thoại, nên vừa nói chuyện, vừa đi tìm điện thoại để mang theo, trong
trường hợp này, thức thứ sáu vừa để ý tới cuộc nói chuyện, vừa nghĩ tới việc phải
tìm điện thoại, thức thứ bẩy “đi” khắp nơi trong nhà để giúp thức thứ sáu tìm điện
thoại (thức thứ tám).
Chuyện cưỡi trâu đi tìm trâu
cũng tương tự chuyện cầm chìa khóa mà đi tìm chìa khóa hoặc chuyện cầm điện thoại
mà đi tìm điện thoại. Bạn nghĩ sao? Khi nào thì tìm thấy chìa khóa, điện thoại?
Chỉ khi nào chấm dứt sự đi tìm, thì người đó mới nhận ra rằng, chùm chìa khóa, chiếc
điện thoại mình đang cần tìm chính là đang ngay trong tay mình.
Thức thứ bẩy khi được giải
thích đơn lẻ sẽ dễ thấy hơn. Thí dụ như lúc nào các bạn có dịp phải đếm một số
lớn lên đến vài trăm, như lúc tập thể dục, dịch cân kinh, vảy tay chẳng hạn. Lúc
đếm được tới lúc nào đó, đầu bỗng nghĩ miên man sang một chuyện khác, một lát
sau quay lại, vẫn thấy sự đếm số không bị lộn xộn, nghĩa là vẫn theo thứ tự, thì
đó là nhờ mạt na thức hoạt động thay cho ý thức. Để ý vài lần, bạn sẽ thấy mạt
na thức thể hiện rõ hơn.
Riêng thức thứ 8, khi còn
phan duyên, còn sinh diệt thì gọi là ngã thức, nhưng khi đã được sạch rỗng, chấm
dứt chạy theo trần cảnh, chấm dứt sinh diệt thì gọi là Chân Ngã, hay Phật Tánh
cũng thế.
Tùy lúc, tùy nơi mà gọi nó
là gì.
Kết luận:
Phật tử Ngẫu Hồ tôi chỉ
mong giải thích câu chuyện bẩy bước hoa sen bằng Phật pháp, hy vọng nêu lên được
một quy luật nhân quả rằng, ai gieo một chủng tử Phật, với một lòng tin sâu,
sau đó tìm học và hành Phật pháp, thì sau cùng sẽ được một quả vị Phật, không
sai chạy, và sự đính chính rõ rệt là vị tiểu Phật lúc sinh ra đời đi bẩy bước không
nhất thiết là Đức Thích Ca Mâu Ni. Sở dĩ, tôi phải nhắc đi, nhắc lại hai điều
này, vì các chùa thường hay đặt hình cảnh này ở ngay mặt tiền, mà nếu không giải
thích khế hợp, hoặc lảng tránh sự giải thích, ý nghĩa câu chuyện khi được hỏi đến,
thì có khi biến cuộc tao ngộ đầu tiên thành một buổi trà đàm ngắn ngủi. Vậy, điều
cẩn thận này, nếu được đánh giá là quá đáng thì xin quý vị Phật tử cho tôi được
xin lỗi (3 lần).
Nếu các bạn đồng thuận sự
giải thích như trên, thì xin được phổ biến khi thuận duyên.
Ngoài mục đích đơn giản,
rõ rệt nêu trên trong bài, tôi không mong đề tài dắt đến sự tranh luận đúng sai
của các pháp Phật. Đa tạ.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni.
Phật tử Ngẫu Hồ.