24/05/2011 21:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 1973
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mặc dù đó đây làm Phật đản rất hùng tráng, trang nghiêm; nhưng vẫn còn chỗ nọ chỗ kia làm Phật đản cầm chừng, và tự lấy dây trói tay mình một cách hết sức vô lý.


Nhìn theo từng cụm, từng vùng thì có điều vui mừng. Nhưng, nhìn trên tổng quát của một tôn giáo của dân tộc, chúng ta vẫn cảm thấy có gì đó bất ổn cho sự đồng lòng và đồng thuận của Giáo hội trong Phật sự trọng đại này.

Phật tử và quần chúng các giới đang dõi mắt trông theo Phật giáo, và đều tỏ ra xứng đáng là người con Phật.

Tiếc thay, các cấp Giáo hội đây đó còn thụ động, bàng quan trước dòng sinh mệnh Phật giáo, thờ ơ với ngày Đại lễ Phật đản.

Có ba cách nhìn và 3 cách đánh giá theo ba miền Bắc-Trung-Nam

Tại miền Trung

Thông qua mùa Phật đản, chúng ta vui mừng và phấn khởi khi thấy Phật giáo miền Trung đã và đang là ngọn cờ tiên phong của Phật giáo, vì ở đấy Phật sự luôn được nối tiếp truyền thống lịch sử chấn hưng Phật giáo, luôn được tính toán vẹn toàn trên hình thức và nội dung.

Trang nghiêm tuyệt đỉnh, hùng tráng ngất trời. Truyền thống ấy năm này qua năm nọ, giai đoạn này qua giai đoạn kia chỉ có hơn lên chứ không hề giảm sút.

Bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thuận dù nghịch, vẫn luôn rắn rỏi với niềm tin vào Phật đà và Tam bảo. Có lúc tạm đứng yên để lấy sức bước mạnh hơn nữa. Dù thế, Phật giáo miền Trung ấy chưa bao giờ chịu để mình đứng im, mà họ chỉ đứng im Phật sự này để khởi động Phật sự khác.

Với Phật giáo miền Trung, trong sự bế mạc cái này thì vẫn luôn tiềm ẩn khai mạc cái khác.

Đặc biệt nhất, các tỉnh miền Tây Nguyên đầy khó khăn như Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai vẫn có mùa Phật đản tràn ngập cờ hoa, hân hoan. Nhưng cũng đáng tiếc là Phật giáo Lâm Đồng lại tụt hậu một cách trầm trọng.

Phật giáo miền Trung lấy cái tâm "trụ tín Tam bảo" để thể hiện uy danh của lịch sử Phật giáo hơn 2000 năm trên đất nước này.

Tại miền Bắc

Kinh đô ngàn đời của dân tộc Việt, trải qua các khúc quanh của lịch sử, Phật giáo tại đấy gắn mình với sự thịnh suy của dân tộc.

Bao thời gian vì hoàn cảnh khách quan, con người xứ ấy và xã hội nơi ấy phải chịu đựng những sự thụt lùi mọi mặt vì những cơ chế, thời thế giao thoa khi hòa bình lập lại. Cả đất nước đều như thế, nhưng miền Bắc lại bị nặng và lâu hơn cả.

Phật giáo miền Bắc cũng nằm trong sự thụt lùi ấy.

Trong hơn 20 năm đầu, kể từ khi thành lập Giáo hội vào năm 1981, Phật giáo tại Bắc một lá giáo kỳ cũng thấy lẻ loi hiu quạnh. Chúng ta vẫn nhớ, vào đại hội Phật giáo toàn quốc lần 4 tại cung hữu nghị Việt - Xô, sự tranh luận để treo cho được giáo kỳ là cả vấn đề gay cấn.

Chính quyền cho rằng, lá giáo kỳ ấy không có đại biểu Giáo hội tham dự. Một lập luận còn non kém, vì Giáo hội thành lập sau khi giáo kỳ đã có mặt trên thế giới trước đó hơn 50 năm.

