Bước đến vào khu vực bên ngoài lễ đài, mỗi lần như thế, tôi
mới cảm nhận được một không khí lễ hội hồn nhiên, chân thành của quần
chúng Phật giáo. Ở chốn đây, như là một cõi bình an cho tâm hồn, mang
đầy những nét gần gũi của con người Việt Nam. Tất cả những phong cách,
ngôn từ chất đầy những nét bình dân, là của một truyền thống tôn giáo
rất gần gũi với tâm hồn thôn dã của những xóm làng từ những thế kỷ
trước. Của tôn giáo và con người, của tâm hồn và biểu tượng, cõi tâm nào
thì thế gian ấy.
Đây là nơi của nhân gian nhiều náo nhiệt đón tiếp một biểu tượng linh
thiêng đầy an tĩnh, của tâm thức hồn nhiên gặp ý niệm đạo lý siêu việt,
của cá nhân hữu hạn ngước mắt chiêm ngưỡng đường nét cho biểu tượng vĩnh
hằng.
Không ai, trong nhiệt tình mà tôi suy diễn, mà không có tìm ra chút hoan
lạc khi đến nơi này. Tôi nói với ông chủ đất Đỗ Vẫn Trọn rằng, với tất
cả những niềm hoan lạc của hàng ngàn người cộng lại, tất cả sẽ trở nên
một dòng sông nước ngọt to tát, như một luồng gió Nồm từ biển Đông lớn
lao, chúc lành cho mảnh đất và cộng đồng này. Tôi tìm đến để bắt tay
chúc mừng những anh em trong ban tổ chức, những người bạn Phật tử đã
quen biết từ lâu. Một Nguyễn Hồng Dũng, giáo sư đại học, với giọng xướng
kinh chủ lễ thật điêu luyện và chân thành. Một Nguyễn Văn Chót, một
nông dân cắt cỏ, với thân hình gầy nhỏ nhưng chắc nịch như chiếc đinh
sắt không thể rỉ rét, cùng với nhiều anh chị huynh trưởng Phật tử của
làng Hải Nhuận, Thừa Thiên. Họ đã “ăn chay nằm đất” suốt cả hai tuần qua
ở trong căn nhà công nghệ này để lo cho chương trình. Tôi gặp lại thầy
chủ lễ Minh Tuyên – một tu sĩ trong áo vàng trông oai nghiêm như con sư
tử lớn. Gặp thật nhiều các sinh viên triết học của tôi với câu chào, “Em
chào Thầy. Thầy còn nhớ em không Thầy?” Suốt 12 năm qua, nhiều thế hệ
sinh viên vùng San Jose đã đi qua lớp học của tôi. Các em bây giờ đã tốt
nghiệp đại học, ra đời, lập gia đình, thành công trong xã hội. Dĩ nhiên
là tôi có được những niềm an vui.
Tôi dẫn đứa con gái út, Jennifer, vào Phật đài. Nó là đứa thiếu nữ ngỗ
nghịch, cứng đầu, nhưng lại có cơ duyên với Phật, đã phát nguyện ăn chay
trường suốt hơn năm năm nay. Khi nhìn lên tượng Phật Ngọc, Jennifer lập
tức đứng lại, cúi đầu, đảnh lễ và niệm Phật ngay. Không dễ gì mà một
đứa con gái tuổi 15 ở Mỹ này lại có được một tấm lòng thành chiêm bái và
một thái độ nghiêm túc như thế. Em đòi tôi cho được ở lại đến nửa
khuya, khi Phật tử đã ra về hết, để em leo lên đến tượng đài, đụng bàn
tay vào Ngọc Phật. Chưa bao giờ tôi thấy Jennifer với khuôn mặt ngời lên
một niềm hoan lạc như thế cả.
