Dư âm nụ cười của Đá


Tác giả: Kỳ Duyên
07/02/2012 10:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 187495
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngắm nhìn những nụ cười của Đá, có ai hiểu, còn biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của con người lao động lẫn con vật đổ xuống, để lại cho đất nước Campuchia (CPC) ngày nay những kỳ quan, kiêu hãnh về trí tuệ và sự tài hoa của một dân tộc…

Quả thật, chưa bao giờ người viết bài nghĩ được mình lại có chuyến "Campuchia du xuân ký", vào đúng Tết con Rồng.

Nhưng chuyến du xuân đã hiển hiện. Như từ rét buốt, mưa phùn Hà Nội, bỗng chốc đã nắng vàng rực rỡ Phnom Pênh. Như từ áo măng tô, bốt cao, khăn len casơmia ấm áp, bỗng chốc đã quần lửng, áo cộc tay, giầy thể thao và chút hồng phớt của nắng vàng trên má. Như sự hẹn hò với Nụ cười Angkor từ kiếp nảo kiếp nào, qua những trang văn kỳ thú về một nền văn minh rực rỡ đã thành hiện thực.

Vàng- xám, đều là... vàng cả

Hoàng Cung, nơi ở của Hoàng gia Vương quốc CPC đương đại, được xây dựng hơn thế kỷ, từ năm 1866 đến giờ, nơi luôn diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia, hiện ra uy nghiêm, vàng son lộng lẫy trong nắng sớm, bao giờ cũng là điểm hấp dẫn đầu tiên với khách du lịch tứ xứ.

Bởi Hoàng Cung- một quần thể các di tích đặc trưng kiến trúc Khmer, còn là biểu tượng của Vương quốc CPC. Đặc biệt trong đó có chùa Bạc độc đáo. Nền chùa được lát 5329 miếng bạc, mỗi miếng bạc đều làm thủ công, trọng lượng 1,125kg. Chùa còn được gọi  là  chùa Vàng vì có  pho tượng Phật Di Lặc bằng vàng ròng, cùng hơn 1050 báu vật toàn là bằng vàng, bạc, đồng quý giá.

Nhưng ở một đất nước có tới 1200 đền đài, chùa chiền... đâu đâu cũng mang một bản sắc kiến trúc đặc sắc và độc đáo, thì sự mô tả sẽ chỉ trở nên nhàm chán. Điều không nhàm chán, khiến du khách ngỡ ngàng, là cách làm du lịch của một đất nước vốn bị coi chậm phát triển lại khá chuyên nghiệp, và văn minh.

Văn minh ngay từ cái vé vào cửa tham quan các di tích.

Mỗi người khách sẽ được chụp ảnh và chỉ vài phút sau, khi cầm chiếc vé, trị giá 20 USD, sẽ thú vị thấy gương mặt mình in ngay trên chiếc vé. Đeo trên ngực tấm vé có ảnh chân dung, khách có thể đi bất cứ di tích nào theo kế hoạch của tua du lịch định trước.


Một góc nhỏ của Angkor Thom (Đế Thích)

Tấm vé vào cửa cũng là ấn tượng đẹp đầu tiên với đất nước Chùa Tháp, một đất nước nhỏ, chỉ 13 triệu dân, nhưng mỗi năm có tới 2 triệu lượt khách du lịch tới thăm, chủ yếu là các nước phương Tây và vùng phụ cận như Việt Nam, Trung Quốc...

Tôi đã ngắm rất lâu nụ cười phảng phất của Phật Di lặc trong chùa Vàng giữa cái không khí trang nghiêm, yên tĩnh đầy tôn kính, của khách lãng du đông nghịt. Dường như ở Phnom Pênh, không khí thanh bình, đường phố khá sạch sẽ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những nụ cười nhân sinh như thế. Những nụ cười của đất nước từng trải qua khổ đau khủng khiếp- họa diệt chủng.

Chợt nhớ đến bộ phim nổi tiếng - Cánh đồng chết, về cái họa man rợ này, vừa được xem lại ngay trên chuyến xe đi từ Phnom Penh tới Siem Reap. Cánh Đồng Chết cũng đồng thời là một di tích lịch sử nổi tiếng của CPC, chỉ cách Phnom Penh 14 km. Ở đó có 129 cái hố chôn người, nay CPC đã khai quật được 89 hố, mỗi hố có hàng trăm bộ xương cốt.

Ấn tượng hãi hùng nhất và ăn sâu trong tâm lý, là sự săn đuổi để tận diệt các trí thức, những người có học vấn. Là ánh nhìn căm thù của một Ăngkar (Angkar) tuổi teen khi phát hiện ra đôi bàn tay trắng trẻo- đôi bàn tay quen cầm bút của một tù nhân. Tiếp đó, một tiếng "đoàng" khô khốc và lạnh lẽo vang lên.

