Cội Mai lưu lạc


Quế Hương
02/10/2010 17:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 4460
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chị ở Pháp về thăm quê, nói tiếng Việt sõi như người Việt trong nước. Còn tôi là một hướng dẫn viên du lịch. Yêu cầu của chị không giống các du khách khác.


Danh lam thắng cảnh, món ăn Huế chị còn biết hơn tôi. Chị chỉ yêu cầu tôi dẫn chị đi tìm một cội hoàng mai đã trên trăm tuổi, cội duy nhất còn sót lại của một Mai gia trang đã quá vãng nào đó.

"Nghe thì lẩm cẩm nhưng đó là ước nguyện của mẹ tôi. Bà tha thiết mong tôi khi về quê nhà, cố tìm cội mai cố tri mà bà tin vẫn còn sống”. - Chị giải thích bằng thứ tiếng Việt chuẩn xác nằng nặng âm sắc Huế. Cảm cái tình sâu nặng, tôi dẫn chị đi tìm dẫu "nhà" của chị chỉ là một nơi chốn trong kỷ niệm..

“Mẹ tôi bảo qua đàn Nam Giao, nơi trước kia vua tế đất trời. Chân đài có hai phiến đá kỳ lạ. Vua lầm rầm tế, thế mà chung quanh vạn người nghe rõ như có hệ thống loa phát thanh. Đi nữa, rẽ phải... qua chiếc cầu nhỏ cong cong rẽ trái, đi quãng nữa hỏi thăm Mai gia trang".

Mai gia trang ấy tôi chưa từng nghe nói tới trong mười năm làm hướng dẫn viên du lịch. Mai gia trang không còn thì cội mai ấy là một cội mai lưu lạc. Ở Huế có nhiều cội lão mai nhưng đa phần là mai kiểng. Còn của chị: "Mẹ tôi nói cội mai ấy gốc gác sơn lâm, sần sùi, khỏe mạnh, có sức sống mãnh liệt. Xưa, Mai gia trang có đến 50 cội. Xuân về bát ngát sắc vàng”.

Suốt một ngày loanh quanh hỏi thăm, chẳng ai biết một Mai gia trang như thế. Người phu xe mất kiên nhẫn càu nhàu: "Nhà vườn san sát núi mô mà núi. Mít thơm dày đặc mai mô mà mai. Hỏi người ta thêm cười". Hôm sau, chúng tôi đi xe đạp để có thể vào sâu các ngõ ngách, nương vườn mà vẫn chẳng có tin tức gì về cội mai lưu lạc. Nhưng tôi không bỏ cuộc vì giọng kể như khơi từ cả một nguồn nhớ của chị.

“Đã bao lần mẹ tôi dẫn tôi về nhà. Đó tề! Cái vòm cổng rêu phong đề ba chữ Mai gia trang. Dưới là câu thơ chữ Hán của Cao Bá Quát: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai). Qua khỏi cổng có bức bình phong bằng chè Tàu, hòn non bộ thu gọn cảnh sơn thủy hữu tình, núi non hang động, khe suối, chùa chiền, đình tạ, hoa có bốn mùa. Ở đó có những hình nhân nho nhỏ bằng sứ - ngư ông ngồi câu, tiên ông đánh cờ dưới cội tùng, gã sơn nhân vác cành mai vàng xuống núi.... Sau căn nhà cổ là một rừng mai....".

- Bác cho cháu hỏi. Cách đây trên nửa thế kỷ vùng này có chỗ nào gọi là Mai gia trang không? Trồng nhiều mai lắm! - Tôi lặp lại điệp khúc.

- Mai mô mà mai. Chừ đất là vàng. Vườn nào rộng xẻ bán, xây nhà, mở quán còn hơn trồng cái thứ chỉ hữu dụng mấy ngày xuân!

- Thế quanh đây có cội mai nào trên trăm tuổi không?

- Chú ni lạ! Ai mà để ý tuổi mai.

