Cảm nghĩ từ một câu nói

LỜI NGUYỆN CỦA THẦY


NGUYÊN GIÁC
08/06/2012 19:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 122941
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“ Tôi nguyện làm hòn sỏi nhỏ rải đường cho đàn em mình đi”. Câu nói của HT Thích Minh Thông - thầy Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Khánh Hoà cứ văng vẳng  mãi trong tâm trí con kể từ ngày con bước chân vào Nha Trang tu học.


                 

                                        

 

               Mái trường , thầy cô, bạn bè, cách quản chúng , cách truyền dạy ...vẫn còn là bỡ ngỡ đối với Tăng Ni trẻ . Con không biết anh em Tăng Ni trẻ cảm nhận như thế nào, riêng con luôn canh cánh bao nỗi niềm trăn trở xen lẫn những cảm xúc khó nói ra thành lời : “làm thế nào để thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hứng thú, an lạc trong tu học giữa Tăng chúng khi sự giao thoa giữa lớp trẻ và thế hệ tiền bối trên hành trình về cõi Phật  có một khoảng cách qúa xa” .

              Với vốn kiến thức và tuệ căn Phật giáo còn non yếu , con không biết phải nói, viết và trình bày như thế nào mới có thể có chút ít chuyển tải khơi gợi phần nào tấm lòng của Thầy đối với thế hệ Tu sĩ trẻ nói chung và khoá VI nói riêng đang “ núp bóng” dưới mái trường thân thương có bề dày về truyền thống đào tạo Tăng tài . Trong buổi lễ tổng kết khoá V và khai giảng khoá VI hẳn không ai tránh khỏi những xúc động khi nghe lời tâm sự chân tình của Thầy : “ Tôi nguyện làm hòn sỏi nhỏ để rải đường cho đàn em mình đi”. Câu nói  ngắn gọn đơn giản nhưng hàm ý nhiều triết lý nhân sinh, triết lý Phật giáo cao cả. Dù có phân tích , mổ xẻ, cắt nghĩa đến đâu chăng nữa cũng khó có thể nói cho cạn được tấm lòng  sâu rộng của Thầy trên “sự nghiệp giáo dục những người con Phật thế kỷ XXI ” khi  đối lập  giữa thực tại ngổn ngang của Tăng Đoàn và tấm lòng Thầy mênh mang rộng tràn sáng như mặt trăng nhẫn nại diệu hiền.  Lời nguyện của Thầy có sức ám ảnh lớn; nó ăn vào tiềm thức của tất cả Tăng Ni nói riêng và người con Phật trên khắp mọi miền nói chung ; nó thổi một luồng sinh khí lớn khiến chúng con có phút nhìn lại mình trong quá trình tu tập; nó giống như ánh sao băng lướt qua màn đêm u tối nhắc tâm người con Phật : “ xin đừng tuyệt vọng hãy ngẩng mặt lên mà đi vì xung quanh mình vẫn còn có những con người lăn vào đời tuỳ thuận mà hoá độ Chúng Sanh, coi công danh địa vị như đôi dép rách để đi qua chặng đường dài xong buông bỏ” .

           Cuộc sống, thường thì lời hứa vào một dịp trọng đại nào đó rất có ý nghĩa , có những lời hứa lời thề đi theo người ta suốt cả cuộc đời và là động lực để người ta vươn lên đối đầu với mọi chông gai thử thách. Lời hứa,  lời thề đó trở thành lẽ sống, thành niềm tin, lý tưởng và hi vọng nuôi dưỡng tâm hồn con người trong mọi phong ba bão táp. Người biết giữ lời hứa bao giờ cũng được mọi người xung quanh yêu mến .Cao hơn lời hứa đó là lời “ nguyện”. Lời nguyện lớn đi liền với một đạo lực lớn.

