Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát
với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất
của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ
cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy
nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người
chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
Cuối cùng thì bà được một người hành hương tốt bụng truyền cho một câu
thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu thần chú gồm có sáu chữ Om Ma Ni
Bay May Hôm(1) được gọi là Lục Tự Đại Minh Chú, có thể dùng để giải trừ
những nghiệp chướng. Tội nghiệp cho bà già thôn dã đã dốt nát lại không
biết chữ, trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ
lộn cách phát âm trở thành Om Ma Ni Bay May Khuya.
Để khích lệ cho việc đọc câu kinh sám
hối này, bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để
đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một
hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không
đã đầy đậu thì bà làm ngược trở lại. Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành
tâm tụng niệm suốt 30 năm. Lòng thành kính của bà đã ứng hiện cho nên
sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấu, cứ một
câu thần chú vừa được phát âm ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái
chén bên cạnh. Bà lão thấy những hạt đậu tự động nhảy nhót, cộng hưởng
với âm điệu của câu thần chú thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường và
giai đoạn sám hối sắp sửa chấm dứt cho nên bà càng phấn khởi tụng niệm
hăng say hơn nữa.
Hôm nọ có vị cao tăng từ Tây Tạng vân du
qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh lụp sụp của bà, nhà sư thấy có
ánh hào quang tỏa ra rực rỡ. Vị cao tăng này lấy làm kinh ngạc, ông
nghĩ rằng bên trong chiếc lều tranh thế nào cũng có một vị chân tu đắc
đạo. Ông vội vã ghé vào thăm hỏi. Bà lão lấy làm vui mừng khi thấy vị
cao tăng đến thăm, bà quì xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục
lẩm bẩm câu thần chú Om Ma Ni Bay May Khuya. Vị cao tăng lấy làm ngạc
nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát
xuất từ nơi đâu? Ông lần lần hỏi thăm:
-Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi? Ở đây còn có ai khác nữa không?
-Thưa ngày, ở đây chỉ có một mình tôi sống cô độc hơn 30 năm nay. Bà lão đáp.
-Thật tội nghiệp, bà ở một mình chắc buồn lắm nhỉ?
-Không đâu, tuy chì ở một mình, nhưng
hàng ngày tôi tu hành và tụng niệm kinh sám hối để kiếp sau có thể hưởng
được nhiều phúc đức của kiếp này, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn
khổ. Nhất là từ lúc được một người hảo tâm chỉ cho cách tu luyện thì
tôi càng có can đảm để sống hơn.
-Bà đang tu luyện kinh sách nào vậy?
-Ồ, tôi không biết chữ, cho nên chỉ tụng niệm duy nhất một câu thần chú Om Ma Ni Bay May Khuya.
Nhà sư thở dài tiếc nuối:
-Bà lão ơi, bà đã đọc sau câu thần chú đó rồi, phải phát âm là Om Ma Ni Bay May Hôm mới đúng.
Đến lúc này thì bà lão mới biết là đã
đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm. Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn
trọng đại này, như vậy thì công trình 30 năm tụng niệm coi như se cát
biển đông. Tuy nhiên bà cũng cảm ơn sự cải chính của nhà sư:
-Dù sao thì ngài cũng đã đính chính kịp
lúc, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai mà không biết cho đến bao giờ
mới điều chỉnh đúng được.
Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con
đường truyền đạo của ông. Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của
bà mà lần này với câu thần chú mới. Om Ma Ni Bay May Hôm. Thế nhưng tâm
tư của bà còn hỗn độn vì sự việcc vừa rồi cho nên ý chí của bà không
được tập trung. Mỗi câu thần chú của bà đã không còn làm cho những hạt
đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa
tụng niệm mà nước mắt ứ tuôn rơi, bà thầm tiếc cho công trình ty luyện
hơn ba mươi năm như trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.