Chúng tôi lại đi, lang thang trong vùng trời kỷ niệm của chị: “Trong căn phòng mẹ tôi, một tủ sách phần lớn là sách cũ đem từ quê nhà. Hai bộ sơn mài Ngư Tiều Canh Mục, Mai Lan Cúc Trúc. Một khay trà bằng gỗ trắc, chân quỳ đỡ lũ ấm chén Tàu bằng đất nung bóng láng lạnh lẽo. Một chiếc độc bình cổ, loại dùng để cắm mai. Chỉ cần nhìn cái bình ấy mẹ tôi có thể thấy cả cành mai với những nụ căng mẫm ngời ngợi mầu ngọc bích, hé dần mầu nắng tháng Chạp quê nhà. Mẹ tôi đồng thời cũng là người thầy dạy tiếng mẹ đẻ cho tôi nằm đó, cạn dần sinh lực. Thế nhưng càng ý thức đời mình còn ngắn ngủi, sức sống tinh thần của mẹ càng mãnh liệt. Mẹ kể miên man chuyện quê nhà, khi mệt nhắm mắt lại nghe tôi đọc Kiều... Mẹ sinh tôi ở đất khách nhưng cho một mảnh hồn Việt. Trong nhà nói tiếng Việt, giữ gìn nếp Việt. Nhưng rốt cục chỉ có tôi là giống mẹ. Còn lại Tây hóa cả. Mẹ mất, tôi bơ vơ ngay trong gia đình của mình... Chuyến này tôi qua đây để dọn đường về. Nếu tìm được mảnh đất xưa ai đó bán lại, đắt mấy tôi cũng mua để đem tro bụi của mẹ về".Đang kể chị bỗng ngừng rồi sà xuống bên đường nâng trên tay một đóa hoa dại kêu lên:

- Hắn đây rồi! Hoa Ngũ Sắc phải không anh?

- Răng chị biết tài rứa?

Mẹ tôi tả: "Hoa Ngũ Sắc mầu tươi tắn, đỏm dáng, mọc đầy ven sông triền đồi xen lẫn những đốm tím buồn của hoa Bâng Khuâng. Lồng Đèn như quả bóng xanh trong cỏ. Hoa Cẩn mầu đỏ có tua dài. Thuở nhỏ mẹ hay hái chúng để chơi trò đám cưới...”

- Chị phải yêu mẹ lắm và mẹ chị phải yêu quê nhà lắm! - Tôi buột miệng.

- Vâng. Ba tôi đi du học thành tài rồi không muốn về nước. Ba đón mẹ qua như bứng cây trồng nơi đất lạ. Cây được chăm bón mấy cũng cằn cỗi dần. Đến khi con cái lớn khôn, thành đạt, mẹ quyết về thì lại ngã bệnh... Rồi chị nói lảng: Tôi còn biết trái sim ăn ngòn ngọt, tím miệng. Trái móc chua chua chát chát mồm xanh lè. Trái dâu núi ăn vào môi đỏ như son.

- Chị giỏi quá! Gặp khách như chị phải đổi vai mới đúng.

- Nhưng tôi chỉ biết đến chúng trong thế giới hoài niệm của mẹ tôi, còn anh thì trước mắt..

- Tôi cũng chưa được ăn trái sim rừng, nếm trái dâu núi. Mà chị về đây không sợ khổ ư?

- Sướng khổ tùy người. Quê mình khối cái giàu. Chỉ sợ đem cái giàu thật đổi lấy cái giàu "dỏm" phù phiếm xa hoa đó thôi!

Chúng tôi chợt dừng lại bên một ông lão ngồi bên nấm mồ, đôi mắt côi cút lặng thinh lang thang trên những hàng mộ nhấp nhô sau lưng một dãy nhà.

- Ôn ơi cho con hỏi!

Tôi nói lớn nhưng ông lão vẫn nghiêng tai ngơ ngác.

- Xưa ở đây nghe nói có một vườn trồng nhiều mai lắm gọi là Mai gia trang phải không ôn?

- Cái chi! Ôn điếc, nói to lên!

- Mai gia trang... Mai... Mai gia trang... một vườn mai - Chị hét to..

Ơn trời cuối cùng cũng lọt vào tai ông lão tiếng "mai”!

- Mai hả? Chặt hết rồi.

- Nhưng xưa kia nhiều lắm phải không?

- Ừ nhiều lắm! Vườn ôn Thản nhiều lắm!

- Đúng rồi! - Chị reo lên rồi ôm chầm lấy ông cụ - Cụ cố tôi tên Thản... Tìm ra rồi anh ơi!

