26/01/2014 11:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 1222
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Hai mươi mấy năm nay, tôi lãnh hết phần quét mộ cho cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi. Theo truyền thống gia đình, cứ đến ngày hai lăm Tết, tôi lại mang dao, cuốc, bánh trái, nhang đèn đến nghĩa trang chung của xã để quét mộ ông bà.

 Do là thầy thuốc, năm nào cũng vậy, đến ngày đó do phải khám hết số bệnh nhân tại phòng mạch rồi mới đi được nên bao giờ tôi cũng là người đến nghĩa trang trễ nhất, khi nắng lên khá cao, lúc đó những người đi quét mộ sớm, xong việc đã lục tục ra về, hoặc bày thức ăn, bánh trái cùng dùng tại chỗ, cười nói rôm rả. Có người thấy tôi đến, bảo: Bác sĩ lại đến muộn, sao không đi sớm cùng quét mộ cho vui. Tôi chỉ cười, trả lời: Dạ, tại mắc chút công chuyện.

 Lúc đang bày bánh trái, trà nước trước mộ ông bà, tôi chợt nghe có người thì thầm sau lưng: Đến ngày quét mộ ông bà cũng không dám nghỉ một buổi, chắc sợ thất thu. Tuy nghe những lời đó, nhưng tôi không có phản ứng gì vì biết họ không thông cảm, chẳng hiểu cho cái nghề thầy thuốc lắm trách nhiệm này, làm sao có thể bỏ đi cho đành khi bao nhiêu con người đến với mình để mong được giúp đỡ thoát khỏi bệnh tật, đau đớn. Tôi lại thầm nghĩ, trách mình tham công tiếc việc, thử hỏi, khi họ bệnh, đi khám nếu thầy thuốc bỏ đi vì chuyện riêng, xem họ có chửi té tát hay không.

Ôi, cái miệng thế gian. Tôi lặng lẽ lấy dao, cuốc ra chặt dọn cây, cỏ quanh mộ ông bà sau khi đã thắp hương khấn vái và đi viếng, thắp hương những ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Không bà con thì cũng nghĩa đồng bào, tôi vẫn quan niệm như thế và đã thực hiện việc viếng, chúc Tết từng ngôi mộ trong nghĩa trang suốt hai mươi mấy năm nay.

Mải lo chặt dọn và nhớ lại những vất vả khi tu sửa mộ của ông bà lúc trước, chợt nghe tiếng ho nặng nhọc gần đó, tôi giật mình quay lại nhìn, thấy ở một góc nghĩa trang có hai người, một ông lão, một thanh niên chừng mười tám tuổi đang lúi húi bày bánh trái, thắp hương trước hai ngôi mộ liền kề. Ông lão thì tôi không lạ vì năm nào cũng gặp trong ngày quét mộ, bao giờ ông ta cũng đến sau tôi một lúc, duy người thanh niên, tôi mới thấy lần đầu.

Tạm ngừng chặt dọn, tôi vui vẻ bước đến chào hỏi người đàn ông đã quen mặt suốt mấy mươi năm qua, ông ta đứng dậy, bắt tay tôi và giới thiệu người thanh niên là cháu ngoại của mình. Người thanh niên sau khi lễ phép chào hỏi xong liền bắt đầu quét dọn, chặt dẹp cây cỏ quanh chân nền hai ngôi mộ. Thoáng nhìn, tôi thấy ông lão năm nay đã xuống sắc, già đi nhiều, tiếng ho lục khục, giọng trầm đục, nghe như hụt hơi. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi thầm biết ông ấy mắc bệnh giãn phế quản khá nặng.

   Sau khi quay lại quét dọn sạch sẽ mộ ông bà, tôi trở sang nói chuyện với ông lão đang mệt mỏi ngồi nhìn cháu ngoại quét dọn hai ngôi mộ. Ngồi xuống cạnh ông, tôi lễ phép hỏi: Lúc trước chú bảo hai ngôi mộ này là của cha mẹ nuôi, còn mộ cha mẹ ruột chú nằm ở đâu? Ông lão trả lời: Mộ cha mẹ ruột tôi nằm trong đất của giòng họ, ở xóm trong, do thuận đường, quét mộ ở đây xong ông cháu tôi mới đến quét mộ cha mẹ ruột.

Năm nay tôi thấy sức khỏe ngày càng tệ nên dắt thằng cháu ngoại theo để cho nó biết mặt mấy ngôi mộ, lỡ sau này, nếu tôi không về được nữa thì có nó thay thế. Giọng ông lão trầm tư: Thoáng mới đây mà đã hai mươi mấy năm rồi..., thời gian trôi qua nhanh quá!

