26/01/2014 19:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 1336
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Thành kính đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư  Thíchthượng  Phước ­­hạ Thành!

 

Hôm nay vọng hướng quê hương

Tắm mình suối mát tình thương dạt dào

Người ra đi thật rồi sao?

Trăm năm có lẻ xiết bao ân tình.

Nay nhân dịp cuối năm, nhiều Phật tử đến chào tạm biệt con để về thăm quê hương, trong Chùa cũng đang sắp đặt trang trí đón Xuân, lòng con như người lữ thứ hướng về Tết cổ truyền, cội nguồn, ngày đoàn viên với những người thân thương nhất. Chính trong thời điểm này con lại hay tin Hòa Thượng đã xả báo thân trở về cõi Phật. Tại thế hơn 100 năm quả là một kỳ tích thị hiện dài lâu vì lòng thương tưởng cho đời, Đức Phật nhập niết bàn ở tuổi 80, vẫn biết cuộc thế dâu bể vô thường, có sanh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, cho nên, nay cũng đến lúc Hòa Thượng nên thuận thế vô thường tùy duyên buông xả, Thế nhưng Hòa Thượng ra đi trong lúc con đang dự tính về hầu thăm một lần nữa, trong lúc mọi người đang vui Xuân sum họp thì tránh sao khỏi những nỗi thương cảm bùi ngùi, thồn thức, bàng hoàng,…

Hòa Thượng với con có những nhân duyên đặc biệt vì Hòa Thượng là bậc Tôn Túc hàng đầu xuất thân từ Phù Cát quê con, thậm chí Hòa Thượng lại thuộc dòng họ Phạm cùng Xã Cát Minh với gia đình con nữa. Con vẫn thường gặp được Hòa Thượng trong mỗi lần cúng giỗ Tổ tại Chùa Phước Hải. Khi con xuất gia tu học, làm thị giả của Sư Phụ con, Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thíchthượng  Đồng ­­hạ Thiện, mỗi lần đến chứng minh Lễ Hội tại Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều (TCPHNT) Bình Định và các chuyến Phật sự gần An Nhơn, Tuy Phước, Hòa Thượng thường đến am thất của Sư Phụ con thăm viếng và đàm đạo, con dâng trà cho hai Ngài và lắng nghe học hỏi những câu chuyện ý vị. Nhất là kể từ khi con đi học xa, đến Saigon rồi Ấn Độ, Hoa Kỳ mỗi lần về chùa xưa dịp Tết, có vài lần con tháp tùng chuyến xe của Trường TCPHNT để viếng thăm chư Tôn Túc Tỉnh nhà, con thường làm “thổ địa” để nhắc nhở tài xế rẽ phải sau khi qua chợ và đến dốc để vào Chùa Thiên Phước đảnh lễ Ngài. Nếu lái xe đi riêng, con cũng thường khởi hành sáng mồng một Tết đầu năm bằng việc đến thăm Ngài. Lý do cho sự ưu tiên chọn lựa này là thật dễ hiểu : thuận tuyến đường đến kính viếng Ngài, rồi thăm Chùa Linh Ẩn, Phước Hải, thăm gia đình, Chùa Phước Long, rồi thăm các Chùa từ Phù Cát đến Đập Đá, An Nhơn, Tuy Phước trong chuyến về Nguyên Thiều. Hơn nữa, Ngài có uy đức thật lớn lao : hiền từ, phúc hậu, từ bi, bình dân, gần gũi, quan tâm đến đàn hậu học và Ngài thường tặng món “quà Xuân”, đó là vật kỷ niệm, dấu hiệu tốt đẹp mở đầu cho năm và kinh phí mang theo hành trình xa tu học. Con từng nghe những câu chuyện như “huyền thoại” thời xưa “Việt Minh kháng chiến”, Ngài canh tác trồng củ mì và tấm lòng quảng đại, từ bi bảo bọc, che chở, nuôi nấng cho dân tản cư đến Chùa Thiên Phước trú tạm tản cư. Tình yêu thương vô bờ bến của Ngài trải rộng đến mọi đối tượng có duyên với Người.

Ngài không nói nhiều, không quá nhanh nhẹn, linh hoạt nhưng được diện kiến Ngài là phước đức rất lớn. Con có cảm giác như thăm lại người cha hiền với giọng nói chậm rãi thâm trầm, nụ cười đôn hậu, đôi mắt nồng ấm yêu thương, gần gũi,…tất cả thấm nhuần Thiền vị, đúc kết từ năng lực dồi dào của một bậc Cao TăngThạc Đức suốt đời tinh cần tu tập,tận tuỵ dấn thân phụng sự cho Đạo Pháp, Dân Tộc và Chúng Sanh. Chúng ta như tắm trong dòng suối mát mẻ, bình an, thư thản, dễ chịu và không muốn rời xa Người. Lời khuyến tấn của Người, tuy đơn sơ nhưng lại thật thâm thúy và ấn tượng, canh cánh, vang vọng mãi trong lòng con : “Con à, con có duyên xuất gia tại Tu Viện Nguyên Thiều, rồi đi học đây đó, Phù Cát mình có được một người như con thật quý hóa quá! Thầy tin là con tiến xa hơn thế hệ của Thầy. Hãy cố gắng tu học bồi dưỡng để sau này kế tục Đạo nghiệp quý Thầy mà lo việc hoằng Pháp độ sanh nghen con!”. Cho đến bây giờ, giọng nói ấy, cử chỉ ân cần ấy, hình bóng thân thương ấy hiển hiện rõ mồn một trước mặt con.