- Chặt hết nhưng còn sót một cội nằm trên một rẻo đất nhỏ của Mai gia trang ôn biết ở mô không? - Chị lại hét.

- Mụ ấy hả? Chết rồi! Mụ nằm đó tề!

- Ông lão đưa tay chỉ nấm mồ bên cạnh

- Cả tụi thằng Khoan, thằng Lé, con Bưởi, con Bòng, nằm đó hết. Họ đợi tui thế mà con tui xây mồ cho năm năm rồi mà vẫn chưa chết. Buồn, tui ra đây chơi.

- Một cội mai già lắm ở mô ôn biết không?

- "Lão nhi bất tử vị chi tặc”!

- Ông lão điếc lác lại lẩm bẩm một mình, chẳng để tiếng nào lọt tai nữa. Chúng tôi đành phải bỏ đi. Chị cứ ngoái nhìn cái bóng bơ vơ bên những nấm mồ còn lòng tôi nằng nặng câu thơ Giả Bình Ao: "Người cùng thời chết cả. Chỉ còn một mình bà. Ngồi giữa bãi tha ma. Bà là bia mộ của những người đã khuất?

- Đến đúng chỗ rồi anh ạ! - Chị phá tan im lặng! - Biết mô tôi sẽ gặp quanh đây vòm cổng cũ có câu thơ xanh mực rêu của Cao Bá Quát hoặc cội mai cố tri của mẹ. Mẹ tôi bảo: "Cội mai ấy sát bên nhà, hắt bóng vào phòng ông ngoại. Ở đó, bốn mùa, ông theo dõi từng biến chuyển tồn sinh của nó. Ông gọi nó là huynh vì nó có từ buổi đầu lập Mai gia trang. Năm nào đến mùa trảy lá, cội lão nhất cũng dành cho vị cao tuổi nhất của Mai gia trang. Ông vừa trịnh trọng trảy lá vừa lầm thầm xuýt xoa: “Huynh chịu khó để đệ vặt lá cho huynh ra hoa". Ông thấu nỗi đau mà loài cây ấy phải trải để khai hoa nở nhụy cái đẹp. Hàng năm Mai gia trang có hai ngày hội: Ngày xanh đất tức ngày trảy lá và ngày vàng cây là ngày hoa nở rộ nhưng mẹ thích ngày xanh đất hơn. Ngày ấy toàn thể Mai gia trang đều phải ra vườn, hàng xóm cũng tới giúp.

Năm mươi cội mai trút hết lá xuống vườn, phủ xanh đất, trơ những bộ xương mai kiều diễm. Mỗi cội mỗi cốt cách - cội sù sì mốc trắng, cội xanh mượt mầu rêu, cội mảnh khảnh yểu điệu, cội thanh tân đài các, cội đường bệ trầm tư... Cội mai già bên cửa sổ vượt trội hơn cả. Nó đứng đấy vươn cái dáng do đất trời và thời gian chạm khắc, gầy guộc mà vững chãi, thách thức và đón đợi...”

Giọng chị bỗng chùng xuống , trĩu nặng: "Ông mất vào mùa mai cuối cùng của Mai gia trang. Mẹ tôi bảo, năm ấy, dường như linh cảm được đẹp lần cuối cùng, cả vườn mai bừng trổ hết hương sắc. Hoa nối hoa, nụ nối nụ, cây nối cây... cả một vùng trời chói lọi bởi cái mầu vàng bát ngát ấy của Mai gia trang.

Cội mai già toàn thân như tỏa ánh xanh bởi những chùm nụ căng mẩy, ngời ngợi màu ngọc bích. Ông đây ngã bệnh nằm một chỗ suốt mùa đông ấy, thế nhưng những ngày cuối tháng Chạp đòi mở cửa sổ suốt ngày để chờ mai nở. Tựa tấm thân mỏng như phiến lá bên chồng gối kê cao, ông đăm đắm ngóng cội mai già cho đến khi nó hé nụ cười đầu tiên, nụ cười huynh - đệ ấm áp như mầu nắng tháng Chạp. Ông “đi” thanh thản, cội mai già trong mắt, mãi mãi đẹp ở khoảnh - khắc - vĩnh - cửu ấy!

- Chị kể hay thật làm tôi cũng ngỡ như thấy trước mắt.