            Thầy nguyện với lòng mình, với tất cả mọi người, với các bậc  Hiền Thánh, với Đức Phật xin được “ làm một hòn sỏi” . Một  hòn sỏi “nhỏ” thôi để “ rải đường” . Rải đường cho ai ? Chính là cho Tăng Ni sinh- thế hệ trẻ - những cây Bồ Đề non yếu đang cần có sự trợ duyên che chở  . Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “ tôi” đặt ngay đầu câu nói kết hợp với từ “ nguyện” trong cách so sánh ví von đầy hàm ý đã khẳng định chắc chắc chắn  sự phát nguyện dũng mãnh của Thầy. Suốt chặng đường tu tập đã chứng tỏ ,Thầy thật không hổ thẹn là Đệ Tử của Như Lai- một tấm lòng trong vạn tấm lòng tu sĩ đương thời .

           Con cứ băn khoăn, tại sao Thầy không nguyện làm một hòn đá, một hòn gạch , một hạt cát ...hay một hạt kim cương mà lại nguyện làm một hòn sỏi. Phải chăng đá dễ liên tưởng đến sự lạnh lùng cứng nhắc;  gạch muốn thành viên phải trải qua nhiều công đoạn,  đã qua bàn tay của nhiều người thợ hẳn nó có sự “ nhân tạo” theo ý muốn của ngoại cảnh,  nguyện làm gạch hình như có chút gì “ an phận thủ thường” mặc cho số phận; nguyện làm hạt cát thì càng không, bởi cát gợi đến sự nổi trôi, nhỏ nhoi  “ bạc mệnh” ; còn nguyện làm hạt kim cườm, hạt kim cương nghe  có vẻ kiêu căng, tự cao tự đắc và xa lạ quá. Như vậy, Thầy nhận mình làm  “ hạt sỏi” là một sự lựa chọn hình ảnh thể hiện tư tưởng  hết sức độc đáo, hấp dẫn và mới lạ. Nó chứng tỏ tài quan sát vô cùng nhạy bén của Thầy đối với tất cả các sự vật hiện tượng xung quanh khiến cho mọi người đều dễ hiểu dễ cảm nhận. 

           “ Sỏi” là tài nguyên sẵn có trong tự nhiên có thể sử dụng trực tiếp mà không cần bàn tay kẻ khác “ uốn nắn , nhào nặn”. Đặc tính của sỏi rất cứng, cứng hơn cả đá khó lòng lay chuyển. Thêm nữa sỏi rất trơn sạch, người ta đụng vào sỏi mà không sợ dơ bẩn . Nếu như ai để ý kĩ sễ thấy sỏi thường nằm trên những vùng núi đá cao nguyên nơi khô cằn khắc nghiệt hoặc rải rác bên ven các bãi biển hoặc ở  những vùng đất bồi hay nằm sâu nơi đáy đại dương hoặc chìm dưới những khe suối . Mọi người không ai xa lánh sỏi , họ dùng sỏi để làm đẹp cho vườn cây, cho ngôi nhà của mình ;  núi non bộ nhân tạo dù to hay nhỏ không thể không thiếu sỏi. Người ta coi sỏi như một vật vừa thanh cao, vừa gần gũi lại có vẻ sâu xa bí ẩn huyền diệu bởi tự nó có  những khuân hình phong phú kì lạ mềm mại nhưng cũng hết sức thoát tục. Một điều phát hiện đến ngỡ ngàng gây chú nữa là ở sự  độc đáo của ngôn từ . Âm vận của chữ “ sỏi” được cấu tạo bởi âm cuốn lưỡi “s” kết hợp với thanh trắc là dấu hỏi  ( ?) cùng vần “oi”  tạo nên sự trúc  trắc trong cách phát âm. Chính điều này một phần nào đó đã gợi cho người đọc nghĩ đến những sóng gió gập ghềnh trên đường đời cũng như đường đạo của mà Thầy đã trải qua. Thầy không ước mình làm hạt sỏi to lớn gây sự chú ý. Rất giản dị, Thầy chỉ ước làm hạt sỏi “ nhỏ”, một hạt sỏi nhỏ giữa vô số những hạt sỏi đang chung sức làm cho đạo màu ngày càng hưng thịnh, thắp sáng lên ngọn đuốc của trí tuệ và lòng từ. Hạt sỏi  không phải để rơi vãi theo tự nhiên, cũng không phải để trang hoàng làm đẹp theo kiểu nhân tạo, cũng không phục vụ riêng cho một cá nhân hay một tập thể nào đó mà chính là để “rải đường” cho Tăng Ni sinh-những người chủ tương lai của đạo pháp. “ Con đường” mà Thầy nói đến chính là con đường về nơi an vui tịch tịnh.Trên con đường đó có vô vàn chướng ngại, muôn ngàn thử thách chông gai đòi hỏi người đi đường phải khôn khéo. Dù sao con đường đó không phải chỉ toàn bùn lầy, um tùm,  rợm ngợp mà nó đã có rất nhiều những hòn “sỏi” tình nguyện hiến mình làm nền cho “ lữ khách”, chỉ cần hành khách đó quyết đi đến đích cuối cùng.