 

Không phải riêng con do có những duyên gần gũi và nhận được tình thương chăm chút của Người mới cảm phục mà toàn thể Tăng Ni Phật Tử Bình Định đều kính quý Người. Hành trạng tu học và hành Đạo của Ngài thật khó ai sánh kịp : xuất gia lúc vừa 12 tuổi, thọ giới Cụ Túc lúc 19 tuổi, thời Ngài còn trẻ, nhà giàu lắm mới có xe đạp, cho nên mỗi ngày Ngài đi bộ hàng chục cây số đến Thầy Thanh Bình, An Lương, Mỹ Chánh để học Đạo và học chữ quốc ngữ, vừa 22 tuổi Ngài đã được giao phó đảm đang Phật sự tại Chùa Thiên Phước Phù Mỹ, vốn lúc ấy còn hoang sơ. Giáo Pháp dồi mài ngày càng tinh thông, giới đức trọn đời cẩn cẩn mô phạm trang nghiêm. Là một bậc Tôn Đức, để đáp ứng nhu cầu ứng phó đàn tràng, lúc 50 tuổi, Ngài vẫn tầm cầu, thọ học Pháp Du Già, Chẩn Thí Khoa Nghi với Hòa Thượng Thọ Sơn (Phước Sơn). Chỉ mới 38 tuổi thôi (1956), Ngài đã được Ngài Đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết ký cấp Chứng minh thư cho Ngài làm tuần chúng (lãnh tuần chúng) Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định, vậy đủ biết uy đức của Ngài ảnh hưởng như thế nào. Thế rồi, kể từ đó đến khi viên tịch, Ngài là Tòng Lâm Thạch Trụ của Chi Hội Phật Giáo huyện Phù Mỹ và Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Định trải qua nhiều nhiệm kỳ với nhiều cương vị khác nhau, trong đó có cương vị Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định, là Chánh chủ đàn, Đường đầu Hòa thượng qua nhiều giới đàn tổ chức tại Quy Nhơn, Gia Lai, Nha Trang, Canbera (Úc Châu).

Y Báo được trang nghiêm tương thích với tâm nguyện và công đức của Chánh Báo. Nương nơi uy đức của Ngài mà các ngôi chùa : Thiên Phước, Phước Hải, Giác Viên, Vạn Đức trải qua nhiều công cuộc xây dựng trùng tu từ thô sơ, hư nát trở thành Thiền môn Phạm Vũ huy hoàng trang nghiêm để tiếp Tăng độ chúng vân tập tu học. Ngài quang lâm chứng minh cầu nguyện cho các Lễ Trùng Tu, Lạc Thành, Giỗ Tổ, sinh hoạt Lễ Hội,..hầu hết các Tự Viện trong tỉnh để trùng chấn Thiền môn, hưng long Tam Bảo, không khí sinh hoạt Phật Giáo sống động, nở rộ, nhuận sắc khắp nơi nơi.


Hạnh nguyện của Ngài vời vợi thậm thâm, suốt đời với sứ mệnh hoằng pháp độ sanh, không phút giây ngừng nghỉ, xen hở, xao lãng, không mệt mỏi, cho đến những năm tháng cuối đời cho dù tuổi cao sức yếu suy hao nhưng Ngài vẫn không từ nan, quản ngại chấn tích quang lâm chứng minh tham dự các Phật sự Lễ Hội Phật Giáo khắp nơi trong Tỉnh nhà. Mỗi lần diện kiến Người là ấn tượng mãi không phai, mỗi lời nói là bài học sâu xa, mỗi cử chỉ biểu lộ từ tâm vô hạn. Ngài luôn khiêm cung, hòa nhã, bình đẳng thương yêu quan tâm đến khắp mọi người, chưa bao giờ trong cuộc đời, chúng ta bắt gặp Ngài “nổi sân” hay nói lời nặng nề với ai. Ngài rất mộc mạc đơn sơ gần gũi nhưng cũng thật là cao cả, kỳ vĩ,tuyệt vời, sừng sững. Hành trạng của Ngài quả là :

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm. 

Thiền Sư Hương Hải

Dịch:

Nhạn bay qua vút tầng không,

Bóng chìm đáy nước lạnh lùng trôi đi.

Nhạn không để bóng làm gì,

Nước không giữ lại làm chi bóng hình.

Công hạnh ấy bút mực ngôn ngữ nào có thể mô tả cho hết được. Điểm xuyết về những nét son như trên chỉ là vài nét khái niệm để kính tưởng người xưa một thời vang bóng mà thôi. Người chưa gặp được Ngài có thể cho đây là những lời ca tụng đề cao quá đáng, thế nhưng với những ai có duyên diện kiến Ngài sẽ cảm thông trọn vẹn và giờ này không biết nói gì,viết gì có thể biểu đạt trọn vẹn hình ảnh cao quý và ân tình vời vợi với Người.