- Không phải tôi mà mẹ tôi. Mẹ kể đến chục lần, lần sau hay hơn lần trước. Khi da diết với một điều gì, người ta đột xuất có "khả năng văn sĩ” để với cho tới, trút cho cạn nỗi niềm sâu nặng trong lòng phải không anh? Chị cười ròn tan, tiếng cười rung cả đóa mai vàng tôi vừa chợt thấy.

- Rồi răng nữa chị?

- Rứa chớ răng! – Chị trêu tôi bằng cái giọng Huế đặc như để nén tiếng thở dài - Chôn ông xong các ông con đo đạc, giăng dây, chuẩn bị xé Mai gia trang từng mảnh chia nhau bán!

- Còn mai?

- Chặt - Chị rùng mình - Mẹ tôi bảo mẹ tôi không bao giờ quên khoảnh khắc tàn sát vườn mai ấy. Thuê cả năm người đốn cật lực trong suốt một tuần mới phá xong vườn mai lập từ thời cụ tổ. Cụ vốn là người yêu mai, về quan chỉ bạn cùng mai, lúc chết trối độc một chữ “mai". Đời con rồi đời cháu hiểu ý nghĩa nhìn mai mà sống, "học cái đức lớn trong hồn hoa nho nhỏ". Nhưng đến đời các cậu tôi thì hết. Các cậu lớn lên từ Mai gia trang nhưng lại theo Tây học. Khi thành đạt trở về, bóng họ cứ dềnh ra, to lớn, còn bóng ông thì bé lại, lom khom thui thủi trong vườn mai. Họ thấy ở Mai gia trang cái gì cũng gò bó, cổ hủ lạc hậu. Họ ghét cả loài hoa ám ảnh họ tộc đã mấy đời... Bởi vậy khi ông nằm xuống, số phận vườn mai đã được quyết định... Chỉ tội nó không sống trọn mùa xuân cuối cùng. Những cây rựa sắc lẻm huơ lên, hoa mai như đàn bướm bị xé xác, lả tả rơi, nghìn nghịt phủ kín vườn. Nước mắt hoàng mai tuôn mấy ngày ròng chưa cạn... Một người hàng xóm vốn cũng rất yêu mai, chịu không nổi cảnh ấy, bỏ tiền mua rẻo đất có cội lão mai đẹp nhất Mai gia trang, cội mà mẹ tôi tin vẫn còn sống và chúng ta đang đi tìm. Con trai ông ấy là bạn ấu thời của mẹ tôi. Mẹ gọi là anh cu Lực. Mỗi lần nhắc đến đó mẹ lại lấp lửng rồi im lặng.

 

***

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nó, cội mai lưu lạc nhưng chỉ còn... cái gốc, trên "mọc" một người đàn ông đang ngồi rít thuốc.

- Cho tôi hỏi.... phải nhà ông Lực đây không?

- Phải, nhưng ông già tui chuyển hộ khẩu ra nghĩa địa rồi, có chi không?

Người đàn ông xoay người nhìn hai vị khách lạ nhưng vẫn không rời "cái ghế" có vô số chân bò tứ tán khắp sân. Chị nhìn nó lắp bắp:

- Gốc... một... cội mai... phải không?

- Răng biết? - Chủ nhà ngạc nhiên.

- Một cội mai già, tuổi cả thế kỷ rưỡi.

- Già lắm... mấy đời rồi

- Lại rất đẹp, rất hiếm.

- Y chang giọng cha tui... Cái chi đẹp, quý, hiếm, dành cho hắn cả. Nhưng ngó tề! Chặt cút phần trên rồi mà phần dưới tỉnh bơ, rễ bò tứ tán, tới tận thềm, chui dưới nền nhà. Cái thứ sống dai nhách, càng già càng bám khoẻ. Sống lâu thành tinh rồi. Đồ phá hoại, đồ xui xẻo. Vì hắn mà ông già tui tâm thần. Chừ chặt rồi, bới rễ cũng mệt, hỏng luôn cả vạt sân tráng xi-măng. Để đó, ai mua bán quách. Đất này mai ám, làm ăn không ra.

- Để tôi mua cho - chị hớt ngang, không giấu nỗi vui mừng.

