Vậy nên trong tâm thức, ngày thứ Sáu là điểm kết cho những mệt nhoài
suốt tuần làm việc, và cũng là khởi đầu cho những bình an.
Ảnh minh họa
Sau
này khi biết đến đạo Phật, biết bận áo tràng xúng xính đi lên chùa lạy
sám hối, biết có vị Bồ-tát hiệu là Lắng Nghe đẹp như trăng rằm, tôi cứ ưu
ái gọi chiều thứ Sáu là PHỔ MÔN.
“Phổ” có nghĩa là sự rộng mở, hay nó
cũng mang hơi hướm của từ “phổ độ”. Vì lẽ ấy, trong tiềm tàng vô thức,
tôi cho rằng “phổ” là sự mang lại an ninh, hạnh phúc và định tĩnh. Còn
“môn” đương nhiên là một cánh cửa. Nói gọn lại, “phổ môn” có nghĩa là
cánh cửa mở ra sự bình an cho muôn người.
Trở về chiều thứ Sáu, tôi tin
ai đang mệt mỏi trong công việc, nghĩ về thời gian ấy đều thấy như có
cơn gió bỗng dưng thổi qua, cuốn đi hết những mệt nhoài. Vì mình biết
mục đích của sự cực khổ trong công việc này là vì bà xã và thằng nhỏ ở
nhà, vì những người thương. Khi sự mệt nhọc, đau khổ, gian khó được xác
lập với một đích đến là yêu thương, đùm bọc và san sẻ thì tất cả như gió
thoảng mây bay. Do cái suy nghĩ bình dị ấy, chiều thứ sáu mang tên PHỔ
MÔN.
Tìm Phổ môn ở đâu?Tại chúng hội kinh Hoa Sen
(Diệu Pháp Liên Hoa kinh), Đức Phật Thích Ca đã dành hẳn một phẩm để
nói về công hạnh và lòng từ ái bao dung của
vị Bồ-tát Lắng Nghe. Và phẩm ấy có tựa là PHỔ MÔN.
Ngài dạy rằng cứ mỗi
khi con gặp tai nạn về thân và tâm thì phải tưởng nhớ đến vị Bồ-tát này
như một cứu cánh duy nhất giữa cõi đời trần lao. Mỗi khi con đau khổ
đến tột cùng giữa dòng đời vạn biến, con cứ niệm thầm danh hiệu của Bồ-tát thì
dù bất cứ phương tiện gì, bất cứ khổ đau nào, Ngài cũng sẽ nhất định
đến giúp.
Giữa những mệt nhoài của công việc, người công nhân viên nghĩ
về ngày thứ Sáu để lấy lại bằng an. Giữa bao sóng dữ dâp dìu của thế
thái nhân tình, chúng sanh kêu tên của vị Bồ-tát này để khơi lại ngọn
đèn chánh niệm, để thấy đời thôi không hẳn là những cấu uế, ô trượt mà
còn đâu đó thấp thoáng bóng áo trắng từ bi.
Bạn hay hỏi tôi
vậy chiều thứ Sáu qua nhanh quá. Bạn tan sở, ghé qua siêu thị mua ít quà
về cho con rồi phóng như bay giữa những luồng ket xe của đất gió bụi
này mà lòng cứ lâng lâng. Bạn tự vẩn vơ trong đầu về bữa cơm vợ nấu, về
thằng cu nhảy cẫng lên vì món quà nhỏ xíu. Quanh qua quẩn lại xong một
buổi chiều, cũng hệt như thời khắc giao thừa. Nó không có thực vì nó nằm
giữa những sát-na. Nhích cây kim giây qua chút xíu xiu là thôi hết năm
cũ, và đã thuộc về mùng một rồi. Vậy đi tìm chiều thứ Sáu ở đâu, tìm
giao thừa ở chốn nào, và làm sao thấy được Phổ môn?
Tên phẩm
là như vậy, nhưng hàng vạn người tụng niệm ít ai thắc mắc về kinh
không hề đề cập đến cánh cửa nào cả, dù chỉ là một bậu cửa thâm thấp.
Đạo Phật không có quan niệm về cánh cửa. Trong những bức tranh Thiền của
Nhật, ta hay thấy một cánh cổng lạc lõng giữa bao la trời đất. Cho nên
Phổ môn cũng là một trong những cánh cổng công án như thế. Không thể tìm
nó ở núi phía Nam, cũng chẳng thấy ở phương Tây, các phương khác thì
càng vô vọng. Nó là cành mai trước hiên nhà của thầy Mãn Giác:
Chớ bảo xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai (HT.Thích Thanh Từ dịch)
Phổ môn là sự hội ngộ tất cả những nhân duyên, công hạnh được hòa quyện
vào nhau bởi tâm TỪ BI VÔ LƯỢNG.