Mọi khúc mắc được tháo gỡ, sự cảm thông giữa Nhà nước và Giáo hội được thiết lập.

Bỗng chốc, Phật giáo miền Bắc cựa mình vươn vai trên mọi Phật sự. Sự vươn mình ấy đã cho ra những con Rồng lâu năm đang ngọa tàng, mà hiện tại nay và cụ thể nhất làTT. Thích Bảo Nghiêm, hay ĐĐ. Thích Tiến Đạt, TT. Thích Minh Hiền (Hà Nội), TT. Thích Quảng Tùng, TT. Thích Thanh Giác (Hải Phòng)… cùng nhiều chư Tăng Ni trẻ khác ở Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng…

Ngay lập tức, các Ngài hành động thiết lập sợi dây kế thừa lịch sử. Thế là, các chuyến quay về các chốn Tổ, tìm gặp chư Tôn Hòa thượng trưởng lão - chứng nhân sống của lịch sử, để 4 chúng đồng khâm và đồng thuận dưới 3 ngôi Phật – Pháp - Tăng.

Những gì cần làm đã làm xong.

Sợi dây kế thừa lịch sử đã ló dạng.

Có phải thế hay chăng, mà sao bỗng dưng già trẻ lớn bé, Tỳ kheo -Tỳ kheo ni - Ưu bà tắc - Ưu bà di, nhất là giới trẻ đồng loạt dấn thân để "tỏ ra mình là Phật tử".

Và họ rất xứng đáng với sự "tỏ ra" đó, khi Phật đản vừa qua, không ít nơi làm cho cả nước ngơ ngác và mừng vui với nhiều Phật sự không thể nghĩ bàn.

Năm 1963, Phật giáo cựa mình đứng lên, trực diện với tử sinh, và bỗng sáng lòa, làm cho cả thế giới phải dõi mắt trông theo và bắt đầu khởi công tìm hiểu về sức sống bền dai của dân tộc này, cũng như sự ngọa tàng bấy lâu của Phật giáo trong lòng dân Việt.

Phật đản năm 2010, rồi 2011, Phật giáo miền Bắc vươn vai trỗi dậy để khẳng định "dân tộc này vẫn còn cái ấy" trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch.

"Cái ấy" làm cho Phật giáo đồ cả nước bỗng giựt mình ngỡ ngàng hoan hỷ vô biên.

Xin đê đầu đảnh lễ chư Tăng Ni Bắc Việt. Xin tỏ lòng tri ân đồng bào Phật tử các giới tại Thủ đô nói riêng, tại miền Bắc nói chung. Xin bày tỏ hoan hỷ với liệt vị có thiện cảm với Phật giáo.

Tại miền Nam

So với hai miền kia, Phật giáo và xã hội miền Nam gặp đầy đủ mọi thuận duyên trên tất cả các lãnh vực.

Thế nhưng!

Trớ trêu thay, không ít nơi Phật giáo tại đây lại tự đánh mất mình.

Đánh mất trên hai phương diện.

Phương diện thứ nhất là tính vay mượn.

Một số Phật sự diễn ra đều vay mượn hình thức của xứ người, nên nhìn vào hình thức của một số Phật sự này tại miền Nam, chúng ta không thấy đâu là văn hóa người Nam Việt. Văn hóa không ở đâu xa, nó ở ngay trên miếng ăn, y phục và nhà cửa.

Không ít y phục chư Tăng hầu như rinh về từ Đài Loan, Trung Quốc.

Chùa chiền xây dựng, trang trí theo Trung quốc, Đài Loan.

Tượng Phật không ít là nhân dạng ngoại quốc. Lạy xong, ngước nhìn cứ ngỡ mình đang ở quê người xứ lạ.

Kể cả có nhiều pháp môn tu hành cũng rập khuôn ngoại quốc từ hình thức đến nội dung.

