GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
-------------------------
DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2556
của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni
Kính thưa quý Phật tử trong và ngoài nước,
Hôm nay, Rằm tháng Tư năm Nhâm Thìn 2012, Phật lịch 2556, Tăng Ni
Phật tử Việt Nam cùng với những người con Phật trên khắp thế giới hân
hoan thành kính đón mừng kỷ niệm ngày Khánh đản lần thứ 2.636 của Đức
Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta lắng lòng tưởng nhớ đến sự kiện hy hữu,
đến đại sự nhân duyên. Dưới cội cây Vô ưu vườn Lâm tỳ ni nước Ca tỳ la
vệ, Đức Phật đản sanh, bước đi bảy bước, mỗi bước có tòa sen báu đỡ chân
Ngài. Đấy là sự xuất hiện trên đời này của Đấng Thế Tôn, đem ánh đạo
vàng đến với nhân loại. Cội cây Vô ưu ấy đã không còn, vườn Lâm tỳ ni
dần tàn rụi, nhưng chưa đầy ba thế kỷ sau, vua A Dục đã dò tìm và dựng
trụ đá kỷ niệm nơi đản sinh của Đức Phật. Đến nay, trụ đá ấy, suốt hơn
22 thế kỷ, vẫn còn sừng sững oai nghi tại thánh địa Lumbini thuộc nước
Nepal hiện tại. Vô thường, đổi thay vẫn xảy ra, dù trụ đá thiêng cũng có
ngày hư hoại, nhưng giáo pháp của Đức Phật trong ý nghĩa vô vi thì
không thể tàn phai. Và như thế, hình ảnh đại sự Đản sinh của Đấng Từ phụ
vẫn còn mãi trong lòng những người con Phật. Mặt đất rung chuyển, hoa
trời tuôn rơi, nhạc trời vang lừng, bảy đóa sen thiêng và kim ngôn
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn…”
Nội dung 45 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn vẫn còn vang mãi đến ngày
nay. Dù trần gian vẫn còn khổ đau vì tam độc tham sân si, dù Phật giáo
cũng từng trải qua những thịnh suy, ngày nay, đạo Phật đã phát triển
rộng lớn, không những ở các nước truyền thống Phật giáo ở châu Á mà còn
lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới trong vận hội mới của nhân loại.
Trong gần nửa năm qua của năm cuối nhiệm kỳ VI Trung ương Giáo hội
Phật giáo Việt Nam, một trong những hoạt động Phật sự quan trọng nhất là
các cấp Giáo hội đã nỗ lực hoàn tất kế hoạch năm năm đã đề ra và chuẩn
bị tổng kết các hoạt động tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần
thứ VII sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, các
Tỉnh, Thành hội đã khởi sự hoặc chuẩn bị khởi sự tổ chức Đại hội Phật
giáo ở cấp địa phương. Đây là Phật sự quan trọng ảnh hưởng đến sự thành
công của Đại hội toàn quốc. Hiển nhiên, vấn đề nhân sự quyết định sự
thành bại của tổ chức và hoạt động Phật sự. Lục hòa, Tứ nhiếp để giữ sự
đoàn kết nhất trí trong Giáo hội là tâm niệm của tất cả chúng ta. Chúng
ta cương quyết không để tranh chấp, tiêu cực, bất đồng xảy ra.
Một Phật sự quan trọng nữa, đòi hỏi trí tuệ tập thể, đó là việc chuẩn
bị tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội để có thể được tổng duyệt trong
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc vào cuối năm nay. Cùng với đất
nước, Giáo hội đang trên đà phát triển; hoàn cảnh cơ duyên mới của đất
nước, của thời đại khiến chúng ta cần tu chỉnh một vài điểm trong Hiến
chương. Giáo hội ta đạt nhiều thành tựu trong tổ chức và trong hoạt động
cũng là nhờ mọi thành viên đều tuân thủ Hiến chương và sự tu chỉnh Hiến
chương là bình thường và cần thiết để phù hợp với hoàn cảnh và giai
đoạn phát triển. Bộ phận Thư ký Ban Tu chỉnh Hiến chương thuộc Ban
Thường trực Hội đồng Trị sự cần làm việc nghiêm túc, cần thảo luận, cần
lắng nghe, đúc kết ý kiến đóng góp của các cấp Giáo hội, của quần chúng
Tăng Ni, Phật tử để soạn dự kiến các điểm tu chỉnh trình Thường trực Hội
đồng Trị sự, từ đó sẽ được thông qua trong Đại hội Toàn quốc lần thứ
VII.
Chúng ta có Pháp, có Luật của Đức Bổn sư để lại. Ngài từng dạy, Này
các Tỳ kheo, từ khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho
đến khi Như Lai nhập Vô dư Niết bàn, trong thời gian ấy, điều gì Như Lai
nói, tuyên bố, nêu rõ lên, tất cả là như vậy, không có khác được. Do
vậy được gọi là Như Lai.” và “Này các Tỳ kheo, như Lai nói gì thì làm vậy, nên được gọi là Như Lai.” (Kinh Phật thuyết như vậy). Đức
Phật đã xuất hiện ở đời, đã chứng đắc Đại giác, đã giảng pháp cao
thượng, đã thành lập Tăng già, đã chứng nhhập Niết bàn, Ngài đã làm tất
cả vì thương tưởng cho đời. Ngài dạy, “Này Cunda, những gì bậc Đạo sư đã làm vì hạnh phúc của loài người, vì
lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy ta đã làm xong vì lòng thương
tưởng cho các người. Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi
nhà thanh tịnh. Này Cunda, hãy thiền định, chớ phóng dật. Về sau chớ hối
tiếc. Đó là giáo huấn của ta cho các người.” (Trung bộ kinh, Kinh
Sallekha, số 8). Chúng ta hiểu những gốc cây ở đây chỉ cho sự thanh bần, giản dị trong nếp sống, trong tu tập; những ngôi nhà thanh tịnh là chỉ cho Thiền định, cho sự hòa hợp giữa những người con Phật, cho sự tĩnh lặng của tâm thức.
Đức Bổn sư đã ra đời, đã làm những gì cần làm, và đã để lại Pháp và
Luật cao thượng cho chúng ta. Những gì còn lại là phần của chúng ta, tức
là thực hiện theo Pháp và Luật ấy để tiến đến giải thoát tối hậu. Ngài
đã khuyên dạy, “Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng khi các Thầy hướng
đến mục đích Sa môn hạnh, chớ từ bỏ mục đích này khi đang còn nhiều
việc phải đáng làm.” (Kinh Trung bộ, Đại kinh Xóm ngựa, số 139).
Tinh tấn trong thiền định, trau dồi đạo hạnh, chuyên cần trong tu
học, giản dị trong nếp sống, tích cực trong việc xây dựng Giáo hội, phát
triển đạo pháp, đóng góp cho hạnh phúc an bình thịnh lạc cho đất nước
và cho mọi chúng sinh phải là bổn phận, trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Trong niềm cảm ứng tưởng như đang được tắm gội ánh đạo vàng tỏa từ kim
thân của Đức Bổn sư, đấng Từ phụ, tôi chân thành kính chúc chư tôn Hòa
thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và các Phật tử trong và ngoài nước
một mùa Phật đản an lạc, một năm thắng lợi trong các hoạt động vì Đạo vì
Đời.
Xin cảm ơn chư liệt vị
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT