14/06/2017 18:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 1670
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Năm nay, mùa an cư kiết hạ của Phật giáo Bắc tông và Hệ Khất sĩ bắt đầu từ giữa tháng 5 âm lịch. Thông bạch số 096/2017/TB.HĐTS của Trung ương GHPGVN ghi rõ: Năm Đinh Dậu (2017), nhuận hai tháng 6 ÂL, do đó thời gian an cư PL.2561 sẽ bắt đầu từ ngày 16-5 (10-6-2017), 

kết thúc ngày 16-7 ÂL (6-9-2017); đối với Phật giáo Nam tông, thời gian an cư sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 nhuận ÂL, kết thúc vào ngày 15 tháng 9 ÂL.

amhoa 1.jpg
Đã đến lúc cần khôi phục và phát triển mạnh hơn nữa 
những pháp thiền truyền thống của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam

Tại TP.HCM, theo tinh thần phiên họp ngày 11-3-2017 của Ban Trị sự, quý ban chuyên ngành GHPGVN TP và Ban Trị sự Phật giáo 24 quận huyện, tùy theo tình hình thực tế, các quận huyện có thể tổ chức ngày vào hạ trong khoảng thời gian từ mùng 8 đến 16-5 ÂL và kết thúc từ mùng 8 đến 16-7 ÂL.

Phiên họp cũng nhấn mạnh: Trong mùa an cư, việc chuyên tu là phần cốt yếu, kế đến là trau dồi giáo lý truyền thống. Cụ thể, các trường hạ và các điểm an cư phải “thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa thiền, niệm Phật, kinh hành... giữ gìn oai nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày”.

Có thể thấy, Phật giáo Việt Nam có nhiều dòng truyền thừa, hầu hết là các “thiền phái”; tuy vậy, pháp tu truyền thống của Tăng Ni, Phật tử tại các chùa phần lớn vẫn mang tính tổng hợp giữa Thiền - Tịnh - Mật, trong đó pháp hành Tịnh độ nổi bật hơn cả, thể hiện qua các thời khóa niệm Phật, lễ Phật, tụng kinh. Mật tông Việt Nam ảnh hưởng từ Đông Mật, chủ yếu trì chú - chuyên biệt hoặc theo nhiều bộ kinh và các thời khóa tụng niệm. (Tây Mật gần đây tuy khá phổ biến, song chưa thể xem là pháp tu truyền thống ở nước ta). Trong khi đó, các pháp hành thiền chuyên sâu thường tập trung ở các thiền viện, các chùa Phật giáo Nam tông, những hành giả tự tu…; các trường hạ và các chùa đa số vẫn dành thời gian khá ít cho pháp hành này.

Thiền, Tịnh hay Mật đều là những phương tiện để hành giả hướng đến một mục đích chung: giải thoát, giác ngộ, tùy theo duyên và căn cơ của mỗi người. Mặc dù không có sự phân biệt “thượng - hạ” giữa các pháp tu này, song trong suy nghĩ của nhiều người, pháp môn Tịnh độ “dễ tu” và thường dành cho những người già cả. Suy nghĩ ấy tuy không hoàn toàn chính xác, song thực tế diễn ra ở nước ta cho thấy ở các đạo tràng Tịnh độ, người lớn tuổi vẫn chiếm đa số; nhiều trường hợp người trẻ tìm kiếm những pháp tu thích hợp vẫn gặp ít nhiều khó khăn (như gần đây Giác Ngộ đã thông tin).

An cư là mùa tu tập dành cho chư Tăng, giới cư sĩ thường phát tâm hộ trì, song bản thân họ cũng hưởng được nhiều ích lợi từ việc phụng sự và cùng nương theo tu tập. Do đó, ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho chư Tăng tu tập trong mùa an cư, thiết nghĩ chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cũng nên quan tâm nhiều hơn nữa đến nhu cầu tu tập đa dạng của cư sĩ Phật tử, nhất là giới trẻ, bằng cách đem đến cho họ một pháp tu thích hợp, thiết thực nhằm giúp họ có được sự cân bằng và những năng lượng tươi mới, an lạc cho cuộc sống.

Thiển nghĩ, đã đến lúc cần khôi phục và phát triển mạnh hơn nữa những pháp thiền truyền thống của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam cho một bộ phận không nhỏ những ai mong muốn được tu tập, thực hành - không chỉ trong mùa an cư kiết hạ mà trong tất cả thời điểm.

Quảng Kiến

http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2017/06/12/5F56CB/

Âm lịch

Ảnh đẹp