Phương diện thứ hai đánh mất mình là sự thụ động, rời rạc, nhưng lại ngấm ngầm tự phụ bởi lý luận kiêu căng.

Trong khi ấy, Phật giáo đồ tại đây lại dư thừa vật chất, và đầy đủ tâm nguyện "tài thí" cho Phật sự ngày thêm hùng tráng, uy phong.

Một số vị dư biết điều này, nhưng bởi tính sự cục bộ nên thà mất lòng tin với quần chúng, chứ không thể "với tay, góp chân" làm Phật sự cho ra hồn ra vía.

Chỉ tội nghiệp cho quần chúng Phật tử, phải dõi mắt trông qua xứ khác để làm lễ sinh nhật đức Thích ca.

Và thật oan uổng quá không, khi mà tại xứ ấy, trong quá khứ, có một Phật đản làm cho chế độ tàn khắc phải lụi tàn, và một vị "không chỉ vĩ nhân mà còn là siêu nhân" đốt thân mình để bảo toàn Phật giáo.

Lịch sử ấy nằm ở đâu và tại điểm nào ở một số nơi tại Phật giáo miền Nam hiện nay?

Và có phải vì biết thế chăng, đây cũng là nơi trỗi dậy mạnh mẽ nhất của tôn giáo mạnh gạo bạo tiền?

Rất may là ở cấp cơ sở, không ít chùa đã nỗ lực tự tân vận động tổ chức những hoạt động kính mừng Phật đản sáng bừng tinh thần dấn thân của người con Phật như chùa Viên Giác, chùa Hải Quang, chùa Từ Tân, chùa Kim Cương, chùa Hoằng Pháp, chùa Vĩnh Nghiêm, Giác Tâm, Phật giáo quận 5, Phật giáo huyện Hóc Môn (TP.HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu)...

Kết luận

Khi vinh dự vì biết mình có vị Thầy cao cả là Phật, thì phải tỏ ra cho hết mình vào ngày sinh của vị Thầy ấy.

Khi biết Phật giáo và dân tộc này là một như nước hòa với sữa, thì hãy cố gắng hơn nữa mà giữ gìn cái dân tộc tính ấy.

Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật.


Phản hồi (20 bài gửi):

Le Vu vào lúc 22/05/2011 07:18
 
Tỉnh Dak Nông chư tăng ni trên duới hai mươi vị,Phật tử còn nghèo, hiểu biết Phật pháp chư sâu nhưng tinh thần Phật Đản nơi đây vượt trội rất nhiều lần so với Lâm Đồng và một số quận Tp.HCM. Đó cũng là do người lãnh đạo biết cách tổ chức có tâm huyết đến vận mệnh Phật gáo nước nhà.
Dak Lak vào lúc 22/05/2011 07:39
 
Cũng là tỉnh Tây Nguyên, Dak Lak Phật giáo còn thiếu nhân sự, tín đồ Phật tử và cơ sở vật chất ít hơn so với Lâm Đồng. Nhưng mỗi lần tổ chức lễ Phật Đản, chúng ta thấy Lâm Đồng ngày càng đi xuống. Không hiểu vì sao? Chắc có lẽ người lãnh đạo Phật giáo tỉnh Lâm Đồng không câu nệ vào hình thức,chỉ muốn tổ chức Phật Đản tại tâm. Điều này đã ảnh hưởng đến niềm tin và lòng tôn kính Phật nơi đây và nhiều tỉnh khác.
Mộng du vào lúc 22/05/2011 07:49
 