Ở thế kỷ này, những đứa trẻ vị thành niên cần biểu tượng – những biểu
tượng cao quý, hiện thân của một khả thể cao vời và to lớn của con
người, để các em phục tùng và điều hướng nhân cách về chân trời sáng
hơn. Khi phụ huynh và xã hội đã tạo nên những biểu tượng anh hùng thế
gian hôm trước, để rồi hạ bệ xuống ngày hôm sau, thì tuổi trẻ ngày nay
đang khao khát những hình ảnh siêu thoát vĩnh hằng. Tượng Phật Ngọc là
hiện thân, là biểu tượng, của cái đẹp, trong tinh hoa cho khả thể vô hạn
đó. May và đẹp thay rằng trong một cộng đồng di cư nhiều nhiễu nhương
như ở San Jose này, có những đứa con trẻ đã tìm ra một giá trị chân lý
sáng ngời.
Trong cõi tồn tại của sỏi đất, thì Ngọc là sự kết tinh cao nhất sau hàng
tỉ năm tiến hóa. Đến cõi người thì Phật là hiện thân tối hậu của vươn
thoát. Tượng Phật bằng Ngọc kết hợp của hai đầu tiến hóa, của con người
đến từ sỏi đá, từ thô thiển đến thanh thoát. Nó nhắc nhở những ai đến
chiêm bái, trong ý thức và trí tuệ, rằng chuỗi hành trình đó, dù là viên
miễn, nhưng không phải là bất tận và vô vọng. Trầm luân trong bao nhiêu
ức tỷ kiếp luân hồi, từng thời quán vọng tưởng cá nhân qua vô vàn dạng
thể hiện thân, cuối cùng cũng sẽ phải chấm dứt bằng phút giây giác ngộ
và giải thoát.
Nhưng ở đây, đứng giữa hai cõi của kim Ngọc và của Phật thân, những tâm
hồn đang lớn – mà tất cả người Việt là những tâm hồn đang học làm người
lớn – và những tâm tư đang dằn vặt khổ đau với cuộc đời, thì tượng Phật
Ngọc với hào quang chiếu sáng, từ đèn điện chiếu tỏa, hay là hiển hiện
của lòng thành từ niềm tin chân chất, tất cả đều là có thật. Chân lý bao
giờ cũng được phân chia ra thành từng cõi, từng mức độ, với nhiều màu
sắc và thể tướng tuỳ theo tâm cơ của kẻ có, hay chưa có, trí tuệ và lòng
thành.
Vì là Phật Ngọc phải được hiện thân vào cõi người, như là, và chỉ là,
của biểu tượng, nên nó phải vướng vào những câu chuyện thế gian. Như
một cây Bồ Đề cao lớn, rễ cây của nó phải đi qua sỏi đá, bùn lầy, ẩm
ướt, tối tăm để tìm nhiên liệu cho sức sống trong không gian. Sẽ phải
có, và đã có, chắc chắn, về những câu chuyện, sự thật cũng có, thêu dệt
thêm cũng nhiều, suy luận ra không thiếu, về động cơ của chương trình
Phật Ngọc và những cá nhân liên đới. Nhưng nên nhớ rằng: Kinh doanh,
danh tiếng, ngã mạn là hướng bên ngoài của thể tướng. Những kẻ nào mang
đầy vọng tâm, ngã kiến, sẽ chỉ thấy được bóng tối sau lưng Phật Ngọc.
Những điều đó không phải là quan tâm chính trong chuyến hành trình biểu
tượng linh thiêng cho quần chúng Phật tử. Khi cộng trừ phúc lợi đã làm
xong, những ai có nhìn kỹ mới thấy rằng đây là một câu chuyện thật tốt
lành.
Riêng tôi, với người thân, và các đồng hương đã tham dự và chiêm bái
Phật Ngọc thì trong tiếng kinh chân thành, trong niềm tin cao vút, trong
những cảm nhận từ bi, từ những phút giây hoan lạc, chúng tôi đã tìm ra
một nguồn ánh sáng thanh cao tỏa sáng từ một biểu tượng tuyệt đẹp và oai
nghi. Hạnh phúc thay cho những ai chiêm nghiệm được Phật Ngọc đang ngồi
đó tĩnh tọa dưới gốc cây Giải thoát xanh ngời.
Theo: Talawas