GIAI THOẠI THIỀN


Chân Hiền Tâm
03/12/2011 07:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 142245
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


HÃY NHƯ GHISO Gisho xuất gia lúc 10 tuổi. Cô nhận được sự giáo hóa của thầy như những chú tiểu khác. 16 tuổi, cô tham vấn hết thiền sư này đến thiền sư nọ và cuối cùng ở lại với thiền sư Inzan.

Inzan chẳng phân biệt Gisho là người khác phái. Ông mắng nhiếc và tát Gisho để đánh thức bổn tánh của cô. Cuối cùng Gisho đã tìm được những gì mình muốn tìm. Để tôn vinh Gisho, Inzan viết :

 

                          Cô đã theo học với ta mười ba năm
                    Sáng, là một công án sâu xa nhất
                    Chiều, tập trung cho một công án mới
                    Trước Gisho, Tetsuma đã vượt qua tất cả
                    Và kể từ Majaka, không ai bằng Gisho
                    Song vẫn còn nhiều cửa để Gisho vượt qua
                    Còn phải nhận nhiều cú đấm sắt của ta

Đó là một trong những giai thoại thiền mà tôi rất thích. Chúng là một phần không thể thiếu trong quá trình học Phật của tôi. Tôi rất thích những mẫu chuyện đó. Bởi ngoài ý nghĩa dẫn đạo, giai thoại còn giúp mình thư giản thần kinh và phấn khích tinh thần để vượt qua những ì trệ của bản thân.

Gisho không phải là người tầm thường. Cô ở lại với thiền sư Inzan không phải vì nhận được sự che chở thương yêu của bậc tôn sư, mà vì ông đã mắng cô như mưa bão, thậm chí còn tát cả vào mặt cô. Chính nhờ đó, cô nhận ra được bổn tánh của mình.

Muốn học đạo thành công, mình phải chuẩn bị tinh thần như vị ni đó. Đừng trố mắt nhìn thầy như một quái thai khi ông trở thành bất thường và dị dạng so với những gì người tu cần có : Hiền lành, tự tại và bất động với mọi chuyện ở thế gian. Hình tướng ấy khiến bậc tôn sư trở thành ông Phật ở trần gian, nhưng nó chẳng lợi ích gì cho mình nếu THÓI ĐỜI và TRÍ PHÂN BIỆT của mình còn quá nặng. Cái hiền lành ấy chỉ là thứ ru ngủ mình chứ không phải là thứ giúp mình tiến thân. Muốn nhận được pháp thân, phải để cho trí phân biệt lụi tàn. Cái gì có thể giúp trí phân biệt lụi tàn? Chính là những chiêu thức dị dạng bất thường của chư tôn giả. Đang êm ấm bỗng dưng “trở chứng”. Đang hiền lành trở thành “quá quắc”. Bình thản được với những chiêu thức đó, trí phân biệt của mình mới lụi tàn. Nếu ngay đây nhận được thì mọi phiền toái ở gia đình hay trong tùng lâm đều là cơ hội giúp mình phá đi ngã tướng. Chỉ vì không vừa lòng một chút gì đó mà mình nổi lồ cồ xông pha tìm chỗ khác thì muôn đời chỉ làm kẻ lang thang, rày đây mai đó. Bởi chẳng bao giờ tìm được chỗ bình yên nếu tâm mình không tự bình yên.

Mắng như thế, tát như thế, được ca ngợi như thế mà “Song vẫn còn nhiều cửa để Gisho vượt qua. Còn phải nhận nhiều cú đấm sắt của ta”. Ngày nay căn cơ của mình không được như người xưa, nên bậc tôn sư của mình không dám mắng cũng không dám đánh. Chỉ vài chiêu nhè nhẹ là đã ngập lụt hết Thường Chiếu, còn bậc tôn sư trở thành tác phẩm nghệ thuật dưới gọng kềm giận trách gắt gao. Vì thế mình không thể là một Gisho thứ hai, thứ ba hay thứ tư v.v...