Mô Phật.
Thật bất ngờ khi ý kiến phản hồi lại được đăng thành bài viết.
Gần nữa tháng, vì lo công tác Phật đản nên không lên mạng xem tin tức được.
Phật đản xong, mình mới có thời gian xem lại các thông tin mùa Phật đản Pl.2555.
Mình rất xúc động khi đọc những tin tức Phật đản tại Huế, Hải Phòng, đặc biệt nhất là tin tức về 300 em đạp xe đạp hơn 35km đón mừng Phật đản.
Trong cảm xúc ấy, mình viết một mạch để phản hồi ý kiến.
BBt có nhã ý đăng thành bài viết, và có nhiều chỗ lược bỏ.
Xin toàn thể hoan hỷ và bỏ qua những lỗi văn phong, cú pháp mà bài viết phạm phải.
Kính chúc an lạc.
Mộng du vào lúc 22/05/2011 07:54
 
Thân kính gởi đạo hữu Minh Thạnh.
Đã lâu lắm rồi, không thấy đạo hữu viết bài chi cả.
Đạo hữu vẫn mạnh khỏe chứ.
Chắc là bận lắm nhỉ.
Nhớ món ăn tinh thần của đạo hữu quá đỗi.
Ngưỡng nguyện Tam bảo gia hộ đạo hữu thân tâm an lạc, Bồ đề tâm kiên cố, và "tinh tấn góp bài viết" cho Phật sự thêm đa dạng, phong phú.
Tuan vào lúc 22/05/2011 11:04
 
Tôi xin có ý kiến,ở tphcm phật giáo không đi xuống như 1 số vị ý kiến,phật giáo ở thphcm theo tôi vẫn rất mạnh, một không khí lễ hội chẳng khác ngày cả nước xuống đường mừng việt nam vô địch cúp AFF.
Mộng du vào lúc 22/05/2011 11:31
 
Thân gởi bạn Tuấn.
Quả thật là Phật đản tại Tp.HCM năm nay chẳng đi xuống chút nào, nếu chúng ta lấy cái sự "xuống đường mừng việt nam vô địch cúp AFF" ra mà so sánh.
Và, khi so sánh như vậy thì chẳng có gì đáng gọi là Phật sự, nhất là Phật đản.
Việt Minh vào lúc 22/05/2011 11:41
 
Theo tôi, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh không còn mạnh, không còn tích cực dấn thân như xưa.

Chỉ vài năm về trước, Phật đản TP.HCM không chỉ có diễu hành xe hoa, mà có liên hoan văn nghệ Phật tử, văn nghệ Phật giáo chuyên nghiệp, không khí Phật đản rất sôi nổi.

Nói một cách công bằng, Phật đản năm nay tại Sài Gòn tốt hơn năm ngoái, có thêm diễu hành xe hoa, một số chùa có rước Phật, có văn nghệ.

Không khí Phật đản tại TP.HCM năm nay khởi sắc hơn năm ngoái phần lớn do sự đóng góp và chủ động của các chùa hơn là vai trò của Thành hội. Đó là một thực tế không thể chối bỏ.

Lẽ ra, thành hội có thể coi mùa Phật đản năm nay là cơ hội tốt để làm mới, tái tạo sức sống năng động của Phật giáo Sài thành trước sự vươn vai mọc lên như nấm sau mưa của Tin lành khắp hang cùng ngõ hẻm.

Dù sao, chúng ta cũng hoan hỉ với Phật đản SG năm nay, dù chưa được như mong muốn
Giác Nhu vào lúc 22/05/2011 11:43
 