Vì sao mà trí thức, ở những thể chế độc tài, độc đoán, dưới sự cai trị của những bộ óc tăm tối lại luôn bị căm ghét, khinh thị như vậy?

Bạc vàng rất quý. Nhưng chất xám, cũng là một thứ vàng ròng cho một dân tộc. Đất nước chậm phát triển, có khi cũng chỉ vì sự "sợ hãi" tri thức và trí thức.

Đất nước CPC liệu có ý thức được sự trả giá cay đắng đó không? Nếu những di sản kiến trúc và văn hóa đồ sộ mang tầm nhân loại của CPC không được xây dựng từ trí tuệ trác việt và bàn tay lao động tài hoa của người Khmer cổ xưa?

Dường như cái buổi tối, tại nhà hát lớn của Phnom Pênh, chương trình biểu diễn về Lịch sử đất nước CPC, được kết hợp hoàn hảo, tuyệt vời và quá hoành tráng, giữa nghệ thuật cổ truyền đặc sắc Khmer với công nghệ 3D hiện đại đã là câu trả lời đầy ý nghĩa.

Giá vé không hề rẻ- 40 USD, mà cả khán phòng nhà hát chật cứng. Sân khấu là sự thăng hoa của Lửa, của Nước, của sự sống, của lao động và triết lý ngàn đời về cái Thiện nhất định phải ngự trị, cái Ác phải bó tay. Nghệ sĩ biểu diễn và người xem đều cùng chìm đắm trong quá khứ của nền văn minh Angkor rực rỡ.

Khóc cười của Đá

Chính vì thế, điểm nhấn tuyệt diệu nhất trong chuyến đi, chưa phải là Hoàng cung hay chùa Vàng, dù những cụm công trình kiến trúc rất đẹp và sang trọng đó khiến khách thăm trầm trồ thán phục. Mà chính là Ang kor Wat (tiếng Việt cổ gọi là Đế Thiên), Ang kor Thom (Đế Thích) thuộc Siem Reap, và được gọi chung là Ang kor (Đế Thiên Đế Thích).


Angkor Wat (Đế Thiên)

Angkor Wat là một ngôi đền, thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo, sau thành đền thờ Phật, do những biến thiên của thời cuộc. Người ta có thể thấy ở đây triết lý nhân sinh của người Khmer cổ qua cấu trúc ba tầng của chính điện Angkor Wat: Tầng một- địa ngục; tầng hai- trần gian, và tầng ba- thiên đàng. Gần 400 gian phòng đá lộng lẫy bởi nghệ thuật chạm khắc 5000 vũ nữ Apsara, hay mô tả các sự tích chiến trận mang sức mạnh thần thánh... thể hiện trí óc phi thường và bàn tay điêu luyện của con người.

Thì Angkor Thom lại làm du khách ngất ngây bởi 256 nụ cười Bay on, những nụ cười bí ẩn của Đá (Bay on nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom - kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor). Hậu thế sẽ còn loay hoay giải mã những nụ cười. Nụ cười của sự sung mãn hay nụ cười của tự tôn tự tại, sau khi đã vượt qua muôn ngàn khổ đau?

Thật khó có thể tưởng tượng nổi trí tuệ và tài hoa của người Khmer cổ nếu biết rằng Angkor được xây dựng trong suốt gần 40 năm, nếu biết rằng, đã có hàng nghìn con voi được huy động chuyên chở các phiến đá hộc khổng lồ cho việc xây những quần thể đền đài kỳ vĩ.

Trí tuệ và tài hoa đó đã đưa Angkor trở thành một trong những kỳ quan, di sản văn hóa thế giới, tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc tôn giáo lớn nhất Đông Nam Á. Tầm vóc Angkor khiến CPC nói chung, Siem Reap nói riêng ý thức được sự tôn vinh tài sản văn hóa riêng của mình thành của nhân loại như thế nào, thông qua con đường du lịch.

Sự tôn vinh di sản cha ông để lại thể hiện rất tinh tế: Ngọn tháp chính của Angkor Wat có độ cao nhất là 65 m, toàn bộ các tòa nhà trong thành phố Siem Reap, không tòa nhà nào cao hơn 65 m- một cách xử lý về đô thị giữa kiến trúc cổ và hiện đại rất hài hòa và mang tính đạo lý. Cả Siem Reap có tới gần 500 khách sạn, trong đó, gần 130 khách sạn hạng cao cấp, 4- 5 sao. Đủ hiểu du lịch xứ Angkor cũng đang... rực rỡ đến thế nào. Hàng năm, tiền thu về từ du lịch của CPC hơn 1 tỷ USD.

