29/09/2011 18:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 187917
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Lâu lắm rồi thầy trò mới có dịp về miền Trung, dọc ngang qua những chùa chiền, lăng tẩm nơi Hội An, Đà Nẵng, Huế mà không phải vướn bận công việc, để nghe tiếng chuông nơi Linh Mụ, ngắm nước sông Hương lửng lờ hoặc trầm mình giữa phố Hội chiều mưa…

1. Tưởng mưa đã phụ lòng người bởi chuyến được đặt ngay giữa mùa bão lũ. Cơn bão số 4 dự báo đổ bộ vào Bắc Trung Bộ, từ Hà Tĩnh đến Huế, kèm mưa to tới rất to, đó cũng là lúc thầy trò đến Huế (ngày 26-9). 

Cứ nghĩ là ra Huế chỉ có… ngủ ở Huế rồi về nhưng ngay sáng hôm sau (27-9), Huế bỗng dịu dàng. Nắng yếu nhưng có gió nhẹ làm không gian Huế trở nên thơ mộng hơn bao giờ. Thầy Trí Năng, người hướng dẫn và hỗ trợ thầy trò chúng tôi khen như thế và cũng mừng cho chúng tôi.

wwwt.JPG

Linh Mụ muôn đời vẫn trầm mặc soi dòng sông Hương - Ảnh: Bảo Thiên

Sáng đầu tuần, cà phê nơi góc sau Liễu Quán - Trung tâm Văn hóa Phật giáo bề thế, trang nghiêm nằm trên đường Lê Lợi, TP.Huế; tọa vị ở đó có thể ngắm được dòng Hương giang cùng những tán lá bàng chuyển mùa rụng kín con đường. Cà phê cốc nơi góc đường phía sau Liễu Quán ngon, chủ quán cà phê cũng dễ thương đến lạ.

Chuyện đời, chuyện đạo, chuyện Phật giáo Nghệ An được quý thầy và các học giả nổi tiếng như Cao Huy Hóa, Nguyễn Văn Thịnh… chia sẻ, đánh giá, ngợi khen. Thầy Trí Năng cứ mỉm cười tán thán hết người này tới người khác trong công tác Phật sự, làm việc, nghiên cứu bên cạnh việc bày tỏ những ưu tư, tâm huyết về Phật giáo, cũng như sự tu tập, làm việc Phật sự. Câu chuyện đủ thấm để tạm dừng khi cả trà và cà phê cạn tách.

Những bước chân thong dong đi thăm Thiên Mụ, ghé qua những tháp cổ, những con đường xanh ngát cỏ, tiếng chuông buổi sớm được đánh nhịp nhàng theo từng cái lạy của Phật tử gần xa đến viếng. Sông Hương ngày mùa mưa nước đục ngầu, có làm giảm đi đôi chút lãng mạn và nét đẹp hiền hòa vốn có nhưng khi được đặt giữa dòng chảy lửng lờ dưới chân Thiên Mụ thì nó vẫn thi vị. Gần gũi và thân quen như trở về chốn Tổ, thầy trò cùng lạy Phật, cùng đi những bước thảnh thơi trên đất Huế, giữa dòng người cùng về chùa thiêng thăm viếng.

Những cuộc hạnh ngộ bất ngờ, những tấm hình lịch sử bên những hiện vật như chiếc xe ghi dấu sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân năm 1963 ở Sài Gòn cũng là điều mà ai cũng thích và tự hào. Phật giáo bao giờ cũng đồng hành cùng dân tộc, luôn “tồi tà phụ chánh” để cho đạo pháp mãi được hưng thạnh, nhân dân được ấm no, hòa bình.

Lại ngẫm về những câu nói quen thuộc, thấm nhuần triết lý như “Địa linh nhân kiệt”, “Thời thế tạo anh hùng”… Giữa mảnh đất Thần Kinh xứ Huế luôn có những con người xuất chúng, giữa thời loạn ly bao giờ cũng có những trang anh hùng, những bậc xuất thế với công hạnh cứu khổ của Bồ tát xuất hiện để cứu khổ, bình định những bất ổn, loạn lạc!