Cảm ơn Bạn Mộng Du.Bài viết mang tính chất nhận xét,đánh giá...thật là xác đáng.Mình chỉ mạo muội xin có vài điểm nhỏ;
- Thực tại Phật giáo Miền bắc vẫn còn cái vướng víu,trắc trở do quan điểm,cách hiểu và nghĩ sai lệch của không ít các cán bộ ...Mình xin lấy ví dụ; Sáng nay mình được BTC Bầu cử mời đi dự lễ khai mạc;mình đi trước thời gian được mời để còn xem danh sách ứng cử...Thật không ngờ cái cố hữu,bảo thủ,cách xử sự ...nó vẫn níu kéo sự bức bách ,phiền toái không đáng có;Cả nhà theo Đạo Phật,mẹ mất đều mặc áo xô ra chùa cúng 49 ngày cho mẹ...Vậy mà trong lý lịch ứng cử lại đề là TÔN GIÁO ; không . Không là thế nào,họ tự dối lòng mình,dối với cả cha,mẹ đã đẻ ra mình,dối với các Phật tử,bà con xóm làng...Thử hỏi như thế thì PG làm sao có thế và lực để phát triển được.
- Điểm thứ 2 là ; đã có phương châm hoạt động ; ĐẠO PHÁP,DÂN TỘC ,CHỦ NGHĨA XÃ HỘI vậy thì tại sao cái nhỏ nhất cũng phải xin phép và nó cứ níu kéo thành cái 'thông lệ'...vậy thì PHẬT GIÁO làm sao mà năng động,tự chủ mà phát triển được ...
Từ 2 quan điểm của Mình trên đây;Mình thấy Bạn không nên phiền toái...về các cấp của GHPGVN .Mình chỉ biết nêu nên sự thật như thế để Bạn MD và Quý độc giả cho ý kiến.Xin cảm ơn .
Huyền Lam vào lúc 22/05/2011 12:36
 
Chân thành cám tạ đạo hữu Mộng Du đã viết những điều mà Phật tử VN muốn nói lên.
Dinh Tuan vào lúc 22/05/2011 12:47
 
Gởi bạn Tuấn.
Có rất nhiều ý kiến bàn về sự xuống dốc của Phật giáo Tp.HCM trong ngày tổ chức Phật Đản là hoàn toàn chính xác. Các ý kiến đó được dựa vào cuộc họp của thành hội Phật giáo triển khai vấn đề Phật Đản về hình thức tổ chức cho đến nội dung vẫn là vấn đề tổ chức gọn nhẹ trong khuôn viên nhà chùa, chưa có những gì là sáng tạo để đưa lễ Phật Đản thành một lễ hội lớn để thu hút người con Phật và những người có tín ngưỡng Phật giáo. Đó là chưa noi đến việc thu hút các tôn giáo bạn. Chính vì điều này cho nên nhiều người con Phật có tâm huyết vì đạo nên họ lên tiếng và mạnh dạn nói thẳng vấn đề tổ chức nhằm cải thiện phần nào.

Cũng trong ngày lễ này, nhờ tinh thần tự phát của một số chùa, cũng như sự trăn trở của nhiều người con Phật tại TP. HCM mạnh dạng tổ chức lễ Phật Đản bằng cách đóng góp nhiều bài viết và sự kêu gọi Phật tử tổ chức Phật đản trước cả tháng. Nên năm nay mới có một chút hương sắc và thu hút nhiều hơn năm ngoái.

Do vậy, Vấn đề phê phán ở dây của nhiều tác giả là phê phán sự tổ chức thụ động trong khuôn viên nhà chùa cho người lớn tuổi. Chứ không phê phán tinh thần Phật đản vốn có trong tư tương người Phật tử TP. HCM. Chỉ cần nhà lãnh đạo Phật giáo biết cách tổ chức lễ Phật Đản thành một lễ hội lớn cho mọi tầng lớp xã hội. Thì mới xứng đán là một thành phố đứng đầu về mặt kinh tến, dân số và tổ chức.