Nhà sư đi được một đỗi xa, ông ngoái đầu
nhìn lại thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Bây
giờ túp lều tranh hiện hình dốt nát mà lại âm u buồn bã. Nhà sư giật
mình và nghĩ rằng chính ông đã làm hại người Phật Tử này không còn tập
trung được tư tưởng như lúc trước. Ông vội vã trở lại túp lều tranh và
nói với bà lão rằng:
-Lúc nãy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.
-Nhưng tại sao sư phụ lại dối gạt tôi như vậy?
-Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà
đối với Tam Bảo (2) như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau, bà cứ tiếp tục
tụng niệm y như cũ là phải phép rồi.
-Cám ơn Phật, vậy mà con cứ tưởng rằng công lao 30 năm tụng niệm đã trôi theo dòng nước, đa tạ sư phụ chỉ điểm.
Sau khi nhà sư ra đi, bà lão lại tiếp
tục công việc tụng niệm, mỗi một câu Om Ma Ni Bay May Khuya được niệm ra
thì tâm hồn bà rộn rã tươi vui và một hạt đậu tự động nhảy sang cái
chén bên cạnh. Nhà sư đi lên đến đỉnh núi ông ngoái đầu nhìn trở lại
thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão đã làm sáng rực
cả một góc trời.
Trên đây là một câu chuyện đã được lưu
truyền rất rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, tôi chỉ sửa đổi lại một
vài chi tiết nhỏ. Nhớ lại lần đầu tiên khi đọc xong câu chuyện này tôi
rất lấy làm cảm động. Cảm động vì tấm lòng thành kính của bà lão đối với
Tam Bảo. Câu chuyện này nói lên rằng âm điệu của thần chú tuy quan
trọng, thế nhưng lòng thành kính, sự tín ngưỡng, và ý chí chân thành
trong lúc niệm thần chú còn quan trọng hơn nhiều.
Thật ra sáu chữ trong Lục Tự Thần Chú
này khó có thể lấy một từ ngữ nào để diễn đạt cho được trọn vẹn ý
nghĩa. Miễn cưỡng thì ta có thể hiểu được đại ý là “Cầu xin tự tâm
thanh tịnh, Liên Hoa Phật nở rộ trong lòng”. Từ chỗ này chúng ta thấy
rằng triết lý nhà Phật luôn cho rằng khi muốn tâm hồn đạt được sự thanh
tịnh, tất cả phải do sự tự phát từ đáy lòng của con người mà ra. Khi bà
lão tụng Lục Tự Thần Chú, tâm địa của bà trong sạch, quang minh lỗi
lạc như bầu trời không vướng bận một áng mây, vì vậy mà cách phát âm
đúng hay sai của câu thần chú lúc đó không còn là một yếu tố quan
trọng. Dĩ nhiên, đối với những người phàm phu tục tử chúng ta khi mà sự
chân thành tôn kính chưa đạt đến một trình độ có thể làm cho những hạt
đậu nhảy được thì âm điệu chính xác của thần chú và kinh kệ hãy còn là
một qui luật phải được thực thi đúng đắn.
Hiện nay Lục Tự Thần Chú của Quán Thế Âm
Bồ Tát đã trở thành một câu chân ngôn được phổ biến rộng rãi trong thế
giới Phật Giáo. Tuy nhiên rất ít người biết được nguồn gốc của câu thần
chú này. Nếu như chúng ta biết được rằng Lục Tự Thần Chú đã nở ra từ
hàng ngàn mảnh xương sọ của Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn chúng ta sẽ
ngạc nhiên và rúng động hơn nữa.
Quán Thế Âm Bồ Tát là một đệ tử của đức
phật A Di Đà, ngài đã phát nguyện trước đức Phật Đà một lời thề vĩ đại:
“Tận hết sức lực, thần thông để phổ độ tất cả chúng sinh. Nếu như còn
một chúng sinh nào chưa được siêu thoát, đệ tử sẽ quyết không thành
chánh quả. Nếu như tất cả chúng sinh chưa siêu thoát mà đệ tử nửa đường
bỏ cuộc, thì xương sọ của đệ tử sẽ nứt vỡ thành muôn ngàn mảnh.”