Chiều thứ Sáu trao tặng bạn hương vị
gia đình. Bồ-tát Lắng Nghe tặng chúng sanh một cánh cửa để thân nhẹ,
tâm an, miệng mỉm cười. Ngài hiến tặng chúng sanh một sát-na vĩ đại để
nhận ra hạt minh châu người bạn lành đã may trong túi áo kẻ hành khất.
Chúng ta là những kẻ đi hoang. Đã bao lần lạc vào xác thân của
quỷ đói,
đã bao lần rơi tõm xuống hố sâu của
địa ngục, đã hàng vạn lần chui rúc
trong cái ấm áp của bộ lông
súc sanh. Những đứa con đi rong trong cõi vô
thường và thản nhiên gieo những hạt giống bất thiện. Để rồi kêu khóc,
than vãn về cõi ố trược. Những tiếng khóc cần có một sự lắng nghe và vị
Bồ-tát đã đáp ứng nhu cầu ấy.
Ảnh: Vũ Giang
Hiện tại là giải thoátTrong kinh nói rằng, khi Đức Phật Thích Ca
ấn ngón chân xuống đất thì cõi Ta-bà trở thành thanh tịnh và trang
nghiêm. Sát-na Ngài thực hiện động tác ấy là PHỔ MÔN tức là gieo trong
tâm thức của chúng sanh một niềm hy vọng mãnh liệt về cõi nước an lạc
ngay trong hiện tại.
Hiện tại là sự giải thoát. Chúng ta không sống trong
hiện tại mà luôn tìm cầu về tương lai, luôn gặm nhắm quá khứ để đau
buồn và mơ mộng.
Hiện tại là PHỔ MÔN vì không thể nắm bắt được hiện tại
mà chỉ quán sát được thân tâm trong từng sát-na sinh diệt. Khi thấy được
và an trụ được nơi thân tâm thì là giải thoát. Trở về tên gọi Phổ môn
cũng không sai khác.
Chúng ta không thể bước vào hay nắm bắt được Phổ
môn vì nó chỉ là một hóa dụ thành do vị đạo sư hóa ra để khích lệ tinh
thần tướng sĩ. Tuy nhiên, hóa dụ thành và Phổ môn lại có một vị trí rất
quan trọng trong đạo Bụt, với vai trò khích lệ, động viên. Người đạo sư
nói với tướng sĩ rằng tôi chỉ hóa phép ra thành này để các ông thấy
đường đi bớt xa ngai ngái, nhưng các ông phải đứng lên, chỉnh chu lại
trang phục để đi tiếp. Và Bồ-tát Lắng Nghe nói với chúng sanh rằng mục
đích cuộc dạo chơi nơi cõi Ta-bà của ta không phải chỉ để cứu khổ và ta
cũng không muốn các con dành trọn một đời cho những nghi lễ, cầu xin ai
oán. Mà mục đích tối thượng và duy nhất là con phải nhận ra được Phật
tánh, phải phát khởi được từ bi, phải thôi nguyện cầu cho bản thân mà
thay vào đó là những mơ ước, khát vọng kiến thiết cho nhân loại đang khổ
đau.
Chúng ta đã và đang kẹt nơi những hóa dụ thành
lâu quá rồi nên cần bỏ bớt những giáo điều, những nghi lễ - nơi mà Phật tinh
tuyền được xem như thần linh có khả năng ban phước giáng họa, nơi Bồ-tát
Lắng nghe được mang vào những thuật chú, tà mị.
Các Ngài là năng lượng
rất lành, rất bình an đang bao trùm lấy hết thảy mọi sinh
linh. Hãy học cách bình dị hóa cuộc sống này. Hãy học cách yêu thương.
Hãy tự trở thành Phổ môn của chúng sanh nơi cõi Ta-bà.
PHỔ MÔN là bát
cơm tình thương cho thằng nhỏ cơ nhỡ để nó không phải tím lòng hốt hoảng
khi nghĩ về đám em nheo nhóc đêm nay sẽ đói nếu xấp vé số trên tay nó ế
ẩm; là người nghèo khi nhận món quà cứu trợ đã trao cho nhóm thiện
nguyện nụ cười thật dịu êm và chan chứa. Có ai biết đâu, nụ cười vô tình
đã là động lực duy nhất khiến người trẻ tự nguyện dấn thân, bỏ xa phố
lên đèn hàng ngàn cây số, lang bạt kỳ hồ giữa núi rừng chỉ để đến trao
quà rồi đi...
Tất cả những phương tiện mà chư Phật, Bồ-tát (và cả chúng ta) tạo ra để cho đồng loại và chúng sanh được thấy bình an, nhẹ nhõm
khi nghĩ đến thì đều được gọi là PHỔ MÔN!