          Bằng tấm lòng chân thành lo cho đạo pháp trong thời mạt và tình cảm đối với Tăng Ni sinh trẻ tuổi, Thầy đã gửi gắm những tâm sự,  những nỗi lòng thầm kín và hạnh nguyện cao xa qua hình ảnh của hạt sỏi nhỏ . Một lời nguyện có sức lay động và ám ảnh  trong lòng tất cả mọi người . Con đường tu tập giác ngộ không phải toàn hoa thơm cỏ lạ mà đầy chông gai và thử thách đòi hỏi mỗi Đệ Tử  Phật phải giữ vững tâm nguyện. Câu nói của Thầy tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều nghĩa lý cao cả . Đời và đạo, hữu hình và vô hình, siêu hình và thực thể đều tồn tại trong triết lý nhân sinh , triết lý đạo Phật màu nhiệm .Tấm lòng của người “thầy” thật không gì có thể cân đong đo đếm kể xiết cho đủ vì “không một lòai hương nào bay ngươc chiều của gió, chỉ hương người đức hạnh bay toả khắp muôn phương”. Thầy là hiện hữu cho lớp người đi trước còn trụ lại “ kiên cường” thầm lặng  đưa vai ra để gánh vác tất cả những vang động của cuộc đời . Nhiều lúc ngẫm lại mà hổ thẹn với lòng mình. Không dám nói đâu xa, không dám so với các vị Tổ trước kia nhưng bản thân mỗi Tăng Ni  trẻ trong giây phút hôm nay cũng luôn cảm thấy một sự chênh lệch giữa tiền bối và hậu lai trong nhận thức tư tưởng và chí nguyện giải thoát. Thế mới thấy các thế hệ đi trước tu hành đáng kính, đáng ngưỡng mộ nhường nào . Thế hệ tu sĩ trẻ nên lấy đó làm bài học sách tấn.  Dầu cho trăm ngàn câu văn hay , trăm ngàn lời ngợi ca , trăm ngàn lời nguyện cầu cũng thật khó để mà cắt nghiã cho hết tấm lòng thầy. Có lẽ từ lâu bên cạnh các vị tôn túc, thầy đã trở thành linh hồn của Long Sơn- linh hồn của ngôi chùa Phật Trắng nổi tiếng trên khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhắc đến Thầy Tăng Ni nhớ ngay đến “giới luật là huệ mạng”, cả cuộc đời Thầy nguyện dâng hiến sức lực tinh thần cho đạo pháp những mong đàn em thơ dại bước những bước đi vững chãi trên con đường đạo-con đường của chân như, hạnh phúc an lạc thực sự . 

