02/05/2013 16:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 96545
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trước khi đi Băng Cốc tôi đã vào Google lục lọi kỹ về nơi này, tôi cũng hỏi thăm vài người bạn từng đi du lịch Thái Lan năm ngoái về nhiều điều từ giá cả, các điểm thăm quan, ẩm thực, văn hóa, giao tiếp, làm đẹp ...


Người bạn dẫn đường của tôi thì bảo đừng băn khoăn vì anh ấy đã ở Thái 17 năm, tuy không ở thủ đô của Thái nhưng đi lại làm ăn buôn bán hoài nên cũng khá rành. Tôi thì không tin lắm, vì nghe nói ngay dân Băng Cốc thứ thiệt mà cả đời họ cũng không biết hết các ngõ ngách của nơi này.  Bởi lẽ nó khá rộng lớn với  diện tích khoảng 1.600km2 và khoảng hơn 8 triệu dân, mật độ dân xếp thứ 1 toàn châu Á, trong đó dân nhập cư ngoại quốc, cư trú lâu dài có hai quốc tịch Thái và nước ngoài khá đông đúc gồm người Hoa, Ấn, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam... Băng Cốc là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Thái Lan, trung tâm của các hoạt động chính trị, thương mại, công nghiệp và văn hóa… Nó có tốc độ phát triển về kinh tế rất nhanh ở vùng Đông Nam Á, được sánh ngang hàng với cả Hồng Kông và Singapore. 
Từ của cửa khẩu Vang Tao thuộc tỉnh Ubon Ratchathani ngược về thủ đô xa hơn ngàn cây số, xe hơi xịn 7 chỗ chạy tốc độ 100-120km/h thì bon bon từ 8h sáng đến 20h đêm chúng tôi cũng chỉ mới tới tỉnh Ayutthaya và nghỉ lại đêm ở đó tại một khách sạn có cái tên rất Tây: Seven in. Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm di tích cổ Wat Yai Chaimongkhol của địa phương này, trong lúc chờ mở cổng, chúng tôi ghé vào một quán ăn sáng sát bên khu di tích cổ. Nó khá lớn, xây theo kiến trúc cổ, trang trí theo tâm thức hướng Phật, quán phục vụ rất nhiều món ăn điểm tâm của Thái, khách tha hồ đến từng quầy chọn lựa rồi ngồi vào bàn đợi phục vụ mang tới. Tôi rất ngạc nhiên với món bún được xếp trong những chiếc sàng nhỏ xíu làm bằng tre nứa, phía dưới lót một lớp lá như lá dong, trên mặt lá bún được xếp từng nắm bằng nắm tay xung quanh, ở giữa đặt chén nước chấm nổi ba màu ớt xắt nhỏ vàng - xanh - đỏ. Tôi nghĩ, mình sẽ không thể ăn hết 5 vắt bún đó, nhưng những bàn bên cạnh mọi người ăn hết chúng ngon lành. Tôi chọn ăn một tô phở Thái, vị nước dùng đậm và cay. Nhân viên phục vụ là hai người nam chuyển giới, họ mặc đồng phục vàng chanh, ngực tròn căng sau lớp áo pull thêu logo một hãng nước uống, nếu họ không nói chuyện tôi hoàn toàn nghĩ họ là những cô gái thực sự. Chị gái tôi bảo: Ở Thái phẫu thuật thẩm mỹ rất chuyên nghiệp, giá nào cũng có.
Thời tiết nắng nóng khó chịu nhưng từng hàng xe chở khách du lịch ngay từ sớm đã đổ về di tích Wat Yai Chaimongkhol, đây là một tổ hợp các kiến trúc gồm: tu viện, mộ tháp và chùa chiền, nổi bật với rất nhiều tượng Phật khổng lồ khoác áo cà sa vàng rực. Đây là nơi có bức tượng Phật nằm khổng lồ nghiêng đầu trên tòa sen, mặt hướng về phía đông, hai bàn chân chồng khít lên nhau với những ngón chân cân đối. Bức tượng được mặc áo cà sa vàng rực, cao 8m và dài khoảng 29m, làm bằng ximăng, phủ thạch cao và một số chỗ được người sùng đạo sơn son thếp vàng bằng những miếng mạ lá mỏng dính và nhỏ xíu. Nhiều người dân Thái Lan bày tỏ đức tin bằng việc dán tấm vàng lá lên các bức tượng Phật, tin sẽ được đức Phật phù hộ và che chở. Tôi cũng mua bốn tấm lá vàng và một bó sen trắng, thắp nhang khấn xin đức phật khổng lồ phù hộ sức khỏe và chuyến đi bình an, tôi cũng làm theo mọi người xung quanh áp tay vào thân Phật rồi cúi vái thành kính rồi xoa hai tay khắp đầu, mặt, cổ để mong được đức Phật che chở.