Song tu để khế ngộ Phật tâm, không phải là chuyện thường tình, cũng không phải là chuyện một sớm một chiều. Tổ Hoàng Bá nói “Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường. Đầu dây nắm chặt giữ lập trường. Chẳng phải một phen xương lạnh buốt. Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Vài chục năm không nghĩa lý gì, dù có thể chỉ vài ba năm, cũng có thể là vô số kiếp. Nó là quá trình bào mòn những thói quen của bản thân, là thời gian tập dửng dưng với những hình ảnh hoặc lời nói bên ngoài. Đó là việc mà không phải nói là làm được liền. Từ chỗ hiểu đến chỗ hành là một quá trình. Từ chỗ hành đến chỗ thuần thục lại là một quá trình nữa. Tu Phật, mình phải chuẩn bị tinh thần chịu khó chịu khổ trường kỳ. Khi bậc tôn sư đang tươi như hoa, bỗng nhiên như thiên lôi quẹt ngang, dửng dưng, khó hiểu thì phải biết mình đang được trân trọng như nàng Gisho. Ngay lúc ấy, thay vì hướng ra ngoài chạy theo những tướng đó, hãy quay lại coi tâm mình thế nào. Những cú đấm như thế không thể làm bể đầu, sức tai nhưng nó là cú đấm của bàn tay sắt. Bởi nó đấm trúng vào ngã tướng của mình. Ngã tướng càng nhiều thì ê ẩm càng ghê. Song tu thiền thì không thể sợ đau. Bình thản được với những cú đấm như thế - không phải chỉ ở bậc tôn sư mà với tất cả mọi sự mọi vật ở thế gian - mình mới có thể ngộ nhập lại Phật tánh của mình.

THẦY THỊ GIẢ TUYỆT VỜI

Thiền sư Phật Quang trụ trì chùa Truyền Đăng, đồ chúng theo học rất đông. Một hôm thiền sư giảng Thiền Môn Chân Thuyên xong, tăng Giáp thưa “Sanh tử là việc lớn. Muốn liễu thoát sanh tử chỉ có niệm Phật vãng sanh tịnh độ. Cho nên đệ tử muốn đến đạo tràng niệm Phật Linh Nham để học pháp niệm Phật”. Thiền sư nghe xong hoan hỉ đáp “Tốt! Ông học pháp môn niệm Phật trở về, thì đất này tiếng niệm Phật không dứt, đạo tràng cũng chân chính như thế giới Liên Hoa”.

Thấy vậy tăng Ất lại trình “Giới trụ thì pháp trụ, xem ra không gì hơn giới luật. Bạch thầy, con muốn đến Học Giới Đường để học luật”. Phật Quang gật đầu “Tốt lắm! Ông học luật trở về, đạo tràng của ta mọi người đều có đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, thành một tăng đoàn lục hòa chân chánh”.

Thiền sư Phật Quang vừa dứt lời thì tăng Bính cũng vừa xuất hiện “Bạch Thầy, học đạo không gì bằng tức thân thành tựu. Đệ tử muốn đến Tây Tạng học mật”. Phật Quang mĩm cười “Mật tông giảng cứu tức thân thành Phật. Ông học Phật trở về ắt nhiều người được thành tựu thân kim cang bất hoại. Tốt thôi!”.

Thị giả hầu bên cạnh nghe vậy không vừa lòng “Bạch thầy, thiền là pháp môn do đức Phật ban đầu để lại, giúp người thành Phật thành Tổ. Không việc nào trọng yếu hơn việc học đạo tham thiền. Thầy lại là thiền sư một đời, vì sao không giữ họ lại học thiền để minh tâm kiến tánh mà khuyến khích họ đi?”. Thiền sư Phật Quang nghe xong, cười ha hả “Ta còn có ông mà!”.

Ta còn có ông mà! Mình phải tu học làm sao để bậc tôn sư của mình có thể cười ha hả như thiền sư Phật Quang “Ta còn có ông mà!”. Ừ! Dù mọi người có đi hết, vẫn còn ông ở lại với ta, vẫn còn ông hiểu được những gì ta nói, vẫn còn ông thấy được chỗ trọng yếu mà thiền đã nêu.

