14/10/2010 13:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 4042
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có những đêm khuya, đường phố đã vắng ngắt ; mặc dù trời trong đến lạnh lùng hay mưa dầm rả rích, lê thê, thì tiếng rao : « hột dịt lộn… ề ề ề, ai ăn hột dịt lộn à à à… » của một bà cụ vẫn đều đều âm vang.

Tiếng rao khàn đục, đứt quảng. Bên cửa sổ tôi nhìn vói theo dáng đi chậm chạp như cố lê từng bước một của bà mà nghe xót xa, ngậm ngùi cho kiếp người. Bà cụ chừng hơn 70 tuổi, tay xách cây đèn bằng chai thủy tinh đã cưa bớt phần trên, trong đó đặt cái đèn nho nhỏ, ánh sáng lù mù ; bên hông nách thúng trứng được tủ kín mấy lớp vải. Nghe kể bà cũng có 3 người con nhưng không người nào nhận trách nhiệm phụng dưỡng bà mà còn để mặc bà với đứa em gái bị tê liệt nằm một chỗ ! vì đứa con gái út này bà đã không quản thân già gầy yếu, hằng đêm lê thân đi bán hột vịt hộn. Có hôm bà còn thút thít kể : bà gặp một nhóm thanh niên đi chơi khuya về, họ xúm lại ăn hơn 20 trứng, bà rất mừng vì được về nhà sớm hơn, ngủ giấc dài hơn. Sáng hôm sau đếm tiền bán mới thấy một mớ tiền địa phủ xen 2 tờ bạc giả ! Ai có thể giúp cho những bà cụ này được an vui hơn trong tuổi xế chiều ?

          Trên vài nẻo phố, nhất là trong chợ tôi vẫn còn thấy nhiều người tàn tật. Họ không còn đôi chân để đi lại. Có người còn được ngồi trên xe lăn dùng tay lái xe đi bán vé số… nuôi vợ con ! Có người phải ngồi bệt, la lết, rướn cả thân người theo từng chuyển động của đôi tay để ăn xin, độ thân qua ngày. Có những thanh niên, vóc dáng còn khỏe mạnh, tướng đi rắn rỏi, khuôn mặt chưa héo úa cũng đi ăn xin… đến gần mới thấy họ không còn đôi tay nữa, cả đôi tay đã bị mất trong một tai nạn lao động ! khổ hạn còn nhan nhản trước mắt mọi người.

          Mỗi ngày qua, còn nhiều cụ ông, cụ bà, phụ nữ và cả thiếu niên đông đảo như một đội quân hùng hậu… đi bán vé số ! Trong các cây xăng, dưới cột đèn xanh đèn đỏ, trên nhiều nẻo phố, con hẻm, chợ ngày chợ đêm, nơi quảng trường công cộng và cả trong các chùa vào ngày lễ hội… khắp nơi đều có người mời mọc, nài nĩ mua vé số. Họ là những người thất nghiệp, không nơi nương tựa và cần tiền sinh sống. Bất kể nắng mưa, nóng lạnh họ đều dong ruổi ngoài đường từ sáng đến chiều để bán những tập vé số dày cộm trên tay. Đó là vé số kiến thiết của tỉnh nhà hay tỉnh bạn phát hành công khai, hợp pháp. Có ai quán chiếu sâu hơn để thấy cả xã hội, đất nước đang lao vào cuộc đỏ đen như con thiêu thân với giấc mơ thành triệu phú ? Mà vé số chỉ mới là bề mặt của cuộc đánh bạc hợp pháp còn ẩn bên trong là những trùm số đề liên huyện, liên tỉnh. Nhiều người từ bé đến lớn, từ nghèo đến giàu đều có thể tham gia đánh đề. Biết bao người tan nhà nát cửa, hạnh phúc gia  đình đổ vỡ, chia lìa từ đam mê chơi số để. « Cái » số đề xóm này bị bắt, « cái » xóm kia vẫn ung dung kiếm ra tiền bất hợp pháp. Nạn số đề như nạn cỏ dại sau cơn mưa. Biết bao giờ cho xã hội được bình yên không còn ma chướng cờ bạc ?

          Lại những băng nhóm thanh niên, thanh nữ thường không chịu ngủ yên dưới mái ấm gia đình mà tụ tập nhau trong đêm khuya, ở những nơi công cộng, ngõ hẻm hay trên vài đại lộ mới mở rộng để đua xe, hút xách, đánh lộn làm náo động cả xóm làng. Cha mẹ của họ cứ lầm lũi đi tìm con, giọt ngắn giọt dài, gầy rạc cả người, hay thấp thỏm bên hiên nhà chờ con về. Thế mà mấy ai trong họ động lòng thương cho nỗi khổ của cha mẹ ? Họ vẫn lao như điên vào những thú vui tai quái, chẳng cần biết quả báo đau khổ sẽ đến trong sát na. Bàng dân thiên hạ chỉ biết lắc đầu, ngao ngán, lực bất tòng tâm. Có ai đủ uy lực thức tỉnh lớp thanh niên được xem là rường cột quốc gia sau này quay về nẻo chánh cứu xã hội được sống bình yên chăng ?

