18/03/2011 19:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 2086
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi biết tin GS Phạm Công Thiện mất qua trang web viet-studies của GS Trần Hữu Dũng post ngày 10-3. Dòng thông tin được dẫn từ báo Người Việt ở Houston, bang Tesas cho biết theo gia đình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Mỹ xác nhận ông mất ngày 9-3-2011, thọ 71 tuổi.

Trước khi mất dường như ông đã biết trước cuộc vĩnh ly này nên nhập định rồi ra đi nhẹ nhàng. Ngoài dòng báo tin của báo Người Việt còn bài viết cho người đã mất của nhà văn Viên Linh với tư cách bạn bè.

Chỉ bấy nhiêu thôi. Không nhiều hơn. Báo chí trong nước cũng im ắng, ngoài một vài trang mạng.

Tối 9-3, ngày ông mất, tôi không hay biết, ngồi đọc tình cờ bài viết về ông của Nguyễn Hưng Quốc trên chungta.com. Có lẽ đây là trang web trong nước duy nhất lưu giữ các bài viết về Phạm Công Thiện. Qua lời viết của ông Quốc, tôi cảm nhận thêm những chân trời khác của Phạm Công Thiện mà trước đây tôi chưa hề biết hay chỉ đứng mon men bên lề bỡ ngỡ không dám bước vào.


Một số tác phẩm tiêu biểu của GS Phạm Công Thiện
tại Hoa Đàm thư quán (Ảnh tư liệu Hoa Đàm)

Phạm Công Thiện có tầm ảnh hưởng trên thế hệ sinh viên, học sinh miền Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Nhiều tác phẩm của ông được giới trẻ lúc đó đón nhận nồng nhiệt, trong đó nổi lên là cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Trong bối cảnh chiến tranh tan tốc, mất mát, chia ly, tuyệt vọng thì những tác phẩm của Phạm Công Thiện viết về văn nghệ, triết học, tôn giáo tạo cho giới trẻ một thế giới kích thích sự phiêu lưu, khám phá để rồi tung hô, đạp đổ, rồi quay lưng, câm lặng. Vượt lên các hiện tượng này, có lẽ lớp trẻ tìm thấy ở đó sự tin cậy hơn là chiến tranh, tìm thấy sự bình yên hơn là bom rơi đạn nổ. Ông kêu gọi sự trở về, tìm lấy những giá trị Việt trong văn chương, trong tư tưởng, trong truyền thống. Ông còn có công mở lối cho Phật giáo nhập thế, gần gũi hơn với đời, với giới trẻ.

Tôi nhớ hồi đó có những cô nữ sinh ban C, những cậu sinh viên ban triết áp trước ngực cuốn sách trên đi trên đường như một cách trang điểm, như một cách tự giới thiệu về mình. Ít ra rằng là ta không lạc hậu với thời đại. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng hầu hết chúng tôi chỉ hiểu rất ít những gì ông viết. Bởi vì hình như ông viết theo mạch cảm xúc tuôn trào. Chuyện nọ xọ chuyện kia, đọc rất mệt. Đôi khi có cả một đoạn tiếng Đức mà ông khoái, còn chúng tôi mù tịt.

Nhưng đó là phong cách của Phạm Công Thiện. Ông Nguyễn Hưng Quốc nói đọc Phạm Công Thiện trên tinh thần thi sĩ. Có những chỗ chỉ cảm mà không giải thích, lý giải được.

Bây giờ ông đã đi xa. Tôi nghĩ ông xứng đáng để được mọi người tưởng nhớ. Dù có thể với ông là thừa.

12-3-2011
Từ Nguyên Thạch

Trong bài tựa cho lần tái bản quyển sách nổi tiếng “ Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học “ do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1970, ông viết :

“Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.
Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.
Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới. “

Chẳng may, ông đã mất năm 71 tuổi. Ông không kịp chờ cho “núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới. “ (T. Vấn)

 


Âm lịch

Ảnh đẹp