Sống chung với lũ


TẠ THỊ NGỌC THẢO
27/12/2017 16:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 1759
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có thì có tự mảy maysong-chung-voi-lu
Không thì cả thế gian này cũng không
Thiền sư Từ Đạo Hạnh

“Sống chung với lũ”? – Tào lao, ở TP.HCM làm gì có lũ! Trước đây, tôi cũng nghĩ như thế, cho đến một hôm tôi trở về công ty sau chuyến đi xa; để mừng sếp, các cộng sự đã nhất loạt reo lên: “A, lũ về”(!). Thì ra, đối với cộng sự của mình, tôi là “lũ” mà họ đã phải sống chung…

Đã thế, cộng sự của tôi còn nói với nhau, giọng nửa đùa vửa thật: “Hãy chon dấu nỗi buồn sâu kín, đừng để lộ ra mặt một cách quá đáng, vì đằng nào thì “lũ” cũng đã về rồi”. Tôi còn biết thêm, những lần tôi chào công ty ra sân bay, các cộng sự thường rù rì nhắc nhau: “đừng vui sớm, hãy đợi đến khi máy bay cất cánh đã, như thế niềm vui chúng ta mới trọn vẹn”. Tôi thật sự dở khóc dở cười trong hoàn cảnh này: khóc, vì mình là “lũ” trong mắt cộng sự mà không hề biết; cười, là vì biết muộn vẫn còn hơn không. Đâu phải sếp nào cũng may mắn được cộng sự nói cho mà biết mình là “lũ”!

Vừa qua, tôi lại càng biết thêm, tại các công ty do những người bạn của tôi làm chủ, công sự của họ đã nghĩ ra một cách giúp mọi người trong công ty được thư giãn là: lên kế hoạch rồi “ép” sếp đi công tác xa! Có nghĩa là chỉ cần một mình sếp đi vắng, tức thì sức khỏe của cả công ty được dồi dào. Từ thông tin đắt giá đó, tôi suy ra: A, nếu vậy mình không phải là “lũ” cá biệt!Cũng có thể tất cả chúng ta – những người chủ doanh nghiệp – đều là “lũ” lớn hoặc “lũ” nhỏ trong mắt cộng sự của mình. Ôi, lẽ nào những doanh nhân lịch lãm, bặt thiệp, duyên dáng, thân thiện,…như chúng ta mà lại đồng nghĩa với lũ ư?

Ai mà không muốn mình là dòng sông thơ mộng, êm đềm, lãng mạn trong mắt người khác? Ai mà không muốn mình là niềm vui ấm áp, là cơn gió thoảng, là bông hoa tươi thắm khi đến với những người chung quanh? Vì thế, khi nghe cộng sự gọi mình là lũ, chúng ta không khỏi suy nghĩ” Mình là lũ à? Lũ tự bao giờ? Và điều gì đã làm cho chúng ta trở thành lũ?

Những người trong hay ngoài giới kinh doanh đều biết rằng, để trở thành chủ doanh nghiệp, ngoài kiến thức kinh doanh cần phải có, doanh nghiệp còn phải hội tụ nhiều tố chất khác biệt: bản lĩnh, tiên phong, mạo hiểm, xông xáo, chấp nhận rủi ro và đứng mũi chịu sào trong mọi hoàn cảnh. Đã có không ít trường hợp xảy ra trong thực tế, khi doanh nghiệp bị khốn đốn, người nhận lương vỗ tay cái bép nhảy qua công ty khác, con người trả lương cũng nhảy, nhưng nhảy lầu! Như là một cái nghiệp (chướng) đeo mang, chủ doanh nghiệp luôn là người “cực trước – khổ sau”, thành công hay thất bại, họ đều khổ. Là bởi, họ luôn đặt mục tiêu thị phần ngày một lớn trên thương trường: doanh nghiệp còn nhỏ thì ấp ủ dành thị phần trong nước, lớn hơn tìm cách mon men đến các nước láng giềng rồi khao khát chiếm lĩnh thị trường thế giới! Nương theo tỷ lệ % chiếm được thị phần đó, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu các nhân của họ cũng tỏa sáng theo. Chính vì vậy, những người chủ khổ triền miên, khổ lâu dài, chỉ vì ít khi ngoái lại phía sau, lại nhiều hồ hởi tiến về phía trước.