Tất cả mọi pháp môn đều tựu trung giúp người tu được chỗ rốt ráo, chính là rõ được tâm, thấy được tánh. Pháp môn nào cũng mang tính hàng phục vọng tâm, giúp tâm qui về một mối. Vì căn cơ của người đời có cạn sâu mà pháp thấy có khác nhau. Song chỗ đến thì không khác. THẾ GIỚI LIÊN HOA không ngoài tự tâm thanh tịnh của chính mình. GIẢI THOÁT SANH TỬ chính là nhận ra được bản chất của sanh tử. GIỚI LUẬT là để giúp người tu trừ bỏ tham dục và an định tự tâm. Tâm an định, trí tuệ mới phát triển, mới nhận ra được những gì cần nhận. Không niệm Phật, không giới luật mà ngay đó có thể an định tự tâm, trong định hiển tuệ, trong tuệ hiển định, giới luật tự nhiên đầy đủ thì không cần niệm Phật cũng không cần học giới. Mọi thứ đều qui tâm, chẳng thể từ ngoài mà được. Tiến hay thối là tự mình. Nhận được chỗ này, mới thấy thiền là con đường thẳng tắt. Tuy thẳng tắt nhưng không đủ căn cơ cũng không thấu được chỗ này. Đứng núi này trông núi nọ, một chút không vừa lòng đành đoạn bỏ ra đi ... là bởi không đủ tâm nhận cho thấu đáo, không đủ trí để biện thiệt hơn, không thấy rằng nghịch duyên chính là chỗ học đạo.

Nhận được rồi, dù 20 năm chưa sáng đạo, 50 năm chưa nổi danh, mình vẫn an lòng với những gì mình đã chọn. Mình vẫn xứng đáng để bậc tôn sư lên tiếng “Ta còn có ông mà!”. Ngày nào ông còn bên ta, trôi tròn trong từng công việc, chăm chút từng chút công phu, ngày đó mình vẫn xứng đáng để bậc tôn sư lên tiếng “Ta còn có ông mà!”.

THIỀN SƯ TRÍCH THỦY

Một lần thiền sư Nghi Sơn vào tắm, vì nước nóng quá nên sai đệ tử mang nước châm thêm. Trích Thủy pha nước xong, thuận tay hất nước thừa đi. Nghi Sơn không vui liền quở “Nhân địa tu hành, âm đức là bậc nhất, cớ sao không biết tiếc phước? Tuy là một giọt nước, tưới cây cây cũng hoản hỉ, tưới cỏ cỏ cũng hoan hỉ, nước cũng không mất giá trị của nó, vì sao không biết tiếc vật như thế?”. Cảm công đức chỉ dạy của thầy, sư mới đổi tên thành Trích Thủy. Trích Thủy có nghĩa là một giọt nước.

Thiền sư Trích Thủy do thừa kế gia phong nghiêm khắc của thầy, nên về sau khi tiếp đãi người học cũng rất nghiêm khắc. Thậm chí có lúc còn đánh người. Nhiều thiền tăng không hiểu được cơ phong của ngài, đều rút lui khỏi pháp hội. Chỉ có thiền sư Nga Sơn không chịu đi mà nói “Tăng có ba hạng. Bậc hạ lợi dụng tiếng tăm của thầy. Bậc trung thưởng thức lòng từ của thầy. Bậc thượng, mỗi ngày mỗi lớn mạnh dưới kiến chùy của thầy.

Thiền thấy có vẻ phóng khoáng nhưng thực ra giới luật rất nghiêm, việc làm cần cẩn trọng. Làm việc không cẩn trọng cho thấy tâm không có chánh niệm. Làm chuyện này mà nghĩ đến chuyện khác. Tâm không chuyên nhất thì việc sáng tâm khó mà thành công. Tâm không sáng thì tánh không thể thấy. Song không phải chỉ có thế, ngay cả việc dùng các vật dụng hằng ngày cũng phải cẩn thận chu tất. Vì sao phải cẩn thận chu tất? Thiền sư Sessan nói “Điều này không liên quan đến nghĩa cần kiệm ở thế gian mà phải nhận ra rằng phước đức không được phung phí”.

Ngày còn nhỏ tôi ít khi ăn cơm được ngon nên thấy cơm là tôi không thích. Thấy nó là tôi buộc miệng “Không còn món gì khác sao mà cứ cơm hoài zậy?”. Điều ấy vẫn xảy ra thường xuyên cho đến lúc tôi vượt biên và gặp nạn.

Đói, cơm trắng thơm ngút ngàn mà không thể mó vào được. Lúc ấy mới thấy hết giá trị của hạt cơm. Nó nhắc mình nhớ những lần chán cơm của mình. Cái quả của một ý nghĩ chán chường là như thế. Phung phí lại còn tồi tệ hơn.

