31/12/2010 06:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 728
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ - Năm 2010 tôi gặp rất nhiều nhân vật, nhưng hai nhân vật đã để lại ấn tượng cho tôi nhất khi tiếp xúc, phỏng vấn chính là nhà báo, nhà thơ, nhà văn Khuê Việt Trường và NSƯT Kim Cương.


1

Khuê Việt Trường là một cây bút mà tôi ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ bởi sự sung sức của anh. Gần như tên anh trải đều các báo, từ lớn tới nhỏ, từ báo tỉnh xa đến báo trung ương với những tin về du lịch, văn hóa và đặc biệt là truyện, thơ, tạp bút… Nhiều bạn đọc trẻ cứ nghĩ Khuê Việt Trường là một “gã” cỡ ba mươi hoặc ba mấy là cùng, bởi “gã” đi nhiều, viết nhiều. Lý do ấy hết sức chính đáng (còn trẻ mới có sức đi nhiều), làm tôi cũng tin anh là “cây bút trẻ”.

WKC.JPG

Tác giả trò chuyện với NSƯT Kim Cương - ảnh: H.H.

Một lần, giở báo Giác Ngộ, thấy Khuê Việt Trường có tham gia truyện dự thi (cuộc thi thơ văn Phật giáo hướng về 1.000 Thăng Long – Hà Nội): một cảm giác ngạc nhiên, “vì sao “gã” này hay dữ, biết cả cuộc thi trên báo Phật giáo, chắc “gã” cũng là Phật tử, và có thể “gã” đọc nhiều”, tôi nghĩ thế. Và bất ngờ (vừa vui cùng anh) khi biết anh đạt giải nhì (giải cao nhất) về thể loại văn xuôi của cuộc thi để rồi đến ngày nhận giải tôi được một cơ hội tiếp chuyện thân mật với anh.

Khá cởi mở, Khuê Việt Trường đã chia sẻ những thắc mắc của tôi về nghề viết, anh bảo: muốn viết nhiều phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nói chuyện với tất cả mọi người để hiểu con người. Tác phẩm của mình nhằm phục vụ con người mà không hiểu con người và thời đại thì sẽ thiếu sức sống… Có lẽ đó cũng là “châm ngôn” trong nghề viết của anh.

Còn kim chỉ nam cho những tác phẩm của Khuê Việt Trường? Câu hỏi được trả lời ngắn gọn: tác phẩm phải có tính hướng thiện. Và anh xem hướng thiện là một đề tài Phật giáo.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để một người làm báo Giác Ngộ là tôi có thêm tư trang cho con đường nghề nghiệp của mình: phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều và những trang viết phải có thông điệp hướng thiện!

2

Còn NSƯT Kim Cương là một Phật tử đã trở thành “thần tượng” của tôi từ khi xem vở “Lá sầu riêng”, chị diễn từ khá lâu. Gọi điện thoại và hồi họp chờ, một giọng nói rất ngọt, chị bảo: “Chị sẵn lòng gặp em, dù chị rất bận, chị không trả lời qua điện thoại”. Một cuộc hẹn nhanh, sau đó tôi gặp chị tại đường Phùng Khắc Khoan (Q.1, TP.HCM).  Cuộc trò chuyện hơn một tiếng giữa tôi và chị là những chia sẻ về chuyến hành hương đất Phật, về những công việc thiện nguyện, về phương pháp thực tập Phật pháp, buông bỏ những danh-lợi của người Phật tử.

Từ Huệ là pháp danh của chị (do HT.Thích Thanh Từ đặt), chị bảo: “Cái tên này sư phụ đặt để chị có phương tiện mà đi. Mấy chục năm biết đạo, sống đạo và làm việc, giờ đây chị rất hạnh phúc với hiện tại”. Trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc chị luôn tâm niệm: “làm gì cũng phải tận tụy, tu cũng thế”. Có lẽ vì thế mà chị - Phật tử Từ Huệ mỗi ngày vẫn cứ đều đặn công phu mỗi sáng, sau thời công phu, chị nghe đĩa giảng pháp của hòa thượng hoặc quý thầy giảng sư. Công tác từ thiện cuốn chị phải lo nhiều thứ, lo cho nhiều người nhưng thực tập thì chị không bỏ. Điều đó nhắc tôi, dù làm phóng viên có mệt, có đi nhiều thì câu niệm Phật cũng không được phép quên!

Và tôi càng thấy thích chị hơn, khi chị nhắc đi nhắc lại bài học nghiệp vụ: “Em đừng bao giờ phỏng vấn từ xa (khi có thể gặp nhân vật) bởi chia sẻ từ xa thì khó cởi mở, khó có những ý hay…”.

Chúc Thiệu


Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp