Tổ chức Đại lễ Phật đản với quy mô xứng tầm


năm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc
19/04/2012 15:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 140830
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Phật giáo VN cần có những hoạt động chào mừng tương xứng với năm có Đại hội Phật giáo toàn quốc. Năm nay, năm 2012, sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, tổng kết Phật sự của nhiệm kỳ đã qua, hoạch định và bắt đầu Phật sự của một giai đoạn mới.

Sự kiện quan trọng này của Phật giáo Việt Nam cần có những hoạt động chào mừng tương xứng, tạo không khí hân hoan của năm có Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Tuy vậy, vấn đề còn là ở chỗ Phật giáo Việt Nam chúng ta, tuy đã có thực hiện, nhưng vẫn chưa quen thuộc lắm với hoạt động truyền thông và sinh hoạt cộng đồng tiền sự kiện, mà cụm từ vẫn thường dùng là “hoạt động chào mừng”.

Do vậy, việc băn khoăn khi nêu ra vấn đề là việc tất nhiên.

BTN_0140.JPG

Đại lễ Phật đản PL.2555 - DL.2011 được tổ chức tại sân chùa Vĩnh Nghiêm- Ảnh: B.Toàn

Từ đó, chúng tôi nghĩ đến khả năng, dùng chính các sự kiện thường kỳ của Phật giáo, nhưng tổ chức với quy mô lớn hơn so với thường kỳ, để lấy đó làm sự kiện chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Xét lịch trình các lễ hội Phật giáo trong năm, thì không gì bằng lấy việc tổ chức với quy mô đặc biệt Đại lễ Phật đản làm sự kiện chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc. Đại lễ Phật đản, về mặt thời gian, chính là sự kiện quan trọng hơn hết trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Có thể lấy việc tổ chức chính với quy mô lớn Đại lễ Phật đản làm sự kiện chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, cũng có thể tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội lồng ghép vào thời gian tổ chức Đại lễ Phật đản, để nhân không khí Đại lễ Phật đản hình thành không khí chào mừng Đại hội. Nhưng dù với hình thức nào, Đại lễ Phật đản PL.2556 - DL.2012 vẫn phải là sự kiện trung tâm, để từ đó lấy làm điểm tựa để tạo đà tổ chức hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Nếu trong năm có Đại hội Phật giáo toàn quốc mà việc tổ chức Đại lễ Phật đản lại cũng chỉ diễn ra bình thường như mọi năm, thì đó quả là một việc đáng buồn, đáng lấy làm tiếc.

Ở đây không chỉ là vấn đề của hai sự kiện có liên quan với nhau, Đại lễ Phật đản trong năm tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc, mà còn là ở chỗ nếu không tổ chức với quy mô lớn Đại lễ Phật đản, thì sẽ đánh mất đi cơ hội khai thác những cuộc tụ họp đông đảo Tăng Ni Phật tử để lấy đó làm chính hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Vì vậy, tổ chức Đại lễ Phật đản năm Dương lịch 2012 với quy mô đặc biệt, hình thức phong phú ở các cấp Giáo hội chính là hoạt động cụ thể và thiết thực chào mừng Đại hội Phật đản toàn quốc. Và nếu ngược lại, thì chính là đã có vấn đề trong việc tiến tới đại hội.

Đi vào cụ thể, xin có một số đề xuất có tính chất gợi ý như sau:

- Bổ sung một hoặc nhiều khẩu hiệu có nội dung chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc vào những khẩu hiệu chào mừng Đại lễ Phật đản.

- Ngoài các văn bản mừng Phật đản truyền thống như Thông điệp của Đức Pháp chủ và Diễn văn của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, có thể bổ sung truyền thông các nội dung chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

phatdan1964saigon-5.jpg

phatdan1964saigon-6.jpg

Nhiều Tăng Ni, Phật tử chứng kiến vẫn nhớ về Đại lễ Phật đản tại Bến Bạch Đằng (Sài Gòn) - 1964

- Tổ chức cuộc lễ Phật đản tại lễ đài Phật đản với ý nghĩa bổ sung là những cuộc mít-tinh của Tăng Ni Phật tử chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc. Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, việc xây dựng lễ đài Phật đản cũng như tập hợp Tăng Ni Phật tử cần có quy mô vượt mức bình thường. Cụ thể là, lễ đài cần xây dựng quy mô hơn, có bước đột phá trong trang trí, số lượng Tăng Ni, Phật tử tham dự cần đông đảo hơn, vị trí hành lễ nên là nơi công cộng, có sức chứa đông đảo, có không gian mở, tạo được không khí chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc đến với đông đảo mọi người.

- Ngoài mít-tinh chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, cũng chính là cuộc lễ Phật đản tại các lễ đài, cần tổ chức những cuộc diễu hành chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, vì trong những hoạt động chào mừng sự kiện, mít-tinh tập hợp bao giờ cũng đi đôi với tổ chức diễu hành. Diễu hành chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc có thể tiến hành thông qua các hình thức như rước kiệu Phật, diễu hành xe đạp hoa gắn với các mục tiêu phục vụ xã hội như bảo vệ môi trường, cổ động hoạt động từ thiện nhân đạo…, diễu hành xe hoa tốc độ chậm nhiều ngày trước lễ Phật đản với mục tiêu xác định riêng là Chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

- Tổ chức một số xe hoa bổ sung, với nội dung thể hiện hoạt động và thành tích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thêm vào số lượng xe hoa bình quân hàng năm vào dịp lễ Phật đản) với các khẩu hiệu chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

- Trang trí cờ, băng rôn, lồng đèn, tranh ảnh… tại các chùa có quy mô vượt trội hàng năm, bổ sung điểm nhấn chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, duy trì từ thời điểm Tuần lễ Phật đản đến hết Đại hội Phật giáo toàn quốc.

- Tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác như tuần lễ sách, tuần hay tháng văn hóa Phật giáo, triển lãm nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao có liên hệ đến Phật giáo, như đi bộ, chạy bộ, leo núi lên các Thánh tích Phật giáo… đều nhằm mục tiêu chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc trong suốt thời gian từ Tuần lễ Phật đản đến kết thúc Đại hội Phật giáo toàn quốc.

- Trên cơ sở hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc, phía Giáo hội có kế hoạch tăng cường phối hợp, kết hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình quảng bá dịp lễ Phật đản năm nay như là hoạt động chính chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc.

Không có các hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc cũng có nghĩa là Phật giáo Việt Nam chúng ta vô tình làm giảm đi tầm vóc của Đại hội Phật giáo toàn quốc năm nay. Vì vậy, trách nhiệm tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay như là một hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc hay lồng ghép các hoạt động chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc vào Đại lễ Phật đản năm nay là trách nhiệm và cũng là niềm vui chung của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, những người yêu đạo Phật tại Việt Nam, những người đã dày công xây dựng và vun đắp cho sự hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Minh Thạnh

http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2012/04/17/36D258/


Âm lịch

Ảnh đẹp