Nhà giàu trước đây cũng như bây giờ thường phung phí những gì mình có. Tiền bạc, thức ăn, thời giờ, điện nước v.v... Công việc không cho phép họ quan tâm đến những việc nhỏ nhặt trong nhà. Người làm không có thì giờ để giữ gìn, bởi những thứ đó không do họ làm ra. Còn trẻ con thì không ý thức được sự tai hại của việc phung phí. Gà, chúng ăn nửa con và quăng nửa con vào thùng rác. Chúng vò chocolat thành từng cục để ném nhau. Chúng mở nước bỏ đó rồi đi, không bao giờ tắt điện, mặc dù nhiều nơi đang thiếu điện và nước.

Mẹ tôi rất giàu nhưng không bao giờ bà phung phí một hạt cơm. Bà gắng thu dọn thức ăn thừa, ít nhất là cho một người nào đó. Bởi bà từng chứng kiến quả báo hiện tiền của một gia đình giàu có. Sự phung phí phước đức đã khiến gia đình ấy lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thức ăn phải xin từng ngày. Ngay cả khi được người cho rồi, thức ăn vẫn không thể tới tay. Kết quả của sự phung phí phước đức là như thế.

Người ngoài đời, ít ai chú ý đến việc giữ lại một chút nước cặn trong xô cho việc tưới cây. Người nào có thái độ chú tâm kỹ càng như thế sẽ được nhìn với con mắt khắt khe khó chịu. Nhưng trong các thiền viện thời xưa, một chút nước thừa cũng không được phí. Một lần, Trích Thủy dùng giấy trắng lau nước mũi. Thiền sư Nghi Sơn hét thẳng thừng “Lỗ mũi ông quí lắm sao mà dùng giấy trắng lau mũi, thứ đó đâu phải dễ được. Ông thật là pháp tặc tổn đức, tu hành cái gì?”. Ngày nay mình dễ dàng phí phạm nhiều thứ vì nó quá thừa mứa với mình. Quên rằng, dùng chưa đúng chỗ còn bị gọi là pháp tặc tổn đức, huống là phí phạm. Trong Bạch Ẩn Thiền Định Ca, thiền sư Sessan nói “Theo quan điểm hiện thời thì có vẻ khó hiểu, nhưng những điều như thế có ý nghĩa sâu xa trong sự tu tập của các thiền sinh. Không chỉ nhìn nó theo mặt công dụng hay nguy hại, có lợi hay không có lợi theo nghĩa kinh tế, mà phải thâm nhập vào tận cốt tủy để khám phá ra cái diệu dụng và mật hạnh, phải tôn kính vì ánh sáng ẩn tàng trong đó”. “Cái diệu dụng và mật hạnh”, “Cái ánh sáng ẩn tàng trong đó” là gì, thì phải mỗi người tự tìm thấy trong chính mình. Nhưng thấy hay không thấy, thì một giọt nước cũng phải được quí trọng, một chén trà cũng không được bỏ đi. Thiền sư Đạo Nguyên không bao giờ bỏ phí nửa chén trà dù có một thác nước ngay bên cạnh. Thức ăn, vật dụng cũng không được bỏ phí. Đó là những gì mà người tu thiền cần phải quan tâm khi còn trong giai đoạn tu hành.

Tăng sinh nào hiểu được sự chăm chút kỹ lưỡng của thầy chỉ khiến ông nhọc tâm hơn là dửng dưng với mọi thứ, mới hiểu tâm lão bà tha thiết của bậc thầy. Thiền sư Trích Thủy đạt được nhiều thành quả to lớn nhờ sự giáo hóa nghiêm khắc của bậc tôn sư, nên đối với đệ tử, ông cũng làm như thế. Là mong mang đến cho đệ tử những gì mình đã từng nhận được của thầy từ sự nghiêm khắc. Chỉ những tăng sinh cảm nhận và đồng ý với những điều như thế, tăng sinh ấy mới có thể trưởng thành lớn mạnh dưới kiền chùy của bậc thầy.

HÃY NƯƠNG TỰA CHÍNH MÌNH

Thiền sư Phật Ấn cùng Tô Đông Pha đi dạo, giữa đường thấy tượng đá Quán Thế Âm. Phật Ấn lập tức chấp tay bái lễ. Tô Đông Pha hỏi “Quán Thế Âm là người để ta lễ bái, vì sao trên tay còn cầm xâu chuỗi niệm Phật. Vậy Quán Thế Âm niệm ai?”. Thiền sư Phật Ấn trả lời “Đó phải hỏi chính ông”. Tô Đông Pha ngây thơ “Sao con biết niệm ai”. “Thì niệm Quán Thế Âm chứ ai”. “Vì sao lại phải niệm mình?”. “Bởi cầu người không bằng cầu mình”.