Còn như nói Phật đẩn năm nay mạnh, đó là mạnh trên tinh thần tự tổ chức của một số chư tôn đức và Phật tử có tinh thần Phật Đản thôi. Chứ chưa mạnh về sự sáng tạo tổ chức Phật Đản đồng bộ cho quần chúng trên 24 Quận, Huyện. Nên có một số Quận, Huyện vẫn tổ chức mang tính chất thụ động âm thầm tổ chức trong khuôn viên chùa của mình.
Tuan vào lúc 22/05/2011 12:54
 
nếu như bạn mộng du muốn phật giáo đi vào lòng người thì cấn lắm những lần"việt nam vô địch" chứ không phải ngồi một chỗ mà chờ điều kỳ diệu,hay đem kinh thuyết giảng khi người trẻ chẳng hiểu gì nhiều.
Mộng du vào lúc 22/05/2011 13:44
Gởi bạn Tuấn.
Tiêu đề bài viết "Nhìn về mùa Phật đản Pl.2555 tại ba miền"
Tôi viết bài này sau khi đã đọc và xem hết Phật đản tại ba miền trên các trang web Phật giáo.
Bạn hãy đọc hết các thông tin và xem hết các hình ảnh Phật đản vừa qua tại 3 miền Nam-Trung-Bắc thì bạn sẽ rõ Phật đản tại TP.HCM nói chung, và khâu tổ chức Phật đản của Thành hội nói riêng đang đi xuống hay đi lên, đang mạnh hay yếu dần.
Thế nhé.
Chúc bạn an lạc.
minh ngọc vào lúc 22/05/2011 13:51
 
Phật đản tại Sài Gòn năm nay chỉ khởi sắc ở cấp chùa, còn cấp thành phố cũng chẳng thay đổi bao nhiêu.
Việc diễu hành xe hoa lúc đầu Thành hội không chú trọng, nhưng dưới sức ép của dư luận, Thành hội họp lần 2 và quyết định tổ chức. Việc này so với mặt bằng chung từ năm 2008 trở về trước không thể cho là đột phá, phát triển.

Và nếu không có dư luận thì làm gì có:" một không khí lễ hội chẳng khác ngày cả nước xuống đường mừng việt nam vô địch cúp AFF" vào ngày 14/4 âl và huyện Hóc Môn chưa chắc đã được diễu hành xe hoa bởi tinh thần chỉ đạo chung chung của Thành hội.

Những hoạt động văng nghệ, ẩm thực chay, hoa đăng, rước kiệu Phật, treo cờ ...cũng chỉ ở quy mô cấp chùa, các chùa chung tay góp sức thực hiện. Tuy nhiên, một số nơi cũng gặp không ít khó khăn.

Dù sao, Thành hội cũng đã có lắng nghe và tổ chức được xe hoa, âu cũng đáng ghi nhận, dù còn quá ít so với nhu cầu
Hiếu Hạnh vào lúc 22/05/2011 14:01
 
Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi ko dám nhận xét nhiều về mùa Phật đản của miền Trung và miền Nam. Nhưng riêng miền Bắc, điều mừng nhất tôi được thấy, đó là sự khởi sắc của Phật giáo, sự rạng rỡ của lá cờ ngũ sắc tung bay trên khắp mọi nẻo đường Hà Nội. Những bạn thanh niên trẻ - dù "có nhận thức sâu sắc về giá trị tâm linh mình theo đuổi", hay chỉ đơn giản là "gia nhập 1 tổ chức và tổ chức đó làm gì mình làm đó" đi chăng nữa, thì vẫn đã được coi là những con người đưa nền Phật giáo đi lên mạnh mẽ.
Thiết nghĩ nền Phật giáo đã có được một đội ngũ thanh niên trẻ trợ lực với sự nhiệt huyết và dám nghĩ dám làm. Đó là điều rất hay mà các quý chư tôn đức, các chùa nên gìn giữ. Họ mới chỉ được gọi là "thanh niên tình nguyện", chưa được gọi là danh xưng "thanh niên Phật tử", nên nếu không biết ươm mầm cho hạt giống phát triển, thì chúng ta sẽ để cho những hạt giống đó bay đi mất, và lại là những thế hệ già cỗi đưa bộ máy đi vào lạc hậu.
Chúng con nghĩ rằng, các quý thầy đừng khắt khe quá. Đừng dạy thanh niên trẻ bằng những bài giáo lý khô khan, những câu nói khó hiểu. Hãy dạy thanh niên trẻ bằng tấm lòng chân tình của mình, dạy trẻ từ những việc làm hàng ngày, bằng tư tưởng Từ Bi Trí Dũng của đạo Phật để cảm hóa chúng sinh. Có như vậy, mới xóa bỏ được câu nói "Trẻ vui nhà, già vui chùa"... Thật sự mong mỏi 1 điều, " trẻ và già đều vui chùa" để có thể thốt lên 1 câu "hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu"...
Mộng du vào lúc 23/05/2011 05:53
 
