Vị tha


Thủy Lâm Synh
14/04/2012 11:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 73776
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mấy hôm nay trời bắt đầu lạnh, cả ngày không thấy mặt trời, trước cửa ngõ vào nhà bà Diệu lại thấy xuất hiện một gã đàn ông da trắng đi qua đi lại, thỉnh thoảng ném mắt vào xem chừng như đang đợi một người nào đó. Ở trong nhà, ngoài bà Diệu là lớn, còn một đám cháu nội choai choai, chúng là con của vợ chồng ông bà Hải, người con trai độc nhất đang phụng dưỡng bà Diệu trên bước đường tha phương.



Nhờ vào cuộc sống thanh đạm, đạo vị, bà Diệu và con cháu có mái nhà êm ấm, gia đình ông bà Hải cũng là một gia đình phúc đức.

Trong bữa ăn tối, bà Diệu hỏi đứa cháu lớn:

– Hà! con có thấy người đàn ông da trắng đi qua đi lại trước ngõ mình trong mấy tuần nay không? Tao nghi hắn đang tính chuyện gì mờ ám đây!

Thay vì Hà trả lời, ông Hải lo ngại buột miệng:

– Có chuyện đó sao? Chẳng thấy đứa nào đề cập tới cả.

Ông Hải nhắc nhở với các con bằng giọng nghiêm nghị:

– Ở cái xứ nầy các con phải đề phòng người lạ mặt, những chuyện không bao giờ nghĩ tới lại cũng có thể xảy ra như cơm bữa.

Hà tiếp lời ba:

– Con có thấy ai lạ mặt đâu, hồi chiều con và thằng Hào còn ra ngõ quét lá vàng mà.

Hào phụ họa:

– Đúng đó ba, chị Hà và con làm việc ngoài ngõ cả giờ nào thấy ai lai vãng gì đâu.

Bà Diệu thêm:

– Thôi được, để mai tao xem lại cho kỹ, nếu thấy sẽ gọi bay.

Bà Hải nối lời mẹ chồng:

– Vậy thì Hào cùng đi với bà, hãy cẩn thận đừng hỏi han gì cả.

Bữa cơm tối đã xong, bên ngoài màn đêm rơi lặng lẽ. Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đầu ngõ tỏa xuống mặt nhựa thành mầu tím sậm. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi quét ánh sáng vào sân khi qua một khúc quẹo tại ngã ba cách nhà khá xa.

Sau những buổi chiều để ý, quả bà Diệu có thấy người đàn ông dáng u buồn, mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay bỏ trong quần kaki màu cà phê sữa. Có điều làm cho bà Diệu khó hiểu là tại sao trời lạnh căm căm mà gã chỉ mặc đồ sơ sài và mặc một bộ giống nhau mỗi ngày?

Bà quay qua nói với đứa cháu nội có mặt với bà hôm đó:

– Đó mầy thấy chưa, gã đàn ông mà tao đã nói,

Hào đưa mắt theo ngón tay của nội, nhưng tuyệt nhiên nó không thấy ai khác hơn là khoảng trước trống vắng, nó hỏi lại nội:

– Sao con không thấy ai cả nội?

– Trời, hắn đi gần đến đầu ngõ mình rồi đó...đó...

Hào trợn mắt, nghiêng đầu nhìn theo phía hàng rào, e dè bước xích ra đầu ngõ vẫn không thấy ai, nó quay sang nội:

– Không, con không thấy người nào hết.

– Cái thằng biết nói chơi. Hắn vừa qua ngõ nhà mình còn đưa mắt vào nhà nữa, mà không chừng hắn cũng không nhìn thấy mình đấy.