Cầu người không bằng cầu mình. Bởi mọi thứ sạch, dơ, hay, dở ... đều từ mình mà ra, không phải chư Phật có năng lực ban phát hay hóa giải được mọi thứ cho mình. Niệm Quán Thế Âm chính là niệm Quán Thế Âm của chính mình. Một khi vọng niệm của mình tóm qui về một chỗ, lòng từ của mình được phát huy, mọi công đức huân tập trước đây sẽ hiển lộ. Nguy nan, tai họa, sông nước bị đẩy lùi.

Tuổi thơ và trong giai đoạn trưởng thành, câu niệm Phật gắn liền với từng suy nghĩ của tôi. Tôi đã hướng về ngài với tất cả lòng thành kính của mình. Không phải chỉ khi có tai họa mà ngay cả trong những giấc mơ cũng có câu niệm Phật. Niệm rất chuyên cần và thuần thục.

Từ lúc tu thiền, câu niệm Phật gần như không đụng đến. Một phần pháp biết vọng không cho phép tôi nuôi niệm, dù chỉ là niệm Phật. Một phần gặp ma trong giấc mơ, câu niệm Phật không còn tác dụng. Tôi càng niệm nó càng rịt chặt lấy tôi. Chỉ khi tôi ngưng niệm và nhiếp tâm trở về không, mọi thứ mới được hóa giải. Hành động ấy tác dụng rất mạnh trong các giấc mơ nên theo thói quen, hễ gặp ma là tôi lại bình thản sử dụng tâm không. Ma cứ thế mà lặng lẽ ngang qua như tôi không hề có mặt.

Với những nghịch cảnh, mình dễ tỉnh trí để đối phó, nhưng với những cảnh vui vẻ thoải mái, mình chết chìm. Vì thế cảnh ma trong mơ thì trị được, mà những thứ thuận ý vừa lòng hiện đời thì đầu hàng, đừng nói là những thứ mơ mơ màng màng trong giấc ngủ. Cho nên, cái đáng tỉnh là thuận duyên chứ không phải nghịch duyên. Nghịch duyên, không muốn tỉnh cũng không được. Không tỉnh thì khổ. Vì thế phải tỉnh mới thoát khổ. Còn thuận duyên thì không mang lại cái khổ cho mình, nên mình không muốn tỉnh để thấy ngay trong cái vui đã sẵn có cái mầm của khổ nạn.

Con bé dễ thương nói với tôi “Cứ ai nói với con họ hoàn toàn hài lòng về những gì họ đang có là y như rằng họ sẽ gặp một chuyện gì đó bất hạnh liền sau. Con luôn cảm thấy trong sung sướng hạnh phúc, luôn sẵn có cái gì bất ổn. Nó làm con sợ hãi”. Không có trí tuệ, không thể thấy được những thứ như thế. Vô thường luôn chi phối mọi thứ ở thế gian. Song nếu trí ấy được bảo tồn bằng công phu thiền định trong hiện tại, mình sẽ bình thản được với mọi thứ. Không phải sợ hãi về những điều mình đã nhận thấy đó.

Không phải sự hài lòng nào cũng đưa đến sự bất hạnh liền sau. Hài lòng mà do tâm thái biết đủ của người biết đạo thì đó là loại hài lòng rất tốt. Hài lòng chỉ trở thành bất hạnh khi mình quên đi những việc phước đức trong hiện tại. Mình bó rọ hạnh phúc của mình trong gia đình và người thân mà quên đi nỗi khổ đau của người khác. Mình có thái độ phung phí những gì mình đang có. Nỗi bất hạnh mới liền sau.

Sự hài lòng còn biểu hiện cho thái độ chấp thủ. Vui mà chấp thủ thì khổ sẽ liền kề. Vì sao? Vì tâm mình vốn không. Nó như quả lắc đồng hồ đứng ngay vị trí của nó. Một khi bạn vui, tức bạn đẩy quả lắc ấy về một phía. Đương nhiên theo quán tính, bạn sẽ nhận được một thứ theo chiều ngược lại. Vui và buồn, sanh và tử là những thứ thường tình ở cuộc đời này. Nó đến có đôi và đi cũng có đôi. May mắn đến mà bình thản, bất hạnh đến mới bình yên. May mắn đến mà vui thì bất hạnh đến nhất định thấy khổ. Đã sanh thì biết có ngày phải chết. Nếu muốn sanh mà còn hoài thì chết đương nhiên thấy khổ. Chữ MUỐN đó, tức muốn trong hoàn cảnh đó, là đầu mối của nguy nan. Chỉ khi “Sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ” thì sanh sanh tử tử mới không là gì. Mọi thứ đều tự nơi mình.

