ĐẦU XUÂN KHẤN NGUYỆN


Thích Giác Tâm
18/02/2018 08:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 1721
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

27973851_1265903313509456_6825553210032148728_n.jpg

ĐẦU XUÂN KHẤN NGUYỆN
*
Trả lại em chiếc áo dài
Để em đi lễ vài ngày đầu xuân

Em không muốn để đầu trần
Trả em chiếc nón gò găng [1] thuở nào

Cõi trần lắm chuyện lao xao
Đầu xuân lễ Phật dạt dào tình thương

Cho con sống thật bình thường
Tâm không hướng ngoại vấn vương quê nhà

Sống không phù phiếm xa hoa
Chỉ cần hoa bưởi hoa cau đã là....

Giữ thân không sống sa đà
Tương lai đất nước nếp nhà ấm êm

Đầu xuân nguyện làm đóa sen
Bùn nhơ như thế vượt lên tặng đời

Sống luôn ngẩn mặt nhìn trời
Chí cao nguyện cả mãi hoài dưỡng nuôi

Chỉ đi tới không bước lùi
Dấn thân phụng sự mọi thời mọi nơi.
------------------------
Ngày mồng 02.01. Mậu Tuất (17.02.2018)
Thích Giác Tâm

Chú thích:
Xuân về tết đến chúng ta nhớ đến chiếc áo dài truyền thống của nam và nữ ở đất nước Việt Nam ta thời trước. Tham dự lễ hội, đi chùa, cưới gả, ma chay......thậm chí các cô gánh chè đi bán rong ở Huế vẫn mặc áo dài. Những hình ảnh đó chúng ta thường thấy trước năm 1975. Những năm sau năm 1975, vì hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, chúng ta ít thấy áo dài xuất hiện trong các sự kiện, sinh hoạt đời sống xã hội, tiếp đến thời mở cửa hội nhập đất nước phát triển, văn hóa chúng ta bị xâm thực bởi văn hóa ngoại lai.

Giới trẻ là lớp người tiếp thu cái mới, văn hóa ngoại lai nhanh nhất, sớm nhất. Họ ăn mặc như người phương tây, quần áo cũn cỡn, xé rách te tua, lai rất nhiều nước. Chiếc áo dài, nón lá truyền thống đã dần bị lãng quên, nhiều bộ môn vốn là vốn cổ, giá trị của đất nước đã lùi dần vào quá khứ ngủ yên.

Thiền Sư Nhất Hạnh là một cao tăng Phật giáo trong thời cận đại, thấy viễn cảnh văn hóa dân tộc chìm vào lãng quên trong tâm thức con dân Việt, thiền sư đã luôn giảng giải kêu gọi mọi người quay về với văn hóa truyền thống của tổ tiên, dạy các Sư Cô đệ tử mình dùng quần áo màu nâu chít khăn mỏ quạ, chiếc nón lá là vật bất ly thân của đệ tử cả nam lẫn nữ của Ngài.

Từ các bài giảng của thiền sư về chiếc nón lá, áo tứ thân, khăn mỏ quạ đã hồi sinh, nhưng nghe chừng khỏe mạnh lại thì rất chậm.
Tết năm nay hình ảnh của một số ít Phật tử đi chùa Bửu Minh đầu năm mặc áo dài, đã làm chúng tôi cảm động, nhớ đến thiền sư với chiếc nón lá Ngài kêu gọi mọi người đừng lãng quên, nên trân trọng để giữ nét văn hóa riêng, nhớ đến chiếc áo dài đây đó đã chìm vào quên lãng, nay nhân ngày đầu xuân lác đác sống dậy, do vậy tôi làm bài thơ đầu năm để nhắc Phật tử mình đi chùa nên ăn mặc áo dài, đội nón lá...Giữ chất Việt hồn Việt trong sinh hoạt cộng đồng.

[1] nón gò găng: Gọi là nón Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), còn thật ra, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Ngay như thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) cũng có nghề làm nón lá, thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) thì nổi danh với nón ngựa…

Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa ngày xưa. Nó tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tính cầu kỳ thái quá, hợp với dân lao động một nắng hai sương. Song, không vì lẽ đó mà mất đi vẻ duyên dáng nên thơ. Ngược lại, với dáng thanh mảnh riêng biệt của mình, nó được nhắc đến nhiều trong thơ ca nhạc họa.( http://annhon.binhdinh.gov.vn/).

27858044_1265907913508996_7805857633696564543_n.jpg

(Đi chùa lễ Phật đầu năm, tại chùa Bửu Minh, Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai.


Âm lịch

Ảnh đẹp