Người đàn ông đứng dậy, tò mò nhìn người đàn bà lịch sự như từ trên trời rơi xuống rồi quét tia nhìn tinh quái đến gốc mai cụt đầu, căn nhà lụp xụp, mảnh sân lồi lõm, đáp gọn lỏn:

- Mười hai cây vàng. Chắc giá.

- Được.

- Không đổi ý. Đặt tiền cọc đi.

- Nhưng anh mời tôi vào nhà đã chứ. Tôi muốn thắp cho ông cụ nén hương. Xưa ông với mẹ tôi là chỗ quen biết, bạn thời thơ ấu.

- Rứa thì bà cũng gốc gác vùng ni?

- Vâng.

Chủ nhà vồn vã hẳn, mời khách vào nhà, lăng xăng pha nước. Trên chiếc bàn thờ lạnh lẽo, một người đàn ông đang nhìn chị. Ông ta có gương mặt chân chất dễ mến, không già như mẹ. Đằng sau khung ảnh, ông ta ở ngoài - thời - gian. Chị chưa từng hình dung vị trí ông ta trong cuộc đời mẹ vì bao giờ mẹ cũng "khóa” ngay chỗ đó, quẳng chìa khóa tận đáy ký ức.

- Ông cụ mất lâu chưa anh? - Chị gợi chuyện.

- Chưa giáp năm.

- Còn cội mai mới đốn?

- Năm mươi ngày ổng xong tui chặt. Khi ổng còn sống, đố ai đụng vào nó, ổng phang chết. "Bồ" ổng đấy! Những năm cuối đời, ổng không được minh mẫn. Cái đáng nhớ thì quên, cái đáng quên thì nhớ. Con gọi là bác, vợ gọi là chị, cây gọi là em đến nỗi bà già tui phát ghen luôn.

- Với cội mai hả? - Chị bật cười.

- Tại ổng cứ em em, anh anh ngọt xớt với nó. Tui bảo mạ ghen làm chi cho mệt, cội mai già khú đế chứ có phải mụ nạ dòng hàng xóm mô mà! Bà già tui tìm đủ cách yểm cây mai mà hắn không chết đó chứ! Đóng đinh, hơ lửa, chặt lén đủ cả rứa mà hắn cứ sống nhăn. Ông già tui thì cứ mỗi mùa mai dõi theo từng nách lá, ngóng từng nụ, đếm từng hoa... Mấy mươi năm, đêm ba mươi Tết nào ổng cũng ra sân, quờ quạng mò mẫm trong bóng tối để ngắt cho được một đóa mai sáu cánh. Nếu được ông reo to: "Trúng phóc một đóa sáu cánh rồi. Mai phù hộ anh mà! Mạ tui lại đùng đùng nổi giận chạy ra lôi ổng vào... Đóa hoa sáu cánh đó ổng ép rồi cất vào hộp. Chị đợi tui chút.

Chủ nhà vào trong lấy ra một hộp thiếc. Trong hộp, trên miếng nhung lót là những đóa mai sáu cánh nằm kề bên nhau gần kín bề mặt hộp thiếc. Chị ngạc nhiên thấy bên cạnh những đóa hoa thật khô quắt, mỏng tang, phai nhạt lác đác điểm những đóa mai giấy mầu vàng. Chúng không phai tàn. Chủ nhà giải thích:

- Đó là những năm cha tui không đón giao thừa bên mụ mai. Ông bận đi xa. Khi trở về, ông cắt những đóa mai sáu cánh bằng giấy đặt vào để mùa mai vắng mặt ấy vẫn có mặt trong cái hộp lưu trữ thời gian của ông. Hoa thật, hoa giả, cả thảy năm mươi ba đóa.

- Anh đếm à?

- Chị không thấy chúng nằm theo hàng à? Vị chi năm mươi ba mùa mai nở.

Chị lấy tay mân mê một đóa ở góc hộp. Lập tức đóa hoa rã thành bụi dưới tay chị. Chị thụt tay lại lắp bắp:

- Mẹ tôi.... Mẹ tôi cũng có một đóa hoa mai khô y hệt đóa này! Một đóa thôi, cất trong cái hộp nhỏ khảm xà cừ. Khi mẹ mất, tưởng gì quí lắm tôi mở ra xem, chạm vào thì rã thành bụi như thế này!

- Mấy người già lẩm cẩm lắm! Thôi trở lại chuyện mình đi.