Đời người là một chuỗi nhân quả nhân quả nối tiếp nhau. Gây một nhân thiện, gặt một quả tốt. Gây một nhân ác, gặt cái quả chẳng lành. Nhân nào đủ duyên sẽ cho ra cái quả của nhân đó. Quả này gặt đủ thì quả khác trổ ra. Cứ vậy mà thành toàn bộ đời sống một con người. Vì thế Phật Tổ chỉ tập trung dạy người làm lành tránh ác. Tùy căn cơ mà cái thiện này có cạn sâu. Bạch Cư Dị hỏi thiền sư Ô Sào “Thế nào là căn bản của Phật pháp?”. Thiền sư trả lời “Các ác chớ làm, vâng làm điều thiện”. Bạch Cư Dị nói “Câu này con nít 3 tuổi cũng thuộc”. Ô Sào nói “Con nít 3 tuổi cũng thuộc nhưng ông lão 80 làm chưa rồi”. Quan trọng là ở một chữ LÀM. Làm một việc thiện chính là gieo một nhân thiện, đủ duyên sẽ gặt một quả thiện. Một hành động thiện cho ra một hoàn cảnh thiện. Mình nghe pháp, sướng lỗ tai với những lý thuyết cao siêu mà làm toàn chuyện động trời, không bằng nghe những điều thiện tầm thường rồi áp dụng nó vào đời sống của mình. Bởi đó chính là cái nhân để mình có một hoàn cảnh tốt đẹp trong tương lai. Mình là kẻ gieo nhân và thừa hưởng cái quả của những nghiệp nhân đó. Không ai có thể quyết định thay cho mình. Vì thế, thiền sư Phật Ấn nói “Cầu người không bằng cầu mình”.

PHẢI VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

Bạch Vân Thủ Đoan lúc ở chỗ thiền sư Dương Kỳ, tham thiền đã lâu mà không ngộ. Dương Kỳ rất quan tâm, muốn dùng phương tiện khai đạo cho Đoan bèn hỏi “Ta nghe nói thầy ông trước đây là Trà Lăng Úc do té mà đại ngộ, có làm một bài kệ, ông biết không?”. Thủ Đoan gật đầu và đọc bài kệ. Bài kệ vừa dứt, Dương Kỳ cười lên quái lạ.

Nghe tiếng cười, Thủ Đoan không ăn cơm, cả đêm ngủ không được. Hôm sau liền đến pháp đường hỏi Dương Kỳ “Vì sao nghe bài kệ xong thầy liền cười?”. Dương Kỳ không trả lời mà hỏi “Hôm qua ông có thấy tên hề trước tự viện chăng?”. “Dạ thấy”. Dương Kỳ gật đầu “Thật tình ông không bằng tên hề ấy chút nào. Tên hề mong sao được người khác cười mình, còn ông lại sợ người khác cười”.

Kệ không phải của mình, người phát ra tiếng cười cũng không phải kẻ thấp hơn mình, chính là thầy dạy của mình, vậy mà Thủ Đoan ăn không được, ngủ không yên. Chỉ vì một chút “Còn ông lại sợ người khác cười”.

Mình học đạo mà tâm không thể sáng vì không phá được loại tâm chấp ngã này. Không phải chỉ học đạo, mà học thứ gì cũng vậy. Một khi không thắng được cái sợ người cười đó, mọi việc đều đình trệ. Không biết mà không dám hỏi thì học không tiến. Chướng mà không dám hỏi, có khi là tu sai. Vậy mà thứ gì mình cũng che đậy. Một cảm giác che đậy lạ lùng. Rất sợ người khác cười mình. Rất sợ người khác thấy những khiếm khuyết của mình, sợ người cho mình sai. Chỉ thích trình những thứ mình cho là tốt ... Sợ rất nhiều thứ vô cớ mà không một lần nhìn lại tìm xem cái gì khiến mình như thế, cái gì khiến mình rơi vào tình trạng vo tròn trong một cái vỏ ốc, không hề tìm cách chui ra.