          Đêm đêm, trong thành phố khi nhiều người còn say giấc nồng thì một số đông khác đã phải vội vã thức dậy, lần mò đi về những khu « chợ đêm » để xôn xao mua bán. Mặc cho mưa to gió lớn, bất chấp sương khuya giá buốt họ vẫn lẩy bẩy lên đường cho kịp phiên chợ đổi chác bán mua. Họ phải kiếm tiền để nuôi đàn con ăn học, để trang trải nợ áo cơm của kiếp người. Trong cuộc mua bán thì phải hơn thua, chèo kéo để giành phần lợi về mình, bất chấp thủ đoạn lừa dối kể cả chửi bới đánh nhau. Ai thấu được nỗi khổ của những « cái cò lặn lội… » này ? Đó là chưa nói đến những người vì tham vọng muốn giàu nhanh mà không nhọc sức đã dùng biết bao mánh khóe để lừa đảo tiền của, vơ vét bất nhân khiến bao người bị mất tài sản một cách đảo điên, khốn khổ, lâm vào cảnh thừa chết thiếu sống. Làm thế nào để khơi một chút Phật tánh trong những người này khiến họ hồi tâm mà làm ăn lương thiện hơn ?

          Đất nước ngày càng phát triển, xã hội văn minh hiện đại hơn lại phát hiện biết bao bệnh nan y, treo án tử hình sớm cho kiếp con người và cả loài vật. Nay nghe bò long móng lở mồm, mai thì cúm gà, dịch vịt rồi heo tai xanh… chết hằng trăm hàng ngàn con một lúc, có con chưa kịp chết đã bị bỏ vào bao đem chôn sống, thiêu hủy ! Còn con người thì càng ăn ngon, đầy đủ sơn hào hải vị, đến cả rắn rít, cóc nhái, rùa, thỏ, chó, mèo đều được chôn trong « nghĩa địa di động » của con người ! cho nên bệnh tật cũng theo miệng mà vào thân làm cho ung thư bất cứ vị trí nào, rồi tiểu đường, huyết áp, tim mạch, gút, não, thân kinh, HIV/AIDS v.v… Ngày xưa, chỉ nghe một số ít người bị chứng nan y thì ngày nay hàng loạt người và cả trẻ em cũng không thoát để được sống khỏe mạnh tuổi thơ ! Trong không gian bao la lại luôn tiềm ẩn những loại vi rút nhạy cảm, rình rập đánh vào sức khỏe con người, không ai dám chắc được bản thân có thể tránh xa những chứng nan y trong xã hội, tháng trước đang khỏe mạnh, không biết tháng sau đi kiểm tra sức khỏe lại nhận bản án tử hình : ung thư ! Thế mà biết bao người ta vẫn cố tình hơn thua tranh giành đến sát hại đồng loại để soán đoạt của cải vật chất vốn là giả tạm của kiếp nhân sinh !

          Lại còn tai nạn giao thông mới thật là khủng khiếp trong thời đại mới này. Đường sá giao thông mở rộng hơn, nhiều cột đèn giao thông ở mỗi đầu giao lộ, xe cộ càng đông chen cùng với rừng người vào giờ tan tầm, xe  hơi và honda lấn chen nhau từng gang tấc.Và tai nạn cứ như những bóng ma ám ảnh người đi trên đường. Ai dám chắc rằng mình đi đúng luật sẽ không bị nạn ? Mình cẩn thận mà người khác vô tâm, say xỉn, bất chấp luật lệ đã gây nên cảnh tàn phế, đau khổ cho đồng bào nhan nhản khắp nơi. Những xe khách to dài, xe chở container cũng đồng hành quốc lộ với Honda, chỉ một phút vô trách nhiệm tài xế đã gây tai họa lớn cho người đi đường. Đó là chưa kể những tay đua xe Honda lạng lách như sóc chuyền cành ngay giữa ban ngày làm người chung quanh dễ đau tim biết bao ! Đáng tiếc thay những người vi phạm nặng luật giao thông này lại dễ né tránh, lọt lưới của người cầm gậy chỉ huy đường phố. Ai có khả năng hóa giải những đại nạn này cho kiếp người bớt điêu linh, oan khổ ?

 

          Thời còn nghèo khổ, khó khăn thì gia đình quây quần bên nhau, vợ chồng chung sức lo toan gia đình, con cái biết thương yêu, vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học hành, lập chí mai sau, không đòi hỏi, sách nhiễu chi cha mẹ cả. Ngày nay các phương tiện vật chất quá đầy đủ, hiện đại ; lớp trẻ được nuông chiều mọi thứ từ nhu cầu cá nhân ở nhà đến các tiện nghi học tập ở trường, tất cả đều có máy móc hỗ trợ. Luật pháp bảo vệ trẻ em không bị cha mẹ đánh mắng như trước đây, được ăn ngon, mặc đẹp càng được đáp ứng nhiều mong muốn vật chất lại đâm hư hỏng nhiều cách. Có người sa đà với các trò chơi từ Internet, bỏ cả học hành, công việc. Có kẻ thì mê rượu chè, hút xách, sử dụng thuốc lắc để lao vào những trò chơi thâu đêm, tàn phá sức khỏe, trí tuệ mà cha mẹ đã đổ cả mồ hôi và nước mắt để vun đắp cho con. Ít người quan tâm đến chữ hiếu, xem thường lời khuyên dạy của cha mẹ và các bậc bề trên. Họ muốn tách cha mẹ, gia đình sớm để được tự do bay nhảy theo sở thích của bản năng, dục vọng. Bậc đạo đức nào, tôn giáo nào có thể uốn nắn lại lớp trẻ sống đúng đạo nghĩa theo nếp cổ truyền của dân tộc để cứu thế hệ mai hậu ?