Thăm Wat Yai Chaimongkhol xong chúng tôi Băng Cốc thẳng tiến, tôi ngỡ ngàng trước những làn đường giao thông của nước bạn, đếm sơ sơ được 5 làn, những biển bảng chỉ dẫn cứ một đoạn lại có vài tấm treo ngang trên cao, hoặc sát mé đường để chỉ dẫn người tham gia giao thông đi đúng tuyến đúng địa chỉ. Khác xa bên mình đường xá lồi lõm, lòng đường hẹp, rộng hẹp tùy đoạn, tùy ý địa phương xây dựng, sửa chữa. Giao thông liên tỉnh của Thái rất thuận tiện vì lòng đường rộng đủ cho 4 -5 làn xe cùng đi xuôi - ngược mà không bao giờ phải hãm tốc độ, cũng rất ít cảnh sát đứng trông chừng xe cộ lưu thông như bên ta, các tài xế luôn tự ý thức đeo dây bảo hiểm và đi đúng làn đường quy định, chẳng phải bóp còi inh ỏi, chẳng tranh giành vượt nhau, họ có những vạch tín hiệu quy định vượt nhau và chuyển đường rất chuyên nghiệp. Trên suốt dọc đường từ Ubon về Băng Cốc hơn ngàn cây số nhưng cả người lái và người ngồi trên xe cũng không quá mệt mỏi vì đường bằng phẳng băng, tuyến hướng rõ ràng và luôn có các cây xăng để dừng nghỉ. Những chỗ này vừa là trạm tiếp nhiên liệu vừa là điểm nghỉ giải lao tiện nghi với hệ thống phục vụ liên hoàn gồm: siêu thị nhỏ, khu vệ sinh tắm rửa, quán cà phê, cửa hàng ăn uống, chỗ rửa chùi xe... Điều thú vị là dù đây là những khu sinh hoạt công cộng nhưng đều rất an toàn, yên tĩnh và sạch sẽ. Không một rác rưởi vương vãi, không nước thải tràn lênh láng, xe cộ ra vào liên tục nhưng chậm rãi, đậu đúng ô vạch quy định. Và dù rất đông xe các loại và người đi vào ra liên tục nhưng không gian luôn trật tự, yên tĩnh, vẫn có thể chợp mắt được chút trên ghế băng dài, vẫn nghe được âm nhạc từ máy hát chỗ quán càfe. Điều này khác hẳn với bên ta ở những khu vực sinh hoạt công cộng.
 Vào đến thủ đô, tôi bị choáng ngợp bởi nhà cửa cao tầng, đường xá chằng chịt phức tạp, Băng Cốc nổi tiếng là thành phố của nạn kẹt xe dù hệ thống giao thông rất hoàn thiện và dày đặc. Những cầu vượt phía trên các làn đường rộng và xây dựng kiên cố, uốn lượn khắp trong nội thành, tỏa rẽ về các hướng giáp những tỉnh gần thủ đô. Anh tôi nói những đường trên không này là do tư nhân thầu làm, nhà nước cho họ tự quyền quản lý thu lợi. Tôi được đi tàu điện trên không, lần đầu được ngồi trong toa tàu điện giữa lưng chừng không trung, tàu vun vút lướt như trong phim Mỹ, cảm giác sợ. Tôi  vốn không thích độ cao, hành khách trong toa Á, Âu đứng ngồi đông đúc nhưng trật tự, không khói thuốc, không quà vặt, họ thản nhiên ngồi mở laptop lướt web, hoặc trò chuyện nhỏ nhỏ, công chức Thái Lan đi làm bằng tàu điện khá đông, phụ nữ tô vẽ mắt màu đậm và ăn mặc rất đẹp, nụ cười luôn nở trên môi, hai tay chắp trước ngực cúi chào lễ phép khi giao tiếp. Bạn đừng bao giờ sờ vào đầu của một người Thái vì hành động đó sẽ bị coi là vô lễ, và càng không được lấy chân đụng, gạt vào bất cứ một vật gì đó thay cho tay vì người Thái cho đấy là hành động bất kính. Đặc biệt, không được giẫm lên đồng tiền xu của Thái vì trên mặt xu hình có ảnh đầu của quốc Vương. Họ sẽ rất giận dữ vì cho rằng bạn đang vô lễ với đức Cha của họ. Anh trai tôi bảo người Thái rất ngại va chạm to tiếng, họ luôn chủ trương “cuộc sống vui vẻ” nên họ luôn tươi vui và hiếu khách, lúc nào họ cũng hồ hởi, tươi cười khi gặp mọi người và chắp tay cúi chào dù người được chào nhỏ tuổi hơn mình. Khi tôi đến chiêm bái các chùa chiền, thăm hỏi nhà bạn bè của anh chị đều được nhắc phải nhớ bỏ dép bên ngoài, không giẫm lên bậu cửa và ngồi giấu chân về phía sau để thể hiện sự lịch sự, tôn trọng nơi thiêng liêng và mọi người vì người Thái cho rằng đôi chân là bộ phận dơ bẩn và thấp kém nhất trên cơ thể.
