29/09/2011 13:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 78196
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ khi còn nhỏ, tôi đã thích phim “Tây du ký” (Phim Trung Quốc – dựa theo tiểu thuyết “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân). Triết lý nhà Phật thấm sâu vào tư tưởng của tôi. Cũng không lạ khi “Tây du ký” được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là một tác phẩm để đời của điện ảnh Trung Hoa.

 


Dù lớn đến đâu thì đói cũng phải ăn để lấy năng lượng, lạnh cũng phải mặc ấm. Ta thấy mình quá bé nhỏ trước vũ trụ mênh mông này. Nhiều lúc stress cao độ, tôi tìm đến Phật. Phật giúp tôi giải thoát mình giữa cuộc sống xô bồ này – khi mà rất nhiều người không chịu nổi đã đi đến con đường tự tử. Vì bị stress nên tôi muốn giải thích mọi thứ bằng cách nhìn nhân văn nhất. Những nỗi lòng mà người trần không thể hiểu, ta nên tìm một đấng tối cao cho mình. Các thần tượng của tôi đều có tôn giáo để làm điểm tựa tinh thần. Phật luôn mở rộng vòng tay đón tất cả các tầng lớp trong xã hội: từ giàu đến nghèo, cao đến thấp, sang đến hèn… Đã bước chân vào Chùa thì ai cũng như ai. Cuộc sống bây giờ có nhiều thứ khiến người ta cười ra nước mắt, sức mạnh nội tâm mới là sức mạnh thật sự của con người. Tâm bình thì cảnh cũng bình. Đạo Phật dẫn lối cho ta đến chốn bình an thật sự. Đi tu cũng là một nghề - một nghề nghiệp có hậu – nghề học chân lý làm Người.

Phật giáo cho rằng cuộc sống đau khổ là có nguyên nhân. Để cắt nghĩa nỗi khổ của nhân loại, Phật giáo đưa ra thuyết “thập nhị nhân duyên” – đó là mười hai nguyên nhân và kết quả nối theo nhau, cuối cùng dẫn đến các đau khổ của con người: 1/Vô minh; 2/Hành; 3/ Thức; 4/Danh sắc; 5/Lục nhập; 6/Xúc; 7/Thụ; 8/Ái; 9/Thủ; 10/Hữu; 11/Sinh; 12/Lão – Tử. Trong đó “vô minh” là nguyên nhân đầu tiên. Theo Phật giáo, mọi nỗi khổ có thể tiêu diệt để đạt tới trạng thái Niết bàn. Đạo đế chỉ ra con đường tiêu diệt cái khổ. Đó là con đường “tu đạo”, hoàn thiện đạo đức cá nhân gồm tám nguyên tắc (bát chính đạo): 1/Chính kiến (hiểu biết đúng tứ đế); 2/Chính tư (suy nghĩ đúng đắn); 3/Chính ngữ (nói lời đúng đắn); 4/Chính nghiệp (giữ nghiệp không tác động xấu); 5/Chính mệnh (giữ ngăn dục vọng); 6/Chính tinh tiến (rèn luyện tu lập không mệt mỏi); 7/Chính niệm (có niềm tin bền vững vào giải thoát); 8/Chính định (tập trung tư tưởng cao độ). Tám nguyên tắc vừa nêu có thể thâu tóm vào “Tam học”, tức ba điều cần học tập và rèn luyện là Giới – Định – Tuệ. Giới là giữ cho thân, tâm thanh tịnh, trong sạch. Định là thu tâm, nhiếp tâm để cho sức mạnh của tâm không bị ngoại cảnh làm xáo động. Tuệ là trí tuệ. Phật giáo coi trọng khai mở trí tuệ để thực hiện giải thoát.

Ngay từ khi trong bụng Mẹ, con người đã có tội đạp bụng Mẹ làm Mẹ đau, Cha phải lo nhiều. Có lúc tôi lang thang ngoài đường và thấy con người đâu đâu cũng toàn là tội lỗi… Những gì chúng ta có và những gì chúng ta thật sự có là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Thời gian là câu trả lời chính xác nhất cho cuộc đời mỗi con người. Con người đem thịt heo, bò, cá… chiêng, xào , nấu canh để ăn thì thấy ngon miệng. Giết chết côn trùng, sâu bọ hàng loạt. Vậy mà thấy một xác người chết thì hoảng sợ. Chúng ta là động vật cao cấp đã đành, nhưng động vật cũng có hệ thần kinh, có suy nghĩ và cảm xúc - cũng đáng để con người yêu thương chứ! Đạo Phật rất từ bi: ăn chay.

Tình thương là chiếc chìa khóa chủ đạo để mở cánh cửa mang tên hạnh phúc, là sợi chỉ xuyên suốt đời người. Tiếp xúc nhiều với bất kỳ ai, cũng thấy họ có điểm để ta quý. Hữu hình thì hữu hoại, cái gì hiện hình được thì đến một lúc nào đó sẽ biến mất. Chỉ có tình thương là vĩnh hằng.

VỚI TÔI, PHẬT LÀ CHỖ DỰA TINH THẦN VỮNG CHẮC.

                                                                                                      Nguyễn Hữu Hiếu

                                                               Sinh viên Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh


Âm lịch

Ảnh đẹp