- Có gì mà trở lại trở đi. Anh hô mấy, tôi đồng ý mấy. Nhà, anh có thể dỡ lấy vật liệu nhưng gốc cây mai thì để nguyên đừng đào xới chi hết. Còn cái hộp này - chị ngập ngừng - nếu anh không giữ thì... cho tôi xin!

- Chị lấy đi! Tui giữ làm chi đồ ba láp đó.. Tui khác ông già tui, cái gì đáng đồng tiền bát gạo mới cất.

- Cám ơn anh.

Chị bỏ cái hộp vào túi xách và tôi có cảm tưởng nó trở nên nặng trĩu bởi năm mươi ba mùa thương nhớ.

 

***

Mấy năm sau, tôi có dịp trở lại vùng đó. Trước thềm thiên niên kỷ mới, “đất núi” cũng chuyển mình.. Khó nhận ra nơi tôi và chị lang thang hai ngày trời để đi tìm dĩ vãng. Khu nghĩa địa nhỏ nơi ông lão cô đơn ngồi chơi trên nấm mồ xây sẵn cho mình cũng đã biến mất. Một công trình xây dựng quy mô đồ sộ sẽ trình thế kỷ mới một làng đại học xứng đáng với tầm cỡ của một cố đô văn hóa.

Và nó chợt hiện ra trong tầm mắt tôi, giữa tiếng reo phát hiện của mấy du khách theo cùng. Nó tách khỏi khu vực quy hoạch xây dựng bởi một con đường nhỏ, mảnh mai mà kiên định vạch một lằn ranh giữa hai thế giới. Tôi nhận ra nó ngay bởi cái gốc sần sùi rêu bám, mặt trên nhẵn thín bởi dấu đẵn ngọt và một đám rễ chằng chịt bên dưới đã bám vào đâu là bám cho đến chết. Có điều, từ cái gốc nhẵn thín câm lặng kia lại trồi lên một mầm sống mới, một nhánh mai non tơ mảnh khảnh, rạo rực vươn lên. Cội mai cụt đầu thành cái bình cắm một nhành xuân tuyệt tác. Những du khách đi cùng giở máy ảnh bấm lia lịa như để chộp lấy một hình ảnh tương phản và rất “đời”, một sự hóa thân nhẹ nhàng mà mãnh liệt.

Chị hiện ra từ một căn nhà nhỏ làm bằng tre và gỗ xinh như căn nhà đồ chơi. Chị khoe với tôi lần này chị về dạy văn học Pháp cho sinh viên khoa Pháp ngữ để có cơ hội nghiên cứu văn chương Việt. Chị yêu cả hai nền văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn chị. Khoe xong chị trỏ vào gốc mai và bảo:

- Nó đấy! Anh còn nhớ nó không?

- Nhớ chứ? Giờ thì tôi hiểu tại sao chị cố mua cho bằng được cái gốc của "cội mai lưu lạc" ấy.

- Bởi vì mẹ tôi và cả tôi nữa đều tin ở sức sống mãnh liệt của nó. Anh thấy không, nhánh mai con đã cứu vãn danh dự cho "hiệp sĩ cụt đầu”, vẫn trào dâng sự sống!

- Thế chị có mơ gây lại một Mai gia trang không?

- Không bao giờ anh ạ! Mỗi thời mỗi khác. Để đất làm những thứ hữu ích hơn nhiều - chị trở tay về khu đất đang xây dựng - nhưng tôi trân trọng kỷ niệm. Mọi thứ đều có cội nguồn gốc rễ. Mẹ tôi đã dạy tôi điều đó. Dù mẹ có ở chân trời góc bể nào, tâm hồn mẹ cũng mọc rễ ở đây. Cha tôi có thể tách mẹ tôi khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim bà... Tôi đã đem tro bụi mẹ về. Căn nhà be bé xinh xinh giữa hoa và lá đó là nơi thư giãn tinh thần và cất giữ kỷ niệm.. Đôi khi tôi nghe tiếng mẹ cười, tiếng cười thời con gái, trong vắt. Một người bà con của tôi ở đó trông nhà, hương khói cho những người đã khuất. Còn tôi đi đi về về... Ngày tôi được về hẳn, nhánh mai con ấy chắc đã thành cội rồi anh nhỉ!

Nguon: chuyenluan.net


Âm lịch

Ảnh đẹp