29/01/2013 15:51 (GMT+7)
Số lượt xem: 51693
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

...Liệu có ai trả lời, có ai nghe theo, có ai hưởng ứng? Thậm chí dù ai đó đã cố công lặn lội, mang về thứ chân lý cao quý ấy, muốn đám đông kia cùng nghe theo, cùng hành động thì đáp lại cũng chỉ là sự im lặng, miệt thị. Bởi đơn giản với đám đông kia đó không phải vàng, không phải bạc! Chúng ta dường như dễ dàng để con mắt, để lý trí mình bị sự thật này che khuất những sự thật khác, cũng bởi lòng tham chiếm hữu và trên cả là sự vô minh...


Có một đám đông tụ tập, rồi đám đông ấy ngày càng lớn dần lên, họ bàn tán: “Dưới dòng sông hẹp, chảy xiết kia là cả muôn vàng, muôn bạc chờ người vớt lên”. Ai cũng hăng hái lạ thường! Chỉ chờ nói thế chắc hẳn ai nghe được, thậm chí không cần kiểm chứng thông tin mà vội nhảy xuống tìm vàng tìm bạc bất chấp hiểm nguy, mạng sống. Người theo người kéo nhau nhảy xuống dòng xoáy mịt mùng.

- Kìa dưới dòng sông chảy xiết kia là cả muôn ngàn chân lý chờ chúng ta khám phá. Những chân lý ấy, ẩn chứa chính sự tồn vong của các người, của con cháu các người, chân lý ấy đem lại cho các người sự sống thịnh vượng đời đời kiếp kiếp cả muôn vàng, muôn bạc cũng không sánh bằng!

Liệu có ai trả lời, có ai nghe theo, có ai hưởng ứng? Thậm chí dù ai đó đã cố công lặn lội, mang về thứ chân lý cao quý ấy, muốn đám đông kia cùng nghe theo, cùng hành động thì đáp lại cũng chỉ là sự im lặng, miệt thị. Bởi đơn giản với đám đông kia đó không phải vàng, không phải bạc! Chúng ta dường như dễ dàng để con mắt, để lý trí mình bị sự thật này che khuất những sự thật khác, cũng bởi lòng tham chiếm hữu và trên cả là sự vô minh.

Loài người từ khi sinh ra đến nay, dưới bàn tay nhào nặn của tạo hóa, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử tiến hóa đã dần hoàn thiện hơn về tri thức, trí tuệ. Nhận thức của chúng ta cũng bước ra từ tăm tối sơ khai, như chính con đường hình thành của vũ trụ, của địa cầu - nơi chứa đựng sự sống. Thuở ban đầu, cuộc sống săn bắt hái lượm phần nào đủ để làm thỏa mãn bản năng sinh tồn tự nhiên của loài người. Cuộc sống khi ấy có lẽ diễn ra thật bình lặng, vô phiền vô ưu, không có sự tranh chấp, không phân chia giai cấp, sự phân chia duy nhất có lẽ chỉ là phân chia giống loài. Thế rồi tự nhiên không chỉ là mặt hồ phẳng lặng, nó vốn dao động theo nhịp đập của riêng nó, vì nhịp điệu ấy mà có cái sinh, cái diệt, có giống loài mới nảy mầm, có kẻ diệt vong (có chăng chỉ còn dấu chân trên đá cuội, hay sự ghim hình bóng của mình trong sự sống khác).

Chính lịch sử sự phát triển sinh vật trong dấu tích hóa thạch cho ta biết rằng loài người có sức sống mãnh liệt, khả năng thích nghi và thuần hóa tự nhiên tốt đến chừng nào. Khi mà tự nhiên - giống như người mẹ đã ôm ấp đứa con - loài người (và cả toàn thể sinh vật), che chở nó trong lòng suốt một quãng thời gian đủ dài, thì cũng đã đến lúc đứa con phải tạo cho mình một cuộc sống tự lập hơn. Tự nhiên thay đổi từng ngày, phút chốc đã không còn hiền từ, không còn cấp dưỡng đầy đủ cho nhu cầu ngày một tăng của loài người. Chính tự nhiên đã tạo ra cú hích để loài người tiến hóa, cả về trí tuệ lẫn thể xác để có thể dần hoàn thiện, đứng vững trên đôi chân của mình. Tự nhiên nhiều lúc có tỏ ra cáu bẳn, khắc nghiệt với những thiên tai, thảm họa thì ta vẫn phải mang ơn, bởi con người ngày nay chính là sản phẩn của sự rèn giũa không ngừng nghỉ của tự nhiên.