Vốn có hoàn cảnh cha mất sớm, tôi rất thông cảm, thương những mảnh đời không may phải côi cút nên hỏi với tình chia sẻ: Lúc về với cha mẹ nuôi, chú được bao nhiêu tuổi, có còn nhớ gì về cha mẹ ruột không? Ông lão cười trả lời: Đâu có, tôi sống với cha mẹ ruột tới lớn chứ chẳng sống với cha mẹ nuôi ngày nào. Tôi ngớ người: Ủa, vậy sao lại có cha mẹ nuôi và hàng năm chú vẫn quét mộ cho họ?

Ông lão cười móm mém, trả lời: Số là như vầy, ngày xưa, cha mẹ nuôi và cha mẹ ruột của tôi là bạn thân chung đạo tràng ở ngôi chùa trong xã này, cha mẹ nuôi của tôi không có con trai, chỉ có một người con gái đã lớn tuổi. Khi tôi sinh ra, họ xin cha mẹ ruột tôi cho tôi làm con nuôi trên danh nghĩa và đặt cho tôi một cái tên rất hay, chúc phúc cho tôi được nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

Một thời gian sau, do hoàn cảnh, họ đã bỏ quê lên thành ở, còn tôi và gia đình vẫn tiếp tục sống tại quê nhà, do cách xa nên ít có dịp gặp gỡ. Tôi còn nhớ có một hôm, họ về ghé thăm, mẹ tôi kêu tôi ra chào “ba má” nuôi, họ cười bảo nghe kêu ba má mà thẹn trong lòng vì chẳng lo gì được cho thằng con, chỉ tặng cho nó được mỗi cái tên. Khi tôi lớn lên, đi học và làm việc, sống trên thị xã, lúc bấy giờ cha mẹ ruột của tôi đã mất. Trong một lần đi chùa, tôi gặp người con gái duy nhất của cha mẹ nuôi, lúc bấy giờ đã lớn tuổi và là vị sư trụ trì của chùa. Gặp và nhận ra tôi, cô ấy rất vui, cô bảo cha mẹ đã mất hết, chôn cất ở quê, khi đến cận Tết, cô vẫn thường thu xếp về để quét mộ.

Nhờ cô ấy chỉ điểm, tôi mới biết nơi chôn cất của cha mẹ nuôi. Từ đó mỗi năm, khi về quê quét mộ cha mẹ ruột, tôi vẫn thường đến quét mộ cho cha mẹ nuôi dù vị sư cô đó có về hay không. Thời gian sau, vị sư cô đó cũng qua đời; lúc cô ấy yếu nhiều, tôi đến thăm, cô nhờ tôi săn sóc giùm mồ mả cha mẹ vì cô là người con duy nhất, không còn họ hàng thân tộc. Nên hai mươi mấy năm nay, tôi lãnh hết phần quét mộ cho cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi, nghĩ đến ngày không còn sức mà về, tôi mới dắt thằng cháu theo, mong nhờ nó thay mình thực hiện bổn phận và lời đã hứa.

Sau một hồi chuyện vãn, đứa cháu trai ông lão đã quét dọn, sơn phết hai ngôi mộ tinh tươm, hai ông cháu giã từ tôi lên xe vào xóm trong để quét mộ tiếp. Tôi đứng nhìn theo, nghe tiếng ho như xé ngực của ông lão mà chạnh lòng, không hiểu năm tới ông ấy có còn sức để mà về quét mộ nữa không.

Trên đường về nhà, tôi vừa đi vừa suy nghĩ, cuộc sống quả đa hình, đa dạng, có kẻ cả đời hết mình vì nhân vì nghĩa, có kẻ lại bội bạc, vong tình. Ông lão vì nặng ơn dù cha mẹ nuôi chỉ đặt cho một cái tên và vì một lời hứa mà bao nhiêu năm trời đứng ra săn sóc mộ phần cho những người không cùng máu mủ, lại sắp xếp cho đời sau con cháu tiếp tục việc mình đã làm.

 Và trong xã hội bây giờ, lại cũng có hạng người bạc đãi đấng sinh thành như bao trường hợp đài, báo đã nêu đích danh, chỉ tận mặt. Cũng may những kẻ bất hiếu, bất nghĩa đó chỉ là số rất ít trong đất nước vốn có truyền thống hiếu nghĩa như dân tộc Việt Nam.

Hương Đức

http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2014/01/25/1BD24B/


Âm lịch

Ảnh đẹp