Chính cái TÔI. Phật Tổ gọi là NGÃ TƯỚNG. Cái tôi ấy không có gốc, chỉ là một thứ được nhóm họp và huân tập từ bao đời. Vì huân tập đã lâu nên nó có lực khiến mình như thế. Nó có khuynh hướng bọc chặt những thứ mà nó cảm thấy thua thiệt với người đối diện. Mình rất sợ người ta thấy mình trong một cái đầu thiếu thông minh hay trong một bộ dạng không tốt. Khi buồn, tôi đóng chặt cửa phòng, không muốn nhìn thấy ai cũng không muốn ai nhìn thấy mình. Có thể trong trạng thái một mình yên lắng, tôi tìm thấy sự bình an và nỗi buồn qua đi nhanh chóng. Nhưng sâu xa hơn, tôi không muốn người ta thấy tôi buồn. Tôi không muốn người ta nhìn thấy bộ dạng thỉu não của tôi. Tôi phải cười để mọi người thấy tôi vui, dù cái không vui đã lộ hẳn ra ngoài, chỉ mỗi mình mình là không biết. Mình không biết thành mình cứ tìm cách che đậy. Mình không thể tự nhiên như thiền sư Bá Trượng “Vừa rồi khóc, bây giờ cười”.

Không phải chỉ mình tôi mà hình như với rất nhiều người, ở nhiều lãnh vực khác nhau, đều như thế. Mặc một chiếc áo vượt quá túi tiền, xây một căn nhà dù phải đổ nợ, biết một nói hai, được ít nói nhiều, không biết nói biết, trở thành kẻ huênh hoang sáo rỗng chỉ vì không muốn phô bày một sự thật không muốn phô bày.

Những năm đầu mới đến Thường Chiếu, tôi có rất nhiều thắc mắc muốn hỏi Thầy. Song câu hỏi được chuẩn bị luôn đi kèm với một mớ gì khác không rõ ràng. Câu này chằng chịt câu kia. Xuất hiện thêm những thứ đi kèm đó vì mình hỏi mà mình sợ người thấy mình ngu. Chuẩn bị đâu đó rồi, thầy đến sát mặt rồi, mình cũng nín thinh cho qua chuyện. Bởi mình sợ. Một cái sợ không có nguyên do, không trình tin tức.

Võ Tắc Thiên đời Đường nói “Ta chỉ thực sự là ta khi ta tắm”. Việc tu hành cũng như thế. chỉ khi ta cởi bỏ được những thứ che đậy bên ngoài, ta mới nhận được cái thân chân thật của chính ta. Thiền sư Suzuki nói “Ta cất nhà qui mô đồ sộ vượt hẳn mức cần dùng là cốt khoe của, khoe địa vị xã hội và uy quyền chính trị, Nhưng đó toàn là những món thêm thắc rởm, thật sự không làm cho cốt người của ta cao lớn thêm tí nào”. Thứ gì không phải là mình, nó không thể làm mình khá hơn, có khi còn khiến mình trở thành tên ngốc trước mặt mọi người. Ngốc vì mình cứ cố che đậy những thứ mà mình tưởng che đậy được. Ngốc vì mình đã đặt lên vai một gánh nặng không cần thiết. Thử một lần thành thật với chính mình và với mọi người, vô tư trình hiện xấu tốt, mình sẽ thấy khỏe khoắn biết bao. Vì sao cứ phải là một con người giỏi giang mà không là một kẻ tầm thường và ngu tối? Vượt được một lần, mình mới có thể vượt qua lần hai, lần ba và còn vô số lần để vượt qua nữa. Không thì mọi thứ cứ bị bọc chặt trong một cái vỏ. Nó quấn lấy mình, ngày một cứng. Mình sẽ ra sao trong tương lai khi tâm mang tính huân tập và lưu giữ rất mạnh? Chiếc vỏ càng cứng, đập vỡ càng khó. Tu càng lâu, đạo càng xa. Vì thế, cố gắng vượt qua những thói hư tật xấu, nhưng không nên dính mắc vào xấu hay tốt. Không dính mắc thì mình mới có thể phá bỏ nó hoàn toàn.

Học thiền mà bị sư phụ chê một câu “Không bằng một tên hề” thì thật là tối tăm mày mặt. Song vì thủng tai được với những câu nói như thế nên sau này Thủ Đoan là chủ của núi Bạch Vân, là thầy của thiền sư Pháp Diễn nổi tiếng lúc bấy giờ.