Biến đổi khí hậu không chỉ mới xuất hiện gần đây, nó âm thầm tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử địa chất của quả địa cầu. Chính những biến đổi này làm suy giảm đi nguồn thức ăn (cây cỏ, động vật kém thích nghi bị suy giảm hoặc diệt vong), nguồn năng lượng để duy trì sự tồn tại của loài người (cũng phải kể thêm đến nguyên nhân gia tăng dân số thời thịnh vượng của loài người). Loài người lúng túng trong kế sinh nhai, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi. Từ đây mầm mống của sự thuần hóa tự nhiên hình thành. Con người dần dần biết sử dụng lửa, sử dụng vật gọt giũa, chăn nuôi gia súc, biết trồng trọt,… để tự làm thỏa mãn nhu cầu sinh tồn bản năng của mình.

Nhưng không phải dễ dàng để thuần hóa tự nhiên đến vậy. Con người ban đầu cũng phải trải qua thời đoạn nuôi vật - vật chết, trồng cây - cây héo. Cũng may mắn sự chuyển động chậm chạp của tự nhiên theo những quy luật không sai khác nhau là mấy - trong một thời đoạn ngắn, con người bắt đầu cảm nhận những quy luật này thông qua việc quan sát tự nhiên, quan sát bầu trời (nhận thức đầu tiên về cái đạo)… Việc quan sát cơ chế sinh trưởng của một số loài cây hoang dã (trước đó người nguyên thủy hái lượm để ăn) cho phép họ suy nghĩ có thể thu hạt, gieo trồng và nhân giống. Cảm nhận rằng cây thảo trước khi mọc lên từ đất, chúng phải được gieo quả, hạt xuống đất; có loại cây cần tưới nước nhiều, cần tưới nước ít… Đó chính là những chân lý đầu tiên loài người nhận ra được trong quá trình thuần hóa tự nhiên, cũng là hạt nhân mở ra nền văn minh lúa nước thịnh vượng và phát triển rực rỡ.

Để đạt được thành quả, con người không ngừng đặt ra những câu hỏi và cùng nhau trả lời! Cây lúa dại đem về thuần hóa, chọn lọc một cách nhân tạo, buộc phải sao chép gần như hệt điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, thời gian trổ bông…) mà cây lúa nguyên thủy đã sống. Có như vậy mới đảm bảo việc chúng sống được và phát triển đúng như mong đợi. Điều đầu tiên là nước, phải làm sao để việc lấy nước tưới được thuận lợi nhất - loài người di cư, tập trung sống bên các dải dồng bằng ven sông màu mỡ. Rồi tai họa là nước không chỉ “sinh ra” và có mặt ở các con sông, nó còn từ trên trời rơi xuống, rồi cả việc các con sông nước cứ dâng lên lại hạ xuống theo một quy luật nhất định (do thủy triều). Bằng trực quan, con người thấy rằng dường như cứ khi nào trời tối sầm lại bất thường, kèm theo gió mạnh là chắc hẳn sẽ có mưa; và dường như trong một thời đoạn không quá dài, các hiện tượng thời tiết là mưa, tuyết, độ lạnh - nóng,… cứ lặp đi lặp lại theo một quy luật không sai khác nhiều lắm - cho nhận thức đầu tiên về mùa. Ban ngày, cứ khi nào bầu trời phương đông xuất hiện vật thể chói sáng, biết di chuyển là mọi vật có thể được nhìn rõ bởi mắt người - đó là mặt trời. Khi mặt trời đi vắng, bầu trời chỉ còn được soi sáng bởi một vật thể chuyển động trên bầu trời - mặt trăng - đối tượng không chỉ biết di chuyển mà còn biết biến dạng từ tròn đến khuyết, từ khuyết lại sang tròn, song biến dạng ấy vẫn có quy luật của nó. Khái niệm tuần trăng ra đời trên nền văn minh lúa nước, gắn luôn với các khái niệm về mùa, về thời tiết, về con nước… Người xưa đã sử dụng khái niệm thời gian tuần trăng phục vụ cho sản xuất.

