Gương
mặt từ bi, trí tuệ của Đức Thế Tôn tại chùa con toả sáng và không khác
bao nhiêu so với tượng của Đức Thế Tôn tại Thích Ca Phật Đài - Vũng Tàu.
Tấm lòng con dâng trọn cho Thế Tôn trong khi làm tượng, có khi ban đêm
trong mơ con thấy Thế Tôn cười với con, thọ ký cho con nữa. Chỉ là
chuyện trong mơ, nhưng có những giấc mơ đẹp, đời sống có nhiều ý nghĩa
lắm.
Kính Bạch Đức Thế Tôn !
Con
thương kính Đức Thế Tôn từ bé xíu, biết tụng kinh gõ mõ tại nhà khi lên
sáu tuổi, do một người huynh trưởng mù chỉ bày, anh này mù nhưng biết
đánh đờn, thổi sáo, nhái tiếng các loài gia cầm. Với con nhà là chùa,
vì nhà gần chùa. Hơn mười tuổi đã làm chú Tiểu, từ ngày làm chú Tiểu
thì tình yêu với Thế Tôn mỗi ngày mỗi lớn. Bản chất luôn khám phá, tìm
tòi, quan sát, nhận xét, con thấy khắp đất nước mình, trong khuôn viên
chùa đều tôn trí tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, con yêu kính Bồ Tát Quan thế
Âm như mẹ hiền, biết đọc minh chú Án Ma Ni Bát Di Hồng khi lên 4 tuổi do
Ngoại dạy đọc. Bồ Tát Quán Thế Âm mang thân tướng nữ, biểu trưng cho
đức tính hiền dịu, nhu hoà, từ bi, yêu thương. Theo nguyên lý âm dương,
người nam là dương, người nữ là âm.Có phải đại đa số chùa chiền Việt Nam
đều tôn thờ Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên, mà người nữ cảm mến đến với
chùa, do vậy nữ Phật tử ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Chùa nào cũng
tràn ngập người nữ. Âm tính quá nhiều khiến cho ngôi chùa thiếu đi sức
mạnh cần thiết, thiếu đi cái Dũng, tương tự như nhà mà quá nhiều con
gái. Chính từ suy nghĩ đó mà trong tỉnh Gia Lai, chùa Bửu Minh con là
nơi điêu khắc tôn trí tượng Thế Tôn lộ thiên đầu tiên.
Kim Thân Phật Tổ khi chưa di chuyển qua vị trí khác,
để xây dựng ngôi Chánh Điện - có hàng cau.
Ngày
đó, năm đó là thời bao cấp, đất nước, nhân dân, đạo giáo đều khó khăn
chung, mua được bao xi măng đã thấy to chuyện, quần chúng vì cơm ăn áo
mặc cuộc sống hằng ngày, ít lui tới chùa chiền, chùa vắng như chùa Bà
Đanh, thật đúng như tục ngữ Việt Nam “ có thực mới vực được đạo ” Cô đơn
trong một ngôi chùa quạnh hiu, bốn bề trà xanh bát ngát, chùa có cây
đa, tối lại chim cú kêu, không điện, có khi không có dầu thắp nữa. Con
tưởng chừng như bế tắc, nhưng may thay con còn có Thế Tôn, con có buồn
nhưng ngẩn cao đầu đi tới, con nghĩ tới tương lai, của đất nước của Đạo
Pháp với một niềm tin mãnh liệt rằng, rồi sương sẽ tan, trời sẽ lên,
nắng ấm. Bởi không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hồi đó trong tủ
sách của con còn một cuốn sách duy nhất “ Việt Nam Phật Giáo sử lược”
của Hoà Thượng Thích Mật Thể, con luôn đọc và lẩm nhẩm bài thơ của Thiền
Sư Vạn Hạnh suốt ngày:
Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời.
Sá chi suy thịnh cuộc đời,
Thịnh suy , như hạt sương rơi đầu cành.
Bạch Thế Tôn ! Nhà thơ Phùng Quán có câu thơ : Có những phút ngã lòng,
tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Những năm tháng khó khăn trong cuộc đời,
con cũng ngã lòng, con vịn bốn câu thơ của Thiền Sư Vạn Hạnh mà đứng
dậy.
Hình ảnh Kim Thân Phật Tổ vị trí mới
Nhân duyên đến:
Một
hôm có một người trai trẻ khoảng chừng 27 tuổi từ Quảng Nam đến xin
chùa làm thợ hồ, con đã đồng ý nhận anh ở lại chùa làm. Con nhờ anh làm
cái lư thắp nhang, làm con rùa, con hạc, anh đã làm tốt công việc con
giao. Con phát hiện ra anh này có chất tài hoa, có năng khiếu bẩm sinh.