 Chỉ tiếc một điều nếu ngoại ô thủ đô cây lá tươi xanh thì nội ô cây xanh rất ít ỏi, tôi cảm thấy mỏi mắt và ngộp thở với những tòa khối bê tông cao thấp chồng chất, đan xen cùng hệ thống ánh sáng điện mở hầu như cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, Băng Cốc đẹp lộng lẫy với những sắc màu lộng lẫy, chủ đạo là màu vàng và đỏ của các loại đèn điện, bảng hiệu, tường nhà nội thất, hàng y phục, vải vóc. Ban ngày, Băng Cốc là thành phố nóng bức và khói bụi. Hệ thống cửa hàng và siêu thị của thủ đô rất đồ sộ và ắp đầy hàng hóa, hàng lưu niệm của Thái rất đẹp, từ khăn, móc chìa khóa, mũ, túi xách, thảm, hàng mỹ phẩm...  giá cả các mặt hàng khá phải chăng, chất lượng tốt, hàng trái cây tươi ngon không thuốc độc hại. Nhãn, mít và xoài Thái ăn rất thơm ngọt. Trái cây Thái vì thế đang được người Việt ta tin dùng trong nước thời gian đầu năm lại đây. Hàng hóa của Tàu ít được người bản địa và khách du lịch sử dụng dù giá cả rất mềm. Tôi được đến một siêu thị tổng hợp lớn của thủ đô có tên Terminal 21. Nó quá đồ sộ và rực rỡ trong mắt tôi, độ 12 tầng, mỗi tầng là một loại hàng hóa, tôi mê nhất tầng ẩm thực, tầng này có đủ quầy hàng ăn uống của các nước trên thế giới, chúng tôi chọn một quầy đồ ăn Nhật vì ở nhà anh chị đã nấu món Thái cho tôi ăn mấy bữa rồi. Mỗi thứ một chút nhưng món cơm nóng ăn với súp tôm và nấm của họ làm tôi tấm tắc hoài. Những chén bát nhỏ xinh, màu nâu trầm, đồ ăn xếp đặt tinh tế, hương vị thơm ngon. Đồ ăn Nhật luôn được nhiều du khách lựa chọn. Ở đây, cũng có một quầy cơm, phở của Việt Nam, tôi hỏi có phở khô Gia Lai không? Bà chủ lắc đầu, chỉ có phở Hà Nội và bún bò Huế. Ở Băng Cốc, người Việt làm ăn sinh sống khá đông, có người nhờ kinh doanh hàng phế liệu, hàng ăn uống, trái cây tươi - khô, hàng vải mà thành tỷ phú, con cái học hành các trường danh giá của Thái và Mỹ. Chúng nói thạo cùng lúc 3 thứ tiếng: Anh, Việt, Thái. Bọn trẻ đa số học xong ở nước ngoài làm việc và chỉ về thăm quê hương khi cần phải về. Nhưng họ chẳng muốn chia xẻ nhiều, chỉ cười luôn và nói “không có gì đâu” nên tôi cũng tế nhị ngừng hỏi.
Chúng tôi rời Băng Cốc đầu giờ tối, thành phố nhìn phía nào cũng lung linh, rực rỡ trong những điện đèn nhiều màu sắc. Tạm biệt Băng Cốc lòng còn đầy luyến tiếc chưa đi thăm thú được nhiều địa danh nổi tiếng của thủ đô như: chợ nổi Chao Praya, chợ đồ cũ Chatuchak, cung điện Hoàng Gia, Grand Palace... Nhưng thôi, hẹn dịp khác và tự nhủ chắc chắn một ngày sẽ trở lại Băng Cốc vì nơi này còn rất nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn và là một trong những nơi mang lại cho tôi nhiều điều thú vị nhất trong chuyến đi này.
 
                                                                                             HTH





Âm lịch

Ảnh đẹp