Đó chính là những cảm nhận đầu tiên về quy luật của tự nhiên của loài người, đưa vào thư viện tri thức của mình những chân lý đầu tiên. Các chân lý này mang tính tương đối (tính tương đối đúng với một vài thời đại, không đúng hay chưa đủ với mọi thời đại) và còn chịu nhiều giới hạn của nhận thức. Song nó đã góp phần to lớn phát triển những nền văn minh sơ khai - cái tất yếu phải có trước khi có nền văn minh hiện đại. Thử hỏi khi hạt gạo đầu tiên được con người cầm nắm bằng bàn tay của mình, họ đã tạo ra chúng như thế nào? Chính là nhờ cảm nhận, trước hết bằng các tri giác thô họ phát hiện, tìm tòi các quy luật, chân lý làm nên sự sống. Vàng bạc khi ấy có là gì!

Trên đây ta mới thấy rằng, những chân lý rút ra từ tự nhiên có lẽ còn quý hơn vàng ngọc bội phần. Chân lý làm ra vàng ngọc và vàng ngọc đâu là gì khi chân lý chưa tỏ tường? Có khi chính con người của thuở sơ khai mới là những kẻ có nhận thức đúng thế nào là “giá trị”, còn con người chúng ta hiện nay có vẻ như nhận thức đã bị bao phủ bởi một lớp sương mờ che khuất sự sáng suốt, và cứ thế vật vờ trong vô minh.

Trở lại câu chuyện mở đầu tôi kể ra về sự so sánh cuộc tìm kiếm giữa vàng bạc và chân lý, tôi muốn thu hẹp lại một chút, chẳng cần cao xa lắm, bởi cái cao xa dù lớn đến mức nào cũng chỉ để bắt đầu thực hiện cho những điều nhỏ nhất. Tôi muốn nói đến dòng sông chảy xiết ấy, người ta có thể “moi” lên vàng bạc từ nó, bằng những cách khác nhau. Trong đó có một cách được tiến hành tưởng như thần tốc - đó là xây dựng trên các con sông chảy dốc, từ thượng nguồn đến hạ nguồn - các con đập thủy điện. Sự xuất hiện của những con đập này ban đầu tưởng như là một phát kiến vĩ đại, thay thế cho việc sản xuất điện từ nguồn nhiệt than đá vốn hữu hạn. Song việc nó mọc lên nhanh chóng như nấm sau mưa cho mục đích “moi” vàng bạc phục vụ cho tư lợi cá nhân đã băm nát dòng chảy tự nhiên. Một loạt các thảm họa sinh thái nổ ra, về sự suy kiệt sản lượng các loài cá, lũ lụt cục bộ rồi lũ lụt liên hoàn do các quy trình xả lũ của các đập thủy điện bất hợp lý, ô nhiễm môi trường nước cục bộ và xuyên quốc gia... Cái vĩ đại hình như đã bị sự lạm dụng, bị lòng tham vô độ bóp méo thành điều thảm họa. Chính thế mà ngày nay, triết học hiện đại đã nhận thức rằng kỹ thuật hiện đại có 3 đặc điểm cơ bản là: tính kỹ thuật, tính toàn cầu và tiềm lực phá hoại. Bên cạnh sự kỳ diệu là kẻ thù đáng sợ.

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ khủng khiếp, con người bằng vốn hiểu biết của mình đã cải tạo tự nhiên, phát kiến nhiều phương tiện hiện đại, tưởng chừng con người đã phần nào đó tách rời hẳn với tự nhiên. Song tất cả phản ánh ngược lại, con người có tri thức cũng là nhờ cảm nhận từ tự nhiên, và con người cũng chỉ là một đứa con được nhào nặn từ tự nhiên. Sự biệt lập, phân cực về quyền lợi giữa con người và tự nhiên chỉ là đòn bẩy cho sự diệt vong. Trên hết, sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên trên mũi tên phát triển mới là con đường bền vững nhất trong tiến trình tiến hóa.

Tác giả bài viết: Dương Lăng

http://phatgiaoaluoi.com/news/Doi-song/Bac-vang-va-chan-ly-1428/#.UQmx1vLErtc


Âm lịch

Ảnh đẹp