HOÀNG ĐẾ GOYOZEI

Hoàng đế Goyozei theo học thiền với thiền sư Gudo. Ông hỏi “Bạch thầy, thiền nói tâm này chính là Phật. Có đúng không?”. Gudo đáp “Nếu tôi bảo đúng thì ngài sẽ nghĩ rằng ngài hiểu mà không hiểu. Nếu tôi nói không thì tôi phản lại một sự thật mà nhiều người đã biết hoàn toàn”. Một ngày khác, hoàng đế lại hỏi “Người giác ngộ đi đâu khi chết?” Gudo trả lời “Tôi không biết”. Hoàng đế hỏi tiếp “Vì sao Thầy không biết”. “Vì tôi chưa chết’. Hoàng đế còn phân vân nhiều thứ mà ông chưa thể nào một lần hiểu hết. Gudo đập tay lên bàn và hoàng đế giác ngộ.

Sau khi giác ngộ, hoàng đế kính trọng thiền và ông già Gudo hơn nữa. Khi hơn 80 tuổi, Gudo thường ngủ gục trong lúc dạy, và hoàng đế im lặng rút lui để người thầy kính yêu của ông có thể hưởng được những gì còn lại mà tấm thân già của Gudo đòi hỏi.

Thời gian đầu tôi không hiểu lắm về những gì thiền sư Gudo đã nói với đệ tử. Tôi không biết THIỀN là thứ để chiêm nghiệm không phải để giải thích. Một sự giải thích quá rõ ràng thường biến đệ tử thành những con vẹt biết nói hơn là truyền thiền cho họ. Tôi không biết sự thoái thác của ông là phương tiện giáo hóa tuyệt vời của một bậc thầy : Đẩy hết mọi thứ về phía người học, là để họ tự tìm và bật ra cái trí của chính mình, không hẳn chỉ vì ông không trí. Ngày ấy tôi không hiểu được những điều như thế. Song tôi rất thích câu chuyện vì tôi yêu quí Gudo.

Ông không có phong cách dữ tợn hùng hồn như Vân Môn hay Đặng Ẩn Phong. Ông nhẹ nhàng và thành thật. “Tôi không biết, vì tôi chưa chết”. Ông không huênh hoang về những gì mình chưa trải qua. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế. Ông thành thật với chính mình và với đệ tử. Ông ít quan tâm đến hình thái bên ngoài. Khi cần ông đập tay xuống bàn. Muốn ngủ ông gục đầu xuống ngủ. Không có hình thức “thánh nhân” nào hiện diện nơi ông. Cũng không cần tạo cho mình một hình thái thánh nhân. Ông đích thực là một con người bằng xương bằng thịt. Có thể chính cái chất người đó là thứ khiến tôi cảm thấy gần gũi và yêu thích. Có thể sự nhẹ nhàng của ông là chỗ bù đắp sự yếu đuối của tôi. Song một người có thể làm cho người khác giác ngộ, nhất định không phải kẻ tầm thường. Chính vì vậy, tôi yêu quí Gudo.

Tôi kính trọng sự tử tế chân thành của hoàng đế Goyozei đối với bậc thầy của mình. Ngày nay tinh thần tôn sư trọng đạo không được như xưa. Ngoài đời, trò mắng thầy, phụ huynh đánh cô giáo. Trong đạo, mình soi rọi lỗi của thầy nhiều hơn là soi chiếu lại bản thân. Một chút không vừa lòng, liền thành kẻ đối đầu. Ít ai quan tâm mình đã nhận được gì ở bậc tôn sư, mà thường tìm cho được một ông thánh ở trần gian để nương tựa. Điều đó hoàn toàn tốt. Nhưng quá đà một chút, mình dễ trở thành kẻ lang thang không thầy. Không như Goyozei, quí trọng cả những việc được cho là tầm thường dưới mắt người đời. Gudo thường ngủ gục trong lúc dạy, và hoàng đế im lặng rút lui để người thầy kính yêu của mình có thể hưởng được những gì còn sót lại của tấm thân già. Có lẽ, vì Goyozei đã giác ngộ. Sự giác ngộ do chính Gudo mang đến.

http://thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2956:giaithoaithien&catid=22:phap-l&Itemid=361

Âm lịch

Ảnh đẹp