          Dó là điểm qua vài khổ nạn của thời @ mà thôi, không dám dẫn chứng thêm càng đau lòng. Điều đáng suy gẩm ở đây là phần đông, người đời nay chỉ nhìn bề mặt cuộc sống với những dãy nhà cao tầng mới mọc lên, những chiếc xe hơi đời mới nối đuôi trên đường phố ; kẻ ra đường ăn mặc sạch đẹp, sang trọng ; đường lộ được làm thành đại lộ, xa lộ, quốc lộ siêu tốc… nên bị ảo giác là xã hội đã văn minh hiện đại, giàu có mà tin rằng cuộc sống chung quanh ta thật sung sướng, hạnh phúc. Nhiều người không nhận ra bản chất của Ta Bà là đau khổ như Đức Giác Ngộ đã từng yêu thương nhắc nhở. Ai cũng bám víu lấy thực tại của mình, hy vọng và nuôi bao giấc mộng cao vời theo sự thúc đẩy của tham vọng, khao khát vật chất. Cho đến khi nào chính bản thân va phải sự cố, đối đầu nghiệp báo mới than thở, cầu xin đấng vô hình che chở để vượt qua ách nạn. Nhưng nạn khổ tạm qua vẫn chưa thức tỉnh trước thực tại lại tiếp tục tin chắc mọi thứ trên đời này đều chắc chắn và mình sẽ đạt được giấc mơ giàu sang, hạnh phúc. Mấy ai chịu « dừng lại » để nhìn sâu vào những thực tế chung quanh, lắng nghe những oan trái, phiền não của xã hội « đi lên » ? Hãy nhìn lớp trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có, văn minh vật chất tối ưu đang biến họ thành các « thượng đế con » khó dạy, ích kỷ, dễ sa đọa, hư hỏng, thừa tiền, bạc mứa chỉ làm tôn cái bản ngã giả tạm mà không nhớ rằng nhiều « đoạn trường tân thanh » đang song hành với xã hội phát triển, với bao kiếp sinh linh chìm đắm trong dục vọng vô minh.

          Vậy, là người Phật tử, chúng ta cần chấn chỉnh đời sống như thế nào đây để có được sự an lạc trong cuộc đời này ? Chẳng lẽ, đã được nghe nhiều vị tôn túc giảng giải lời dạy của đấng Thế tôn rồi mà vẫn buông thả đời mình, con cháu mình cho dòng vô mình của xã hội thời @ ? Mình cần thúc liễm thân tâm hơn, huân tập chánh niệm trong hành vi, cử chỉ, lời nói để làm thân giáo cho con cháu rồi mới đến hàng xóm, lân cận. Nhìn người đang hưởng thụ cuộc sống ăn sang mặc đẹp, lên xe đời mới… đừng tưởng họ thật sự có hạnh phúc rồi phóng tâm ao ước. Ai đâu biết tâm thức lớp người trưởng giả, đại gia ấy luôn loạn động, ít có giây phút an lạc, thư giản ; họ đang sống gấp, sống vội và bị dòng xoáy bon chen cuốn phăng theo chẳng dừng được ? Mong sao xã hội mới có ý thức nhìn nhận đúng thực tế và nhân quả nghiệp báo để gìn giữ tốt những truyền thống văn hóa an hòa như lời dạy của Đức Thế tôn. Khi nào xã hội giảm được bệnh tật, tai nạn, oan trái và ít người có tham vọng tiền tài vật chất, nhiều người xem trọng đời sống tâm linh để không còn dùng thủ đoạn gạt gẩm nhau, chà đạp lên sự sống của đồng loại mà hưởng lợi lạc riêng thì may ra mới có thái bình, an lạc thực tế. Cho nên, người Phật tử chúng ta trước hết cần hướng đến cuộc sống bình dị, thiểu dục, biết đủ (tri túc) và thường xuyên tự nhắc mình sống có chánh niệm mới mong cầu được hiện tại an lạc và giải thoát mai sau. Quyết tâm làm thân giáo cho con cháu bằng đời sống phạm hạnh, ghi nhớ lời Phật dạy để sửa đổi hình vi của mình hằng giờ, hằng phút may ra chuyển hóa được phần nào những khổ đau trước mắt của thời @, phải không quý vị pháp lữ ?

 

                                                                             Tâm Quả (Pleiku)


Âm lịch

Ảnh đẹp