       Lẽ ra , ở cái tuổi ngoài lục tuần, Thầy cần được nghỉ ngơi, nói như Ôn Đổng Minh : “ Trẻ học chết bỏ/ Lớn làm chết bỏ/ Gìa tu chết bỏ/ Vì đằng nào cũng chết rồi bỏ”  . Nghĩ đến sự sinh tồn của Phật Pháp, Thầy đã nán lại hi sinh cái riêng vì lợi ích số đông. Trong buổi nói chuyện với Tăng Ni sinh nhân ngày 9/5 ( Kỷ niệm ngày họp mặt truyền thống của Tăng Ni sinh khoá VI ) Thầy có nói một cách khiêm tốn mà nhiều vị ngồi dưới không cầm nổi nước mắt : “ 64 tuổi, tôi vẫn thấy mình còn nhỏ, tôi luôn thấy mình còn nhỏ”. Một vị Hoà Thượng tài cao đức trọng vang xa thốt ra lời tâm sự như vậy huống chi chúng ta -những Tăng Ni sinh còn non nớt trên con đường đi tìm chân lý, tìm lại chính mình mà  “ thực hành ngẫm chẳng bao nhiêu/ đường tu nhận lấy đủ điều ủ ê”  luôn tự vỗ ngực mình với đủ thứ nguỵ biện “ ta là một là riêng là tất cả / không ai hay bè bạn nổi cùng ta” .Tuổi trẻ nhiệt thành nhưng nóng vội, mỗi khi “ xúc sự diện tường”  thường chạy trốn cuộc đời, kiếm tìm Niết Bàn trong mơ tưởng hão huyền,  bỏ quên an lạc trong thực tại , không biết sống để cảm nhận những giây phút trọn vẹn - giây phút của tình đời, tình người , của vạn vật quyện hoà với nhau trong nhân ái , vị tha , bình đẳng ... quen nhìn và chạy theo ngoại cảnh,  sống hời hợt,  thiếu tình yêu thương thực sự , thiếu lòng bao dung độ lượng, thiếu sự thực hành và thiếu niềm tin nơi đồng chúng . Thế cho nên , hạt sỏi rải trên đường về Cực Lạc mang trong mình sứ mệnh vô cùng thiêng liêng và không đơn giản một chút nào của thời đại bùng nổ tri thức thông tin khoa học kĩ thuật , hội nhập giao thoa của các dòng văn hoá Á-Âu, thuận lợi thì ít mà thử thách thì nhiều.

        Thầy vẫn hay đùa:  “ tuổi trẻ như ngựa non háu đá, rất sung sức tiếp thu cũ mới bên ngoài nhưng thiếu kinh nghiệm, tôi cứ cho thầy cô thử sức , vấp ngã đụng tường bể đầu rồi tự  tỉnh, không thử không biết mình đến đâu” .Trong cái đùa có cái thật, trong cái thật có cái hài ước, cười mà ra nước mắt, hài hước mà phải soi lại mình những phút tĩnh lặng. Nói như ai đó “ khi tôi hai mươi tuổi tôi chỉ biết có tôi, khi tôi bốn mươi tuổi tôi biết tôi và Mô-za, khi tôi sáu mươi tuổi tôi biết Mô-za và tôi” . Điều đó thể hiện cho chân lý “ vô ngã là Niết Bàn”.Thầy vẫn hay khuyên người tu trẻ tuổi : “ hãy để bản ngã của mình cho người ta dẫm đạp ,càng tu quả thật càng thấy mình nhỏ bé, càng tu càng thấy chẳng có gì để phải nắm giữ , sống trong mộng hãy cứ cười với mộng nhưng để tu không còn ngã là một điều hết sức khó khăn cho nên mong anh em Tăng Ni biết ngã mà không chấp ngã để dẫn dắt đàn em , đào tạo Tăng tài” . Nhìn một cách khách quan tổng thể, nhìn thẳng vào sự thật, Thầy rất táo bạo  khi đưa ra quyết định cho một loạt đội ngũ Tăng Ni trẻ đảm nhiệm cương vị giáo thọ. Thầy không chỉ là ngươì mở đường cho Tăng Ni  mà còn là người thầy, là chỗ dựa vững chắc trên mọi phương diện cho các giáo thọ trẻ .