Sau khi lập xong lời trọng thệ, Quán Thế
Âm Bồ Tát đã ứng hiện tất cả mọi thần thông, háo thân thành trăm, ngàn,
vạn hình hài cứu độ được vô số chúng sinh. Trải qua vô lượng kiếp luân
hồi, chúng sinh được độ đã nhiều như Hằng hà sa số (3). Thế nhưng khi
nhìn lại thế gian, ngài vẫn thấy hãy còn thiên vạn chúng sinh đang ngụp
lặn trong si mê, trầm luân, trụy lạc; vẫn hãy còn vô số chúng sinh đang
chịu những khổ nạn tai ách; và những chúng sinh đang tạo ác nghiệp cũng
động như cỏ kiến. Từ đó ngài suy diễn ra, nếu cứ tiếp tục luân hồi mãi
mãi, thì nỗi đau đớn của chúng sinh sẽ còn tái diễn liên miên, sự việc
độ trì chúng sinh do đó sẽ không bao giờ chấm dứt. Nghĩ đến đây, Quán
Thế Âm Bồ Tát cảm thấy phiền não. Ngài nghĩ rằng: “Cái khổ của chúng
sinh là do chúng sinh mà ra. Khi thế gian còn tồn tại thì nỗi khổ của
chúng sinh sẽ không bao giờ chấm dứt mà ta thì sẽ không bao giờ độ cho
hết được. Lời thề ngày nào là do ta tự làm khổ lấy ta thôi. Nếu như đối
với chúng sinh không có ích lợi, thì ta còn kiên trì với lời thề làm
chi?”
Thương thay, khi ý nghĩ thối lui của
Quán Thế Âm Bồ Tát vừa chợt xuất hiện thì lời thề của ngài tức thì phản
ứng. Xương sọ của ngài tự nhiên nứt vỡ thành muôn ngàn mảnh, tản mác ra
như một đóa hoa sen trăm cánh. Đồng thời Phật A Di Đà cũng từ trong
chiếc sọ rạn nứt này hiện thân (4) ngài nói với Quán Thế Âm Bồ Tát rằng:
“Thiện tai Quán Thế Âm, lời thề không
thể bỏ, nuốt lời là đại tội. Những việc thiện trước đây, đều trôi theo
dòng nước. Khuyên ngươi tiếp tục tu, nguyện ước tự nhiên thành. Tam thế
cùng thập phương (5), chư Phật cùng Bồ Tát, sẽ hết sức giúp cho, thành
công đã đến gần”.
Sau đó Đức Phật A Di Đà đã truyền cho
ngài khẩu huyết Lục Tự Thần Chú. Quán Thế Âm Bồ Tát sau khi nghe niệm
Lục Tự Chân Ngôn, ngài đạt được đại trí tuệ, sinh đại giác ngộ, và tiếp
tục giữ lấy lời thề mà không lùi bước. Chúng ta biết rằng Quán Thế Âm Bồ
Tát Đại Từ Bi, là vị Bồ Tát có thiên thủ thiên nhãn, cứu khổ cứu nạn,
linh cảm, linh ứng. Lực lượng của ngài có được là nhờ vào quyền năng Lục
Tự Chân Ngôn của Phật A Di Đà truyền cho. Cũng từ sự tích này mà Lục Tự
Chân Ngôn còn được gọi là Quán Âm Tâm Chú.
Đây là một huyền thoại rất cảm động, não
bộ nứt ra trăm ngàn mảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát nở thành đóa hoa sen
ngàn cánh. Đó chính là sự tượng trưng đẹp đẽ nhất của Lục Tự Chân Ngôn.
Trong số chúng sinh chúng ta, có bao nhiêu người nuôi được ý chí hủy
hoại thân xác phàm trần hiện hữu thành tro bụi để nuôi dưỡng cho một đóa
hoa sen được ung dung nở trong tim óc mọi người.