Thân gởi bạn Hiếu Hạnh.
Quả thật là tuổi trẻ Thủ đô đã và đang hướng đến Phật giáo với tâm trong sáng, tình nguyện đáng yêu.
và như bạn nhận xét rất đúng, rằng:

"các quý thầy đừng khắt khe quá. Đừng dạy thanh niên trẻ bằng những bài giáo lý khô khan, những câu nói khó hiểu. Hãy dạy thanh niên trẻ bằng tấm lòng chân tình của mình, dạy trẻ từ những việc làm hàng ngày, bằng tư tưởng Từ Bi Trí Dũng của đạo Phật để cảm hóa chúng sinh."

Mình đã được tiếp xúc với bạn Thanhtam qua phản hồi ý kiến của bạn ấy, và trực tiếp được tiếp chuyện bạn ấy qua điện thoại.
Mình nhận xét như thế này:
Tuổi trẻ miền Bắc nói chuyện rất bài bản, nói chuyện mà hơn cả mình viết văn.
Thứ nữa, các bạn khi chưa tiếp xúc đạo Phật thì thôi, mà khi đã tiếp xúc thì sự học hỏi giáo lý của các bạn rất sâu, rất chắc.
Những điều ấy mà có được, theo mình nghĩ, do cái Tâm của các bạn thật hồn nhiên và cầu thị.
Chúc bạn và các bạn trẻ khác luôn nuôi dưỡng và phát triển được cái Tâm ấy.
Ngưỡng nguyện Tam bảo gia hộ cho bạn và người thân luôn được an lạc, hạnh phúc.
Mộng du vào lúc 23/05/2011 05:59
 
Thân gởi bạn Tuấn.
Theo mình nghĩ, Phật giáo tại Tp.HCM rất mạnh đó bạn ạ.
Nhưng cái mạnh đó đang còn ở dạng tiềm lực.
nếu chư Tôn đức biết khai thác và đáp ứng tiềm lực ấy, mình nghĩ, Phật giáo tại Tp.HCM sẽ sáng rực trên toàn quốc, cũng như sẽ lan rộng ra quốc tế.
Mình tin chắc như vậy, và mình sẽ rất vinh hạnh, tự hòa khi Phật giáo tại Hòn ngọc Viễn đông được như thế, dù mình đang sống tại Tây nguyên chứ không phải tại Thành Phố.
Mộng du vào lúc 23/05/2011 10:17
 
Trong bài viết có chỗ nhầm lẫn.
Sự tranh luận về việc treo giáo kỳ là vào đại hội 5, tức là năm 2002.
Trong vòng gần 10 năm, Phật giáo miền Bắc đã trỗi dậy về mọi mặt một cách đáng khâm phục.
Đức Tuệ vào lúc 23/05/2011 15:33
 
Trong những ngày Lễ lớn rất nhiều Gia Đình Phật Tử rất hân hoan chào đón. Họ tổ chức không ít hoạt động. Về các bạn trẻ, mình thấy có không ít bạn đã không ngần ngại khi mặc bộ áo Tràng đi từ nhà tới các Chùa Chiền Sinh Hoạt. Đó là vì họ đã thấm nhiều giáo Lý nhà Phật. Họ hiểu được triết lý cuộc sống là vô thường.
Tuy nhiên, vẫn con nhiều Phật Tử mặc dù rất yêu Phật Giáo, theo Đạo Phật. Nhưng trong những ngày Lễ không dám treo cờ Phật Giáo. Đó là vì họ Tu Theo Phật nhưng chỉ là sơ sơ bề ngoài. Với người đã hiểu Đạo Phật chẳng có gì để ngại cả. Đó là niềm tự hào. Tự Hào vì mình là 1 Phật Tử. là người đã vượt qua được cơn mê mà người thế gian đang mắc phải.

Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ rằng các Đạo Tràng, CLB, Đoàn Thanh Niên Phật Tử nên trau rồi kiến thức Phật Pháp cho Phật Tử để họ hiểu được Đạo Phật. Hiểu rồi thì sẽ rất tin yêu và chẳng ngần ngại điều gì !
Hiếu Hạnh vào lúc 23/05/2011 19:38
 
kính bạch thầy "Mộng Du".
Đối với thanh niên trẻ, đến chùa và học giáo lý của đạo Phật là một điều rất mới mẻ. Và như c đã nói, vì nó mới mẻ nên sẽ dẫn đến "cả thèm chóng chán" nếu như không biết nuôi dưỡng. Tất cả mọi thứ đều mới so với cuộc sốg nơi đời thường. Các bạn trẻ bây giờ theo c được thấy, đều là những con người "tràn đầy nhựa sống", nhưng sống giữa phồn hoa tính cách các bạn ko có chỗ bộc lộ. Chỉ khi bước chân vào chốn thiền môn trang nghiêm, những hạt giống sẽ có khả năng được đâm chồi nảy lộc. Còn giới trẻ ở đâu cũng như nhau thôi bạch thầy, cái chính là không có môi trường cho các bạn thể hiện chính mình. Và c hi vọng rằng các quý thầy sẽ là những người tưới nước cho những hạt giống đc phát triển...A di đà Phật!
Mộng du vào lúc 23/05/2011 22:13
 
thân gởi bạn Hiếu Hạnh.
Như thế này nhé, trong ba tháng hạ này, mình sẽ đánh lên đây những đoạn kinh, luận, và những gì Quí Thầy, Quí Ôn giải thích từ kinh, luận. Bạn ghi chép lại, rồi học và suy nghĩ nghĩa lý từ những đoạn chép được. Mình đánh những đoạn ngắn thôi.
Nếu có từ nào bạn không hiểu, mình xin cung cấp thêm.
Có một điều như thế này, trong cách học giáo lý, chúng ta không nên vội vã muốn hiểu liền và biết ngay. Vì giáo lý của Phật là chỉ rõ nguồn tâm. Những gì chúng ta chưa hiểu hết, nó sẽ là cái phôi, là động lực cho chúng ta bùng vỡ trí tuệ sau này, khi chúng ta gặp chính điều kiện của nhân và duyên do chính chúng ta gặp phải.
Được như thế là chúng ta ăn cơm do chính mình nấu.
Còn nếu hiểu qua kinh nghiệm của người khác, thì đó là chúng ta đang ăn cơm mớm. Chẳng ngon lành gì.
Cũng giống ngoài trường đời, những bài toán do chính mình giải theo sự học của mình, đáp số ấy thật là ý nghĩa cho chúng ta. Chứ nếu quay cóp, hoặc xem của bạn thì chẳng giá trị chi cả, dù trong khi chép bài của bạn, chúng ta vẫn hiểu chúng ta đang chép gì.
Mình chỉ đánh lên đây những gì thiết thực nhất với cuộc sống hiện tại của mình.
Bạn chịu thế không?
Nếu chịu, thì bạn đặt vấn đề gì trước đi.
bạn cứ xem mình là người bạn, đừng nên có "bạch" như vậy nữa nhé. Mình thấy trịnh trọng và khoảng cách quá.
Chúc bạn an lạc.

 

Source : http://www.phattuvietnam.net/3/theodongphatsu/14652.html


Âm lịch

Ảnh đẹp