      Cây non bao giờ cũng dễ uốn nhưng nếu uốn sai sẽ sai cả một thế hệ, làm một vị tướng tài trên mặt trận giáo dục kể cả đời và đạo thật không đơn giản . Nó đòi hỏi phải có sự “ hợp tác” lục hoà thật sự  trong ban điều hành, tất cả phải cùng nhất tâm chung tay chung sức vì mục đích phục vụ đạo pháp . Bản thân mỗi con người luôn luôn chịu ảnh hưởng của ba yếu tố gia đình là bố mẹ anh em dòng họ;  xã hội là nơi người đó cư ngụ tiếp xúc,là tình làng xóm , nếp sống nếp nghĩ,  phong tục tập quán văn hoá cộng đồng và yếu tố cuối cùng là chính bản thân người đó tư duy nhận biết như thế nào về lý và sự của thế giới khách quan , chủ nghĩa duy vật cũng như chủ nghĩa duy tâm...Trong đó yếu tố tự thân là rất quan trọng nhưng để xác định được lập trường tư tưởng đòi hỏi phải có trải nghiệm . Quá khứ luôn ảnh hưởng đến hiện tại nhưng nếu có thiện duyên và túc căn thì Phật Pháp bình đẳng như nhau đối với tất cả mọi loại người, mọi giai cấp trong xã hội . Đứng trong hàng ngũ Tăng Đoàn không có phân biệt giàu nghèo sang hèn thông minh ngu dốt cao thấp mà quan trọng người đó học Phật thực hành như thế nào.Thầy đã hiểu rõ căn cơ mà khéo léo như một vị lương y biết bệnh cho thuốc trợ duyên cho đàn em mình tinh tấn vượt qua chướng ngại giữ vững chí nguyện xuất gia tu hành. Chúng con đại diện cho lớp Tăng Ni trẻ một lòng thành kính nghiêng mình trước các bậc thiện tri thức –  những tâm hồn đau đáu hướng về chánh đạo. Ngưỡng mong chư Phật gia hộ cho Tăng Ni Đoàn hoà hợp cùng bắt tay dắt nhau đi trên con đường vui- con đường hướng đến sự chân thiện mỹ;  cùng  nhìn thẳng vào sự thật để chia sẻ , cảm thông,  buông xả  góp phần xây dựng Tăng Ni Đoàn ngày càng thanh tịnh.

     Nam Mô A Di Đà Phật , Con đã quỳ lạy bên Thầy và luôn luôn khát khao được quỳ lạy bên Thầy để cảm nhận mùi thiền , cảm nhận hương giới đức lan toả khắp không gian, để ngắm nhìn uy nghi đạo mạo của một bậc chân tu , để học hỏi giáo pháp vi diệu ... Ai cũng mong được thân cận gần gũi Thầy, chỉ thấy Thầy cười mà tưởng chừng như cả bầu trời toả nắng, nụ cười vừa cho người ta “nhìn”  vừa cho người ta “  cảm” . Thầy đã làm được những điều mà kẻ tu hành ít ai có thể làm được, đã vượt qua những chướng ngại mà ít ai có đủ kiên nhẫn và Từ Bi vượt qua được trên chặng đường hoằng dương giáo pháp . Tăng Đoàn và Phật Tử luôn coi Thầy như vị Thánh sống. Thầy là một trong những người chèo đò chân chính, người ươm mầm nuôi dưỡng Phật Pháp nay rất khó tìm thấy trong đồng thau vàng cát lẫn lộn.

 

 

NGUYÊN GIÁC

NHA TRANG tháng 5 năm 2011

 


Âm lịch

Ảnh đẹp