Mấy ngày liên tiếp như vậy bà Diệu và mấy đứa cháu nội lại có dịp nói qua nói lại về kẻ lạ mặt. Bà Diệu nói thấy, Hào bảo chẳng thấy, khiến bà Diệu phải kêu thêm Hà ra làm chứng! Kết quả thì Hà và Hào không thấy ai nhưng bà Diệu lại nhìn thấy người đàn ông da trắng lạ mặt kia. Chiều nay khi đi ngang hắn lại cũng dừng chân vài giây trước ngõ. Vừa thấy gã ấy, bà Diệu đưa ngón tay lên môi cắn mạnh để biết mình đang trong trạng thái mê hay tỉnh. Bà tự hỏi sao chỉ có ta thấy được mà cả nhà thì không ai thấy cả. À bà hiểu ra rồi, mắt của bà vừa được ghép giác mạc, bà thấy rõ hơn xưa nhiều lắm. Nhưng lại nghĩ, vô lý quá, lẽ nào bà lại thấy thêm những gì mà người khác không hề thấy. Sao kỳ thế nầy, bà trở vào nhà với một mớ suy nghĩ lẫn hoài nghi mà không tìm ra câu trả lời. Bà đến bàn Phật thắp một cây hương, bà nhìn tượng đức Quán Thế Âm rồi thầm vái:

– Thưa Ngài, mắt của con đã sáng hơn xưa, nhưng đầu óc lại hoang mang vì việc con thấy gã lạ mặt đi qua đi lại trước nhà trong khi cả nhà không ai thấy cả. Con cho đó là một hiện tượng kỳ quái, con muốn hiểu vì nguyên do gì?

Bà Diệu sụp lạy trước bức tượng đẹp đẽ, trang nghiêm và đôi mắt biểu lộ hạnh nguyện cứu khổ của ngài. Bà cho mối suy tư lắng xuống, mỗi đêm bà ngồi ngay thẳng vận dụng hơi thở để thực tập thiền định. Tâm bà tĩnh táo được đôi giây thì cái gã lạ mặt lại xuất hiện trong đầu phá tan sự tĩnh lặng đó. Bà tự hỏi:

– Giữa bà và gã ấy phải có duyên gì đây? phải chi bà thấy được vị Tổ, vị Bồ Tát nào thì vạn hạnh biết bao. Nhưng rồi một thoáng rất nhanh, bà nhớ lại đoạn kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong ấy có nói các vị Bồ Tát thường thị hiện đủ hạng người để mà tùy nghi hóa độ. Không phải mình đã từng cầu nguyện được gặp quý ngài ấy đó sao. Nghĩ như vậy, đầu óc bà Diệu bỗng dưng tươi tỉnh lạ thường. Bà cảm thấy sáng suốt hơn bao giờ hết, và công việc hành thiền của bà cũng không đến nỗi phức tạp như lúc ban đầu.


Hôm nay trời ấm hơn mọi hôm. Bà Diệu tắm gội sạch sẽ ra trước ngõ chờ đợi. Trên tay cầm một cành hoa với nhã ý sẽ tặng vị Bồ Tát đó. Không đợi người lạ mặt đến gần, bà Diệu ra khỏi ngõ đứng ngay đường dành cho người đi bộ, hai tay chấp lại có kẹp một đóa hoa. Người lạ mặt cứ đi tới, đi tới khi thấy bà Diệu đứng chận đường, y cũng bắt chước bà Diệu chấp tay trước ngực mà xá lại. Bà Diệu hỏi;


– Có phải ông muốn tìm tôi?
– Vâng! tôi đang tìm bà.
– Ông tìm tôi có việc gì chỉ dạy?
– Tôi tìm bà để cám ơn.
– Cám ơn tôi cái gì?
– Bà đã là vị cứu tinh của tôi.

Nghĩ lại mình có bố thí chút đỉnh, có đóng góp xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng. Cố gắng thực hành lời Phật dạy, nhưng với chút ít phước đức như thế đem so với lời dạy của chư Phật thì như muối bỏ biển, có đáng gì. Nay có người tìm cám ơn dù chưa biết cám ơn việc gì, mình sao dám nhận. Bà Diệu vẫn tư thế chấp tay nói.

– Tôi xưa nay là Phật Tử. Chỉ cố gắng thực hành lời dạy của chư Phật:

"Hãy từ bỏ việc ác
Làm tất cả việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Từ lời nói đến hành động"


chỉ có thế cũng đã khó lắm rồi, tôi đây xin được từ chối lời cảm tạ của ông.