Người có tố chất làm chủ khát vọng của họ cuồn cuộn như sóng lũ trào dâng. Họ tự đặt ra mục tiêu, rồi gạch từ điểm xuất phát đến đích một đường thẳng rất bén xong bươn bã đi tới. Cũng như lũ, từng cơn lớn nhỏ khác nhau, các chủ doanh nghiệp cũng vậy. Người có của do cha mẹ để lại, con đường đi tới thành công thường ngắn và bằng phẳng; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn muốn khẳng định được thương hiệu phải trải qua cay nghiệt hơn.

Không ít người, để đạt mục tiêu, họ gạt chướng ngại, dẹp chông gai… đã đã đành, nhưng cũng đôi khi họ vô tình đạp lên cả hoa hồng và cỏ mượt – dù đó là điều mà không ai trong số họ muốn mắc phải. Trên đường vươn tới, người họ trầy xước, chân họ rướm máu, tai họ không nghe chim hót, mắt họ không thấy hoa nở…; họ đã phần nào giống bản chất của lũ – cuốn phăng đi mọi thứ khi nó lướt qua.
Không ít lần “lũ” trăn trở: liệu chúng ta, những người chủ doanh nghiệp, không là “lũ” nữa có được không? Vì là “lũ” có sung sướng gì đâu, “hoàn cảnh” lắm. Nhưng ngày qua ngày, những người chủ doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường mà sự cạnh tranh, đào thải, sang lọc rất khắc nghiệt, muốn không là “lũ” cũng chẳng dễ dàng gì.

Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước: nền kinh tế thị trường còn rất sơ khai, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, đội ngũ doanh nhân còn non tay nghề (bởi thời gian đổi mới chưa dài), đã thế vốn thì thiếu, lực lại yếu; tất cả những điều đó đã dẫn đến số doanh nghiệp đủ tầm cỡ để cạnh tranh trong thời hội nhập chưa có bao nhiêu, số doanh nghiệp thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của bản ngã cũng chưa phải là nhiều. Và như thế thì “lũ” trong thương trường còn nhiều lắm, người này là “lũ” của người kia, người kia lại là “lũ” của người nữa…

Nếu trong mắt ai đó thấy những người chủ doanh nghiệp có lúc giống như lũ thì hãy động lòng thương cảm, bởi bản thân của họ đã phải thường xuyên dậy sóng ba đào.

Áy náy vì các cộng sự phải chịu đựng cảnh sống chung với “lũ”; mà “lũ” lại là mình, tôi xuống giọng nhẹ như gió thoảng, khẽ khàng nói với họ: “Thôi, từ nay sếp không là “lũ” nữa, sếp hứa cố gắng trở thành dòng song thơ mộng, trong vắt, hiền hòa trong mắt mọi người…”. Và tôi thật sự bất ngờ khi nghe cộng sự của mình phản ứng:”Dạ, thôi sếp, trước sao giờ vậy! Doanh nghiệp của mình đang yên ổn làm ăn, biết đâu sự thay đổi của sếp làm cho nó lận đận, lao đao? Vả lại, mọi người cũng đã sống quen với lũ rồi, giờ sếp đổi “e”, lành dữ khó lường, cộng sự biết đâu mà né”. Bởi vậy, muốn không là “lũ” nữa, đâu có dễ.

Có giải pháp nào giúp chủ doanh nghiệp vẫn hoạt động trong thương trường nhưng không phải thường xuyên dậy sóng ba đào không? Câu trả lời là “không”, bởi khát vọng ngày mai phải giàu hơn ngày hôm nay đã là bản chất của “lũ”. Câu trả lời là “có” nếu giới chủ biết quay về cư trú trong nhà của Phật, học cách nhìn đồng tiền cả hai mặt có và không : “có” thì có tự mảy may/”không” thì cả thế gian này cũng không! ■

TẠ THỊ NGỌC THẢO | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64


Âm lịch

Ảnh đẹp