Nhớ lại lần đầu tiên khi nghe xướng âm
Lục Tự Chân Ngôn, thanh âm trầm hùng, trang nghiêm đơn thuần, thanh tịnh
đó đã khiến cho tôi cảm động rơi nước mắt. Có thể nói rằng trên thế
gian không có một thanh âm nào dõng dạc, tràn đầy lực lượng như câu thần
chú này. Thật là:
Một tấm lòng trong sáng,
Hoa sen nở rộn ràng,
Sen nở vùng đất sạch,
Trên ngự một Như Lai.
Chú thích:
(1) Om Ma Ni Bay May Hôm: câu thần chú
trên đây đã được phổ biến rộng rãi trong thế giới Phật Giáo, nhất là
trong phái Mật Tông vùng Tây Tạng. Câu thần chú này đã được phiên âm ra
Việt Ngữ là Án Ma Ni Bát Mê Hồng. Người ta luyện câu thần chú này như
một phương thức rèn luyện nội công thiền định. Trước hết, tìm một nơi
không khí lưu thông, đứng thẳng người, hai tay lật ngửa để ngang bụng,
bàn tay trái đặt trên lòng bàn tay phải. Bắt đầu hít vào lồng ngực một
hơi thật dài, khi lồng ngực đã chứa đầy dưỡng khí thì mở miệng thở từ
từ, đồng thời phát ra âm thanh om và tưởng tượng như luồng chân khí đang
ở đỉnh đầu, kế tiếp theo phát âm ma và cố gắng đưa luồng hơi xuống đến
mũi. Tiếp theo đến âm ni thì luồng hơi được chuyển xuống đến cổ họng.
Tương tự đến âm bay thì luồng hơi được đưa đến lồng ngực, âm may thì
chân khí trong người đã được đưa đến đan điền (bụng), tiếp tục đến âm
hôm thì luồng hơi được chuyển đến hậu môn và thoát ra bên ngoài cơ thể.
Nên nhớ là trong lúc sáu chữ trong câu thần chú này được phát âm thì
luồng hơi của cơ thể đang ở trong trạng thái thở ra. Sau đó, sự tập
luyện bắt đầu tái diễn bằng cách hít hơi vào lồng ngực…Với hình thức vừa
đọc thần chú vừa vận dụng đưa làn hơi trong người tuần hoàn khắp châu
thân rồi thoát ra ngoài cơ thể sẽ khiến cho cơ thể con người được giữ ở
một trạng thái sạch sẽ và minh mẫn. Những lúc cơ thể mệt mỏi hoặc tinh
thần cảm thấy bồn chồn không được an tâm, quý vị có thể thực hiện như
lời chỉ dẫn trên đây để lấy lại được sự bình thản trong tâm hồn.
(2) Tam Bảo: Phật Pháp Tăng gọi chung là
Tam Bảo. Phật tượng trưng cho từ bi chánh nghĩa. Pháp là lời của Phật
dạy hay còn được ghi chép lại thành kinh điển. Tăng là người tu hành, có
nhiệm vụ diễn dịch và giảng dạy những ý nghĩa trong kinh điển cho tín
đồ.
(3) Hằng hà sa số: Hằng Hà là tên một
con sông lớn của xứ Phật Ấn Độ. Hạ lưu dòng sông này cũng là nơi Phật
Giáo khai sinh và phát triển. Phù sa sông Hằng nhiều vô số kể và đã nuôi
dưỡng không biết bao nhiêu dân chúng Ấn Độ. Vì vậy kinh điển Phật Giáo
thường dùng số lượng phù sa của sông Hằng để nói lên cái số nhiều không
đếm xuể được.
(4) Hiện thân A Di Đà Phật: Từ sự tích
trên đây, mà bây giờ những hình tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát đều đội
mão, và chính giữa chiếc mão có một tượng Phật A Di Đà. Đây cũng là cách
nhìn vào để phân biệt giữa Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.
(5) Thập phương: từ chữ thập phương thế
giới, thập phương chỉ đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc,
tây bắc, trên và dưới. Phật Giáo chủ trương có thập phương vô số thế
giới gọi là Thập phương thế giới. Trong số thế giới đó có chư Phật và
chúng sinh nên còn gọi là Thậop phương Chư Phật và Thập phương chúng
sinh