Người da trắng nói không suy tư:

– Cách đây mấy tháng, tôi đã bị tử nạn xe auto. Tất cả các bộ phận trong thân thể tôi đều được ký thác để tặng cho người đời xử dụng. Bà là người đã làm cho một con mắt tôi tiếp tục sống. Con mắt ấy được đặt trong một con người nhân hậu như bà thì nó lại có giá trị tuyệt đối. Hơn nữa bà đã dùng mắt của tôi để ngày ngày nhìn lên tượng Phật Thích Ca, một con người đã nhận chân cuộc đời là khổ. Ngài không màng danh lợi, tự tìm lối tu tập riêng biệt để đi đến giác ngộ hoàn toàn. Sau khi giác ngộ, ngài tìm thấy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật nếu biết cách tu, nên ngài truyền dạy ròng rã bốn mươi chín năm. Ngài để lại một kho tàng giáo pháp, mà hễ bất kỳ ai để tâm nghiên cứu cũng đều nhận thấy một đức hạnh từ bi, lòng vị tha vô bờ bến. Suốt chiều dài lịch sử hai mươi lăm thế kỷ, đạo Phật đã thể hiện điều thiện đó. Cho đến ngày nay, giáo lý của ngài lại được vô số học giả trên thế giới ngưỡng mộ tìm tòi và học hỏi. Đặc biệt các nhà khoa học đã trưng ra những bằng chứng tương quan giữa đạo Phật và khoa học. Nói một cách dễ hiểu, nếu khoa học cần dụng cụ để thí nghiệm thì đạo Phật lại cần trí tuệ để phân tích trước khi tu học. Tiếc rằng vừa tìm được chân lý thì tôi bị tử nạn, có lẽ vì nghiệp nặng của tôi từ vô lượng kiếp trước.

Bà Diệu tỉnh ngộ, bà không ngờ rằng người khách lạ nầy lại nghiên cứu về Phật giáo hơn cả bà. Bà nghĩ ngay rằng có lẽ đây là một vị Bồ Tát, bà quỳ xuống:

– Tôi mới là người biết ơn ngài, nhờ ngài mà mắt tôi được sáng, được nhìn thấy rõ vạn vật, ngài hãy nhận nơi tôi một lạy.

Người lạ mặt gập người đỡ bà Diệu và nói:

– Không cần đâu, bà hãy vì nhân sinh mà làm nhiều việc lành hơn nữa, bố thí hơn nữa, nhất định bà sẽ thấy nhẹ nhàng khi cái thân tứ đại nầy không còn.

Bà Diệu vẫn quỳ, nói câu vô nghĩa:

– Hay là ông cho tôi danh tánh ngày sanh tháng đẻ để tôi cầu nguyện cho ông.

– Việc đó không cần thiết, cầu nguyện chỉ là một trợ duyên. Điều chính vẫn tự mình đốt đuốc mà đi. Tuy nhiên tôi cũng chẳng dấu chi tên tuổi. Tôi tên là John Smith, ngày sinh 8-4-1967.

Bà Diệu đưa chiếc bông cẩm chướng cho John, ông ta đỡ lấy nhưng lại trao lại cho bà Diệu với lời nói chân thật:

– Bà cắm cành hoa nầy trên bàn Phật hộ tôi.

Nói xong John lặng lẽ bước đi.

Bà Diệu đứng dậy, nhìn theo bóng ân nhân khuất dần sau con đường hun hút. Bà đi chậm rãi vào nhà, giòng tư tưởng của bà ôn lại cuộc gặp gỡ một người mà cá nhân bà hiểu rằng đó vị là Bồ Tát có hạnh nguyện vị tha cao cả.

Từ đó hàng đêm trong nhà bà Diệu lại vang lên tiếng mõ, đi đều với bài kinh, bài chú vãng sanh. Và cũng từ đó về sau người đàn ông da trắng kia không còn đi ngang qua nhà bà Diệu như thường lệ nữa.


Âm lịch

Ảnh đẹp