Một buổi sáng, con gọi anh dậy sớm uống nước Trà, con trao đổi với anh:
Anh Bảy nè ! ( anh thứ bảy ) tôi thấy anh có chất tài hoa, anh cố gắng
anh có thể trở thành nghệ nhân, tôi muốn anh cùng với tôi đắp điêu khắc
một pho tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tôi không phải là nghệ
nhân, chưa từng kinh qua một trường lớp đào tạo về nghệ thuật điêu khắc,
nhưng tôi có tấm lòng kính yêu Đức Phật vô hạn, tôi có biết qua nghệ
thuật điêu khắc trong những tháng năm nghiên cứu học hỏi ở sách, ở thư
viện, và có lẽ từ kiếp trước nữa. Tôi đã có hai hình ảnh Đức Bổn Sư rất
đẹp, một ở Nha Trang, một ở Vũng Tàu. Chúng ta cố gắng làm sao thể hiện
được gương mặt Đức Phật thật từ bi, thật hỷ xả, đẹp như vầng nguyệt toả
sáng diệu hiền, mát mẻ thanh lương. Ai một lần nhìn Phật là buông bỏ
được những đam mê thấp hèn của mình, buông bỏ được những oán thù truyền
kiếp, phát tâm quay về nương tựa nơi Đức Phật. Nếu được như vậy tác phẩm
đầu đời của hai chúng ta thành công. Còn nếu như không thành công, đức
tướng của Như Lai không thể hiện được, ai nhìn Phật cũng chê, không phát
tâm tin Phật, không nói lên được điều gì về tướng hảo của Phật ( Phật
có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà ) lỡ mà chúng ta làm Phật, điêu khắc
Phật mà xấu hơn người trần thì tôi sẽ đem Phật ra bỏ chìm xuống Biển Hồ
nước (chùa con gần bên cạnh Biển Hồ nước) , rồi quên đi, quên như quên
một kỷ niệm không đẹp trong đời mình. Nhưng về khoản tiền bạc tôi sẽ
thanh toán cho anh đầy đủ”.
Bạch Đức Thế Tôn !
Con
nhớ lại hồi đó con trả tiền cho anh mỗi ngày 10.000 đồng, con không cho
anh ra khỏi chùa, ngày làm tượng, đêm ngồi tụng kinh với con, ngủ dưới
đất ( bởi vì ngày đó con không có giường ngủ ) không được uống rượu. Bốn
tháng trôi qua trong không khí tịch lặng của ngôi chùa cổ, trong cái
thiếu thốn của xi măng, sắt thép, ăn uống hằng ngày, pho tượng Đức Bổn
Sư rồi cũng hoàn thành.
Gương mặt từ bi, trí tuệ của Đức Thế Tôn tại chùa con toả sáng và không
khác bao nhiêu so với tượng của Đức Thế Tôn tại Thích Ca Phật Đài - Vũng
Tàu. Tấm lòng con dâng trọn cho Thế Tôn trong khi làm tượng, có khi ban
đêm trong mơ con thấy Thế Tôn cười với con, thọ ký cho con nữa. Chỉ là
chuyện trong mơ, nhưng có những giấc mơ đẹp, đời sống có nhiều ý nghĩa
lắm. Sau khi điêu khắc Tượng Thế Tôn xong, có lẽ Thế Tôn vui, chư thiên
hoan hỷ gia hộ, con từng bước tiến hành trùng tu những công trình phụ
trong chùa, con cũng vừa tạm hoàn thành công trình trùng tu ngôi chánh
điện, sáu năm qua vô cùng gian khổ, bởi con trực tiếp coi ngó thi công
hằng ngày, công trình không giao cho nhà thầu, mà mướn thợ làm ngày.
Ngày xưa tạc tượng Thế Tôn con kỹ như thế nào, thì khi xây dựng ngôi
chánh điện con cũng kỹ như thế ấy. Diện tích xử dụng 560 m2, chiều cao
tới đỉnh tháp thờ Xá Lợi Thế Tôn 47m. Nhớ Thế Tôn con đã đem tất cả tâm
tình hiến dâng. Nhớ Tổ Quốc, chúng sinh đã cưu mang trưởng dưỡng con,
con đã phụng sự hết lòng, nhớ ơn Sư trưởng giáo hoá, con đã có người
truyền đăng, tiếp nối.
Nhớ
Thế Tôn canh canh bên lòng, định ghi lại chút kỷ niệm, nhưng lần lữa
trôi qua. Đầu xuân năm nay, chút duyên lành gặp bạn tri âm: Giác Đạo –
Dương Kinh Thành nhắc con nhớ lại tượng Thế Tôn chúng con điêu khắc năm
xưa. Và con đã ngồi lại, hồi ức lại những tháng ngày tơ tưởng, đêm nhớ
ngày mong Đức Thế Tôn, tạc tượng Thế Tôn để cho Thế Tôn mãi hoài còn
hiện hữu ở thế gian mà ban vui cứu khổ cho mọi loài chúng sinh.
Chánh Điện Chùa Bửu Minh, Gia Lai.
Đầu Xuân Canh Dần – 2010
Thích Giác Tâm