Những năm gần đây, chư Tôn Đức Bình Định mà con có duyên hầu cận thọ giáo ra đi khá nhiều : ĐLHT Thích Huyền Quang, HT Kế Châu,  HT Đổng Minh, TT. Thích Đồng Hạnh, HT Bảo An, HT Đổng Quán, HT Thiện Nhơn, HT Tịnh Nhãn, HT Sơn Long, …giờ đến lượt Hòa Thượng ra đi khiến cho hàng Cao Tăng Thạc Đức thêm phần thưa thớt, vắng bóng. Chúng con đồng hương Bình Định mỗi lần gặp nhau ôn nhắc về Chư Tôn Đức, mới vừa nhắc nhở đến Ngài là bậc niên cao lạp trưởng, đại thọ Bồ Đề tầm vóc nhất của Phật Giáo tỉnh nhà, con cũng đang sắp xếp về thăm quê và đến kính viếng Ngài thêm lần nữa. Nhưng than ôi! Vậy là đã trễ rồi, con không còn cơ hội để diện kiến từ dung của Người nữa rồi, ngày về con chỉ có thể thắp nén hương nơi Bảo Tháp và Tổ Đường Chùa Thiên Phước mà thôi.

Con ghi sâu trong tâm khảm về duyên hội ngộ kỳ diệu quý giá với những bậc Cao Tăng như Ngài, cho dù chỉ với vài lần trong cuộc đời thôi vẫn có sức chuyển hóa nhiệm mầu, ấn tượng lớn lao không thể phai mờ là một nguồn động lực vô biên cho con trên khắp mọi nẻo đường trong hành trình “Đường xưa Mây trắng” theo dấu Như Lai, hướng về bảo sở. Giờ này đây, tứ chúng nơi quê xưa đang bàng hoàng rơi lệ, sụt sùi tiễn đưa Người, Chùa Thiên Phước vắng bóng Hòa Thượng Viện Chủ dày công bồi đắp, Tỉnh Hội Phật Giáo không còn một bậc Tôn Đức chứng minh, Chư Tăng mất đi một bậc Thầy quý kính, hàng Phật tử mất đi một chỗ dựa nương vững chắc, những người khốn khổ mất đi một Bồ Tát kề cận sẻ chia,… đây quả là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được cho Tỉnh Bỉnh Định nói chung. Rồi đây, từng chòm cây, kẽ đá Tồ Đình Thiên Phước mãi sột soạt, xì xào kể lể ca tụng công đức Người, đạo tràng nơi nơi vẫn còn lưu mãi dấu tích quang lâm ứng hiện của Người, hình ảnh của Người vẫn mãi bàng bạc khắc ghi trong dòng tâm thức mọi người trải qua nhiều thế hệ.

Giờ này con không thể về để thọ tang, phủ phục trước Kim quan, tiễn đưa Người về xứ Phật, vô tung bất diệt. Từ phương xa, con vọng hướng về Thiên Phước đường thượng để đảnh lễ bái biệt Tôn Sư. Rồi đây con không còn cơ hội để gặp Ngài với vóc dáng hình hài như xưa nữa, nhưng hình bóng thân thương ấy, lời khuyên nhủ ân tình ấy, món quà thiêng liêng ấy, tất cả đã thấm sâu vào tâm khảm, mạch sống của đời con, là chất liệu hành trang con đi suốt chặng trình kiếp nhân sinh, hướng đến Chân Thiện Mỹ, làm tốt Đạo đẹp Đời. Cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc, niết bàn tịch tĩnh, lồng lộng Pháp thân, hồi nhập Ta Bà hoá độ nhất thiết chúng sanh. Ngưỡng nguyện Giác Linh Hòa Thượng chứng giám và luôn gia bị cho con.

 

Người đã đến từ miền quê gốc rạ

Như phù sa vun mạch sống cho đời

Chân dung đẹp - một Như Lai Sứ Giả

Mang tình thương ban rải khắp nơi nơi

 

Cảm ơn Người trong nhân duyên tri ngộ

Tiếp cho con thêm nghị lực đường trường
       Đưa sanh chúng vượt sông mê bể khổ

Một thuyền từ tách bến hướng Tây Phương.


NAM MÔ TỪ LÂM TỪ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, THIÊN PHƯỚC ĐƯỜNG THƯỢNG, NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH BÌNH ĐỊNH, VIỆN CHỦ TỔ ĐÌNH THIÊN PHƯỚC, HÚY THƯỢNG QUẢNG HẠ ĐỘNG, TỰ CHỦNG QUẢ, HIỆU PHƯỚC THÀNH, TÂN VIÊN TỊCH TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG ÂN SƯ GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Hướng về Quê hương Xuân Giáp Ngọ
Khể Thủ
Con: Thích Minh Tuệ 
(Thích Đồng Trí) 


Âm lịch

Ảnh đẹp