Angkor còn khiến con người phải ngỡ ngàng trước một môi trường không gian kỳ thú- những cánh rừng nguyên sinh bát ngát, với những đại thụ sù sì, rễ cây khổng lồ mọc cả trên đá, đẹp kỳ lạ. Là rừng nhưng rất sạch sẽ, che chở cho những đền đài tuyệt tác sự bình yên, dù khách lãng du luôn tấp nập. Bỗng chợt nhớ Hồ Gươm dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, rác rưởi tràn ngập, bên cạnh rất nhiều thùng rác...bỏ không. Liệu đó có phải là hai cách ứng xử của con người với hai nền văn minh?

Nhưng ngắm nhìn những nụ cười của Đá, có ai hiểu, còn biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của con người lao động lẫn con vật đổ xuống, để lại cho đất nước CPC ngày nay những kỳ quan kiêu hãnh về trí tuệ và sự tài hoa của một dân tộc, dù không sử sách nào ghi lại?

Có lẽ bởi thế, mà CPC hậu thế, đang đền đáp, tiếp nối để không phụ lòng các bậc tiền nhân?

"Chuyên nghiệp" và ... thiếu chuyên nghiệp

Địa danh cuối cùng du khách ghé thăm là Biển Hồ, theo cách gọi của người Việt. Còn người CPC gọi là Tonlé Sap.

Biển Hồ- hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, nổi tiếng không phải bởi cảnh đẹp, mà bởi đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 1977) do những đặc điểm địa thế đặc biệt, với sự đổi dòng hai lần mỗi năm, vào mùa khô (từ tháng 11- tháng 5), và mùa mưa (từ tháng 6).

Nghề "chuyên nghiệp"

Nhưng Biển Hồ vô tình lại là nơi cho người ta thấy được cả sự nghèo khổ, lênh đênh và bất định của hàng trăm gia đình người Việt ngụ cư. Tàu du lịch rẽ sóng đến đâu, chỉ thấy hai bên bờ, những mái nhà tranh, nhà mái tôn rách nát nối tiếp, bồng bềnh như số phận những chủ nhân của nó.

Đó là một nốt trầm buồn....của Biển Hồ dồi dào tôm cá.

Cái nghèo đã xô đẩy con người ta không còn chút tự trọng? Có rất nhiều gia đình người Việt ở đây, nghiễm nhiên có một nghề khá "chuyên nghiệp": Hành khất. Cứ thấy tàu chở khách du lịch, là họ bám theo.

Khi là một người đàn bà, kẹp đứa con mới 4-5 tháng tuổi khóc ngằn ngặt vào lòng, hối hả chèo chiếc thuyền mỏng manh như một chiếc lá tre. Lúc một người đàn ông với 3- 4 đứa trẻ. Họ cặp sát mạn tàu, ngửa tay xin tiền. Cho tiền "đồng bào", mà nói thật, có gì đó không vui, như nỗi xấu hổ thì đúng hơn...

Nhưng lại có một sự thiếu chuyên nghiệp khác. Đó chính là cách làm du lịch của công ty tổ chức.

Người viết bài thật bất ngờ khi cậu hướng dẫn viên của công ty tua du lịch giao hẹn: "Ở sân bay, em sẽ không giơ cờ du lịch của công ty, để khỏi bị "họ" vòi tiền. Mong các bác thông cảm". Và thế là hơn 40 con người già trẻ, nam phụ lão ấu, cứ người nọ bám vào người kia, dò dẫm khỏi lạc giữa sân bay nước bạn.

Đó là một cách tư duy tiểu nông, khôn vặt và không đáng, chỉ vì chút lợi ích của mình.

Và tua du lịch, càng về ngày cuối, càng "phú quý giật lùi": Chương trình bị dồn ép, khách sạn 3 sao- theo tiêu chí của công ty, chẳng khác gì một ... nhà trọ bình dân. Người ta dồn ba khách vào một phòng trọ với đủ mọi lý do... Đến nỗi chị bạn trong nhóm thề, sẽ không bao giờ đi tua của công ty này nữa.

Trở về Hà Nội, mới hay, cư dân mạng xôn xao bài viết của một khách du lịch Mỹ: "Có cho tiền cũng không quay trở lại Việt Nam". Người viết bài này vẫn tin, thực trạng mà du khách Mỹ kia nói là có thực.

Đến bao giờ, du lịch Việt Nam, từng công ty cho đến từng hướng dẫn viên, sẽ biết cách làm du lịch một cách chuyên nghiệp, văn minh và thực sự văn hóa, vì cả danh dự và thể diện một dân tộc?

Chợt nhớ tới nụ cười ẩn ý của anh bạn cùng đoàn: Cái nước Việt mình nó thế!

Dư âm nụ cười của Đá, và dư âm nụ cười ...du lịch Việt!

http://tuanvietnam.net/2012-02-06-du-am-nu-cuoi-cua-da


Âm lịch

Ảnh đẹp