2. Rời đất Huế với nỗi niềm luyến tiếc, nhưng cũng hiểu rõ “cuộc vui nào cũng tàn”, cũng là một cuộc hợp-tan, tùy duyên. Chia tay Huế với cuộc gặp bên dòng Hương, ăn món chay ở Bồ Đề và ngồi nói chuyện với thầy Trí Năng bên góc Liễu Quán. Cốc cà phê đá-nóng, cùng ấm trà nghi ngút khói của ngày rời Huế được tôi gọi là một buổi pháp đàm ngắn. Đó là những chia sẻ về giáo dục, trong đó giáo dục mầm non do Phật giáo mở trường có lẽ còn thiếu, còn yếu.

Những vị thầy trăn trở về việc “ý thức và những ấn tượng đầu đời”. Nếu mình dạy con người từ nhỏ, thắp sáng lòng từ và tâm bi theo giáo lý Phật đà ngay từ bé thơ thì sợ gì những “mầm sen” không nẩy nở?

Câu chuyện tác nghiệp chốn non cao, nơi thâm sơn xứ Huế, nơi mà ngày xưa chỉ có thú dữ, thổ phỉ trốn lánh và Thiền sư quyết xuất ly thế gian ẩn dật như vùng núi ngoại thành Huế là một địa chỉ thú vị. Nơi mà thầy Trí Năng chia sẻ: “Hồi mình còn nhỏ, khoảng 7g tối là không ai dám đi tới đó. Lớn lên, nhờ thầy Lợi, thầy Thịnh… dắt đi thực tế viết bài” (bài nào cũng hay - về những thiền sư xứ Huế, những bậc thầy khả kính, chân nhân đáng tôn quý trong đời được đăng Giác Ngộ và nhiều ấn phẩm Phật giáo khác - NV). Lại thấy yêu Huế từ những điều tưởng chừng như cũ kỹ như thế.

Rời Huế, nhưng cũng giống như thầy An Đạt, tôi vấn vương những con đường cổ kính, đêm thành nội rực rỡ, uy nghi và cả không gian nhà vườn đặc trưng của Huế: có hàng rào chè tàu, mái rêu cổ kính, nhà sơn màu vàng nằm bên dòng Hương giang…

3. Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) cũng đẹp, thật đẹp với đêm lang thang phố Hội, ngày đi qua những con phố bình dị với những người dân quê nói tiếng Quảng đặc sệt. Những mẹ, những cô, dì quàng áo mưa, đội nón, gánh thúng tò he hoặc đậu hủ đi qua những con phố đi bộ. Nét trầm mặc, cổ kính của phố làm cho lòng người cũng chậm lại, bớt lăn tăn…

Đôi khi đi chơi cũng là một cách để mình sống chậm, nếu mình không quên mình là Phật tử, không quên hơi thở và con đường chánh niệm. Thở để quay về với hiện tại, biết mình đang đặt chân qua những nơi mà từ lâu rồi tổ tiên mình đã có mặt, đã yêu thương và gìn giữ.

Tôi nói với người bạn Đà Nẵng khi đi lên Bãi Bụt (Sơn Trà) thăm chùa Linh Ứng, ngắm mẹ Quan Thế Âm trong đêm 28-9 rằng: “Nếu ai cũng được thấy hình ảnh tuyệt đẹp và thanh bình của quê hương, xứ sở như thế này thì sợ gì người ta không yêu quê, không giữ gìn. Và nếu ai cũng sống và có mặt cho những phút giây thanh bình, trân quý sự bình yên, kiến tạo bình yên (bắt đầu từ tâm mình khi ngắm sự bao dung, từ bi của tôn tượng Quan Thế Âm Bồ tát nơi Linh Ứng) thì chắc thế giới cũng sẽ bình an lắm. Và tịnh độ sẽ không xa xôi…”. Người bạn đi cùng gật gật, ờ nhỉ…

Từ miền Trung tôi viết, viết như một sự trải lòng, bởi “nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương”, bởi có nơi nào mà con người không thật đáng yêu, đáng kính. Và còn bởi nếu mình sống chân thật, tử tế thì chắc chắn sẽ gặp được những con người thật đáng yêu, đáng kính. Đó cũng là nhân quả vậy! 

Lưu Đình Long









Nguon: http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/09/29/7E664B/


Âm lịch

Ảnh đẹp